[Tìm Hiểu Thánh Lễ] 6-8. Bài Đọc I, Đáp Ca và Bài Đọc II

31-05-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2811 lượt xem

6. BÀI ĐỌC I

Bài đọc 1 thường lấy từ Cựu Ước (ngoại trừ mùa Phục sinh, lấy từ sách Công vụ Tông đồ, dựa theo cách thực hành cổ xưa). Mặc dù Cựu Ước mong đợi sự hoàn tất mặc khải thần linh trong Chúa Giêsu Kitô, nhưng Cựu Ước được Giáo hội chấp nhận với lòng tôn kính như là “giáo huấn đích thực của Thiên Chúa”. Trong Cựu Ước, “mầu nhiệm cứu độ chúng ta hiện diện cách ẩn tàng.”1 Thực vậy, người ta không thể hiểu đầy đủ về Chúa Giêsu và các Sách Thánh Tân Ước nếu không biết câu chuyện của Ítraen trong Cựu Ước. Vì Tân Ước giống như chương cuối cùng của một cuốn sách lớn hoặc cảnh cao trào trong một bộ phim dài. Ai càng thấu hiểu từng ngóc ngách trong câu chuyện đã xảy ra trước – tức là câu chuyện Cựu Ước của Ítraen – thì sẽ càng có khả năng hiểu biết đỉnh điểm của câu chuyện về Chúa Giêsu Kitô và Vương quốc của Người trong Tân Ước.

Việc bao gồm bài đọc Cựu Ước trong Thánh lễ giúp chúng ta bước vào câu chuyện của Ítraen và vì thế, nhận ra sự thống nhất của Kinh Thánh cách rõ ràng hơn.2 Vì như công đồng Vatican II, vang vọng lại những lời của thánh Âu Tinh, đã dạy: “Thiên Chúa đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước, và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước. Thực vậy, dù Ðức Kitô thiết lập Giao Ước Mới trong máu Ngài (x. Lc 22,20; 1Cr 11,25), nhưng các sách Cựu Ước vẫn được sử dụng trọn vẹn trong sứ điệp Phúc Âm, đạt được và bày tỏ đầy đủ ý nghĩa trong Tân Ước (x. Mt 5,17; Lc 24,27; Rm 16,25-26; 2Cr 3,14-16). Ngược lại Tân Ước cũng được sáng tỏ và giải thích nhờ Cựu Ước.”3

Các bài đọc này thường tương ứng với bài Tin Mừng ngày hôm đó. Đôi khi, sự tương ứng này theo chủ đề, phản ánh tính liên tục hay tương phản giữa câu chuyện Cựu Ước và Tin Mừng. Lúc khác, các bài đọc nhấn mạnh đến việc Cựu Ước tiên trưng về Chúa Kitô và Giáo hội. Những hình ảnh về lễ Vượt qua được nối kết với các bài đọc về Thánh Thể. Câu chuyện Xuất hành được liên kết với bí tích Rửa tội. Như vậy, bản giao hưởng tuyệt đẹp của Sách Thánh vang lên trong Phụng vụ Lời Chúa.

Tạ ơn Chúa

Kết thúc bài đọc thứ nhất, người đọc sách xướng: “Đó là lời Chúa”. Có nhà thần học lưu ý rằng lời công bố này giống như một tiếng kêu lớn hoặc tiếng kèn lệnh, nhắc nhở rằng thật kỳ diệu cho chúng ta là những phàm nhân được nghe Thiên Chúa nói qua Sách Thánh: “Lời tuyên bố phải được nghe với sự kinh ngạc tuyệt đối. Thật phi lý khi xem thường điều Thiên Chúa phán giữa chúng ta. Chúng ta đang biểu lộ sự kinh ngạc và nói rằng chúng ta không coi thường lời ấy khi kêu lên từ nơi sâu thẳm của cõi lòng, “Tạ ơn Chúa.”4

Tạ ơn là tri ân Thiên Chúa vì sự tốt lành và hoạt động của Người trong lịch sử. Đây là một hành động thờ phượng phổ biến trong Kinh Thánh từ Cựu Ước (1Sb 16,4; Tv 42,4; 95,2) đến Tân Ước (Cl 2,7; 4,2). Những lời đặc biệt “Tạ ơn Chúa” được thánh Phaolô sử dụng để tạ ơn Chúa vì Người đã giải thoát ngài khỏi tội lỗi và sự chết (Rm 7,25; 1Cr 15,57; 2Cr 2,14). Bởi vì toàn thể Kinh Thánh rốt cuộc quy vào công trình cứu chuộc của Chúa Kitô, nên thật là thích hợp khi chúng ta đáp lại các bài đọc Sách Thánh được công bố trong phụng vụ bằng cùng lối diễn tả lòng biết ơn mà thánh Phaolô đã sử dụng khi ngài vui mừng tạ ơn vì chiến thắng của Chúa Kitô trên thập giá: Tạ ơn Chúa.

Sau khi đáp, chúng ta ngồi thinh lặng giây lát trong tâm tình kính sợ và tôn thờ Thiên Chúa, Đấng vừa phán với chúng ta. Thinh lặng là một phần của phụng vụ thiên quốc được trình bày trong sách Khải huyền (Kh 8,1), và thinh lặng giúp chúng ta có thời gian suy niệm những lời vừa nghe – để trở nên giống Đức Maria, “đã giữ tất cả những điều ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2,18).

7. THÁNH VỊNH ĐÁP CA

Sau khi lắng nghe lời Chúa được công bố trong bài đọc thứ nhất, chúng ta đáp lại, không phải bằng những lời nghèo nàn của con người, nhưng bằng những lời ngợi khen và tạ ơn được chính Thiên Chúa linh hứng trong Sách Thánh vịnh. Việc đọc – hoặc tốt hơn nên hát – các Thánh vịnh giúp tạo nên một bầu khí cầu nguyện có ích lợi cho việc suy niệm bài đọc. Việc sử dụng Thánh vịnh để thờ phượng Thiên Chúa là điều phổ biến. Thánh Phaolô khuyến khích các tín hữu hát Thánh vịnh (Cl 3,16). Và truyền thống sử dụng các Thánh vịnh trong việc thờ phượng mang tính phụng vụ thậm chí còn lùi về xa hơn nữa.

Sách Thánh vịnh giới thiệu bộ sưu tập gồm 150 bài ca thánh được sử dụng cho việc cầu nguyện cá nhân hoặc thờ phượng công cộng trong phụng vụ đền thờ. Trong đền thờ, các câu Thánh vịnh sẽ được hai nhóm hát xen kẽ với điệp ca chung. Điệp ca này được hát trước khi bắt đầu và sau khi kết thúc Thánh vịnh đó. Chúng ta thấy một số chỉ dẫn về điều này ngay trong Sách Thánh vịnh. Chẳng hạn, một số Thánh vịnh bao gồm câu riêng “Ítraen hãy nói rằng…” (Tv 124,1; 129,1), dường như là một câu xướng mời gọi cộng đoàn đáp lại. Chúng ta cũng thấy điều này trong Thánh vịnh 136. Thánh vịnh 136 bắt đầu bằng lời mời gọi: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ”, và các câu tiếp theo liệt kê rất nhiều lý do khác nhau để tạ ơn Chúa. Mỗi câu bắt đầu bằng một lời mở đầu như “chỉ có Người làm nên những kỳ công vĩ đại” hoặc “Chúa dẫn đưa dân Người qua sa mạc”, và kết thúc bằng một điệp ca lặp lại giống nhau: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Lời mời gọi xen kẽ giữa lý do và câu đáp cho thấy một loại đối đáp trong phụng vụ, với những lời mở đầu do một người hướng dẫn xướng lên và điệp ca như là câu đáp được cộng đoàn đáp lại.

Lời mời gọi xen kẽ này hoặc hoạt động “xướng đáp” không chỉ được tìm thấy trong Thánh vịnh đáp ca, nhưng còn trong suốt Thánh lễ: “Chúa ở cùng anh chị em…Và ở cùng cha”. “Đó là lời Chúa…Tạ ơn Chúa”. “Hãy nâng tâm hồn lên…Chúng con đang hướng về Chúa”. Điều này cũng được thấy khắp nơi trong Kinh Thánh. Trong nghi lễ lập giao ước tại núi Sinai, ông Môsê công bố những lời của Thiên Chúa, và toàn dân “đồng thanh” đáp lại theo nghi thức phụng vụ, “Mọi lời Đức Chúa phán, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 19,8). Khi ông Étra đọc sách luật cho dân, ông chúc tụng Chúa và toàn dân đáp lại “Amen, Amen” (Nkm 8,6). Ở sách Khải huyền, trong thị kiến về phụng vụ thiên quốc, thánh Gioan nhìn thấy hàng ngàn thiên thần đang ca tụng Thiên Chúa, các ngài tung hô: “Con Chiên đã bị giết, nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan và sức mạnh, danh dự với vinh quang và muôn lời cung chúc!” Sau đó, muôn loài thụ tạo đáp lại: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!” Và bốn con vật thưa: “Amen” (Kh 5,11-14).

Những tiếng chúc tụng trên trời và lời đáp lại xác quyết diễn tả niềm vui đầy kính sợ của các thiên thần và các thánh trước nhan Thiên Chúa. Thomas Howard chú thích rằng điều này tương tự như sự náo nức khi chúng ta biết ai đó đang chia sẻ niềm xác tín sâu xa với mình- tức là khi chúng ta nghe họ nói về điều chúng ta hoàn toàn đồng ý, một điều gì đó chúng ta tha thiết, hoặc thậm chí một điều gì đó diễn tả cảm xúc và niềm tin mà chúng ta không thể tự diễn tả tốt hơn. Khi người khác nói về một điều trùng hợp với tình cảm của mình, chúng ta không thể không bày tỏ thái độ tán thành trong hân hoan. Chúng ta cảm thấy cần tham gia cuộc đối thoại và khẳng định: “Vâng, thật là chính đáng”.

Thật vậy, quả là niềm vui lớn lao khi có những người khác tán đồng với chúng ta về những vấn đề quan trọng nhất. Các thiên thần và các thánh trên trời cũng có thể loại tán đồng hân hoan như thế với một mức độ thậm chí còn lớn hơn. Đứng trước nhan Thiên Chúa tốt lành và yêu thương, các ngài không thể không ca tụng và tạ ơn Người. Các ngài dường như có nhu cầu khẳng định và dội lại những lời tán dương và tạ ơn của nhau. Một số vị bắt đầu tôn vinh Thiên Chúa: “Con Chiên đã bị giết, nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang và muôn lời cung chúc!” Các vị khác hoàn toàn tán đồng và đáp lại bằng lời ca tụng rền vang: “Xin kính dâng Con Chiên lời chúc tụng, danh dự và vinh quang”. Các vị khác nữa thì không muốn rời đi. Các vị phải khẳng định rằng mình cũng chia sẻ những cảm xúc này khi đồng thanh tung hô “Amen”. Howard hình dung lời ca tụng Thiên Chúa của các thiên thần, các thánh và các loài thụ tạo theo cách đối đáp này trong sách Khải huyền là “một điệu nhảy” mà chúng ta được mời tham gia trong suốt Thánh lễ.

Vũ trụ, muôn loài muôn sự, tất cả các thiên thần và các thánh mời gọi chúng ta: “Hãy đến và tham gia Điệu nhảy”. Các điệp ca trong Thánh lễ thời đầu đã huấn luyện nghệ thuật múa nhảy vĩ đại, tức là điệp ca trong trẻo tuyệt vời trước sự hoà hợp vĩnh cửu của Ba Ngôi – perichoresis, là “Điệu nhảy” của các Ngôi vị trong Ba Ngôi. Thiên thần sêraphim (thần sốt mến) biết điều này, và trong phụng vụ, chúng ta bắt đầu được chỉ dẫn để tham gia đoàn hát xướng vinh phúc đó. Khi đáp lại Thánh vịnh, chúng ta đang thực hiện những bước đầu tiên trong Điệu nhảy.5

Rõ ràng, cuộc đối đáp mang tính phụng vụ trong Thánh lễ đi theo một kiểu mẫu thờ phượng trong Kinh Thánh, thậm chí theo kiểu mẫu phụng vụ thiên quốc. Do vậy, chẳng lạ gì khi các Kitô hữu tiên khởi đã lấy lại và sáp nhập mẫu này vào việc phụng thờ Thiên Chúa. Ít nhất là vào đầu thế kỷ thứ III, các Thánh vịnh đã được dùng trong Thánh lễ, do ca đoàn hát và cộng đoàn đáp lại, thường lặp lại câu đầu tiên của Thánh vịnh.6 – đó là một cách thực hành phản chiếu cách thức các Thánh vịnh được sử dụng trong việc thờ phượng của dân Ítraen. Tất cả các điều này là nền tảng cho Thánh vịnh đáp ca của chúng ta ngày nay.

8. BÀI ĐỌC II

Bài đọc 2 lấy từ Tân Ước: một trong các thư của thánh Tông đồ, sách Công vụ Tông đồ, hoặc sách Khải huyền. Mặc dù, thường được chọn cách độc lập với bài đọc 1 và bài Tin Mừng, nhưng các bài đọc Tân Ước này suy tư về mầu nhiệm Chúa Kitô, công trình cứu độ của Người và ý nghĩa của mầu nhiệm đó cho cuộc sống chúng ta. Các bài đọc này rút ra những áp dụng thực tế cho đời sống chúng ta trong Chúa Kitô, khuyến khích chúng ta “mặc lấy Chúa Kitô” hơn nữa và tránh xa tội lỗi.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com