Những suy nghĩ từ tiểu thuyết “Người đua diều” – Khaled Hosseini
Hassan và Amir cùng nhau chạy trên những triền đồi của Afghanistan. Tôi hình dung ra đó là một khung cảnh của sự bình yên, nhẹ lâng nơi tâm hồn những kẻ luôn âu yếm tuổi thơ mình. “Người đua diều” đã chạy những bước chân thật dài để cố giành được lấy chiếc diều xanh. “Người đua diều” đã sải bước qua hết những tháng ngày ảm đạm của Afghanistan, qua hết những mặc cảm tội lỗi của Amir. Chiến lợi phẩm cuối cùng Amir giành được, không phải là chiếc diều xanh mà Hassan đã cố bảo vệ kì được, nhưng chính là sư tha thứ của Hassan.
Tôi đã để lòng mình đầy ngổn ngang bởi câu nói của Rahim Khan – người chú yêu quý của Amir: “Luôn có một con đường để tốt lành trở lại”. “Tốt lành trở lại” vạch ra trước mắt tôi một ranh giới giữa quá khứ và tương lai. Và chính ranh giới ấy là hiện tại. Quá khứ thì tội lỗi, còn tương lai thì chứa đựng một khả năng để “tốt lành trở lại”. Khoảng cách bên này sang bên kia vạch giới chỉ dài bằng một bước chân. Nhưng để bước hết bước chân đó, Amir đã… Cuộc sống hiện tại của Amir là chuỗi ngày anh dằn vặt vì tội lỗi mình đã gây ra cho Hassan. Sự hèn nhát của anh đã nắm giữ chân tay anh, và buộc giữ lương tâm anh, để rồi, anh vô tâm đứng đó chứng kiến người bạn thân nhất của mình bị làm nhục. Sức đè của cảm thức về tội lỗi lớn dần trong anh, che mắt anh, không cho anh nhìn thấy một cơ hội để sửa sai, cho dù Hassan luôn mở lòng với anh. Amir dần xa lánh Hassan, cuối cùng, anh đã đuổi Hassan ra khỏi nhà mình. Với tất cả những đòn phủ đầu của người bạn thân nhất, Hassan đón nhận tất cả, cho dù đã có khi, anh phải thốt lên trong đau đớn: “Vì cậu, cả ngàn lần rồi!”
Đáp trả tội lỗi, Hassan đã lựa chọn bao dung. Bao dung không phải là nhắm mắt cho qua những lỗi lầm, nhưng là cho người khác một cơ hội để “tốt lành trở lại”. Luôn có một con đường như thế. Con đường được ban tặng cho mình mà Amir đã nhận ra, chính là việc cưu mang Sohrab, con trai của Hassan. Tuy nhiên, lại là một quá trình gian khổ khi Amir đã nhiều lần đắn đo giữa việc đến hay không đến Afghanistan, giữa việc quay về Mỹ hay ở lại Afghanistan; hay cuộc vật lộn thừa sống thiếu chết với Assef – kẻ đã làm nhục Hassan. Và cho dù có đau đớn và khốn cùng thế nào, Amir đã can đảm, kiên nhẫn bước qua. Amir đã hy vọng và anh đã thành công.
Tội lỗi và bao dung – quay về với cõi tâm linh đời mình, tôi muốn đọc nó trong mặc khải của Kinh Thánh. Đức Giáo hoàng Phanxicô từng chia sẻ, một trong những tác phẩm hội họa yêu thích của ngài là bức “Ơn gọi của thánh Mátthêu”. Bức họa này là một trong những tác phẩm đặc sắc của tác giả Caravaggio. Bố cục của bức họa này tập trung vào hai nhân vật. Người phía bên phải đang chỉ tay, đó chính là Chúa Giêsu. Người còn lại là chàng thanh niên bên phía trái đang cúi mặt xuống bàn. Khi vẽ bức tranh này, dường như tác giả không muốn nhấn mạnh vào việc Chúa Giêsu chọn gọi thánh Mátthêu cho bằng việc thánh nhân được Chúa gọi trong tình trạng thế nào. Thật thế, chàng thanh niên Mátthêu đang cúi gằm mặt, như là đang xấu hổ lắm! Anh xấu hổ vì điều gì vậy? Mátthêu có thể được sánh ví với Amir, xấu hổ vì mang mặc cảm tội lỗi. Đối với người Do Thái bấy giờ, những tay thu thuế là phường tội lỗi, là những kẻ tiếp tay cho Đế quốc bóc lột dân tộc mình (xc. Lc 15,1-2). Vì vậy, làm sao Mátthêu có thể cảm thấy xứng đáng với lời mời gọi của một vị tôn sư lỗi lạc, đầy thánh thiện như ông Giêsu kia? Cũng như Amir làm sao có thể đối diện với tình thương mà Hassan dành cho mình? Kholed Hosseini không muốn làm trầm trọng thêm sự đau khổ đó, cũng như tác giả Tin Mừng thứ nhất lại muốn thể hiện một điều khác hẳn. Đó là “Miserando atque eligendo”, nghĩa là “Được chọn vì tha thứ”.
Tội lỗi và bao dung – đi xa hơn, tôi muốn đọc nó trong thế giới hôm nay, hay ít nhất trong sự ăn năn, suy xét cuộc đời mình. “Con được chọn vì ta đã tha thứ” hay “Luôn có một con đường để tốt lành trở lại”, dường như chính Chúa đã thì thầm vào tai tôi những lời nói này mỗi ngày. Giữa lòng thế giới này, cả bạn và tôi nên nghiền ngẫm cuộc đua diều của Amir và Hassan ở sức chạy của lòng bao dung. Nếu như không có lòng bao dung, có lẽ lần đua diều cuối cùng trong đời Amir đã là lần Hassan bị làm nhục. Nhưng nhờ lòng bao dung, Amir mới có được một cuộc đua mới, với Sohrab, hình bóng của Hassan. “Tôi chạy” – Amir đã chạy, với tất cả lòng khoan khoái, với một tâm hồn rộng mở. Giữa lòng thế giới này, cả bạn và tôi nên nghiềm ngẫm khả năng biến đổi của lòng bao dung của Thiên Chúa. Nếu như không có lòng bao dung, có lẽ Mátthêu vẫn còn là một chàng thanh niên tội lỗi nào đó, vẫn đắm chìm vào sự bủa vây của đồng tiền. Nhưng nhờ lòng bao dung, Mátthêu không còn ngồi thu thuế nữa, nhưng đã đứng lên, ra đi và thu nhận các linh hồn về cho Chúa.
Tôi và bạn sẽ đua cuộc đua diều của đời mình như thế nào? Tôi chọn sức bền của lòng bao dung. “Luôn có một con đường để tốt lành trở lại.”
Martin Quách Đình Quốc Trọng