Thứ 7 – 2MC (Mk 7,14-15.18-20; Lc 15,1-3.11-32)
CN4MC-C (Gs 591.10-12; 2Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32)
Dụ ngôn “người cha nhân hậu” chỉ có trong Tin Mừng Luca. Sứ điệp chính yếu thánh Luca muốn chuyển tải tập trung vào hình ảnh người cha. Tình yêu và lòng nhân hậu của người cha được thể hiện qua cách ông đối xử với hai con.
– Với người con thứ, ông chấp nhận cho anh ra đi, tự do sống với phần gia tài anh được hưởng, dù biết trước rằng cuộc đời của đứa con rồi sẽ rơi vào cảnh bi đát “ao ước lấy đậu muồng he ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho”. Ở nhà, hằng ngày ông những mong ngóng đứa con sớm hồi tâm mà quay trở về. Vì vậy, khi anh ta còn từ đằng xa, thì người cha đã nhận ra: “Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để.” Người cha đã tha thứ cho đứa con trước cả khi anh ta xưng thú lỗi lầm. Dù người con đã gây ra lầm lỗi, thì anh vẫn luôn là con của ông. Đó cũng là chính lý do, ông sai gia nhân mở tiệc ăn mừng.
– Với người con cả, người cha đã không trách mắng khi anh ta nổi giận. Trái lại, ông ôn tồn nói cho anh biết, cũng như người con thứ, anh cũng là con của ông và được hưởng mọi quyền lợi của một người con. “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.”
Hình ảnh người cha nhân hậu trong câu chuyện nói cho chúng ta về cách thế Thiên Chúa đối xử với con người. Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, ngay cả khi chúng ta lầm lạc lìa xa Chúa như người con thứ, hay nổi giận trách móc Chúa như người con cả.
– Người con thứ bỏ nhà ra đi. Anh ngộ nhận rằng với số tài sản vật chất anh có, anh có thể tự sống một cuộc đời theo ý anh mà không cần đến cha. Anh đã không nhận ra được rằng giá trị làm nên chính anh không phải là tài sản vật chất, mà phẩm giá làm con của anh, là tình yêu của cha dành cho anh.
– Người con cả nổi giận với cha. Bao năm ở với cha, anh chỉ mong có “được một con dê con để ăn mừng với bạn bè.” Anh đã quên hoặc không ý thức được giá trị lớn nhất mà anh đang có, đó chính là tư cách làm con. Vì không nhận biết mình là con trong nhà cha, nên anh cũng từ chối chấp nhận người em trở lại nhà cha. Anh muốn loại trừ đứa em và gọi là “thằng con của cha,” chứ không phải là em của anh.
Dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta nhận biết điều quan trọng rằng, trong tương quan với Thiên Chúa, con người có được phẩm giá làm người của mình. Đồng thời, khi nhận biết phẩm giá của mình, ta cũng biết tôn trọng phẩm giá của anh chị em đồng loại. Ngược lại, không nhận thức phẩm giá của mình, thì ta cũng sẽ phủ nhận và xâm hại phẩm giá người khác.
* * *
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn nhận biết và sống xứng đáng phẩm giá làm con trong nhà Cha. Trong tâm tình mùa Chay, chúng con cũng sám hối trước mặt Chúa vì đã nhiều lần xúc phạm đến phẩm giá của anh chị em. Xin Chúa giúp chúng con noi theo lòng nhân hậu của Cha trên trời, để biết biết kính trọng và đối xử nhân từ với hết mọi người. Amen.