Tình Thương Và Sự Khiêm Nhường Của Thánh Martino

30-10-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3832 lượt xem

Đa Minh Martin Nguyễn Ngọc Huy

“Để Chúa được vinh danh và các tín hữu được cứu độ, trong thời gian vừa qua, Chúa quan phòng đã cho xuất hiện một Dòng Tu thời danh, là Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Dòng này tựa như cây mang sự sống mọc lên xinh tươi giữa muôn vàn cây cối trong vườn Giáo Hội […] Những nhánh cây quí giá ấy là các anh chị em Dòng Thánh Đa Minh, gắn liền với Chúa Kitô là cây nho thích thực […] nhờ yêu quý đức thanh bần và khấn giữ đời tu, họ đã dọn lên bàn tiệc Vua Trời nhiều hoa thơm quả ngọt, là công trạng và đức hạnh của mình.”[1]

Trong những ngày mà mọi người đang chuẩn bị tâm hồn để mừng đại lễ kính thánh Martino de Porres, thì những lời giáo huấn sâu sắc và đầy ý nghĩa trên đây của Chân phước Benedict XI (Giáo Hoàng) đã khiến lòng tôi rộn lên những cảm xúc đan xen vừa tự hào, vừa ngưỡng mộ và cả lòng yêu yêu đối với một người Anh Em khiêm nhường, một “nhánh cây quý giá” gắn liền với “cây nho” là Đức Kitô.

Khi đọc lại tiểu sử của thánh Martino, hẳn rằng nhiều người cảm thấy xót xa, thậm chí là cay đắng khi phải nuốt những cụm từ “không có cha”, “con lai”, “con chó lai”, “tên nô lệ”… thậm chí chúng ta còn thấy cảnh đời của Martino có phần bất hạnh và vô cùng đáng thương khi ngài còn phải “thừa kế” cảnh sống nghèo nàn của gia đình thuộc giai cấp bần cùng trong xã hội Lima lúc bấy giờ. Với số phận đau thương và nghiệt ngã đến vậy thì lẽ thường tình Martino rất dễ trở thành một người cay nghiệt, dễ buông lời nguyền rủa. Nhưng không, ngay từ nhỏ, bên trong làn da đen đủi ấy sáng ngời một trái tim chất chứa yêu thương. Ngày lại ngày, Thiên Chúa tiếp tục đổ tràn vào trái tim anh da đen tình yêu thương của Ngài. Martino đã làm sinh lợi vốn yêu thương mình có bằng cách nhiệt tâm san sẻ, không những dành cho các “anh em túng nghèo” mà còn cho cả “những thú vật ngoài đồng”. Bên cạnh đấy, Martino còn thể hiện một tình yêu đến “quên mình” trong đời sống cộng đoàn.

Đời sống cộng đoàn là một trong bốn trụ cột chính trong tinh thần Dòng. Bàn về nếp sống cộng đoàn Đa Minh, cha Timothy Radcliffe viết:

“Truyền thống của Đa Minh về cộng đoàn chịu ảnh hưởng sâu đậm do cách chúng ta quan niệm về mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Trong Hội thánh có hai truyền thống lớn. Một coi tương quan của chúng ta với Thiên Chúa theo kiểu hôn nhân, giống như tình yêu giữa đôi vợ chồng với nhau. Một lại nhìn mối tương quan đó theo kiểu tình bạn. Cả hai truyền thống này đều gặp thấy trong Dòng.”[2]

Dù được thể hiện bằng cách nào đi nữa, đời sống cộng đoàn là nơi tình yêu thương hiện diện. Ở đó Thiên Chúa đến và chọn làm nơi mình cư ngụ. Thật vậy, chính những Anh Chị Em – những người đang sống trong cộng đoàn lại trở nên hiện thân của tình yêu và dấu chỉ cho sự hiện diện của Thiên Chúa nếu họ sống yêu thương nhau. Thánh Catarina Siena đã nói không úp mở: lòng yêu mến của chị đối với vị hôn phu của mình là Đức Kitô cũng chính là lòng yêu mến mà chị dành cho các Chị Em và bằng hữu của mình, vì có lần Chúa đã nói với Chị rằng: “Lòng mến yêu người ta dành cho Cha và cho người thân cận chỉ là một.”

Thánh Martino là một trong những hiện thân và dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cộng đoàn. Tình yêu thương của Martino được thể hiện thường ngày qua những công việc nhỏ nhặt, qua cách phục vụ chăm sóc cho Anh Em và được thể hiện rõ ràng nhất qua hành động hy sinh quên mình. Khi nhà Dòng phải đối mặt với những thiếu hụt về kinh tế, nợ nần nhiều, Martino đã nói với cha Bề trên: “Con chỉ là một đứa con lai nghèo hèn. Cha hãy bán con đi. Con là sở hữu của Nhà Dòng. Hãy bán con đi để trừ nợ.” Đi đến quyết định ấy là một quá trình suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống của Anh Em trong cộng đoàn trong khó khăn, cùng với lòng yêu mến và ước nguyện được giúp ích một phần cho cộng đoàn. Và với lòng yêu mến, Martino – một tu sĩ chuẩn mực về đời sống đạo đức còn tận tình chăm lo cho phần thiêng liêng của anh em mình. Nhiều tu sĩ thời ấy đã coi ngài như vị linh hướng vì sự tương quan cá nhân của Ngài với Chúa qua những cuộc thần hiện. Nhưng đối với Martino, ngài vẫn coi mình là người “hèn mọn.”

Một cộng đoàn có sự hiện diện của Thiên Chúa, chắc chắn là một cộng đoàn không thể vắng mặt những người như thánh Martino. Qua đó, có một điều được minh chứng là “nhờ lòng mến thương nhau, đời sống huynh đệ là khoảng không gian đầy tràn của Thiên Chúa, trong đó ta kinh nghiệm được thế nào là sự hiện diện mầu nhiệm của Đức Chúa Phục Sinh.” [3]

Khi kể về cuộc đời của thánh Martino, chúng ta không thể không nói về đức tính khiêm nhường của Ngài. Với nghề chữa bệnh, cậu Martino có đủ hy vọng để có được một địa vị trong xã hội, nhưng trong thâm tâm Martino vẫn khao khát được dâng hiến cuộc đời cho Chúa trong một tu viện. Sau những thao thức và cầu nguyện, thánh Martino đã chọn bậc tu trì theo tinh thần Dòng Đa Minh. Một ngày kia, cậu đến gõ cửa tu viện Santo Rosario. Vì lòng khiêm tốn, Martino chỉ xin làm người lao công trong nhà Dòng. Từ ngày ấy cậu tận tâm làm những công tác hèn hạ, vất vả trong Dòng. Martino thấy cuộc đời âm thầm nhưng đầy ý nghĩa. Tuy gắn bó với những công việc phục vụ hèn mọn nhưng những điều ấy đã giúp thánh nhân vững vàng trên đỉnh trọn lành. Chín năm trôi qua, Martino thẫm đẫm tinh thần Dòng Đa Minh và được nhận vào bậc tu sĩ chánh quy, mặc áo Dòng nhất trong bậc trợ sĩ.




Sự khiêm nhường của thánh Martino được đề cập ở đây là sự khiêm nhường Tin Mừng. Thái độ kiêu căng là điều mà thánh tổ phụ không bao giờ mong muốn. Chính thánh Đa Minh đã truyền lại một cách minh bạch cho các cha giáo tập: “Phải hướng dẫn cho tập sinh trước tiên biết khiêm nhường cả trong lòng lẫn bề ngoài và cố gắng huấn luyện họ biết vâng theo lời phán dạy của Thiên Chúa: ‘Hãy đón nhận lời chỉ dạy của Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.’” [4] Sự khiêm nhường Tin Mừng luôn đi đôi với lời giảng và hành động. Sự khiêm nhường Tin Mừng đòi buộc người loan báo Lời phải bước sau và phải “nhỏ bé lại” để Lời “được lớn lên”, phải để Tin Mừng thấm nhuần vào tâm tư, và bén rễ trong lòng. Cũng chính vì vậy mà Martino bằng sự khiêm nhường của mình đã trở nên nhỏ bé để qua những công việc bé nhỏ của mình mà người ta nhận biết và cảm nhận được Thiên Chúa đang “lớn lên” trong đời.  

Sự khiêm nhường của thánh Martino xuất phát từ một “tấm lòng vàng”. Bởi lẽ, vì yêu thương “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl  2, 6-8).

[1] Giáo hoàng Biển Đức XI, “Anh Em Thuyết Giáo lấy giáo lý Phúc Âm soi lòng mọi người” trong Các Bài Đọc Giờ Kinh Sách: Các Giờ Kinh Phụng Vụ Phần riêng Dòng Đa Minh (Tp. HCM: Đại Kết, 1993),tr. 252-3.

[2] Timothy Radcliffe, “Đời sống chiêm niệm” trong Can đảm hướng tới tương lai: Thư gửi toàn Dòng của các Bề trên Tổng quyền (Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2017), trang  620.

[3]  Verbi Sponsa, 6

[4] Hiến Pháp tiên khởi, chương XIII

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com