Mục Lục
Do Giáo hội cử hành, Năm phụng vụ là một sự trợ giúp và là một hành trình giúp cộng đoàn cũng như mỗi Kitô hữu được thăng tiến, vì họ là những người được mời gọi nên hoàn thiện trong Đức Kitô.
1. Quá trình hình thành thần học về Năm phụng vụ
Từ năm 1570 trong Sách Lễ Rôma: Năm phụng vụ bắt đầu từ Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng đến Chúa nhật XXIV sau lễ Hiện Xuống (Năm phụng vụ được hiểu tách rời khỏi niên lịch dân sự). Tu sĩ Dòng Biển Đức D. Guéranger (1805-1875): nhấn mạnh đến sức mạnh việc cử hành Năm phụng vụ là biểu tượng ơn cứu độ. Trong đó:
– Năm phụng vụ không là gì khác hơn bày tỏ Đức Giêsu Kitô và các mầu nhiệm của Người trong Giáo hội và trong tâm hồn tín hữu
– Hình thành Đức Kitô trong chúng ta: “đến khi Đức Kitô được hình thành nơi anh em” (Gl 4,19).
– Không chỉ nói tới khía cạnh thần học, nhưng còn khía cạnh sư phạm.
Ngoài ra, cũng một tu sĩ Dòng Biển Đức là O Casel (1886-1948) nhấn mạnh đến đạo lý của các mầu nhiệm Đức Kitô trong Năm phụng vụ. Theo đó, nội dung của Năm phụng vụ “hoạt động lớn lao của Thiên Chúa đối với con người; hoạt động cứu độ của Đức Kitô nhằm dẫn đưa con người từ chỗ chật hẹp của thời gian đến sự tròn đầy của vĩnh cửu”.
Năm phụng vụ diễn tả dần dần mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô; nhưng trong mỗi trường hợp là, đặt trước mắt con người – của Giáo hội lẫn từng Kitô hữu trọn vẹn ơn cứu độ – mỗi lần cử hành một phần, nhưng luôn là tất cả.
2. Năm phụng vụ: cử hành kỷ niệm theo chu kỳ mầu nhiệm Đức Kitô
Theo Hiến chế về Phụng vụ thánh thì Năm phụng vụ là Ngày của Chúa (102, 176), là Lễ Vượt qua (103).
a. Phụng vụ
“Phụng vụ là một sự tiếp tục can thiệp của Thiên Chúa qua dấu chỉ nghi thức, bí tích, những sự phong phú của ơn cứu độ. Phụng vụ toàn thể lịch sử cứu độ.”1 Do đó, Năm phụng vụ không chỉ là một lý tưởng, một chuỗi những lễ, nhưng là một ngôi vị, Chúa Kitô, hiện diện trong Giáo hội. Hơn nữa, Năm phụng vụ “không chỉ là khước từ biểu tượng vũ trụ, nhưng là cùng với vũ trụ để cử hành.”2
Như thế, Năm phụng vụ không thể chỉ hiểu là một sự xoay vần, trở đi trở lại các mùa, trái lại thời gian được hiểu như một chiều hướng về cánh chung. Việc cử hành hằng năm, năm này qua năm kia, đem lại cho Giáo hội những cơ hội thuận tiện thông truyền ơn cứu độ cho mọi người qua các mầu nhiệm của Chúa Kitô, như một Cuộc Vượt qua dần dần.
b. Lời và bí tích trong năm phụng vụ
Khi nói Năm phụng vụ có tính bí tích thì đó là một dấu chỉ bày tỏ và làm hiện diện cách hữu hiệu uy quyền cứu độ của mầu nhiệm Vượt qua nơi tín hữu, đồng thời cũng là thời điểm ý nghĩa mà trong đó Lời Chúa được công bố và các bí tích được cử hành, nhất là Thánh Thể. Biến cố cứu độ được thực hiện cách quyết liệt nơi mầu nhiệm Đức Kitô. Đức Kitô chịu chết một lần thay cho tất cả (Hr 9,26-28; 1Pr 10,10; Rm 6,10; Hr 7,27; 9,12; 10,10) và vẫn tiếp tục cho mọi tín hữu mọi nơi mọi thời qua Giáo hội (Cv 2,42-46; 4,32tt), trong sự năng động của ơn cứu độ là hoạt động của Chúa Thánh Thần.
Có thể nói từ Sáng thế đến Khải huyền là một hành trình dài từ Chúa nhật I mùa Vọng – Chúa nhật cuối cùng của Mùa Thường niên, một chương trình cứu độ. Hiến chế Dei Verbum (487) khẳng định: Trong cử hành phụng vụ phải “ứng nghiệm lời anh em vừa nghe”. Vì thế, trong mọi trường hợp: Verbum et Sacramentum, nghĩa là điều được loan báo trong Lời thì được hướng tới việc cử hành. Như vậy, Phụng vụ là nơi tái lập sự viên mãn của lời Thiên Chúa được thực hiện qua cử hành tưởng niệm Đức Piô XII trong thông điệp Mediator Dei nói rằng: Phụng vụ phải được thực hiện theo cách thế của mình. Phụng vụ không chỉ thể hiện về cuộc sống trần gian, nhưng là mầu nhiệm của Đức Kitô. Việc cử hành Phụng vụ phải thể hiện sự trọn vẹn của một mầu nhiệm duy nhất nơi Đức Kitô, được lập lại trong việc cử hành Thánh Thể.
Mặt khác, Năm phụng vụ có chiều kích giáo lý: đưa dẫn các tín hữu vào mầu nhiệm Đức Kitô trong sự hiệp thông, hầu củng cố đức ái và thống nhất đời sống của chúng ta với mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô. Hơn nữa, Năm phụng vụ còn giúp người tín hữu quy hướng về Giáo hội, vì Giáo hội mà Mầu nhiệm Chúa Kitô được cử hành: nguồn mạch cho đời sống Giáo hội, đến lượt mình Giáo hội kéo dài và hoàn tất mầu nhiệm Đức Kitô. Mỗi ngày cử hành cho thấy tính thời gian và vĩnh cửu.
3. Năm phụng vụ – cử hành duy nhất là mầu nhiệm Đức Kitô
a. Lịch sử cứu độ là một mầu nhiệm
Thánh Phaolô coi lịch sử cứu độ là lịch sử thống nhất và duy nhất (Ep 1,3-14) mà trong đó Mặc khải là một lịch sử có tính ngôn sứ bởi các điều kiện sau:
– Tuyển chọn từ phía Thiên Chúa.
– Được thực hiện trong một giao ước.
Giao ước này vượt trên thời gian và không gian. Tất cả những gì các ngôn sứ loan báo về Đấng Mêsia thì đều được chuẩn bị trong Cựu ước và thực hiện trong Tân ước.
Mặt khác, lịch sử cứu độ có tính cánh chung bởi đã thực hiện nhưng chưa hoàn trọn. Thật vậy, lịch sử cứu độ là một thực tại phức tạp và được cắt khúc thành những giai đoạn kế tiếp nhau. Nhưng tất cả lịch sử đều quy hướng về Chúa Kitô (xc. Cl 1,19), đã trọn vẹn (xc. Cl 1,15-18) và nên như một mầu nhiệm (xc. Rm 16,25-27).
b. Từ biến cố cứu độ đến tưởng niệm phụng vụ (Anamnesis AL 23)
* Từ những lễ của dân Israel:
– Một ngày sống: từ sáng sớm đến chiều tà dân Israel cử hành các nghi lễ phụng vụ kính thờ Đức Chúa (xc. Xh 29,38-42).
– Dân Israel phải cử hành ngày sabát vào ngày thứ bảy trong tuần (xc. Xh 20,8…).
– Ngoài ra, dân Israel còn có các lễ Tuần bảy mới, lễ Mùa xuân, lễ Mùa gặt…
* Thời gian phụng vụ: được hiểu như sự tiếp nối của lịch sử cứu độ: Một sự trông chờ sống động sự can thiệp mới từ Thiên Chúa; và lịch sử cứu độ mở ra tương lai mới cho dân Chúa.
* Những lễ của Giáo hội: Điểm trọng tâm của việc mừng lễ trong Tân ước là tính năng động quy tụ lại nơi Đức Kitô giữa điều “đã hoàn thành” và “chưa được hoàn trọn”. Nơi Đức Kitô, tất cả đã hoàn thành, nhưng lại cần được hoàn thành nơi chúng ta (cách lịch sử – phụng vụ), trong thời của Giáo hội.
Lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đã thực hiện “một lần cho tất cả”. Khi Giáo hội đưa con người vào lịch sử ấy qua việc cử hành Phụng vụ thì mở ra cho mọi người, mọi thời một niềm hy vọng vào ơn cứu độ của mầu nhiệm Đức Kitô.
Cơ cấu thần học của việc cử hành mầu nhiệm Đức Kitô trong Phụng vụ Giáo hội là:
– Lễ như một tưởng niệm.
– Lễ như một cuộc dấn thân của đời sống.
– Lễ như khúc dạo đầu: chờ đợi chung cuộc.
– Lễ như một cảm nghiệm của niềm vui.
Tất cả như được cử hành theo chu kỳ.
c. Cử hành hiện tại hoá các mầu nhiệm của Đức Kitô
Cử hành không chỉ là diễn lại cách đau thương cuộc sống trần gian của Đức Kitô, nhưng mỗi cử hành là một phần trong mầu nhiệm trọn vẹn của Đức Kitô.
Cử hành mầu nhiệm Đức Kitô không phải là một hiện diện tĩnh, nhưng là hiện diện sống động của hiệp thông – tương giao, do việc đón nhận mầu nhiệm (khách quan – vào trong sự chủ quan của đời sống thần linh). Do đó việc cử hành hiện tại hóa các mầu nhiệm của Đức Kitô là sự nối dài và bổ sung mầu nhiệm lịch sử cứu độ trong Đức Kitô.