Mục Lục
Tin Mừng theo thánh Máccô (1, 16-20)
Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người .
Nguyễn Khải Hoàn
Với vỏn vẹn năm câu văn, tác giả Tin Mừng đã tường thuật khá rõ nét khung cảnh Chúa Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên. Dù rằng khi đọc qua đoạn Tin Mừng trên, đôi lần chúng ta cũng trở nên kém lòng tin vào một câu chuyện dường như mang tính chất “quá đơn giản – quá nhanh – quá nguy hiểm”, nói về việc “một người” thu phục “một nhóm người” như thế. Hẳn là không đùa, bởi lẽ “quá đơn giản” ở chỗ Chúa Giêsu không hề sử dụng bất kì một lời lẽ có cánh nào để nói về những danh – lợi khi đi theo người, “quá nhanh” khi mà chỉ trong một thời gian ngắn và cùng một không gian đó, Người đã gọi bốn môn đệ đầu tiên; và “quá nguy hiểm” ở chỗ quyết định của các ông đưa ra rất nhanh chóng (các câu 18 và 20) và ta chẳng thấy một lời nghi vấn nào từ chính các ông về mục đích hay những lợi lộc mà họ sẽ có được khi đi theo Người.Như thế, ta có thể nói rằng: lời mời gọi từ Chúa Giêsu dưới ngòi bút của Máccô được đưa ra một cách rất cấp bách, đòi hỏi những ai đi theo người luôn phải ở trong tình thế sẵn sàng ra quyết định với một niềm xác tín đủ mạnh để có thể đáp trả Người. Song song đó, lời đáp trả không chỉ trong một giây phút ngắn ngủi mà thôi, nhưng nó còn đòi hỏi một sự dấn thân liên lỉ cho lời đáp trả của mình. Thật vậy, chính các Tông đồ đầu tiên được nói đến trong đoạn Tin Mừng chắc hẳn trong tận cõi lòng đã chín muồi niềm khát khao mong chờ Đấng Messia giống như bao người Do Thái thời ấy, do vậy chỉ với một lời kêu gọi “Hãy theo tôi”, tâm hồn các ông như vỡ òa trong niềm vui của “người được chọn”, để rồi từ giây phút được kêu mời đó, các ông can đảm bỏ lại gia đình, sự nghiệp và những dự định riêng mà bước vào một mối tương quan mật thiết với Chúa Giêsu. Cuộc đời của các ông từ nay không còn dừng lại ở chỗ “biết” về một ông Giêsu nào đấy mà thiên hạ đang đồn thổi nhưng là sẵn sàng dấn thân bước vào mối tương quan mật thiết với Người, chung chia sứ vụ và nhất là từ bỏ chính những điều đã tạo nên mình để được nên đồng hình đồng dạng với Người.
Lược qua các trình thuật về cuộc đời Chúa Giêsu, ta có thể dễ dàng tìm ra được một khuôn mẫu chung cho tất cả những người đã – đang và sẽ bước theo Người. Đó chính là: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9, 23) Như thế, những môn đệ Chúa Giêsu xưa và nay đều cùng gặp phải những khó khăn trên hành trình đi theo Người, người viết tạm chia những khó khăn ấy đến từ hai phía: từ bên trong là chính đương sự – người được gọi, và từ bên ngoài là môi trường sống của người được gọi.
Khó khăn đến từ bên trong – khó khăn lớn nhất: “Từ bỏ chính mình”
Khởi đầu Tân ước, ta bắt gặp ngay những mẫu gương tuyệt vời trong việc từ bỏ chính mình, đầu tiên đó là Đức Maria: một trinh nữ độ tuổi xuân thì đang nguyện ước giữ mình đồng trinh, bỗng chốc lời mời gọi “Này đây Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai” (Mt 1, 23) đến thật bất ngờ; mọi dự định riêng tư đều tan biến để từ nay – sau lời “xin vâng”, Mẹ bước vào một hành trình của niềm tin, một hành trình mang đến cho Mẹ biết bao niềm hân hoan, hạnh phúc…nhưng cũng không ít những phiền muộn, tủi hổ khi phải đối diện với dư luận và tột đỉnh đó là niềm đau khi nhìn con chết treo trên thập giá. Bên cạnh hình ảnh Đức Maria, ta cũng bắt gặp hình mẫu của Thánh Giuse: viễn tưởng về một cuộc hôn nhân hạnh phúc thoạt nhiên biến mất khi vị hôn thê của mình chưa về chung sống mà đã có thai, với lẽ thường của một người nam chắc chắn điều đó không dễ dàng chấp nhận; nhưng nơi Thánh Giuse, lời báo mộng của sứ thần như đáp án cho mọi ngờ vực, để rồi từ đây với niềm tin thật mạnh mẽ Thánh Giuse chấp nhận gác lại mọi dự tính cho riêng mình và bước vào cuộc sống làm cha nuôi Đấng Cứu Thế, ôm trọn trong mình Gia đình thánh, mà đâu biết rằng vẫn còn biết bao gian khổ đang chờ phía trước.
Và tiếp đến là hình ảnh của các Tông đồ, họ là những người được chung chia cuộc sống với Chúa Giêsu ngay những ngày đầu người bắt đầu đi rao giảng. Sau lần gặp gỡ đầu tiên ấy, sự đáp trả quyết đoán của các ông phải được thử thách trăm chiều. Các ông từ nay sẽ phải xa rời những thứ đã gắn bó với mình suốt cả cuộc đời chài lưới, bỏ lại sau lưng cha mẹ, vợ con, anh chị em và chính cái tôi cá nhân của mình để lên đường rong ruổi đây đó với Thầy Giêsu. Rõ ràng điều đó không dễ chút nào, khi với phận người yếu đuối, đã biết bao lần chính các ông đặt ra nghi vấn, như lời thánh Phêrô tuyên bố: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (Mt 19, 28) Dĩ nhiên chúng ta hiểu rằng, sức tự nhiên của các ông khó có thể từ bỏ tất cả để đi theo Người cách trọn vẹn, mà phải có ân sủng của Chúa được trao ban qua lời mời gọi, chính ân sủng đã giúp các ông làm được điều đó. Và qua câu trả lời cho Phêrô, Chúa Giêsu đã cho ta thấy yếu tố nền tảng của việc đi theo Người đó là phải từ bỏ những điều tốt lành mà thế gian ban tặng cho các ông.
Những người đang tập tễnh bước theo chân Chúa trên đường sứ vụ,
cũng phải đối diện với khó khăn to lớn ấy đó là: từ bỏ chính mình.
Từ bỏ chính mình khởi đi từ việc can đảm chấp nhận một cuộc sống bớt tiện nghi, bớt của cải vật chất, bớt danh tiếng để sống âm thầm. Thật không dễ dàng gì để từ bỏ các tiện nghi của thế giới này, những thứ đã gắn liền với từng cá nhân, hay những danh thơm tiếng tốt – những thứ đã phần nào giúp “khẳng định căn tính” của mình; nói như thế là bởi vì do được sinh ra trong một xã hội đề cao vật chất và danh vọng, ngay cả đến giáo dục cũng hướng con người ta đến việc thu tích cho mình, thì lẽ dĩ nhiên những người được gọi ngày nay cũng phần nào lấm lem tư tưởng phải luôn thu vén về cho mình những thứ mà họ đã từng có trước khi bước vào đời tu.
Tiến xa hơn một chút, từ bỏ chính mình còn được thể hiện qua việc sẵn sàng từ bỏ gia đình, từ bỏ những tình cảm riêng tư. Là con người có trái tim bằng xương bằng thịt, chắc chắn rằng việc từ bỏ những tình cảm ấy cũng là một khó khăn rất lớn cho người được gọi, kể từ nay họ không còn được ở bên cạnh chăm sóc cho những người mình yêu thương, mà bước vào một môi trường mới – ở đó con tim của người được gọi phải trở nên quảng đại hơn, bao dung hơn để đón nhận tất cả anh chị em cùng chung sống; nếu không làm được như thế, con người thiêng liêng của họ khó mà phát triển đến mức thập toàn như Đấng họ đang theo đuổi. Và rồi không dừng lại ở đó, con tim của họ còn phải học cách yêu mà không giữ lại cho mình, ta thấy ở nơi đây, mọi xu hướng của thế gian này đã bị đảo ngược: yêu và mở rộng lòng để không ích kỉ giữ lại cho bản thân, yêu để sẵn sàng đón nhận cả những người ghét mình.
Và chóp đỉnh của việc từ bỏ chính mình đó chính là: từ bỏ chính cái tôi – từ bỏ ý riêng. Như Đức Maria, thánh Giuse, các Tông đồ cùng biết bao môn đệ suốt 2000 năm qua, người được gọi ngày hôm nay cũng phải từ bỏ ý riêng của mình, bỏ lại sau lưng biết bao nhiêu những dự tính cho tương lai của mình mà bước vào hành trình tìm kiếm và làm theo thánh ý Chúa qua sự hướng dẫn của bề trên. Qủa thật điều này không dễ dàng chút nào: tuổi trẻ càng nhiều tham vọng, người ta lại càng thích được sống theo cách mình muốn; càng chăm chút cho tương lai của mình, người ta lại càng dễ hụt hẫng khi phải cắt tỉa đi những gì không phù hợp với tư cách người được gọi. Và vì thế, nếu tình yêu dành cho Thiên Chúa không đủ lớn để có thể bỏ đi chính mình, người được gọi sẽ dễ dàng vấp ngã khi cơn cám dỗ ập đến.
Khó khăn đến từ bên ngoài: “vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.
Những mẫu gương trong Tin Mừng lại một lần nữa đánh động con tim chúng ta. Kể từ tiếng xin vâng, cuộc đời Đức Maria được Thiên Chúa trao cho một cây thập giá là chính gia đình thánh, Mẹ không còn sống cho mình mà thôi, nhưng là sống cho người bạn đời của mình là thánh Giuse, và nhất là nuôi dưỡng, chăm sóc con mình là Đấng Cứu Thế. Không dừng lại ở đó, thập giá của Mẹ trở nên nặng hơn khi phải chứng kiến con mình bị người đời kết án và chịu khổ hình nhục nhã, thời khắc đứng nhìn con yêu mình thí mạng vì nhân loại, chắc chắn phải mạnh mẽ lắm Mẹ mới đủ can đảm để ôm xác con mình, phải tin tưởng lắm Mẹ mới có đủ hân hoan để chờ đợi Chúa Giêsu sống lại, và phải hi vọng lắm Mẹ mới có đủ kiên nhẫn chờ mong Chúa Thánh Thần đến cùng với các Tông đồ. Thánh Giuse cũng thế, sau khi đáp trả ý định của Thiên Chúa để cùng Đức Maria chăm lo cho Đấng Cứu Thế, Cha cũng được Thiên Chúa trao cho thập giá là chính gia đình thánh, với thập giá ấy – Cha đâu thể nào an tâm, trái lại ngày đêm người thấp thỏm, trăn trở với những dự định làm sao để bảo vệ và chăm sóc được cho Đức Maria và Chúa Giêsu.
Và cuộc đời của các Tông đồ cũng như đoàn dân Thiên Chúa trong suốt 2000 năm qua quả là một dẫn chứng tuyệt vời cho chúng ta. Thật vậy, khi chấp nhận đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa, con người không còn sống cho chính mình nữa, nhưng là sống cho Đấng đã kêu gọi mình bước theo Người. Người được gọi sẽ được trao cho các thập giá của đời mình, đó có thể là sứ vụ rao giảng, là sự bắt bớ chèn ép của người đời, là phải sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian, hay đôi khi đó có thể là chính người đang sống chung với mình, là chính cộng đoàn mình đang thuộc về, v.v…
Trong giới hạn của sự hiểu biết và cảm nhận của mình, người viết xin được nói nhiều hơn về thập giá là chính những người đang sống bên cạnh mình.
Cụ thể là, người được gọi khi đáp trả lời kêu mời của Thiên Chúa, phải dấn thân liên lỉ trong đời sống cộng đoàn mà người đó đang thuộc về. Những năm tháng đầu đời ấy khi mà nhiệt huyết vẫn còn trào dâng, người được gọi có lẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc chung sống, trong những công tác hằng ngày; nhưng dần dà, khi mà mọi thứ đã bắt đầu trở nên quen thuộc, khi những va chạm xảy đến ngày càng nhiều và khi người được gọi cảm thấy xuất hiện bức tường vô hình giữa những mối quan hệ, thì đó cũng là lúc thập giá trở nên nặng nề hơn. Khó khăn xuất hiện, dường như đó là khó khăn chung mà bất kì ai được gọi cũng đều sẽ trải qua. Có những thập giá là do sự quá nhạy cảm của đương sự tạo nên, nhưng có những thập giá là sự thật không thể phủ nhận. Khi ấy, cách xử trí tốt nhất đó chính là sự trở về với chính lời mời gọi thuở ban đầu, để người được gọi nhớ rằng: khi Thiên Chúa kêu mời một con người nào đó cho kế hoạch của Ngài, thì Ngài cũng mở một kho tàng ân sủng dồi dào để người được gọi có thể can đảm tiếp tục vác thập giá đời mình.
Tạm kết
Sự đau khổ nhục nhã của thập giá và vinh quang của sự phục sinh cứ như thể hai mảng không thể tách rời. Thật thế, nếu không có khổ đau của thập giá, làm sao con người có thể hiểu được ý nghĩa cao trọng của sự Phục sinh; hay như tác giả Thánh vịnh đã từng có câu “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 125) Như vậy đoan chắc rằng trên hành trình sứ vụ, người được gọi sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, hành trình ấy đòi hỏi người được gọi phải dấn thân một cách liên lỉ cho người mình yêu là chính Thiên Chúa và không ngừng canh tân bản thân mỗi ngày để nên đồng hình đồng dạng với Thầy Chí Thánh mà người được gọi đang bước theo. Để cuối cùng, khi kết thúc hành trình trên trần thế này, người được gọi sẽ hân hoan và vững tin bước về Thiên Quốc đón nhận phần phúc mà Chúa Giêsu hứa như thánh Phaolô đã viết: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính” (2Tm 4, 7 – 8).