Lời nguyện thứ nhất được gọi là kinh tưởng niệm anamnesis. Chúng ta đã thấy toàn bộ Kinh Nguyện Thánh Thể là một “tưởng niệm” (hoặc anamnesis trong tiếng Hy Lạp), hiện tại hoá hành động cứu độ của Chúa Kitô trên thập giá để chúng ta có thể thông dự vào sức mạnh của hành động đó cách đầy đủ hơn. Tuy nhiên theo nghĩa chặt và chuyên môn, kinh tưởng niệm anamnesis quy chiếu về một lời nguyện đồng nhất với điều đang diễn ra trong Thánh lễ. Chúa Giêsu nói: “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Bây giờ, linh mục chủ tế thưa với Chúa Cha trên trời rằng Giáo hội vẫn trung thành thực hiện lệnh truyền này:
“Vì vậy, lạy Chúa, khi kính nhớ Con Chúa chịu chết và sống lại, …”1
Tất nhiên, Thiên Chúa không cần được báo cho biết các hành động phụng vụ của chúng ta. Người đã biết và hiểu đầy đủ ý nghĩa của các hành động đó. Tuy vậy, chúng ta cần thưa với Người. Giống như con cái hăm hở báo cho cha mẹ biết điều chúng đã thực hiện (“Bố ơi, bố có thấy con đá bóng vào gôn không? Con đã cố gắng đá bóng vào gôn bằng mọi cách!), chúng ta cũng có nhu cầu nói với Cha trên trời việc tham dự đầy vui mừng của chúng ta vào các mầu nhiệm thánh này.
Tiến dâng
Kinh anamnesis làm thành phần cơ bản cho lời nguyện thứ hai, được gọi là “Tiến dâng”, cho biết, trong Thánh lễ, chúng ta có đặc ân đáng kinh đáng sợ là hiến dâng những gì Chúa Giêsu đã hiến dâng trong ngày thứ Sáu Tuần thánh. Trên thập giá, Chúa Giêsu hiến dâng hy tế của một mình Người. Trong Thánh lễ, Người dâng hy tế ấy cùng với Giáo hội khi liên kết chúng ta với hy tế này.
“Chúng con dâng lên Chúa hy lễ hằng sống
và thánh thiện này để tạ ơn Chúa.”2
Như đã thấy ở trên, chúng ta được mời gọi hiệp nhất chính mình với hy tế này của Chúa Kitô, điều này giải thích tại sao Kinh Nguyện Thánh Thể không chỉ gọi hy tế này là hy tế của Chúa Kitô, nhưng cũng là “hy tế của Giáo hội” (Kinh Nguyện Thánh Thể III). Và hai hy tế này thực sự là một, bởi vì trong mọi Thánh lễ, Giáo hội thông dự vào một hành động tự hiến nơi lễ vật của Chúa Kitô trên thập giá.
Tính chất tượng trưng của các lễ vật cũng cho thấy Giáo hội dâng chính mình lên Thiên Chúa, không phải tự mình, nhưng trong sự hiệp nhất với hy tế của Chúa Kitô. Hãy nhớ rằng các của lễ vật chất là bánh và rượu lại tượng trưng cho toàn thể lễ vật là chính bản thân mình. Bây giờ, sau khi thánh hiến, những lễ vật nhân loại này dâng lên Thiên Chúa đã trở nên Mình và Máu Chúa Kitô trong Thánh Thể – Mình và Máu được dâng lên Chúa Cha. Vì thế, trong Chúa Kitô, Giáo hội tham dự vào tình yêu tự hiến hoàn hảo của Chúa Con trên thập giá. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, số 79 giải thích:
Trong chính cuộc tưởng niệm này, Giáo hội, và nhất là Giáo hội tập họp tại đây và trong lúc này, dâng của lễ tinh tuyền lên Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần. Giáo hội có ý cho các tín hữu không những dâng của lễ tinh tuyền, mà còn học cho biết dâng chính mình, và, nhờ Chúa Kitô làm môi giới, mỗi ngày một hiệp nhất hơn với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa là mọi sự trong mọi người.
Ba hy lễ mẫu
Kinh Nguyện Thánh Thể I tiếp tục trích dẫn ba hy lễ mẫu từ Kinh Thánh, nài xin Chúa Cha chấp nhận của lễ của Giáo hội như Người đã vui nhận hy lễ của Aben, Ápraham, và Menkixêđê: “…và thương nhận như đã nhận lễ vật của Aben tôi trung của Chúa, hy lễ của Ápraham, tổ phụ chúng con, hy lễ thánh thiện và lễ vật tinh tuyền của Menkixêđê, thượng tế của Chúa..”
Mỗi vị tổ phụ trong Cựu Ước này đã dâng hy lễ báo trước hy lễ của Chúa Kitô và cho thấy loại hiến lễ chúng ta sẽ dâng lên Thiên Chúa khi hiệp nhất bản thân với hiến lễ của Chúa Con.
Thiên Chúa đã đoái nhìn đến hy lễ của ông Menkixêđê, là vua và tư tế huyền bí, người đã dâng bánh và rượu cho Thiên Chúa và chúc lành cho ông Ápraham. Ngay từ thời kỳ đầu tiên của Kitô giáo, hy lễ của ông đã được xem như là hình ảnh báo trước của lễ là bánh và rượu Chúa Kitô tiến dâng trong bữa Tiệc ly. Hy lễ của Aben nhắc nhở chúng ta dâng những gì tốt nhất cho Thiên Chúa. Trái với người anh của mình là Cain, người chỉ dâng hoa màu từ đất đai, Aben sẵn sàng dâng lên Đức Chúa những gì tốt nhất ông có, ông “dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng” (St 4,4). Thiên Chúa đã đoái nhìn đến lễ vật quảng đại của ông, nhưng của lễ của Cain thì Người không ưng nhận.
Cuối cùng, ông Ápraham đã dâng một điều gì đó hơn là bánh và rượu hoặc súc vật. Ông sẵn lòng dâng lên Thiên Chúa điều quý giá nhất đối với ông: đó là Ixaác, con trai ông. Và những sự kiện xung quanh hy lễ của Ápraham tiên báo hy lễ của Chúa Kitô trên đồi Canvê vượt trên bất cứ hy lễ nào khác trong Cựu Ước. Sách Sáng thế chương 22 kể lại việc ông Ápraham dẫn Ixaác, quý tử duy nhất của ông, trên lưng một con lừa tới núi Môria. Ixaác mang củi để đốt của lễ trên núi, và bị buộc trên cây gỗ để được tiến dâng như một hy lễ đền tội. Đáp lại nghĩa cử anh hùng của ông là từ bỏ hoàn toàn, Thiên Chúa đã thề rằng Người sẽ chúc lành cho toàn thể gia đình nhân loại qua hậu duệ của ông Ápraham. Nhiều thế kỷ sau đó, Thiên Chúa Cha đã nộp Con Một yêu dấu của Người, là Chúa Giêsu, ở Giêrusalem – một thành phố được nối kết với Môria, chính là nơi Ápraham dâng Ixaác (x. 2 Sb 3,1; Tv 76,2). Giống như Ixaác, Chúa Giêsu đã đi đến nơi này bằng một con lừa; cũng giống như Ixaác, Người mang cây gỗ thập giá lên đồi Canvê. Tại đây, lại giống như Ixaác, Chúa Giêsu bị đóng đinh vào cây gỗ và được tiến dâng như hy lễ đền tội – một hy lễ mang lại phúc lành cho cả hoàn cầu, do Thiên Chúa đã thề với Ápraham trong Sáng thế chương 22. Vì thế, trong ngày thứ Sáu Tuần thánh, Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Con đã hoàn trọn điều đã được Ápraham và Ixaác tiên báo từ ngàn xưa, và lời Thiên Chúa thề hứa với Ápraham rằng Người sẽ chúc lành cho gia đình nhân loại, được thực hiện.
Những lời chuyển cầu
Khi Kinh Nguyện Thánh Thể sắp kết thúc, linh mục đọc nhiều lời chuyển cầu. Đầu tiên, ngài cầu xin cho những người sắp được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Chúa Kitô. Ngài xin cho “họ trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô” (Kinh Nguyện Thánh Thể III) – vọng lại những lời của thánh Phaolô trong 1Cr 10,17: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” Linh mục chủ tế cũng cầu xin để việc tham dự vào hy lễ của Chúa Kitô có thể làm cho chúng ta “trở nên của lễ muôn đời dâng tiến Chúa” (Kinh Nguyện Thánh Thể III) hoặc “trở nên hiến lễ sống động” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV), vọng lại lời khuyến khích của thánh Phaolô tới các tín hữu Rôma “anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1).
Thứ hai, linh mục chủ tế cầu xin cho Giáo hội hoàn vũ qua việc xướng danh Đức Giáo hoàng và Giám mục giáo phận, và sau đó khẩn nguyện cho tất cả các giám mục, linh mục, và toàn thể dân Chúa, cả những người còn sống hay những kẻ đã qua đời. Một số lời chuyển cầu mang tầm phổ quát, cầu xin cho “mọi người đang thành tâm tìm Chúa” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV) và xin cho hy tế trong Thánh lễ “đem lại bình an và ơn cứu độ cho tất cả thế giới”3
Vinh tụng ca và “tiếng Amen vĩ đại”
Kinh Nguyện Thánh Thể đạt tới đỉnh điểm bằng lời tung hô, đã được sử dụng trong Thánh lễ ngay từ thế kỷ thứ II. Và cộng đoàn đáp lại bằng lời đáp thường được gọi là “tiếng Amen vĩ đại” – và đúng là như thế.
“Amen” chuyển ngữ từ tiếng Hípri, khẳng định tính hữu hiệu của những điều đã được đọc và thường được sử dụng trong phụng vụ. Chẳng hạn, khi các thầy Lêvi hát “chúc tụng Đức Chúa, Thiên Chúa của Ítraen, từ muôn thuở cho đến muôn đời”, thì toàn dân hợp với lời chúc tụng này vằng cách hô lớn: “Amen” (1Sb 16,36). Khi đọc sách luật trong một nghi lễ trang trọng, ông Étra kết thúc bằng lời chúc tụng Đức Chúa, và toàn dân đáp lại “Amen, Amen” (Nkm 8,6). Thánh Phaolô đã dùng từ này theo cách tương tự (Rm 1,25; Gl 1,5; Ep 3,21) và ngay cả trong một số thư, ngài còn kết thúc bằng từ “Amen” (1Cr 16,24; cũng xem một số thủ bản, 1Tx 5,28; 2Tx 3,18).
Đáng chú ý nhất là các thiên thần và các thánh trên trời tung hô “Amen” khi các vị hợp xướng ca tụng Thiên Chúa trong phụng vụ thiên quốc. Trong sách Khải huyền, mọi loài thụ tạo trên trời dưới đất đều ca tụng rằng: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thưở muôn đời!” Đáp lại, các thiên thần thưa: “Amen!” y như các vị reo lên: “Đúng thế! Chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa đến muôn thuở muôn đời!” Trong một cảnh khác, các thiên thần phủ phục thờ lạy trước ngai Thiên Chúa, và ca ngợi rằng: “Amen! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời! Amen!” (Kh 7,12; cũng xem Kh 5,14; 19,4).
Lời ca tụng này của các thiên thần và các thánh trên trời được vọng lại trên trần gian, trong mọi Thánh lễ, do linh mục chủ tế:
Chính nhờ Người, với Người và trong Người,
mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa
là Cha toàn năng,
trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.
Chính những lời này bắt nguồn từ Sách Thánh, một phần trích từ thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Rôma: “Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! Amen.” (Rm 11,36). Thánh Phaolô cũng nói đến “sự hiệp nhất của Thánh Linh” trong Ep 4,3. Ở đây, phụng vụ diễn tả bản chất Tam Vị của việc thờ phượng trong Thánh lễ. Chúng ta ca tụng Chúa Cha Toàn Năng bằng cách tốt nhất là dâng cuộc sống chúng ta qua, cùng và trong Chúa Con, Đấng đã hoàn toàn hiến mình trên đồi Canvê và trong sự hiệp nhất với Thần Khí Người, Đấng cư ngụ trong chúng ta.
Sau khi nghe linh mục chủ tế tung hô rằng mọi danh dự và vinh quang là của Thiên Chúa đến muôn thuở muôn đời, chúng ta đáp lại giống như các thiên thần, hăm hở kết hiệp với lời ca tụng Thiên Chúa. Chúng ta tung hô: “Amen!” Lời tung hô này không phải lời thưa “Amen” thông thường. Nhưng trong đó, chúng ta hợp với các vĩ nhân trong lịch sử cứu độ – các thầy Lêvi, với ông Étra, với thánh Phaolô và toàn thể các thiên thần và các thánh trên trời – với lời đồng thanh tán tụng không ngớt. Chẳng lạ gì mà thánh Giêrônimô nói rằng lời tung hô “Amen” này trong Thánh lễ của các Kitô hữu sơ khai ở Rôma “vang dội trên thiên đàng, như tiếng sét rền vang ngang trời.”4