[15 Ngày Với Thánh Đa Minh] Ngày 8 : Con Người Quản Trị

04-05-2020
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3297 lượt xem

Sau khi tham dự Công đồng, cha Đa Minh và vị Giám mục của mình trở về và thông báo cho các anh em câu trả lời của Đức Giáo hoàng. Ít lâu sau, các anh em tuyên nhận Tu luật thánh Âu Tinh –vị giảng thuyết lừng danh, để trở thành những nhà giảng thuyết trong tương lai. Anh em cũng quy định một vài tập tục nhiệm nhặt hơn về của ăn, chay tịnh, ngủ nghỉ và áo mặc. Anh em quyết định và xếp đặt là không có tài sản, ngõ hầu những xôn xao của các việc trần thế không thành trở ngại cho việc giảng thuyết. Anh em quyết định là chỉ nhận các bổng lộc (LIB s. 42).

Theo thánh Đa Minh, nên chọn một anh em làm viện phụ –abbé, vị này sẽ theo quyền bính mà cai quản các anh em khác, với tư cách là một bề trên, một thủ lãnh. Tuy nhiên, ngài vẫn dành cho mình quyền kiểm soát. Vậy anh Mátthêu đã được bầu theo luật định để thành một viện phụ. Anh là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng trong Dòng mang tước hiệu này, vì sau đó, các anh em đã quyết định rằng, để nhấn mạnh đến đức khiêm nhường, vị đứng đầu trong Dòng sẽ không được gọi là viện phụ –abbé, nhưng là Thầy –Maître (LIB s. 48).

Thánh Đa Minh là con người cầu nguyện, con người của Lời, và cũng là một người quản trị. Ngài biết lãnh đạo, vì ngài biết vâng phục. Ngài biết quyết định, vì ngài biết suy nghĩ chín chắn. Ngài biết tổ chức, vì ngài biết kiên nhẫn trong công việc.

Thánh Đa Minh đã vâng phục ngay từ khi còn trẻ, khi đi theo vị Giám mục của mình. Ngài có quyết định bất ngờ khi thay đổi lộ trình, khi ở lại miền Languedoc và gửi trả đoàn tuỳ tùng. Ngài cũng vâng phục các biến cố, để những biến cố ấy dẫn đưa và tìm thấy ở đó thánh ý của Thiên Chúa. Lúc lớn tuổi, ngài tuân phục các anh em, khi ngài thuận theo sự từ khước tuân phục của họ.

Để các anh em có nhiều năng lực hơn mà học hành và giảng thuyết, cha Đa Minh muốn rằng các anh em tu huynh ít học thức trong Dòng sẽ điều hành các anh em có học về những gì liên quan đến quản trị và quản lý các của cải trần thế. Nhưng các anh em tư giáo không đồng ý… (VIE tr. 53, chứng từ của anh Gioan người Tây Ban Nha).

Đức tuân phục đã hình thành nên con người nội tâm nơi cha Đa Minh. Trong mối tương giao với Thiên Chúa cũng như về vấn đề bác ái, thánh nhân đã luôn từ khước ý riêng. Ngài không chọn đường công danh, cũng không nghĩ đến thành công cá nhân. Tuy nhiên, những năng khiếu tinh thần này không ngăn cản thánh nhân trở thành một người điều hành, biết chỉ huy khi cần thiết. Các anh em thời đầu rất cảm động khi nhớ lại quyết định lớn lao của thánh Đa Minh vào ngày 15-08-1217. Khi ấy Dòng vừa mới được thành lập ít lâu, và ngài quyết định phân tán các anh em. Đã có nhiều ý kiến không đồng ý từ phía các anh em, và cả từ phía các bạn hữu cũng như những người bảo hộ. Nhưng thánh Đa Minh vẫn kiên quyết giữ vững ý định. Dưới đây là câu chuyện đầy thấm thía của anh Gioan người Tây Ban Nha, vì anh đã từ chối lên đường nếu không được ít tiền, và thánh Đa Minh đã nhượng bộ (x. EVA tr. 92).

Khi ấy, chứng nhân (tức đương sự) đang ở tu viện Saint Romain tại Toulouse với cha Đa Minh ; và cha Đa Minh –ngược với ý muốn của đương sự, muốn sai anh cùng với 5 anh tư giáo và 1 anh tu huynh đi Paris để học, giảng thuyết và thiết lập một tu viện. Ngài đã nói với anh em không chút sợ hãi, và mọi người đều chấp nhận. Ngài nói : “Đừng ngăn cản tôi, tôi biết việc tôi làm” (VIE tr. 52).

Câu nói lừng danh này vẫn được ghi khắc nơi tâm trí anh em. Xuất phát từ một vị thánh, câu nói ấy không mang ý nghĩa của quyền bính, nhưng ngược lại đó là biểu hiệu của một đời sống thiêng liêng sâu xa, dẫn tới một quyết định sáng suốt. Thánh Đa Minh hành xử theo cách một người mà đoàn sủng sáng lập là quyền chỉ huy. Nếu thánh nhân không có thần hứng này, không có cái nhìn ngôn sứ về tương lai, Dòng của ngài đã chẳng tồn tại. Điều đáng lưu ý trong những quyết định quan trọng đánh dấu cuộc đời của thánh Đa Minh, bắt đầu từ thời điểm thánh nhân không chỉ là một người giảng thuyết Tin Mừng, mà còn là một người sáng lập một Dòng có nhiệm vụ riêng là giảng thuyết, đó là không bao giờ thánh nhân hành động vì cá nhân mình, nhưng luôn vì một mục tiêu đã định, hay vì lợi ích chung. Sau khi quyết định, ngài ẩn mình. Ngài hành động không vì tính khí thất thường, cũng không vì đam mê. Quyết định của ngài vượt trên chính ngài. Ngài hành động như là tuân theo một ý định vượt trên chính ngài và dẫn đưa Dòng tới nơi cần đến.

Chắc chắn rằng thiên hứng này dựa trên một năng khiếu thiên phú, và sẽ đem lại nhiều thành quả bền vững trong cơ chế ngài sẽ thực hiện.

Ban đầu, người ta thấy thánh nhân đi lại giữa Rôma và Toulouse : đi Rôma để trình bày ý định lập Dòng với Đức Giáo hoàng, trở lại Toulouse để thảo luận với các anh em về tu luật cần chọn và những tục lệ đi kèm, rồi sau đó lại đi Rôma để chính thức xin châu phê cho Dòng.

Thánh Đa Minh dành những năm cuối đời để trang bị cho Dòng của ngài những nền tảng huấn lệnh cần thiết và chính xác để các người kế vị có thể ấn định cách hữu hiệu. Đó là hai Tổng hội năm 1220 và 1221, trong đó đã có những quyết định quan trọng mà từ đó trở đi, Dòng không bàn lại vấn đề này nữa, nhất là việc thiết lập cơ chế các giám định viên ; các vị này, trong suốt thời gian họp Tổng hội, có quyền trên các anh em và toàn Tổng hội, với quyền thiết lập, quy định và truyền lệnh (VIE tr. 59, chứng từ của anh Rodolpho).

Tổng hội đầu tiên của Dòng được tổ chức tại Bologna. Chứng nhân cũng có mặt tại đó. Thánh Đa Minh đã muốn đặt các giám định viên là những người có toàn quyền trên Dòng, trên vị Tổng quyền và từng giám định viên : các vị ấy có quyền quy định, truyền lệnh, thiết lập và ra hình phạt, với điều kiện tôn trọng quyền bính dành cho vị Tổng quyền (VIE tr. 36, chứng từ của anh Ventura de Verona).

Và cũng từ thánh Đa Minh mà có được quyết định khôn ngoan này, đó là một khoản luật chỉ có thể được chấp nhận dứt khoát hay bãi bỏ khi có 3 Tổng hội liên tiếp lên tiếng.

Để tránh việc gia tăng các khoản hiến pháp, chúng tôi tranh đấu để trong tương lai không có gì được quy định mà không được hai Tổng hội liên tiếp chuẩn y ; đến Tổng hội thứ ba, tức là Tổng hội liền sau đó, người ta có thể chuẩn y hay bãi bỏ đề nghị này (VIE tr. 182-183, HP nguyên thuỷ).

Cũng vậy, việc nhóm họp các Tổng hội luân phiên cũng là một nét độc đáo của Dòng. Các Tổng hội sẽ được nhóm họp luân phiên giữa các giám tỉnh, những người lãnh đạo, và các “giám định viên”, những tu sĩ không có trách nhiệm lãnh đạo. Việc luân phiên này cho phép tôn vinh các nhu cầu cả của người lãnh đạo cũng như của người được lãnh đạo. Các vị hiểu rằng mọi anh em sẽ thay nhau ở vị trí này hay vị trí kia, và đó là một sự khôn ngoan sáng suốt trong các quyết định.

Tài năng tổ chức này kèm theo sự rất khôn ngoan thực tiễn đã giúp cho Dòng trải qua nhiều thời đại bằng cách thích nghi với những nền văn hoá khác nhau, vượt qua những khủng hoảng và thắng vượt sự xói mòn của thời gian. Thánh Đa Minh là người đi ngược với tinh thần hệ thống. Ngài hiểu rõ tầm quan trọng của một nền lập pháp đầy đủ, nhưng cũng hiểu rõ những giới hạn của nó.

Cha Humbetô Rômanô, là Tổng quyền Dòng và cũng là một nhà lập pháp lớn, đã thuật lại tinh thần này của thánh Đa Minh, một tinh thần vẫn còn lừng danh, vì đã đem lại tinh thần cho các luật lệ của Dòng :

Các vị tiền bối đã kể lại cho tôi, và tôi vẫn nhớ rằng, Dòng hiểu rõ, ngay cả trước khi ấn định ý hướng này trong luật pháp, là ràng buộc của Hiến pháp không thành tội. Chính vì vậy, tại Tổng hội Bologna năm 1220, cha Đa Minh đã tuyên bố, để an ủi những anh em đắn đo, là luật pháp không nhất thiết buộc thành tội. Cũng vì vậy, nếu còn có ai hồ nghi, ngài sẵn sàng đi từ tu viện này sang tu viện kia, dùng dao cạo đi những lề luật. Người anh em đã thuật lại điều ấy cho tôi cũng là người đã nghe như vậy (EVA tr. 118).

Để trở thành một nhà quản trị, cần phải nối kết sự hiểu biết sâu xa với việc thực hành đúng đắn các lề luật, là những điều giúp canh giữ tự do của cá nhân cũng như các nhóm, nhưng cũng cần phải biết hướng dẫn người khác để họ trao tặng điều tốt nhất là chính mình. Thánh Đa Minh có tất cả những phẩm chất ấy. Ngài là Đấng Sáng Lập một Dòng, và trải qua nhiều thời đại, Dòng đã chứng tỏ tính vững chắc của luật pháp do thánh nhân lập ra. Mọi người đều công nhận rằng, ngài là vị thầy của các anh chị em thế hệ đầu tiên. Đã có nhiều Đấng sáng lập phải chịu khổ vì các anh chị em của mình, thậm chí có nhiều vị bị tước mất danh hiệu sáng lập hay bị lãng quên trong một thời gian dài. Thánh Đa Minh là người được tất cả anh chị em kính trọng trong suốt cả đời, ngài đã để lại một dấu ấn mà nhiều nhà lãnh đạo mong muốn. Người ta biết mình có thể tin cậy vào ngài : thánh nhân không nói với người này trái với điều đã nói với người kia. Không có gì quý giá hơn khi biết rằng người lãnh đạo mình không quay mũi tàu khi gió nổi lên. Hơn nữa lại còn tràn ngập lòng yêu mến kính trọng, khi có một vị thủ lãnh, một thủ lãnh thật sự.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com