Tính Hiện Đại Nơi Mẫu Gương Thánh Vinh Sơn Phêriê

05-05-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1752 lượt xem

Ngày 05 tháng Tư hằng năm, toàn thể Giáo hội long trọng cử hành lễ thánh Vinh Sơn Phêriê, OP. Riêng với Dòng Anh em Giảng thuyết, lễ mừng kính ngài được cử hành sau đó một tháng, tức ngày 05/5. Năm nay 2019 có một ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu đúng 600 năm kể từ khi thánh nhân rời bỏ trần gian về bên Thiên Chúa. Vì thế thật thích hợp khi chúng ta cùng ôn lại tiểu sử của ngài, để noi gương ngài, chúng ta sống trọn ơn gọi Kitô hữu trong việc thi hành sứ vụ giảng thuyết. Nhân dịp này, xin gửi đến quý độc giả bài viết của tập sinh Simone Garavaglia trên trang www.op.org , với nhan đề The modernity of Saint Vincent Ferrer revealed on the occasion of the Vith Centenary of his death. Các chú thích do người dịch.

Đức Quỳnh biên dịch

Khi đọc “Khảo luận về đời sống tâm linh”[1] của thánh Vinh Sơn Phêriê, chúng ta nhận ra ngay rằng đây quả thật là một kho báu cho chúng ta khám phá. Các giáo huấn cô đọng trong tập sách này chi ra sự thánh thiện được sống theo một cách thế phi thường. Dường như thánh nhân muốn giới thiệu cho độc giả “viatore” –  con đường “hẹp” ngài đã đi để theo bước chân Đức Kitô như các Tông đồ xưa, để không bị lạc lối giữa những thăng trầm của thế giới. Chúng ta có thể từ tác phẩm này mà phác thảo đôi nét về cuộc đời thánh nhân. Không nghi ngờ gì, ngài là một trong những mẫu gương chói ngời nhất về sự thánh thiện và là hiện thân trường tồn của ơn gọi Đa Minh.

Một đan sĩ Dòng thánh Bruno, Dom François de Sales Pollien, đề nghị những ai muốn bước đi trên con đường hoàn thiện tâm linh đích thực, đừng đọc hạnh các thánh, nhưng hãy đọc “các tác phẩm của các thánh, vì trong đó con người thâm sâu nhất của các vị ấy được bộc lộ ra”. Chúng ta có thể theo cách thế này phác hoạ tiểu sử thánh Vinh Sơn Phêriê.

Trong lời nói đầu của Khảo luận, thánh Vinh Sơn Phêriê viết: “Những ai dự định làm điều hữu ích cho các linh hồn và soi sáng cho người khác bằng lời nói của mình, trước hết phải thủ đắc cho mình những điều họ dự định giảng dạy cho tha nhân”. Trong những lời mở đầu này, người ta nhận thấy có nhiều điều liên hệ đến thánh Đa Minh, các Tông đồ, và chính Đức Kitô nữa. Thánh Vinh Sơn Phêriê là một vị thánh điển hình của Dòng, và của cả Giáo hội. Ngài để lại một mẫu gương sáng chói của đời sống tông đồ không biết mệt mỏi và không ngừng quay về với nguồn mạch.

Vinh Sơn Phêriê sinh ra tại Valencia, Tây Ban Nha vào khoảng năm 1350. Năm 18 tuổi, ngài gia nhập Dòng Đa Minh. Theo học triết học và thần học ở Barcelona và Toulouse, ngài sớm bộc lộ khả năng học hành trổi vượt trong lãnh vực thánh khoa. Chỉ một thời gian ngắn sau, ngài đã là giáo sư triết học (1385), sau đó làm giáo sư Thần học tại Valencia.

Một bước ngoặc quan trọng trong cuộc đời thánh nhân xảy ra vào dịp gặp gỡ Hồng y Aragonese Pedro Martínez de Luna, tại cung điện vua Phêrô Ceremonious vào năm 1379[2]. Để hiểu rõ sự kiện này, chúng ta cần phải đi ngược lại dòng lịch sử một chút.

Kitô giáo Tây phương giai đoạn 1378 – 1417 là một thời kì bi thảm được biết đến với tên gọi “Chia rẽ Tây phương”[3].  Đưa ngai tòa Phêrô trở về Roma vào được một năm, Giáo hoàng Grêgôriô XI qua đời vào ngày 27.03.1378. Tổng Giám mục của Bari Bartolomeo Frignano, người Ý, đã được đề cử một cách công khai và minh bạch lên ngôi giáo hoàng với tông hiệu Urbanô VI.

Không lâu sau, bất đồng nảy sinh, một số Hồng y người Pháp, những người không công nhận tính hợp lệ của cuộc bầu cử đức Urbanô VI, đã chọn Đức Hồng y Robert của Geneva làm Giáo hoàng với tông hiệu Clêmentê VII. Ngay sau đó, vị này trở lại Avignon và thành lập giáo triều riêng tại đây[4]. Khi đức Clêmentê VII qua đời năm 1398, các Hồng y “phái Avignon” đã bầu Hồng y Pedro Martínez de Luna lên làm giáo hoàng của Avignon, lấy tông hiệu là Biển Đức XIII. Trong bầu không khí bất ổn sâu sắc, cha Vinh Sơn Phêriê đứng về phía Giáo hoàng Avignon. Nhận thấy kiến ​​thức vượt trội của nhà giảng thuyết Phêriê, vị Giáo hoàng mới đắc cử đã không ngần ngại đặt ngài làm cha giải tội riêng và phụ trách tòa ân giải. Ngài cũng được đặt làm Tôn sư thánh điện. 

Năm 1398, khi đang lâm trọng bệnh, cha Vinh Sơn Phêriê được thị kiến Đức Giêsu, với thánh Đa Minh và thánh Phanxicô tháp tùng. Khi đó Đức Giêsu nói: “Ta đã chọn con để làm con nên một sứ giả lỗi lạc của Tin Mừng. Hãy đi đến khắp cùng cõi đất: Ta sẽ ở cùng con”. Sau thị kiến ấy, sức khỏe của ngài đã hồi phục hoàn toàn.

Năm sau, vì những bất đồng với Giáo hoàng Biển Đức XIII, thánh nhân đã rời bỏ Avignon để trở thành một nhà giảng thuyết lưu động. Công việc này chiếm trọn cuộc đời còn lại của ngài  cho đến khi qua đời.

Ngài đã đặt chân đến nhiều nơi ở Âu châu, việc giảng thuyết của thánh nhân tập trung chủ yếu ở miền bắc Italia, đặc biệt là Genova, Savona, Piacenza, Milan, Alessandria, các cao nguyên Piemonte và vùng Monferrato, cũng như ở Tây Ban Nha và miền Nam nước Pháp, đặc biệt là ở Provence. 

Nếu muốn xác định các trụ cột làm nên nét đặc trưng trong lời rao giảng của ngài, chúng ta có thể nói rằng đó là sự cần thiết của sám hối và viễn cảnh về ngày cánh chung. Thánh nhân khuyên nhủ mọi người sám hối, canh tân Giáo hội và các phong tục, mạnh mẽ kêu gọi các Kitô hữu hướng đến một hoán cải sâu sắc, và thường nhắc đến sự xuất hiện của những kẻ phản Kitô. Lời rao giảng của ngài mang một viễn tượng cánh chung thực sự – đó là lý do tại sao ngài được gọi là “Thiên thần ngày cánh chung”, đặc biệt là từ năm 1409, năm của Công đồng Pisa, khi Giáo hoàng thứ ba Alexander V được bầu. Thực tế này đã làm trầm trọng thêm những rạn nứt bên trong Giáo hội. Trên thực tế, mãi đến năm 1417, với công đồng Constance (1414 – 1417), Giáo hội mới hiệp nhất trở lại.

Cũng trong thời gian này, thánh Vinh Sơn Phêriê đã thực hiện hàng ngàn phép lạ và luôn giữ một vai trò hoà giải tích cực và không ngừng nghỉ để đưa Giáo hội hiệp nhất trở lại. Ngày 5 tháng Tư năm 1419, thánh nhân qua đời ở tuổi 69, tại Vannes, Brittany.

Trên đây là một vài tóm tắt về tiểu sử của vị thánh vĩ đại này. 

Giờ đây chúng ta đề cập đến mẫu gương thánh thiện được thể hiện nơi thánh Vinh Sơn Phêriê. Ngày nay, sau khoảng 700 năm, làm sao chúng ta vẫn có thể nói với sự chắc chắn rằng, mẫu gương đó vẫn đặc biệt liên hệ tới chúng ta? Có nhiều tài liệu đã giải thích; và dưới đây là một đề nghị. Thánh Vinh Sơn Phêriê đã làm cho sứ vụ trở thành chính cuộc đời của mình. Cuộc đời là một sứ vụ, một lời giảng, gián tiếp nhắc nhở chúng ta về chủ trương duy hoạt động và công tác bác ái là thế nào đối với Giáo hội hôm nay. Thực tế cho thấy, khi chúng ta “lên đường”, đôi khi ta quên lý do vì sao ta “lên đường”, và nhầm lẫn rằng sứ mạng truyền giáo của Giáo hội (lệnh truyền của Đức Kitô, x. Mt 28,19-20) như một loại sứ mạng nhân đạo theo kiểu của một tổ chức phi chính phủ. Thánh Vinh Sơn Phêriê đưa chúng ta trở lại với chiều kích “hiện diện”. Trước khi lên đường và trở thành người mang niềm vui Tin Mừng cho thế giới, trước hết nhà truyền giáo không  bỏ qua mời gọi của vịnh gia: “Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa” (Tv 46,11), và thông điệp của ngôn sứ Êlia “hãy đứng trước nhan Chúa” (x.1V 17,1)[5]. Các nhà truyền giáo vĩ đại nhất của Tin Mừng, trong đó có Thánh Vinh Sơn Phêriê, đều thực sự “khát Đức Kitô”. Đức Kitô là nguồn nước mang lại sự sống sẽ làm thỏa cơn khát (x. Ga 4,14), các Tông đồ kín múc từ nguồn mạch này bằng chính đôi tay của mình, dùng nước này để làm thỏa cơn khát của nhân loại. Các nhà giảng thuyết thánh thiện chắc chắn đã không ra đi một cách mù mờ, trước tiên họ “nếm thử” Đức Kitô, sau đó họ mang theo hương vị của Đức Kitô, tức chính là Người. Thánh Vinh Sơn Phêriê đã thấm nhuần hương vị Đấng Cứu Chuộc, thu lượm được vô số hoa trái, là do bởi trước khi học nơi Người, thánh nhân đã hoàn toàn theo chân Đức Kitô. Ngài hiểu rằng trường học của Đức Kitô là trường học của Tình yêu, trong đó người ta học cách yêu và nhận ra ý nghĩa sâu sắc của tình yêu này, đến mức họ không chỉ giúp đỡ mà còn mang tha nhân vào trường học ấy để mỗi người cảm nhận được chính mình là một người con yêu dấu (x. Ep 4,1). 

Ngày nay, cho dù những đau thương và tai tiếng đang làm tổn thương Giáo hội, trên hết, thánh Vinh Sơn Phêriê mời gọi chúng ta trở về với bản chất của việc rao giảng, đó là Đức Ái. Do đó, nhà giảng thuyết trở thành một khí cụ nhiệt thành. Qua khí cụ này, Giáo hội nếm hưởng được sự cao siêu nhưng tuyệt diệu của Lời được loan báo. Qua khí cụ này, hạt giống được người thợ có đức tin gieo vãi sẽ nhờ đức ái với tha nhân và ơn tái sinh của Thần Khí mà nảy mầm và tăng triển, dù cho người thợ đó ngủ hay thức (x. Mc 4,26-29).

Theo lời khuyên đan sĩ dòng thánh Bruno được nhắc đến ở trên, khi trở về với Khảo luận của thánh Vinh Sơn Phêriê, người ta hoàn toàn có thể nhận ra vị thánh này đã khởi đi từ điểm cốt lõi như thế nào – chính Khảo luận đã nói lên những chân lý cốt yếu – tức là ngài đã xây dựng được sứ vụ lưu động của mình trên một Tảng đá, cho dù cơn bão của sự chia rẽ vẫn rất mạnh mẽ. Toàn bộ bản văn là một sự phản chiếu về cuộc đời của Thánh nhân. Nó không chỉ cung cấp cho ta một hành trình cụ thể để đạt được sự trọn hảo, mà còn minh chứng cho tính xác thực của cuộc đời một con người luôn dõi theo Đức Kitô khó nghèo, khiêm nhường và vâng phục. 

Thánh Vinh Sơn Phêriê, “người con” thực sự của Thánh Đa Minh, một nhà giảng thuyết lưu động không mệt mỏi, mời gọi chúng ta hãy biết dừng lại. “Dừng lại” và “đứng trước nhan Chúa” là phương thế cho ta chạm đến Nguồn Mạch, từ đó ta mới trở nên người dẫn đường cho tha nhân, những người đang khát khao sự vĩnh cửu và ơn cứu độ.


[1] Tập sách đã được Học viện Đa Minh dịch ra tiếng Việt với tựa đề “Hướng dẫn đời sống tâm linh”

[2] Vua Pièrre IV của Aragon trị vì từ 1336 – 1387.

[3] Chia sẽ Tây phương (1378 – 1417) là giai đoạn Giáo hội xuất hiện cùng một lúc 2 hoặc 3 giáo hoàng. Việc Tòa thánh dời sang Avignon là nguyên nhân chính cho cuộc chia rẽ kéo dài 40 năm này. Về sự rối ren của Giáo hội trong thời của thánh Vinh Sơn Phêriê, xin đọc thêm Lm. Vinh Sơn Bùi Đức Sinh, O.P., Lịch sử Giáo hội Công giáo (Quyển 1, tái bản lần 6: Calgary, Canada, 1999), phần Nhất: Thượng cổ và Trung cổ, chương 10: Giáo hội thời chuyển mình của thế giới trung cổ (t.k. XIV-XV).

[4] Đây là sự kiện đánh dấu cuộc chia rẽ Tây phương bắt đầu. Các vua chúa trong Kitô giới, Giáo hội (nhất là các dòng tu hành khất) chia thành 2 phe theo 2 Giáo hoàng này. Ngoài ra, cả những vị thánh nổi tiếng lúc bấy giờ cũng đứng về 2 phía khác nhau:

– Ủng hộ Đức Urbanô VI (Giáo hoàng Roma): thánh Catarina Siena, thánh Catarina nước Thụy Điển, thánh Phêrô xứ Aragon.

– Ủng hộ Đức Clementê VI (Giáo hoàng Avignon): thánh Vinh Sơn Phêriê, thánh Coletta Corbie, chân phước Phêrô xứ Luxemburg.

[5] Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là: “Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của Ítraen, Đấng tôi phục vụ” (Bản tiếng Anh: “As the Lord, God of Israel liveth, before whom I stand”)

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com