Gioakim Phạm Đức Quỳnh
Chúng ta đang sống trong những thời khắc cuối cùng của Năm thánh Kỉ niệm 30 năm (1988 – 2018) ngày Đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn vinh 117 Anh hùng Tử đạo Việt Nam lên bậc hiển thánh. Nhân dịp đặc biệt này, xin được góp một chút nho nhỏ tựa một nốt nhạc trong bản hùng ca tôn vinh các anh hùng tử đạo Việt Nam.
Thật là một điều “khác thường” khi trong lễ các Thánh Tử Đạo, các bài đọc trong cử hành Phụng vụ của Giáo hội chỉ nói đến niềm vui. Đặc biệt là lời Thánh vịnh 125: “Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan”
Theo cái nhìn thông thường, làm sao có thế tấu lên được những lời ca vui mừng này khi mà trong gần 300 năm chịu bách hại, người Công giáo Việt Nam đã phải trải qua bao là thử thách: Nào là gông cùm, tù tội, xiềng xích…. Với 53 sắc chỉ cấm đạo trải dài qua 6 triều vua, hơn 130.000 tín hữu đã phải hi sinh mạng sống vì niềm tin của mình.
Không chỉ Giáo hội tại Việt Nam mà trong suốt dọc dài lịch sử của mình, Giáo hội luôn phải đương đầu với muôn vàn thử thách. Các Kitô hữu thời tiên khởi tại Giêrusalem đã sớm phải đối diện với những cấm cách và bách hại, nhưng các ngài không hề tỏ ra sợ hãi. Sách Công vụ Tông đồ thuật lại rằng dù bị giới chức Do Thái đe doạ, sỉ nhục, các chứng nhân của Đức Kitô khi vừa bước ra khỏi hội đường, lòng dạ các ngài đã hân hoan vì “được coi là xứng đáng chịu khổ hình vì danh Đức Giê-su” (Cv 5, 41)
Cũng tinh thần ấy, các thánh Tử Đạo Việt Nam – cha ông chúng ta đã anh dũng hiên ngang tiến ra pháp trường, sẵn sàng chấp nhận những cực hình, các ngài cảm thấy hãnh diện vì được chịu đau khổ vì danh Chúa như trường hợp của Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc:
Lạc rầy đã rõ chốn quân quan
Bút chép thơ này gửi thở than
Lòng nhớ bạn non còn vất vả
Dạ thương khách chạy chưa yên hàn.
Đông qua tiết lại thời Xuân đến
Khổ trảm mai sau hưởng phúc an
Làm kẻ anh hùng chi quản khó
Nguyện xin cùng gặp chốn Thiên đàng.
Các vị tử đạo tuy sống ở những giai đoạn khác nhau, với bậc sống khác nhau, công việc và địa vị xã hội khác nhau. Về bậc sống, các vị phần đông là giáo dân, số ít hơn là giám mục, linh mục, thầy giảng. Về địa vị xã hội, có những vị đang giữ những chức vụ cao trong triều đình thời bấy giờ như trường hợp của thánh Micae Hồ Đình Hy là một quan thái bộc. Một điểm chung giữa các vị tử đạo là một tình yêu Chúa thiết tha và một lòng can đảm phi thường.
Ý nghĩa nguyên thuỷ từ “tử đạo” (tiếng Hy lạp “μάρτυς”, tiếng anh “martyr”) là “làm chứng”. Những tín hữu ngày nay có lẽ không còn phải chịu những bách hại, hoặc chí ít là không còn những hình thức bắt đạo gắt gao như thời của các vị tử đạo cha ông. Tuy nhiên, chúng ta cách nào đó vẫn còn phải đối diện với muôn vàn thử thách trong hành trình làm chứng cho Tin Mừng.
- Chủ nghĩa duy vật
Xã hội hôm nay ra như đang đắm mình vào trào lưu duy vật dưới nhiều hình thức – hoặc là trong tư tưởng (chủ nghĩa vô thần) hoặc là trong cách sống (chủ nghĩa tiêu thụ) – đã chối bỏ hoặc không quan tâm đến sự hiện hữu của Thiên Chúa. Khi gạt Thiên Chúa ra bên lề cuộc sống, thì cũng chính là lúc con người cũng phải đối diện với những vấn nạn ngày càng trầm trọng hơn của xã hội: phân cách giàu nghèo, bất công, khủng bố, nhân phẩm bị xâm phạm, quyền sống bị tước đoạt, v.v.. Thay vì dùng tiền của như phương tiện để phục vụ cuộc sống, người ta có thể biến nó thành mục đích, như là “chủ nhân” của mình. Người Kitô hữu nhiều lúc không khỏi lung lay đức tin khi bị trở thành nạn nhân của trào lưu duy vật này. Trước thách đố ấy, Lời Chúa luôn nhắc nhở chúng ta rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.” (Mt 6, 24).
- Chủ nghĩa cá nhân
Không thể phủ nhận rằng, cuộc sống hưởng thụ thời nay, một cách nào đó, đã và đang cản trở các Kitô hữu thực thi các đòi hỏi của Tin Mừng. Giữa thế giới văn minh, tiện nghi, biết đâu có khi chúng ta lại dễ dàng rơi vào một cách sống phản chứng, đối nghịch với niềm tin Kitô giáo. Đó là khi người ta sống ích kỷ, chỉ chăm lo đến ốc đảo của riêng mình; đó là khi người ta vi phạm cam kết hôn nhân; đó là khi những người ta giết chết các thai nhi, không cho chúng quyền được sống trên đời; đó là khi những người trẻ sống một cách buông thả; đó là khi người ta lao vào những cuộc nhậu nhẹt say sưa, những vụ cá độ, đề đóm; đó là khi người ta gây chia rẽ, hận thù giữa người với người, v.v.. Mỗi Kitô hữu, dù sống trong bậc sống nào, đều được mời gọi “hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời” bằng một lối yêu thương và tôn trọng người khác như chính mình (x. Mt 22, 38-39)
- Sự gian dối
Có lẽ chưa bao giờ sự gian dối lại trở nên vấn đề lớn như thế đối với xã hội Việt Nam. Gian dối trong việc đưa thông tin sai lệch, vu cáo để trù dập, làm hại người khác hoặc đối thủ. Gian dối trong làm ăn kinh tế, bất chấp quyền lợi và sức khoẻ của người tiêu dùng, như sản xuất thuốc giả, làm ra thực phẩm bẩn, độc hại, v.v.. nhằm thu lợi nhuận bất chính. Đau đớn thay, sự gian dối ở ngay trong môi trường giáo dục, biến nó thành một thị trường đổi chác bất minh: mua bán bằng cấp, chứng chỉ, chạy điểm, chạy ghế giáo sư, chạy biên chế, chạy trường, chạy lớp, v.v.. Người tín hữu hẳn sẽ phải gặp nhiều thử thách khi chọn “con đường hẹp” của Tin Mừng, bằng một cách sống trung thực, liêm chính: “có thì nói có, không thì nói không.” (Mt 5, 37). Đức Giêsu cũng chỉ cho ta biết nguyên nhân của sự gian dối này là “do ác quỷ” mà ra .
* * *
Những môn đệ của Đức Kitô trong mọi thời đại được mời gọi làm chứng cho Người bằng một đời sống nên thánh. Trên hành trình cuộc đời, người môn đệ không khỏi gặp những hiểm nguy và thử thách, nhưng với tình yêu của Chúa và sự chuyển cầu của các thánh Tử đạo, chúng ta tin tưởng sẽ cập bến bình an.
Lạy các Thánh tử đạo Việt Nam xin cầu cho chúng con!