[Tìm Hiểu Thánh Lễ] 21. Kinh Lạy Cha

11-10-2017
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 3059 lượt xem

C. Nghi thức hiệp lễ

Bây giờ là thời gian dành cho những chuẩn bị cuối cùng. Bánh và rượu đã được thánh hiến. Những lời thiết lập đã được đọc. Chúa chúng ta bây giờ thực sự hiện diện trước mặt chúng ta. Chỉ chút nữa thôi, chúng ta sẽ lãnh nhận Mình và Máu Chúa Giêsu khi hiệp lễ. Phần tiếp theo của Thánh lễ, – bao gồm: kinh Lạy Cha, nghi thức chúc bình an, kinh Chiên Thiên Chúa và các nghi thức chuẩn bị khác – sẽ dẫn cộng đoàn đến giây phút thánh thiêng là hiệp lễ, và trợ giúp để họ hoàn toàn sẵn sàng lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô.

Kinh Lạy Cha

Kinh Lạy Cha được Chúa Giêsu dạy trong các Tin Mừng1 và đã được sử dụng trong Thánh lễ suốt nhiều thế kỷ. Đối với một số người trong chúng ta, kinh này có lẽ là kinh nguyện quen thuộc, đến nỗi đã thuộc lòng từ khi còn bé, và lặp đi lặp lại trong mỗi Chúa nhật. Nhưng đừng nên coi thường. Trước khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha, linh mục chủ tế cho biết rằng, đó là một đặc ân để có thể thưa với Thiên Chúa theo cách này:

“Vâng lệnh Chúa Cứu Thế, và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng…”

Có lẽ, khía cạnh nổi bật nhất của kinh Lạy Cha là kinh này dẫn chúng ta ngỏ lời với Thiên Chúa như là “Cha”. Chắc chắn, người Do Thái xưa quan niệm Thiên Chúa như là cha của dân Ítraen, Nhưng điều này không hề phổ biến đối với một cá nhân khi thưa với Thiên Chúa là “Cha”. Tuy nhiên, đây chính là điều Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm. Người dạy lời nguyện này cho các môn đệ trong các Tin Mừng 2, và nếu Người nói với dân gốc Aram của Người, có lẽ Người cũng sử dụng từ “Abba” để gọi Cha. Đây là một từ thân mật, đáng yêu tương tự như từ “Ba”, “Bố”, “Daddy”3. Điều này nhấn mạnh mối tương quan mật thiết bây giờ chúng ta có với Thiên Chúa, nhờ công trình cứu độ của Chúa Giêsu. Vì chúng ta kết hiệp với Chúa Kitô, Thiên Chúa thực sự trở thành Cha chúng ta. Chúng ta trở nên “nghĩa tử trong Chúa Con”. Mối tương quan sâu xa mà chúng ta, những thụ tạo tội lỗi, có với Thiên Chúa, được thể hiện trong dòng mở đầu của kinh nguyện này. Đấng: “ngự trên trời” – Thiên Chúa Toàn Năng và Hằng Hữu – là Cha chúng ta.

Cụm từ “chúng con” trong kinh nguyện này cũng có nhiều ý nghĩa. Nó cho thấy sự hiệp nhất thâm sâu mà chúng ta có với nhau nhờ Cha chung của chúng ta trên trời. Tất cả những ai được hiệp nhất trong Chúa Kitô thì thực sự là anh chị em trong Người. Trong Chúa Kitô, Cha của Chúa Giêsu trở thành Cha chúng ta, và tất cả chúng ta là con cái Chúa Cha trong gia đình giao ước của Thiên Chúa.

Theo truyền thống, kinh Lạy Cha được chia thành bảy lời nguyện, với ba lời nguyện hướng về Thiên Chúa (Danh Cha, nước Cha, ý Cha) và bốn lời nguyện sau tập trung vào các nhu cầu của chúng ta (xin cho chúng con, xin tha nợ chúng con, xin chớ để chúng con, xin cứu chúng con).

Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng: Trong Kinh Thánh, Danh Thiên Chúa được nối kết với chính Người4. Lời nguyện này xin cho Danh Chúa được tôn kính: tức là Thiên Chúa và Danh Người có thể được nhìn nhận và kính trọng như là thánh.5

Nước Cha trị đến: Các ngôn sứ tiên báo rằng Thiên Chúa sẽ khôi phục nước Ítraen và chính Người sẽ trị vì muôn dân nước6. Lời nguyện này xin cho vương quyền của Thiên Chúa sẽ được chấp nhận trên khắp thế giới, trong mọi tâm hồn, bắt đầu từ chính chúng ta.

Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời: Lời nguyện này có liên hệ tới hai điều trên đây. Trên trời, thánh ý Chúa được hoàn toàn vâng giữ. Danh Người được tôn kính và vương quyền của Người được các thiên thần và các thánh hân hoan đón nhận. Bây giờ, chúng ta cầu xin cho khắp nơi trên trái đất thờ phượng Thiên Chúa và tuân phục thánh ý Người theo cách như vậy.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày: Như đã thấy trên đây, trong Kinh Thánh, bánh là loại thức ăn căn bản nhất và được xem như thứ cần thiết để duy trì sự sống. Việc nói đến bánh không chỉ là nhắc nhớ đến một loại thức ăn hoặc thực phẩm nào đó; nhưng bánh cũng thường là biểu tượng về sự trợ giúp trong cuộc sống nói chung. Việc đề cập đến “bánh hằng ngày” trong lời nguyện này ám chỉ những nhu cầu hằng ngày của chúng ta. Đặc biệt, điều này gợi lại manna hằng ngày, được Thiên Chúa ban để nuôi sống Ítraen trong sa mạc 7. Như Thiên Chúa ban cho mỗi người lượng vừa đủ bánh từ trời, Người cũng tiếp tục cung cấp những gì chúng ta cần mỗi ngày hôm nay. Cuối cùng, lời nguyện này cũng có hàm ý nói đến Thánh Thể, vì lời nguyện xin bánh hằng ngày hướng đến Bánh Sự Sống chúng ta sắp lãnh nhận khi hiệp lễ.

Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con: Trước khi hiệp lễ, chúng ta xin Chúa tha tội – tức là thanh tẩy chúng ta, để chúng ta có thể trở nên nhà tạm thánh cho Chúa Giêsu, Đấng chẳng bao lâu nữa sẽ đến cư ngụ trong chúng ta. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa không thể đến với tâm hồn chúng ta nếu chúng ta không tha cho những người có lỗi với mình 8. Chúa Giêsu dạy rằng chúng ta sẽ lãnh nhận lòng thương xót của Thiên Chúa bao lâu chúng ta tỏ lòng thương xót người khác 9. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu nói rằng, khi tiến đến bàn thờ để thờ phượng Thiên Chúa, người ta phải làm hoà với anh em mình trước đã, nếu người anh em ấy xúc phạm đến mình 10. Tương tự như vậy, trước khi tiến đến bàn thờ để hiệp lễ, trong lời nguyện này, chúng ta được đòi hỏi phải tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta, và phải làm hoà với anh em mình.

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ: Lời nguyện này không hẳn là lời cầu xin cho tránh được mọi thử thách và cám dỗ trong cuộc sống. Các từ ngữ Kinh Thánh diễn tả lời thỉnh cầu Thiên Chúa không để cho chúng ta sa vào cơn cám dỗ theo nghĩa nhượng bộ cơn cám dỗ ấy. Đây là một lời nguyện khẩn xin Thiên Chúa ban sức mạnh giúp chúng ta vượt qua những chước cám dỗ chúng ta đối diện. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI dạy rằng, trong lời nguyện này, dường như chúng ta đang nói với Thiên Chúa, “Con biết rằng con cần thử thách để bản tính con được thanh tẩy. Khi Ngài quyết định gửi tới con những thử thách này… thì xin vui lòng nhớ rằng sức mạnh của con chỉ đủ cho tới hiện tại mà thôi. Đừng đánh giá quá cao khả năng của con. Đừng đặt những ranh giới quá rộng, mà trong đó con có thể bị cám dỗ, và ở gần bên con với cánh tay che chở của Ngài khi cám dỗ trở nên quá nhiều cho con.”11. Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1Cr 10,13).

Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ: Khi lời nguyện này được hiểu theo quan điểm Kinh Thánh, chúng ta biết rằng chúng ta không cầu nguyện để được giải thoát khỏi điều ác hại và bất hạnh nói chung. Trong Kinh Thánh , chữ “sự dữ” ở đây có thể được dịch là “Kẻ Dữ”, “Ác Thần”. Điều này nhắc nhở rằng sự dữ không phải là một thứ gì đó trừu tượng khó hiểu. Đó không phải là điều xấu ngẫu nhiên xảy ra trên thế giới. Trong lời nguyện này, sự dữ ám chỉ một cá thể – Satan, thiên thần sa ngã, kẻ chống lại ý Chúa và dẫn người khác nhập đoàn với nó để làm phản12. Do đó, qua lời nguyện cuối cùng này, chúng ta đang cầu xin Chúa Cha giải thoát mình khỏi Satan, khỏi mọi sự gian dối, việc làm, và cạm bẫy của nó.

Một loại bình an mới

“Lạy Chúa , xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ,
xin đoái thương
cho những ngày chúng con đang sống được bình an.
Nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp,
Chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi
và được an toàn khỏi mọi biến loạn,
đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc,
và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô,
Ðấng Cứu Ðộ chúng con.

Ở đây, chúng ta đi đến một lời nguyện bổ sung vào lời nguyện cuối cùng của kinh Lạy Cha: “Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Linh mục chủ tế đọc: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an.” Bình an được nói đến ở đây là một điều gì đó hơn là vắng bóng chiến tranh và thù nghịch trên thế giới. Lối hiểu về bình an theo Kinh Thánh (shalom) là một điều trước tiên và quan trọng nhất, hết sức riêng tư và thiêng liêng. Bình an ấy bao hàm sự toàn vẹn hoặc hạnh phúc nội tâm, là hồng ân Thiên Chúa, tuôn chảy do lòng trung thành với giao ước của Người. Khi trao phó cuộc đời cho Chúa, và đi theo kế hoạch của Người, thì các cá nhân khám phá ra sự bình an nội tâm nơi chính mình, và chính bình an nội tâm này tuôn trào vào trong thế giới qua mối tương quan đúng đắn, hài hoà với người khác.

Loại bình an như thế, mà chúng ta cầu xin trong Thánh lễ, trở nên rõ ràng trong lời nguyện tiếp theo. Linh mục chủ tế xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và an toàn khỏi mọi biến loạn – hai điều gây tai hoạ cho đời sống con người và làm cho chúng ta bất an. Luật Thiên Chúa là con đường dẫn tới hạnh phúc, và phá vỡ luật ấy thì sẽ dẫn đến mất bình an. Nếu đầu hàng tính ích kỷ, kiêu ngạo, ganh tỵ, ham muốn và kiêu căng, chúng ta sẽ không bao giờ hạnh phúc. Chúng ta sẽ luôn bấp bênh, bồn chồn, tìm thêm quyền lực, thêm sự chăm sóc, thêm sức khỏe, thêm khoái lạc trong khi luôn lo lắng về những điều mình đã có.

Các Kitô hữu có thể trải qua các nỗi sợ trong cuộc sống, làm cho tâm hồn họ mất sự bình an của Thiên Chúa. Chúng ta có thể lo lắng về một tình huống tại nơi làm việc, ở giáo xứ, hoặc trong gia đình chúng ta. Chúng ta có thể lo sợ về tương lai, hoặc sợ hãi đau khổ. Chúng ta có thể lo lắng về một quyết định lớn, về tài chính, về điều người khác nghĩ về mình. Tất nhiên, các Kitô hữu phải chú ý tới trách nhiệm con người. Nhưng khi các ưu tư lo lắng thống trị tâm hồn và làm cho chúng ta mất bình an, thì đó là dấu chỉ cho thấy có những trục trặc nội tâm. Chúng ta chưa thực sự trao phó đời mình cho Thiên Chúa.

Vào lúc này trong Thánh lễ, linh mục chủ tế cầu xin Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi tất cả những lo lắng này, vốn ngăn cản chúng ta cảm nghiệm được ơn bình an sâu xa mà Người muốn ban cho. Và linh mục chủ tế chỉ ra rằng chúng ta dâng lời nguyện này đang khi kinh nghiệm về những thử thách trong thế gian này, đồng thời tin tưởng mong chờ Chúa trở lại để làm cho tất cả mọi sự nên tốt đẹp. Để diễn tả niềm hy vọng này, phụng vụ mượn ngôn ngữ trong thư thánh Phaolô gửi môn đệ Titô: “Đang khi chúng ta mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta” (so sánh với Tt 2,13).

Vì vương quyền, uy lực và vinh quang….

Một lần nữa, giống như các thiên thần trên trời, cộng đoàn đáp lại lời nguyện của linh mục bằng lời ca tụng Thiên Chúa:

“Vì vương quyền, uy lực và vinh quang
là của Chúa đến muôn đời.”

Đôi khi, lời nguyện này được xem như là phần kết kinh Lạy Cha của Giáo hội Tin lành. Mặc dù, không thuộc về kinh nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta (và thật là thích hợp khi phần này không bao gồm trong kinh Lạy Cha được đọc trong phụng vụ Công giáo)13, lời nguyện này không bắt nguồn từ Kinh Thánh nhưng có vị trí thích hợp vào thời điểm này trong Thánh lễ. Về căn bản, lời nguyện này vọng lại những lời tung hô tương tự được tìm thấy trong phụng vụ thiên quốc (Kh 5,12; 19,1). Và khi đọc lời nguyện này, chúng ta nối kết với Thánh lễ của các Kitô hữu đầu tiên. Vì, những lời này đến từ một lời nguyện tạ ơn, được sử dụng khi cử hành Thánh Thể trong thế hệ Kitô hữu đầu tiên sau các Tông đồ14.

Hơn nữa, chính những lời này đã xuất hiện trước đó cả ngàn năm trong thời Cựu Ước, bắt nguồn từ lời ca tụng tuyệt đỉnh vua Đavít dâng lên Thiên Chúa, khi kết thúc triều đại, tượng trưng cho một trong các hành động cuối cùng của ông trước khi truyền ngôi cho con trai là hoàng tử Salômôn:

“Lạy Chúa, là Thiên Chúa Ítraen tổ phụ chúng con,
xin dâng lên Ngài lời chúc tụng
từ muôn thuở đến muôn ngàn đời.
Lạy Chúa, Ngài vĩ đại quyền năng,
Ngài oai vệ, vinh quang, rực rỡ,
vì mọi sự trên trời dưới đất thuộc về Ngài.
Ngài nắm giữ vương quyền, lạy Chúa,
và địa vị tối cao, vượt trên tất cả.”
(1Sb 29,10-11)

Vua Đavít là vị vua danh tiếng nhất trong tất cả các vua. Ông là vị quân vương đầy quyền lực và vinh quang. Triều đại của ông đã đưa Ítraen tới một trong những đỉnh cao nhất của lịch sử quốc gia này. Nhưng, khi kết thúc triều đại, vua Đavít khiêm tốn nhìn nhận rằng tất cả những điều tốt lành nhờ vương quyền của ông đều đến từ Thiên Chúa. Tất cả quyền lực, vinh quang và vương quốc ông sở hữu không phải của bản thân ông, nhưng là của Chúa. Vua Đavít nói: “Ôi Lạy Chúa, địa vị cao cả, quyền lực và vinh quang là của Người… vương quốc cũng thuộc về Người”.

Trong mọi Thánh lễ, chúng ta lặp lại những lời này của vua Đavít. Khi làm như thế, chúng ta nhận biết Thiên Chúa như Đức Chúa của cuộc đời mình, và chúng ta ca ngợi Người vì tất cả ơn phúc Người ban cho. Bất cứ điều tốt lành nào chúng ta có thể làm, bất cứ thành công nào chúng ta có thể trải qua, rốt cuộc đều đến từ Thiên Chúa: “vì vương quyền, uy lực, và vinh quang là của Chúa đến muôn đời.”




Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com