[Ngày 18 tháng 2] Vị Tu Sĩ Và Nhà Giảng Thuyết Thiên Thần

18-02-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1430 lượt xem

__Máctinô Quách Đình Quốc Trọng__
“Nhờ đời sống chiêm niệm sâu xa, Fra Angelico dùng tài năng hội họa của mình như một khí cụ để thi hành sứ vụ giảng thuyết Đa Minh.”

Trong tiểu thuyết “Thằng Ngốc”, đại văn hào Dostoyevsky đã nói: “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”. Người ta rất khó định nghĩa được cái đẹp, ngay cả việc liệt kê ra các tiêu chí để xác định xem cái nào là cái đẹp cũng rất nhiêu khê. Thường thì người ta dùng cảm nhận chủ quan của mình để gọi một đối tượng là đẹp. Bằng cảm nhận chủ quan, con người dễ dàng nhận ra cái đẹp nơi thiên nhiên, nơi tha nhân, và nơi chính bản thân mình. Nhưng rồi tự thâm tâm, con người biết rằng, có một cái đẹp khác, vượt hẳn trên sự đánh giá chủ quan; cái đẹp ấy không thể thấy, không thể chạm, không thể ngửi, không thể nếm được cách trực tiếp; cái đẹp ấy vượt quá tự nhiên, cái đẹp ấy mang tính siêu nhiên. Người Kitô hữu tin rằng, cái đẹp siêu nhiên ấy là Thiên Chúa: “Giữa thế nhân, Ngài vô song tuyệt mỹ” (Tv 45,3). Người Kitô hữu còn tin, chính con người cũng là cái đẹp, và cái đẹp này chỉ thực sự đẹp khi luôn phản chiếu trung thành vẻ đẹp của Đấng vô song tuyệt mỹ. Với nhiều phương cách khác nhau, người Kitô luôn khao khát mang vẻ đẹp ấy vào từng ngóc ngách thế giới này, để mọi người, những cái tiểu-mỹ, được hoàn thiện nhờ vào cái đại-mỹ. Nhờ đó, thế giới sẽ được cứu rỗi, như nhà văn Dostoyevsky đã khẳng định.

Chân phước Fra Angelico cũng có cùng một khao khát đó. Là một Kitô hữu, ngài muốn mọi người được nhận biết Chúa. Là một tu sĩ Đa Minh, ngài yêu mến việc chiêm niệm và giảng thuyết để mang lại ơn cứu độ cho các linh hồn. Là một họa sĩ Kitô giáo, ngài muốn dùng cây cọ và bảng màu của mình để vẽ lên những bức họa có khả năng cuốn hút người khác về bên Chúa.

Vị Tu Sĩ Thiên Thần

“Fra Angelico” là một biệt danh mà giới họa sĩ và anh em trong Dòng đặt cho ngài, để tôn vinh tài năng thiên phú của ngài trong lĩnh vực hội họa. Tên khai sinh của ngài là Guido di Pietro, và đổi thành Giovanni sau khi gia nhập Dòng. Năm 1407, khi được 12 tuổi, cùng với người anh là Fra Benedetto, ngài xin gia nhập Dòng Đa Minh tại Cortona, sau chuyển sang Fiesole, và cuối cùng là Florence. Tại những tu viện này, ngài được tìm hiểu và được nuôi dưỡng tình yêu mến với truyền thống Dòng. Đây cũng là nơi chuẩn bị cho ngài mọi tri thức thánh khoa cần thiết trước khi ngài chịu chức linh mục. Quá trình đào tạo ở đây đã hình thành trong ngài mối dây gắn kết bền chặt với Thiên Chúa, với hội họa, và giữa hội họa với Thiên Chúa.

Nhận ra được tài năng của Giovanni, anh em trong cộng đoàn đã khuyến khích ngài thực hiện những bức họa trên các bức tường trong tu viện để phục vụ việc chiêm niệm. Danh tiếng của ngài lan xa đến độ Đức Eugenius IV và Nicholas V đã cho mời ngài đến Tòa Thánh để giúp các Đức Giáo hoàng trang trí các nhà nguyện tại đây. Kể từ khi chính thức ghi tên mình vào danh sách các họa sĩ thời Tiền Phục Hưng năm 1417 cho đến khi về với Chúa năm 1455, ngài chưa bao giờ mệt mỏi trong việc dùng nghệ thuật để giảng truyền chân lý đức tin. Sự say mê dành cho các tri thức thánh và sự say mê với hội họa hòa quyện vào nhau, tuôn trào mãnh lực ra đầu ngọn cọ của ngài, khiến cho nhiều người, khi chiêm ngắm các bức họa được ký tên Giovanni, đều phải trầm trồ: “Bức họa đẹp như các thiên thần vẽ vậy!” Và từ đó, tu sĩ Giovanni del Mugello được nhớ đến với biệt danh “Fra Angelico”, tức “Vị Tu Sĩ Thiên Thần”.

Một trong những đại danh họa của thời Phục Hưng, Michelangelo cũng nhìn nhận điều này. Ông nói:

“Vị tu sĩ lành thánh này chắc hẳn đã được ghé thăm thiên đàng và được phép chọn lựa cho mình các người đứng mẫu tại đây”.

Một lần khác, ông còn quả quyết:

“Những hình ảnh vị tu sĩ này đã vẽ ắt hẳn phải được mặc khải từ trời cao và ngài phải có khả năng cảm nhận được tất cả mọi vẻ đẹp ngài đã ngắm nhìn trên mặt đất này”.

Lời khen của Michelangelo cho chúng ta hai ý tưởng: trước hết, các họa phẩm của Fra Angelico đều được Thiên Chúa linh hứng, và sau là Thiên Chúa đã phú bẩm cho ngài họa năng vượt trội các đồng liêu.

Việc Thiên Chúa linh hứng các ý tưởng cho Fra Angelico và được vị tu sĩ này trình bày lại trên các tác phẩm của mình còn cho thấy đời sống chiêm niệm sâu sắc của thánh nhân. Fra Angelico không phải là một họa sĩ nuôi mộng cách tân, hay ước mong mở ra một phong trào mới trong nghệ thuật. Hơn hết, ngài là một tu sĩ Đa Minh, là một nhà giảng thuyết. Ngài đã chứng tỏ căn tính của mình cách tỏ tường khi toàn bộ di sản ngài để lại đều là những họa phẩm về Thiên Chúa, và về Giáo hội. Như thế, chất liệu duy nhất ngài khai thác chính là Kinh Thánh. Ngài chuyển mọi tri thức đã được học vào trong tâm, trong trí để “hằng suy đi nghĩ lại trong lòng”, như Đức Maria, và để khi ở một mình thì nói với Chúa, còn khi ở với người khác thì nói về Chúa, như thánh Đa Minh. Hoa trái của sự chiêm niệm đã đổ tràn trên mặt các họa phẩm, thấm vào từng nét vẽ, hòa quyện với từng vệt màu. Bằng đời sống chiêm niệm sâu xa, ngài đã dùng tài năng hội họa của mình như một khí cụ để thi hành sứ vụ giảng thuyết. Thánh nhân đã dùng “nén bạc” Chúa trao để tạo thêm “đồng lãi” cho Chúa. Nhiều bức tranh do thánh nhân vẽ đã mang lại nhiều cảm hứng cho cha Girolamo Savonarola, O.P., trong việc kêu gọi Giáo hội sám hối và canh tân. Như thế, Vị Tu Sĩ Thiên Thần này đã sống trọn ơn gọi là một tu sĩ Đa Minh của mình. Ngài là một nhà giảng thuyết thực sự, và đã cung cấp cho Dòng một phương cách giảng thuyết mới: bằng nghệ thuật thánh.

Tu viện thánh Máccô và bức hoạ Truyền tin bên trong tu viện

Nhà Giảng Thuyết Thiên Thần

Trong tác phẩm “Đào tạo nhà giảng thuyết”, khi chú giải hình ảnh “Bảy thiên thần cầm bảy kèn sửa soạn thổi” (Kh 8,6), chân phước Humbert Romans, O.P, Tổng quyền thứ năm của Dòng, đã sánh ví nhà giảng thuyết như các thiên thần. Theo đó, nhà giảng thuyết phải vượt lên bản tính tự nhiên của con người. Vị Tu Sĩ Thiên Thần của chúng ta đã vượt lên bản tính tự nhiên, và quả thực là Nhà Giảng Thuyết Thiên Thần theo cách chú giải của cha Humbert. Nhưng đâu là những yếu tố giúp Fra Angelico xứng đáng nhận được danh hiệu đó?

Khi đọc lại tiểu sử của ngài, chúng tôi nhận thấy điều ảnh hưởng rất nhiều đến ngài chính là cộng đoàn tu trì tại Fiesole (nơi ngài ở giai đoạn 1416 – 1436), nhất là tại Florence (1436 – 1445). Tu viện San Marco tại Florence được chân phước Giovanni Dominici, O.P. (tên thật là Giovanni de Banchini) thành lập năm 1406 theo yêu cầu của chân phước Raymond Capua, O.P., Tổng quyền Dòng lúc bấy giờ. Tu viện này cùng nhiều tu viện khác được lập trong giai đoạn này được gọi là các tu viện sống kỷ luật nhiệm nhặt nhằm mục đích canh tân đoàn sủng của Dòng. Lúc bấy giờ, rất nhiều tu sĩ đã rời Dòng vì nhiều lý do, và anh em nhận ra, tại những nơi mất nhiều ơn gọi thì lý do trọng yếu chính là tinh thần sống đã xa rời truyền thống Dòng. Do đó, các tu viện nhiệm nhặt được thành lập để làm phục hồi truyền thống và tinh thần ban đầu của Dòng. Có lẽ do đó mà Dòng đã sinh ra được nhiều tu sĩ thánh thiện trong giai đoạn này như thánh Antoninus, Tổng Giám mục Florence; chân phước Giovanni Dominic, sau này là Hồng y Tổng Giám mục Ragusa; cha Lorenzo di Ripafrata, giám sư tập sinh của Fra Angelico; chân phước Pietro Capucci; chân phước Castano da Fabriano;…; Fra Benedetto, anh trai Fra Angelico và cũng là một họa sĩ, và Fra Angelico.

Cách riêng đối với Fra Angelico, ngài đã thụ hưởng được không chỉ môi trường nghiên cứu thánh khoa nghiêm túc, hay môi trường thi thố tài năng thích hợp, nhưng còn được trui rèn nhờ đời sống tuân giữ kỷ luật tu trì cách nghiêm ngặt. Chính kỷ luật nghiêm ngặt giúp cho đời sống chiêm niệm thăng hoa. Một bằng chứng rõ ràng cho tác động tích cực của lối sống nhiệm nhặt này là việc Fra Angelico đã từng được anh em bầu làm Tu viện trưởng. Chức vị Bề trên tu viện chứng thực đời sống đức hạnh của thánh nhân, đồng thời còn thuật lại việc ngài đã khuyến khích anh em giữ sống đời tu với tinh thần thế nào. Một khi đời sống chiêm niệm thăng hoa nhờ kỷ luật tu trì, thì đời sống ấy lại làm cho việc giảng thuyết nên hiệu quả. Nhờ vậy mà Vị Tu Sĩ Thiên Thần còn xứng đáng được tôn vinh trong danh hiệu Nhà Giảng Thuyết Thiên Thần.

* * *

Xin cho anh em Thỉnh sinh, khi noi gương chân phước Fra Angelico, biết kết hợp khả năng của mình, là cái đẹp Chúa ban, với đời sống chiêm niệm để luôn tìm kiếm Chúa, Đấng Tuyệt Mỹ, trong nếp sống tu trì Đa Minh và để phục vụ anh em trong cộng đoàn hầu mưu cầu sự cứu rỗi cho các linh hồn.

 “Người làm công việc của Đức Kitô phải luôn ở trong Người”
(Chân phước Fra Angelico)


Xem thêm: Tu viện thánh Máccô hiện nay trở thành bảo tàng trưng bày các bức hoạ của Fra Angelico

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com