Ngày 22/11 Mừng kính thánh Cêcilia, Trinh nữ – Tử đạo
Mcb 7, 1.20.31 (năm lẻ); Kh 4,1-11 (năm chẵn); Lc 19,11-28
Dụ ngôn mười yến bạc trong bài Tin Mừng Luca hôm nay tương tự như Dụ ngôn những nén bạc trong Tin Mừng Mátthêu 25,14-30 được đọc vào Chúa Nhật 33 – Năm A. Sứ điệp gửi đến qua Dụ ngôn là lời mời gọi: các Kitô hữu hãy sinh hoa trái trong cuộc đời trong khi chờ đợi Đức Kitô quang lâm.
Một vài chi tiết khác biệt trong Tin Mừng Luca khiến chúng ta khó hiểu: nhà quý tộc đi lãnh nhận vương quyền và việc ông trả thù những người chống đối ông làm vua. Chi tiết này của dụ ngôn dựa trên câu chuyện của lịch sử. Sau khi vua Hêrôđê Cả qua đời, Ác-khê-lao – theo di chúc của Hêrôđê Cả sẽ nối ngôi vua, đã đến Rôma để nhận vương quyền. Người Do Thái lúc bấy giờ đã cử phái đoàn đi trước để phản đối việc phong vương cho Ác-khê-lao. Họ thỉnh cầu Hoàng đế cho người Do Thái được tự trị, dưới quyền giám sát của Tổng trấn của Rôma. Trở về sau khi lãnh nhận vương quyền, Ác-khê-lao đã trả thù những người phản đối ông. Chúng ta thắc mắc rằng, không lẽ Thiên Chúa lại cũng hành xử như ông vua độc ác kia hay sao?
Câu mở đầu của đoạn Tin Mừng giúp ta hiểu chủ đích của thánh Luca khi đưa những chi tiết tưởng như khó hiểu trên vào dụ ngôn. “Đức Giêsu kể thêm một du ngôn, vì Người đang ở gần Giêrusalem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi.” (Lc 19,11)
Giáo huấn bằng dụ ngôn mười yến bạc được thuật lại vào cuối hành trình Đức Giêsu tiến về Giêrusalem để chịu khổ nạn. Dân chúng, và cả các môn đệ nữa, mong muốn Đức Giêsu thực hiện cuộc giải phóng chính trị. Họ đã hồ hở đi theo Đức Giêsu và muốn tôn phong người làm vua. Đức Giêsu không từ chối tước hiệu “Con Vua Đa-vít” dân chúng đang tung hô. Dụ ngôn được kể với chi tiết vương quyền mang ý nghĩa ẩn dụ. Triều đại Thiên Chúa sắp được mở ra, không phải bằng sức mạnh chính trị và bạo lực, nhưng xuyên qua mầu nhiệm Thập giá. Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem để chịu khổ nạn. Vương quyền của Người không đến từ sự ủng hộ của dân chúng, hay từ bất cứ quyền lực nào của nhân loại trao cho, nhưng chính Chúa Cha sẽ tôn phong Người. Rồi đây nhiều người sẽ rời bỏ Đức Giêsu, họ từ chối vương quyền của Đức Kitô qua con đường Thập giá.
Hôm nay Giáo hội mừng kính thánh Cêcilia, vị thánh trinh nữ tử đạo vào những thế kỷ đầu của Giáo hội đang bị bách hại. Cuộc tử đạo của thánh nhân là lời tuyên xưng vương quyền của Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng sự chết. Dưới vương quyền của Người, người Kitô hữu được ban tặng một cuộc sống mới. Trung tín sống dưới vương quyền của Đức Kitô là “loại bỏ những việc làm ám muội và cầm lấy khí giới của sự sáng.”1. Những ai trung tín theo gương thánh Cêcilia, sẽ được chia sẻ vương quyền vĩnh cửu của Đức Kitô trên thiên quốc.