Cv 3,1-10; Lc 24,13-35
Tin Mừng thứ ba và Công vụ Tông đồ do cùng một tác giả là thánh Luca biên soạn. Thánh Luca cũng cho biết hai tác phẩm này có mối liên hệ với nhau. Câu chuyện Chúa phục sinh đồng hành với hai môn đệ trên đường Em-mau của bài Tin Mừng hôm nay có mối liên hệ rất chặt chẽ với đời sống của các Giáo hội tiên khởi. Một cách sâu xa, câu chuyện đặt nền tảng cho đời sống đức tin của các cộng đoàn tiên khởi ở ba điểm chính yếu sau đây:
1/ Chúa phục sinh là trung tâm của cử hành đức tin. Đồng hành với hai môn đệ trên đường Em-mau, Chúa phục sinh chỉ dẫn cho họ hiểu lời Kinh Thánh, nhất là những điều Kinh Thánh nói về cuộc khổ nạn và phục sinh của người. Trong bữa tối với hai môn đệ, cũng chính Chúa phục sinh chủ toạ việc bẻ bánh và soi sáng cho họ nhận ra Người. Ở điểm thứ nhất này, các Kitô hữu tiên khởi tìm thấy nền tảng cho việc cử hành đức tin của họ.
Hằng ngày khi các Kitô hữu quy tụ với nhau để lắng nghe Lời Chúa, thì chính Chúa phục sinh hiện diện ở giữa cộng đoàn. Thông qua các thừa tác viên, Người soi sáng cho họ hiểu lời Kinh Thánh. Lòng trí họ có thể “bừng cháy lên” nhờ những lời giải thích Sách Thánh, nhưng quan trọng hơn, chính Chúa Kitô phục sinh hiện diện trong bí tích Thánh Thể soi sáng và mở đôi mắt đức tin để họ nhận ra Người. Như thế việc cử hành đức tin vừa là lời tuyên xưng đức tin vừa là sự nuôi dưỡng đức tin của cộng đoàn tín hữu.
2/ Chúa phục sinh vừa là nội dung rao giảng vừa là động lực cho việc rao giảng. Niềm vui nhận biết Chúa phục sinh khiến hai môn đệ không thể chậm trễ, dù đang đêm tối, họ vội vã lên đường trở lại Giêrusalem. Tin nhận Chúa phục sinh và rao giảng Tin Mừng phục sinh là ơn gọi của mọi Kitô hữu. Giữa những bách hại của quyền lực tăm tối đang nhằm vào các Giáo hội tiên khởi, câu chuyện của hai người môn đệ hôm nay như một sự khích lệ các tín hữu hãy can đảm rao giảng và làm chứng cho đức tin của mình.
Một chi tiết khác trong bài Tin Mừng giúp các tín hữu tiên khởi nhận ra ơn gọi của họ là rao giảng và dẫn đường cho những người khác gia nhập Hội thánh. Trong hai môn đệ, chỉ một người được nhắc tên, đó là Cờ-lê-ô-pát. Người môn đệ này, đại diện cho những Kitô hữu đã được rửa tội, có sứ mạng dẫn đưa những người chưa có đức tin gia nhập vào cộng đoàn Hội thánh. Người môn đệ thứ hai không nhắc tên, được hiểu là những dự tòng, đang được các Kitô hữu đồng hành và dẫn đưa họ đến với Chúa phục sinh.
3/ Chúa phục sinh làm nên chiều kích hiệp thông của Hội thánh. Khi nhận ra Chúa, hai môn đệ lên đường trở về Giêsusalem để hiệp thông đức tin với các Tông đồ và môn đệ ở đây. Tất cả các Kitô hữu chỉ có một niềm tin phục sinh duy nhất, một Chúa phục sinh duy nhất.
Và không chỉ hiệp thông đức tin mà còn trong sứ vụ nữa, chính tại cộng đoàn Giê-ru-sa-lem này – cộng đoàn mẹ của mọi cộng đoàn, hai môn đệ này và nhiều môn đệ khác nữa sẽ được sai đi “khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1,8) để rao giảng sự phục sinh của Chúa.