[15 Ngày Với Thánh Đa Minh] Ngày 14 : Con Người Giáo Hội

10-06-2020
Bởi: Thỉnh Viện Đa Minh Có: 0 bình luận 1919 lượt xem

Cha Đa Minh đến gặp Đức Giám mục và cả hai cùng đi tham dự công đồng với một ước nguyện là xin Đức Thánh Cha Innôcentê III phê chuẩn cho Đa Minh và các bạn được hình thành một dòng mới mang tên là các Anh Em Giảng Thuyết. Các vị cũng xin chuẩn nhận các bổng lộc được Công tước và Giám mục trao cho anh em (LIB s. 40).

Công trình của thánh Đa Minh và hoạt động giảng thuyết của ngài được đặt giữa lòng Giáo hộiin medio ecclesiae, như lời bài ca nhập lễ trong ngày lễ kính thánh nhân. Hoạt động giảng thuyết của anh em không phải là một hoạt động cá nhân, nhưng là một hoạt động có tính tông đồ, tức là đặt nền tảng trên việc giảng thuyết của các Tông đồ, và như vậy, ở trong mối hiệp thông với những người kế vị các thánh Tông đồ, cũng chính là những người hiệp thông với đấng kế vị thánh Phêrô, tức là Đức Giáo hoàng. Sáng kiến của thánh Đa Minh là vô tiền khoáng hậu. Thánh nhân ở trong Giáo hội. Thánh nhân là người phục vụ Giáo hội. Thánh nhân nói nhân danh Giáo hội.

Khởi đầu, đó là mối hiệp thông với Đức Giám mục Toulouse. Chính vị này bày tỏ sự ưng thuận của mình khi ban cho thánh Đa Minh những phương tiện để sinh sống :

Giám mục Foulques giáo phận Toulouse, vui mừng ghi nhớ. Ngài yêu quý anh Đa Minh, con người yêu dấu của loài người cũng như của Thiên Chúa, ngài nhận thấy nếp sống chuẩn mực của anh em, sự duyên dáng và lòng nhiệt thành giảng thuyết. Với sự đồng ý của ban cố vấn, đã thuận ban cho Đa Minh và các anh em một phần sáu trong tất cả các thuế thập phân của giáo phận, để các anh em có thể sử dụng nguồn lợi này mà lo cho những điều cần thiết về sách vở cũng như của ăn (LIB s. 39).

Cũng chính vị Giám mục này đã trao tặng cho cha Đa Minh và các anh em nhà thờ đầu tiên để giảng thuyết :

Năm 1216, vào mùa hè, các anh em đã nhận quà tặng là ngôi nhà thờ đầu tiên tại Toulouse, dâng kính thánh Rômain (LIB s. 44).

Cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi Giám mục Toulouse đem thánh Đa Minh đi với mình để tham dự Công đồng nhóm họp tại Rôma. Tại đây, thánh Đa Minh sẽ thiết lập những liên hệ sâu đậm và bền vững với nhiều nhân vật trong giáo triều, đặc biệt với Giám mục Ostia, sau này trở thành Đức Giáo hoàng Hônôriô kế vị đức Innôcentê III. Chính Đức Hônôriô III là người sẽ phê chuẩn Dòng Anh Em Giảng Thuyết.

Thánh Đa Minh đặc biệt quan tâm đến những mối liên hệ này. Đây không phải là đặt mình vào cơ cấu giáo triều, nhưng là hiệp thông thực sự với Giáo hội của Chúa Kitô. Bởi vì ai rao giảng Tinh Mừng mà không đặt mình trong truyền thống tông truyền thực thụ sẽ đi đến việc rao giảng chính mình và rơi vào lầm lạc. Hiến pháp của Anh Em Giảng Thuyết nhiều lần nhấn mạnh đến mối liên hệ này và cho thấy đó cũng là một trách nhiệm :

Chúng ta được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa qua việc tuyên khấn kếp nạp chúng ta vào Dòng, và được dấn thân một cách mới mẻ cho Hội thánh toàn cầu… Khi tham gia vào sứ vụ tông đồ, chúng ta cũng nhận lấy nếp sống của các Tông đồ… Được trở nên những cộng tác viên của hàng Giám mục qua việc truyền chức… (HPNT III, IV, V).

Theo bước chân và tinh thần của Đấng Sáng Lập, Anh Em Giảng Thuyết xem cuộc đời của mình như một người được dâng hiến trọn vẹn để phục vụ Giáo hội của Đức Kitô. Nếu, như thánh Phaolô, anh em hy vọng rằng vào cuối cuộc đời sẽ được hưởng một lợi ích cá nhân cho công việc giảng thuyết của mình, thì trước tiên, cũng không phải là họ làm việc cho chính mình. Sứ vụ của anh em là sứ vụ Chúa Kitô đã trao phó cho Giáo hội, đó là ơn cứu độ các linh hồn. Anh em đảm nhiệm việc cầu nguyện như một nghĩa vụ, nghĩa là một trách nhiệm thực sự được kiên trì và trung thành thực hiện để phục vụ Giáo hội và tất cả những ý hướng mà Giáo hội muốn dâng lên Chúa. Như vậy, toàn bộ đời sống của anh em đều mong muốn trở thành một đời sống mang chiều kích Giáo hội, điều này bao hàm ý nghĩa về những trách vụ cao cả nhất được trao phó cho anh em.

Ngay từ những năm đầu tiên của anh em một hình ảnh lưu truyền đã diễn tả sứ vụ được trao phó cho thánh Đa Minh và các anh em :

Trong lúc thánh Đa Minh, con người của Thiên Chúa, đang ở Rôma và cầu nguyện tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô để cầu xin cho Dòng được tồn tại và phát triển. Ngài thấy hai thánh Phêrô và Phaolô, những vị thánh hiển vinh. Thánh Phêrô trao cho thánh Đa Minh một cây gậy, còn thánh Phaolô thì trao cuốn sách. Rồi cả hai vị cùng nói : ‘Hãy đi và rao giảng, vì Thiên Chúa đã chọn con để thi hành sứ vụ này.’ Lúc ấy, trong khoảnh khắc, thánh Đa Minh dường như trông thấy tất cả các con cái của mình tản mác khắp thế giới, từng hai người một, để giảng lời Chúa cho muôn dân. (EVA, tr. 86-87)

Hình ảnh này tự nó diễn tả ý nghĩa. Hình ảnh cho thấy mối liên hệ sống động với Giáo hội. Như hình ảnh vẫn quen thuộc, thánh Đa Minh đang cầu nguyện. Hôm đó thánh nhân cầu nguyện tại một nơi mang ý nghĩa đặc biệt : trong Vương cung thánh đường ở Rôma được xây trên mộ các thánh tử đạo, nơi tất cả mọi Kitô hữu tìm đến để làm sống dậy đức tin của mình theo nguồn mạch tông truyền. Thánh Đa Minh lại cầu nguyện cho Dòng mà ngài đang thành lập, một Dòng có sứ mệnh nối dài hoạt động của các Tông đồ. Trong lúc thánh Đa Minh cầu nguyện, xuất hiện hai khuôn mặt là hai trụ cột của Giáo hội, đó là hai thánh Phêrô và Phaolô. Thánh nhân cảm thấy mình được nối kết với đặc sủng của hai vị và được củng cố trong trực giác của mình. Điều này được diễn tả qua việc chuyển giao hai dấu hiệu của nhà giảng thuyết lữ hành : cây gậy và cuốn sách, kèm theo mệnh lệnh hãy đi rao giảng.

Với thánh Đa Minh, không thể có một sự giảng thuyết nào khác với sự giảng thuyết hiệp thông với Giáo hội. Trong sắc lệnh châu phê Dòng Anh Em Giảng Thuyết, Đức Giáo hoàng Hônôriô viết : Chúng tôi đặt dưới sự bảo trợ của thánh Phêrô và của nhà thờ thánh Rômain tại Toulouse (VIE tr. 152).

Về Giáo hội, người ta vẫn thường sai lầm khi phân tích theo những tiêu chuẩn xã hội học. Bản chất đích thực của Giáo hội vượt xa những nhận định thuần túy nhân loại. Giáo hội tham dự vào chính mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Cũng như Đức Kitô là Thiên Chúa thật và cũng là người thật, thì Giáo hội là một thực tại vừa thần linh vừa nhân loại. Giáo hội bảo đảm sự hiện diện vừa thực sự vừa ẩn giấu này trong trần gian, như Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu khi Người còn tại thế. Tách lìa khỏi Giáo hội cũng là tách lìa khỏi thân thể huyền nhiệm của Đức Kitô, tức là ra khỏi Đức Kitô. Lòng yêu mến Đức Kitô của thánh Đa Minh hoàn toàn không thể tách rời với lòng yêu mến Giáo hội. Điều này cũng không cần nói, đó là một điều tự nhiên như thánh nữ Jeanne d’Arc sẽ nói hai thế kỷ sau : Đối với tôi, Đức Kitô và Giáo hội là một ! Không thể nào nói hay hơn được.

Trong tiểu sử thánh Đa Minh, người ta không tìm thấy những khai triển dài dòng về đề tài lòng yêu mến Giáo hội. Dường như vấn đề cũng không được đặt ra. Thánh Đa Minh sống trong Giáo hội, như là sống trong gia đình của mình. Thánh nhân gắn bó với Giáo hội bằng những mối dây sống động. Chính vì Giáo hội thánh nhân đã đón nhận đời sống và thật là tự nhiên khi thánh nhân dấn thân phục vụ Giáo hội. Tuy nhiên, sự gắn bó này không phải là chủ nghĩa tự động. Với lòng trung thành, thánh Đa Minh đã đề ra những nét mới trong việc phục vụ Giáo hội.

Khởi đầu công việc của mình, một cách hoàn toàn tự nhiên, thánh Đa Minh đi theo các đặc sứ của Giáo Hoàng mà ngài đã gặp tại Narbonne. Nhưng ngay sau đó, và cùng với Giám mục địa phận gốc là Diego d’Osma, thánh nhân rời bỏ các công tác chính thức hầu dành trọn thời gian để gặp gỡ trực tiếp với dân chúng. Rồi, dần theo thời gian, vì tầm quan trọng phải tổ chức việc giảng thuyết trực tiếp, thánh nhân sáng tạo sứ vụ giảng thuyết thường xuyên – trở thành Dòng Giảng Thuyết, có nhiệm vụ phục vụ Giáo hội. Như thế lòng trung tín của thánh Đa Minh có tính sáng tạo, và ngài bày tỏ sự thống nhất sâu xa trong đời sống của mình. Từ nơi sâu thẳm nhất của lời cầu nguyện, cho tới những quyết định có tính pháp lý, thánh nhân vẫn luôn sống hiệp thông với Đức Kitô, trong niềm hiệp thông với Giáo hội của Đức Kitô. Người nào muốn đặt bước chân của mình vào bước chân của thánh Đa Minh, cần phải dựa vào lòng gắn bó với Giáo hội, dựa vào cái nhìn của ngài về Giáo hội, vào cách cư xử của thánh nhân trong cộng đoàn Giáo hội, và sau cùng, vào sự thống nhất đời sống của ngài.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com