Cv 11,19-26, Ga 10,22-30
“Vậy những người phải tản mác vì cuộc bách hại xảy ra nhân vụ ông Tê-pha-nô, đi đến tận miền Phê-ni-xi, đảo Sýp và thành An-ti-ô-khi-a. Họ không rao giảng lời Chúa cho ai ngoài người Do-thái. Nhưng trong nhóm, có mấy người gốc Sýp và Ky-rê-nê; những người này, khi đến An-ti-ô-khi-a, đã giảng cho cả người Hy-lạp nữa, loan Tin Mừng Chúa Giê-su cho họ. Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa.” (Cv 11,19-21)
Đọc Sách Công vụ Tông đồ, chúng ta gặp thấy danh tánh các Tông đồ và nhiều tên tuổi môn đệ gắn liền sự phát triển của Hội thánh. Tông đồ Phêrô chỉ với một bài giảng ngắn, đã làm cho mấy ngàn người Do Thái tin theo và chịu phép rửa. Phó tế Têphanô can trường trong bách hại, và trở thành vị tử đạo đầu tiên của Hội thánh. Phó tế Philípphê được biết đến như là người đầu tiên đem Tin Mừng đến cho người Samari. Tông đồ Phaolô thì được mệnh danh là Tông đồ dân ngoại. Ông Banaba, con người có tài yên ủi. Ông Apôlô, người có tài hùng biện, và còn rất nhiều tên tuổi khác nữa. Tất cả các vị này đã mãi mãi ghi danh tánh của mình vào trang sử đầu tiên của Hội thánh.
Thế nhưng cũng có rất nhiều môn đệ khác, mà tên tuổi của họ không bao giờ được nhắc đến, cho dù họ đã góp phần không nhỏ làm cho Hội thánh tiên khởi được lớn mạnh và lan rộng. “Có mấy người gốc Sýp và Kyrênê…” đã đến Antiôkhia và rao giảng cho những người Hy lạp. Chính nhờ sự rao giảng của họ mà có nhiều người thuộc dân ngoại đã gia nhập Kitô giáo, để rồi các cộng đoàn Kitô tiên khởi dần dần hoàn toàn tách ra khỏi cơ chế Do Thái. “Chính tại Antiôkhia các môn đệ lần đầu tiên được gọi là Kitô hữu.”, tức mang danh của Đấng sáng lập.
Những nhà truyền giáo tiên phong trong Hội thánh chỉ được nhắc đến một cách rất chung chung, với những địa danh quê quán; và mãi mãi không một ai biết đến danh tánh của họ. Chắn chắn, các tín hữu vô danh này không bao giờ nghĩ rằng mình cần phải được nổi tiếng, cần phải được lưu danh sử sách. Chỉ đơn giản họ là những người tin Đức Kitô phục sinh và muốn chia sẻ niềm vui cứu độ với tất cả mọi người. Chính điểm này lại làm cho công việc rao giảng của họ có được một kết quả thật bất ngờ, như Công vụ Tông đồ cho thấy “vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa.”
* * *
Câu truyện của sách Công vụ Tông đồ hôm nay giúp cho chúng ta suy nghĩ về những động lực dấn thân trong đời sống tu trì. Chúng ta gia nhập vào một cộng đoàn tu trì không phải để được vẻ vang, được mọi người kính trọng và biết đến. Chúng ta cũng không đi tu để tìm kiếm địa vị, danh vọng hay lợi lộc vật chất. Mọi công việc chúng ta được trao và vị trí chúng ta đảm nhận, tất cả là để đáp trả cho một ơn gọi đi theo Chúa và sẵn sàng phục vụ cho công việc của Thiên Chúa.