Quách Đình Quốc Trọng
Ngay tại bìa bản dịch tiếng Việt Nhà giả kim của Paulo Coelho, nhà xuất bản ghi: “Cuốn sách bán chạy chỉ sau Kinh Thánh.” Nếu nhìn dưới chiến lược kinh doanh, thì đây quả là một PR khá hiệu quả, kích thích sự tò mò của khách hàng. Hẳn là nhiều người sẽ ngạc nhiên về dòng chữ đó. Ngạc nhiên là phải, vì cuốn sách được sáng tác rất gần đây thôi, vào năm 1988, mà lại được so sánh với Kinh Thánh, bộ sách có bề dày lịch sử trải qua hai mươi thế kỷ. Mặt khác, khi so sánh như vậy, Paulo Coelho xem ra vượt xa những cây cổ thụ văn học như Dostoevsky với Tội ác và hình phạt, Gabriel G. Marquez với Trăm năm cô đơn hay Antoine de Saint Exupéry với Hoàng tử bé về số lượng đầu sách được tiêu thụ.[1] Chúng tôi cho rằng, bởi vì tác giả đã dùng những câu chuyện Kinh Thánh làm nguồn chất liệu chính cho tác phẩm của mình, nên mới có sự so sánh như thế. Là một tín hữu Kitô giáo, chúng tôi biết Kinh Thánh, bên cạnh việc trình bày những nội dung về Thiên Chúa, còn vén mở cho con người thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống này khi trả lời cho những vấn nạn: Con người từ đâu đến? Sống để làm gì? Và cuộc sống dương thế này sẽ đi về đâu? Khởi đi từ những vấn nạn đời người, Paulo Coelho dùng những mẩu chuyện Kinh Thánh lồng dưới hình thức văn chương, đã như một gợi mở để người đọc có thể nhìn vào chính cuộc đời mình. Khi cầm cuốn sách và đọc, hẳn ta phải tự vấn: Tôi đang sống thế nào và đang tìm kiếm điều gì giữa kiếp nhân sinh này?
Tìm hiểu tiểu sử tác giả và giả thiết những tác động nào định hình tư tưởng của tác giả là điều cần thiết để hiểu tác phẩm này. Năm 1986, chuyến đi đến Tây Ban Nha của Paulo Coelho như có một tác động thần linh đã làm cho cuộc đời của ông chuyển hướng[2]. Ông quyết định trở lại với đức tin Công giáo, và bắt đầu chuyên tâm vào việc sáng tác văn chương. Những cảm nghiệm tâm linh của cuộc đời mình đã được ông ghi lại trong tác phẩm Người hành hương (1987), và Nhà giả kim (1988). Qua hai tác phẩm đánh dấu giai đoạn mới của cuộc đời, Paulo Coelho như thể đang trình bày hành trình đi tìm ơn gọi đích thực của mình. Trước năm 1986 là những năm tháng ông sống quẩn quanh giữa những bề bộn của bao thực tại trần thế. Nhưng sau đó, ông dường như đã tìm thấy hạnh phúc đích thực của mình, tìm thấy được kho tàng vốn dành sẵn cho mình. Cảm nghiệm tâm linh rất riêng đó lại là cái gì đó rất quen thuộc với mỗi người, khi họ đang loay hoay đi tìm hạnh phúc, cách riêng với mỗi Kitô hữu, khi họ đang cố gắng sống trọn ơn gọi làm người và làm con Chúa của mình.
“Chúa vạch đường để người người theo”
Có thể nói hành trình đi tìm kho báu của Santiago, một cậu bé chăn cừu vùng Andalusia, Tây Ban Nha, là phản ánh chính hành trình tâm linh của tác giả. Được sinh ra trong một gia đình Công giáo ngoan đạo, ý của bố mẹ Santiago là cậu sẽ phải trở thành một linh mục. Nhưng tính cách và ước mơ của cậu lại không hợp với điều đó. Cậu thích chu du đây đó hơn. Vì thế, với sự giúp đỡ của người bố, cậu đã bắt đầu sống đời du mục với một đàn cừu. Cuộc sống của cậu sẽ rất bình yên như bao con người khác đang thỏa mãn với những gì mình hằng ước mơ, nếu như cậu không gặp giấc mơ này. Trong mơ, cậu thấy có một cậu bé khác đến chơi với đàn cừu của cậu, rồi cậu bé này đã chỉ Santiago thấy một kho báu được cất giữ tại vùng đất nọ. Ai trên đời này chẳng mơ! Điều kì lạ là giấc mơ đã lặp lại nhiều lần, và đến khi cậu bé sắp chỉ chỗ chính xác cất giữ kho báu thì Santiago lại thức giấc. Cậu đã tìm đến một bà bói để giải đoán giấc mộng. Nhưng những gì bà ấy nói lại khiến cậu khó chịu hơn. Cậu đã chẳng muốn để tâm đến giấc mơ đó làm gì nữa thì bỗng nhiên, một nhân vật xuất hiện, tặng cậu hai hòn đá Urim và Thummim, và khuyên cậu nên tiếp tục theo đuổi giấc mơ đó. Người đó tự xưng là Melchisedek, vua xứ Salem. Các chi tiết của phần này tác giả đã mượn từ những câu chuyện Kinh Thánh về tổ phụ Abraham, người được Thiên Chúa kêu gọi lên đường, đến vùng đất mà Thiên Chúa sẽ ban cho. Ông được Thiên Chúa hứa cho trở thành tổ phụ của một dòng dõi đông đúc và chính ông sẽ thành mối phúc cho muôn dân (x. St 12,1-3). Ông đã được gặp Melchisedek, vua thành Salem và được vua này chúc phúc cho (x. St 14,17-20). Lấy lại khuôn mẫu này, Paulo Coelho cũng cho nhân vật của mình bắt đầu hành trình đi tìm kho báu bằng một tiếng gọi lên đường từ một giấc mơ được lặp lại nhiều lần. Trong Nhà giả kim, Melchisedek được tượng trưng bằng một sức mạnh siêu nhiên nào đó đến để hỗ trợ và thúc giục Santiago hiện thực hóa giấc mộng của mình. Nhân vật Melchisedek đã nói với Santiago: “Chúa vạch đường để người người theo. Chỉ cần cậu nhận ra Người dùng dấu hiệu gì để vạch đường cho cậu.”[3] Câu nói này như thể là một chân lý mà tác giả đã khám phá được trên con đường tâm linh của mình. Theo đó, chính cuộc đời của ông là một bằng chứng sống động cho việc Thiên Chúa đã ban cho những dấu hiệu tại con đường Santiago de Compostela, để rồi nhờ nhận ra những dấu hiệu đó, mà ông hoán cải để gắn bó với đức tin Kitô giáo và gặp được Thiên Chúa.
“Sợ phải đau khổ còn đau đớn hơn là chính sự đau khổ”
Để có thể đến được Ai Cập, Santiago phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đây là chuyện dễ hiểu, vì ở một nơi đất khách quê người, thì một người mới đến rất dễ bị gạt lừa. Tại thành phố Tanger, cậu đã bị một chàng thanh niên lừa lấy hết số tiền cậu có được từ việc bán bầy cừu. Sau đó, cậu lại nhận ra, từ Tanger để đến được Ai Cập phải tốn xấp xỉ một trăm cây số, và phải băng qua sa mạc nắng nóng. Sa mạc vốn là một nơi đầy bí ẩn và nhiều nguy hiểm. Vì thế, việc băng qua sa mạc nghe thật kinh khủng! Chính trong sa mạc, cậu đã nhiều lần gần như phải bỏ mạng, bởi những giao tranh giữa các bộ tộc sa mạc. Từ đau đớn này dẫn đến đau khổ khác, từ thất vọng này dẫn đến thất vọng khác, từ lo sợ này dẫn đến sợ hãi khác.
Nhưng “sợ phải đau khổ còn đau đớn hơn chính là sự đau khổ, và chưa từng có trái tim nào không phải chịu đau khổ khi tìm cách thực hiện giấc mơ.”[4] Đây là điều mà nhà giả kim đã nói với cậu. Nhà giả kim là nhân vật bí ẩn thứ hai sau Melchisedek, đã đến và trợ giúp cho Santiago. Nhân vật này, cùng với Fatima – cô gái sa mạc mà Santiago đã đem lòng yêu mến – là sự thúc đẩy quan trọng để Santiago kiên trì tìm kho báu đến lúc cuối cùng. Nhà giả kim đã trấn an cậu, và hơn hết, đã dạy cậu hiểu rằng, đau khổ không phải là thứ có thể đè bẹp con người, xét mặt nào đó nó hữu ích, vì kinh qua đau khổ, con người mới có thể trưởng thành. Do bị lừa gạt ở Tanger, cậu mới có cơ may gặp được người chủ quán cửa hàng pha lê và biết thêm rằng, khi tiếng gọi trong thâm tâm đã trở nên mạnh mẽ, thì nên cố hết mình mà bước theo. Chính những đồng tiền cậu kiếm được trong thời gian phụ việc ở cửa hàng pha lê đã cứu được mạng sống cậu khi cậu phải đối diện với bọn mặc áo đen trong sa mạc. Và nhờ sa mạc, cậu đã dần học được cách đọc hiểu các dấu hiệu của vũ trụ, nhất là gặp được Fatima và nhà giả kim. “Mỗi phút giây tìm cách thực hiện giấc mơ là một khoảnh khắc gặp gỡ Thượng đế và Vĩnh hằng.”[5] Sau những thử thách gian nan, Santiago đã học được điều đó.
Sự gian nan trong chuyến đi của Santiago phản ánh cuộc đời đầy chông gai của tác giả (từ việc nếm trải một cuộc sống đường phố với sex, Rock & Roll, du côn, bạo lực đến việc vào nhà thương điên) trước khi ông tìm được hướng đi mới khi quyết định trở lại với Kitô giáo. Cảm nghiệm tâm linh của ông cũng có thể là những gì mà con người ngày nay sẽ gặp, khi họ tiến bước theo tiếng gọi của Thiên Chúa.
“Nếu ta quyết tâm thì cả vũ trụ sẽ cùng chung sức”
Tựa đề tác phẩm – “Nhà giả kim” –
không muốn ám chỉ nhân vật nhà giả kim, nhưng là Santiago, người đã thực sự học
được thuật giả kim, là “hiểu được thiên nhiên và thế giới.”[6]
Ba từ khóa quan trọng: “lắng nghe”, “thực hiện” và “được trợ giúp” đã giúp
Santiago đạt đến đích của hành trình đi tìm kho báu. Tuy rằng tâm niệm của
Santiago – “Nếu ta quyết tâm thì cả vũ trụ sẽ cùng chung sức” – và cả tác phẩm “Nhà giả kim” chưa đủ để nói lên được ý nghĩa đích thực của
hành trình tâm linh Kitô giáo; nhưng đâu đó trong tác phẩm này, nhờ những dữ kiện
của lịch sử cứu độ được dùng, chúng tôi tìm thấy được bài học cho mình, đó là chăm chú lắng nghe và sống ơn gọi đời mình theo sự trợ giúp của Thiên
Chúa.
[1] Chúng tôi cố ý so sánh với Dostoevsky (nhà văn Nga thành công với việc đưa các yếu tố Kitô giáo vào tác phẩm), Gabriel G. Marquez (nhà văn Mỹ Latin vĩ đại nhất mọi thời đại, cũng thành công với khuynh hướng kì ảo), Saint Exupéry (nhà văn Pháp thành công với lối viết truyện cổ tích cho cả người lớn và trẻ em), để chúng ta có thể thấy được thành công của Paulo Coelho. Trong “Nhà giả kim”, ta có thể tìm thấy đâu đó những đặc trưng của các tác giả trên.
[2] Trong một vài cuộc phỏng vấn, Paulo Coelho cho biết, khi bước đi trên con đường Santiago de Compostela, ông đã được đánh động, và đã quyết định trở lại đạo. Xt. Paulo Coelho, the Alchemy of Pilgrimage
[3] Paulo Coelho, Nhà giả kim (Hà Nội: Văn học, 2013), tr. 49
[4] Sđd., tr. 174.
[5] Sđd..
[6] Sđd., tr. 185.