Ml 3,1-4; Hr 2,14-18; Lc 2,22-40
Thời gian từ lễ Giáng Sinh đến lễ Đức Mẹ dâng Đức Chúa Giêsu vào Đền thờ hôm nay là 40 ngày. Theo luật Môsê, các bà mẹ sau khi sinh con một thời gian, phải lên Đền thờ Giêrusalem để làm lễ thanh tẩy, nếu sinh con trai thời gian thanh tẩy là 40 ngày nếu sinh con gái, thời gian thanh tẩy là 84 ngày. Bà mẹ đem đến cho vị tư tế một con chiên một tuổi, một con bồ câu non hoặc chim gáy để làm lễ xá tội và thanh tẩy. Nếu không có điều kiện tài chính, có thể dâng một đôi bồ câu hoặc đôi chim gáy (x. Lv 12, 6-8). Cùng với nghi thức thanh tẩy người mẹ, các con trai đầu lòng còn phải được cha mẹ hiến dâng cho Thiên Chúa, rồi chuộc lại con bằng 5 se-ken bạc (x. Xh 13,2.12.15; 13,13; 34,20). Nghi thức hiến dâng con trai đầu lòng nhắc nhớ dân Israel biến cố trong đêm xuất hành: Thiên thần của Thiên Chúa đã giết chết các con trai đầu lòng của dân Ai Cập, trong khi các con trai đầu lòng của dân Israel thì được tha.
Đức Maria và thánh Giuse tuân giữ đúng theo những gì luật Môsê truyền dạy. Hai ngài đã lên Giêrusalem để làm lễ thanh tẩy và dâng tiến Hài Nhi. Trong trình thuật Tin Mừng, thánh Luca không chú ý vào nghi thức thanh tẩy người mẹ, nhưng tập trung vào sự việc Hài nhi Giêsu được hiến dâng cho Thiên Chúa theo luật Cựu Ước. Dưới cái nhìn của thánh Luca, việc Đức Maria dâng Đức Giêsu vào Đền thờ ứng nghiệm lời tiên báo của ngôn sứ Malakhi chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ nhất:
“Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt ta. Bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người” (Ml 3,1).
Chúa đã đến trong Đền thờ của Người, nhưng đã có bao nhiêu người có thể nhận biết biến cố cứu độ này? Quả thật, khó có ai có thể nhận biết được Hài nhi ấy chính là con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ, bởi vì Đức Giêsu đã mặc lấy hình hài con người và tuân giữ mọi Lề luật Cựu Ước như mọi người Do Thái khác.
Dưới sự tác động của Thánh Thần, ông Simêon và bà Anna được xem như là những ngôn sứ của Chúa đã giới thiệu Đức Kitô, Đấng mang ơn cứu độ không chỉ cho Israel mà còn muôn dân tộc. Ơn cứu độ phổ quát này được biểu lộ qua sấm ngôn của cụ già Simêon.
“Chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân :
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en dân ngài”
Qua những lời của cụ già Simêon nói với Đức Maria, thánh Luca cũng hé mở cho chúng ta biết sứ mạng cứu độ của Đức Kitô sẽ phải đối diện với sự chống báng, đồng thời cũng tiên báo cuộc khổ nạn. Công trình cứu độ khởi đầu nơi việc Nhập thể của Con Thiên Chúa sẽ được hoàn tất bằng cái chết và sự phục sinh của Người. Khi “trở nên giống anh em mình về mọi phương diện” (Hr 2, 17), kể cả việc được hiến dâng vào Đền thờ theo Luật Môsê, Đức Kitô được giới thiệu là Đấng sẽ hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa Cha để trở nên căn nguyên cứu độ mọi người. Thư gửi tín hữu Hípri trong bài đọc II nói với chúng ta rằng “vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ,” nên Đức Kitô đã có thể cứu độ chúng ta.
Được đọc mỗi ngày vào giờ Kinh tối, những lời của cụ già Simêon nhắc nhở chúng ta Đức Kitô là ánh sáng cho trần gian, là đường dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa.
Lễ dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ còn được gọi là Lễ Nến. Theo truyền thống, Giáo hội thường làm phép những cây nến và mọi người cầm nến sáng tiến vào thánh đường như một cuộc đón rước Chúa GIÊSU là ánh sáng của muôn dân. Thánh Xốp-rô-ni-ô, Giám Mục đã diễn tả ý nghĩa của nghi thức này trong bài đọc II Kinh Sách ngày hôm nay, với những lời lẽ như sau:
“Chúng ta tiến bước, đèn sáng trong tay, chúng ta hăm hở đi tới, mang theo đèn sáng để nói lên rằng ánh sáng đã chiếu soi chúng ta và ánh sáng đó sẽ làm cho chúng ta nên rạng ngời. Nào mau lên, tất cả chúng ta cùng nhau ra đón Chúa. Người là ánh sáng thật đã đến, ánh sáng chiếu soi mọi người sinh ra trên thế gian. Vậy, thưa anh em, mọi người chúng ta hãy đón nhận ánh sáng và hãy toả sáng.”
Nghi thức rước nến này cũng nhắc cho chúng ta nhớ đến nghi thức của đêm Phục sinh. Sau khi ngọn nến Phục sinh, tượng trưng cho Đức Kitô là ánh sáng được thắp lên, mỗi người sẽ thắp nến của mình từ ngọn lửa của nến Phục sinh. Chúng ta chỉ có thể toả sáng khi đón nhận ánh sáng từ Đức Kitô, và giữ gìn cho nó được toả sáng mãi.
Là những Kitô hữu, hơn nữa còn được thánh hiến cho Thiên Chúa qua việc tuyên khấn, chúng ta thuộc về Thiên Chúa, là con cái của sự sáng và bước đi trong ánh sáng của Đức Kitô. Chúng ta hãy tiếp đón Người vào tâm hồn, vào cuộc sống của ta, để ánh sáng của Người biến đổi chúng ta thành những ngọn nến chiếu sáng, hầu dẫn đưa những ai còn ngồi nơi tăm tối đến với Đức Giêsu Kitô là ơn cứu độ “Chúa đã dành sẵn cho muôn dân”. Amen.