[Giới Thiệu Dòng Tu] Tu Hội Nhập Thể – Tận Hiến – Truyền Giáo

04-03-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 5330 lượt xem

Incarnatio Consecratio Missio – I.C.M.

1. Lịch sử

Ngày 02/02/1949, lễ Đức Mẹ dâng Chúa vào Đền Thánh, tại Giáo phận Thái Bình, Miền Bắc Việt Nam, Phó tế Micae Maria Tước (Việt Anh), trong khi cầu nguyện tận hiến cho Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria, có sáng kiến phát động một phong trào Tận Hiến cho Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria.

Ngày 08/12/1969, Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục tiên khởi Giáo phận Đà Lạt, chính thức công nhận cộng đoàn anh chị em Tận Hiến và chấp nhận bản điều lệ có khuynh hướng Tu Hội Đời của Tận Hiến, đồng thời ban phép thí nghiệm bản điều lệ này trong thời gian ba năm.

Ngày 01/11/1976, Đức Tổng Giám mục Jean Jadot, Khâm sứ Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, trong văn thư gửi cha Việt Anh đề ngày 26/10/1976, đã thông báo cho cha Việt Anh biết quyết định của Đức Tổng Giám mục D. Simon Lourdusamy, Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm, là kể từ ngày 01/11/1976, Tòa Thánh đặt Tu Hội Tận Hiến dưới quyền chăm sóc đặc biệt của Đức Tổng Giám mục Philip Hannan, New Orleans, và Tận Hiến được nhìn nhận như một Hội Đạo Đức (Pia Unio).

Ngày 01/11/1980, Đức cha Barthôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Giám mục Giáo phận Đà Lạt, công nhận Nhập Thể – Tận Hiến I.C. (Incarnatio – Consecratio) là một Hội Đạo Đức.

Ngày 06/01/1991, Linh mục Micae Maria Việt Anh quyết định : Nhập Thể – Tận Hiến – Truyền Giáo không còn là Tu Hội Đời nữa, nhưng là Tu Hội Đời Sống Tông Đồ (Societas Vitae Apostolicae).

Ngày 25/03/1992, ngài hoàn tất bản điều lệ mới mệnh danh là : Hiến pháp Tu Hội Nhập Thể – Tận Hiến – Truyền Giáo (I.C.M. : Incarnatio – Consecratio – Missio).

Ngày 28/01/2000, Hiến pháp Tu Hội Tận Hiến Nam được giáo quyền Đà Lạt phê chuẩn theo Giáo luật.

Ngày 02/02/2000, trong văn thư Prot. N. 0201/2000, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn – Giám mục Giáo phận Đà Lạt ấn ký : Nghị định thiết lập theo Giáo luật “Nam Tu Hội Đời Sống Tông Đồ Giáo Sĩ Nhập Thể – Tận Hiến – Truyền Giáo (I.C.M.).” Kể từ đây Tu Hội chính thức mang bản chất là Tu Hội đời sống tông đồ thuộc quyền Giáo phận.

2. Đấng sáng lập

Linh mục Micae Nguyễn Khắc Tước Việt Anh

  • Sinh ngày 19/03/1924, tại Vạn Đồn, Thụy Anh, Thái Bình.
  • Năm 1935, nhập Tiểu Chủng viện Trung Linh, Bùi Chu.
  • Năm 1942, nhập Giáo Goàng Học viện Anbêtô, Nam Định.
  • Ngày 02/02/1949, khai lập Tu Hội khi đang giúp xứ và sắp chịu chức Linh mục.
  • Ngày 02/07/1950, thụ phong Linh mục.
  • Năm 1954 – 1955, tham gia hoạt động từ thiện xã hội, chuyển cư từ Bắc vào Nam.
  • Năm 1957 – 1968, du học Thụy Sỹ.
  • Năm 1968 – 1975, tham gia giảng dạy Anh văn tại Đại học Đà Lạt trong vai trò giáo sư Anh ngữ, củng cố và phát triển Tu Hội tại Giáo phận Đà Lạt.
  • Ngày 25/04/1975, di cư sang Hoa Kỳ.
  • Ngày 28/01/1993, về nhà Cha tại Baton Rouge, Los Angeles, Hoa Kỳ.

3. Linh đạo

Tu Hội nhìn nơi mầu nhiệm Nhập Thể như là ánh sáng soi đường trong đời sống thánh hiến và tông đồ, là động lực và sức mạnh cho những hoạt động truyền giáo. Vì thế, thành viên Tu Hội ước ao nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa Nhập Thể để tôn thờ và yêu mến Chúa Cha, và cộng tác vào sứ mệnh cứu chuộc của Đức Kitô. Cũng nơi mầu nhiệm Nhập Thể, Tu Hội nhận ra khuôn mặt và địa vị tuyệt diệu của Đức Maria trong chương trình cứu độ, khi con Thiên Chúa đã trở thành con Đức Mẹ. Tu Hội có lòng kính yêu Đức Maria và nhận Ngài là Mẹ (Trích hiến Pháp I.C.M.).

4. Hoạt động tông đồ

Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Do chính bản chất mầu nhiệm Nhập Thể Tận Hiến, việc tông đồ truyền giáo I.C.M. được định nghĩa là tình yêu tận hiến cho Thiên Chúa trở nên sâu xa và sung mãn đến nỗi phải chia sẻ cho người khác. Vì thế các thành viên I.C.M. cần phải sống tình yêu thật sung mãn trước khi chia sẻ cho người khác. Không ai cho cái mình không có.

Các thành viên I.C.M. tích cực loan truyền Lời Chúa (Mc 16,15), hợp tác với các tổ chức công và tư có mục đích phục vụ người nghèo. Trong mọi công tác truyền giáo, các thành viên I.C.M. cố gắng sống theo nguyên tắc chỉ đạo của thánh Phaolô : “Trở nên mọi sự cho mọi người” (1Cr 9, 22) (Trích Hiến Pháp I.C.M.).

5. Tu hội tại Việt Nam

Hiện tại ở Việt Nam, Tu hội có 5 nhà huynh đệ :

  • Nhà huynh đệ Minh Giáo – Đà Lạt, cũng là nhà chính của Tu Hội, địa chỉ 121 Ngô Thì Nhậm, phường 4, Đà Lạt, Lâm Đồng.
  • Nhà huynh đệ Thanh Xuân, thành phố Bảo Lộc, địa chỉ 20/A Nguyễn Trãi, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Nơi đây cũng là nhà tập của Tu Hội.
  • Nhà huynh đệ Minh Đức, địa chỉ 57/154 Cây Dầu, phường Tân Phú, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh, nơi đây dành cho anh em theo học Thần học tại Học viện Don Bosco, Xuân Hiệp, Thủ Đức.
  • Nhà huynh đệ Bình Triệu, địa chỉ 14/2/2A, đường số 01, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh ; nơi đây dành cho anh em đang theo học Triết và Thần học tại Học viện Phaolô Nguyễn Văn Bình và Trung tâm Học vấn Đa Minh.
  • Nhà huynh đệ Bảo Thị, Long Khánh, Xuân Lộc, Đồng Nai ; nơi đây dành cho anh em lao động sản xuất.

Các hoạt động chính : một số thành viên Tu Hội là Linh mục quản xứ các giáo xứ trong Giáo phận Đà Lạt. Các xã “vùng Loan”[1] thuộc huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng, nơi đồng bào người thượng Churu sinh sống là địa bàn chính hoạt động truyền giáo của các thành viên tu hội.

Xem thêm bài viết: Giới thiệu các dòng tu tại Việt Nam

6. Thông tin anh em sinh viên

Thời gian bắt đầu gửi anh em theo học tại Học viện Liên Dòng từ năm 2000 và Trung tâm Học vấn Đa Minh từ năm 2002. Đã ra tốt nghiệp ra trường và tiến chức Linh mục được 8 tu sĩ. Hiện tại Tu Hội có 4 anh em đang theo học tại Trung tâm Học vấn Đa Minh. Ngoài ra là ở các Học viện khác.

[1] Ninh Loan, Đà Loan, Tà Hine, Tà Năng, Đạ Huyn.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com