(Cv 2,14.22b-33; Mt 28,8-15)
Halêluia. Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Halêluia.
Những lời tung hô trên đây được xướng lên trong phụng vụ suốt Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Ngày này là ngày nào để chúng ta vui mừng hoan hỷ vậy? Thưa đó là ngày Chúa phục sinh, ngày Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết. Những ai tin vào Đấng Phục sinh thì sẽ chết đi đối với tội lỗi và đón nhận cuộc sống mới trong ân sủng của Thiên Chúa.
Các trình thuật Kinh Thánh không cho thấy có bất kỳ ai là nhân chứng tận mắt thời khắc Chúa sống lại. Vậy điều gì làm cho tin mừng Phục sinh trở nên khả tín? Các bài đọc Tin Mừng và Tông đồ Công vụ được đọc trong suốt mùa Phục sinh sẽ trình bày cho chúng ta những lời chứng thuyết phục sau đây:
1/ Sự kiện ngôi mộ trống. Đây là một sự kiện có thật mang tính lịch sử được khẳng định bởi nhiều nhân chứng, kể cả các môn đệ Đức Kitô lẫn những người chống đối Người.
2/ Hoạt động rao giảng của các Tông đồ và những dấu lạ các ông thực hiện để củng cố lời rao giảng. Về nội dung rao giảng, các Tông đồ trước hết kể về kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục sinh, các ông cũng thuật lại cuộc đời và giáo huấn của Đức Giêsu nhất là cuộc thương khó của Người và lời tiên báo của Người về cuộc Vượt qua, đồng thời các ông cũng chỉ cho thấy lời loan báo của các ngôn sứ Cựu Ước đã nên ứng nghiệm nơi bản thân Người.
3/ Đời sống của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các Kitô hữu tiên khởi “một lòng một trí” tuyên xưng sự Phục sinh của Chúa, hiệp thông với nhau trong việc bẻ bánh và chia sẻ bái ái; và can đảm làm chứng cho sự Phục sinh của Chúa, kể cả bằng chính mạng sống của mình.
Bài Tin Mừng hôm nay nối tiếp câu chuyện các phụ nữ ra thăm mồ Chúa vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Ngôi mộ đã trống, các bà không còn thấy xác Chúa. Các bà được thiên thần báo cho biết Chúa đã phục sinh và rồi chính các bà đã được gặp Người.
Ngôi mộ trống, những gì còn lại trong mộ được sắp xếp một cách có trật tự là dấu chỉ đầu tiên cho sự phục sinh của Chúa. Các thượng tế và kỳ mục đã bàn tính với nhau để làm cho dấu chỉ này trở nên lu mờ, vô nghĩa. Thế nhưng những lời họ sắp đặt cho các lính tráng nói ra, lại minh nhiên trở thành lời chứng “bắt đắc dĩ” cho sự kiện ngôi mộ trống. Lính tráng phao tin rằng:“Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác.” Nếu đã ngủ, thì làm sao họ biết được các môn đệ đến lấy trộm xác! Đây là sự bất hợp lý trong lời nói dối này, và như thế tin đồn lại trở thành lời chứng rằng ngôi mộ đã trống, xác Chúa không còn ở đó không phải do bàn tay con người can thiệp.
Vậy xác Chúa ở đâu hay xác Chúa đã phục sinh? Sự kiện ngôi mộ trống chỉ là dấu chỉ, không đủ làm bằng chứng thuyết phục Chúa đã phục sinh. Niềm tin vào Chúa phục sinh còn cần phải dựa vào lời chứng của các môn đệ và đời sống chứng tá của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi như đã nói trên đây.
* * *
Trong đời sống tín hữn, việc tuyên xưng Chúa phục sinh bằng cử hành phụng vụ cũng gắn liền với việc rao giảng và làm chứng trong cuộc sống về niềm xác tín ấy của mình. Phải làm chứng thế nào? Ta thấy rằng kể cả những người chống đối Chúa – các thượng tế, kỳ mục và lính tráng, cũng có thể trở thành chứng nhân cho sự phục sinh của Người. Vậy thì các tín hữu – những người sống theo Thần Khí, được củng cố thêm niềm xác tín rằng chính Thần Khí sẽ dùng ta như khí cụ của Người để làm chứng cho sự phục sinh của Đức Kitô với những cách thức mà ta không thể ngờ được.