Ban Văn hóa
Theo chương trình của Thỉnh viện, anh em Thỉnh sinh sẽ có một số buổi sinh hoạt chuyên đề. Đó là cơ hội để anh em có thêm kiến thức về một số lĩnh vực khác nhau. Thứ bảy vừa qua, ngày 05/10/2019, Thỉnh viện đã tổ chức buổi sinh hoạt đầu tiên của năm học 2019 – 2020. Thuyết trình viên được cha Giám đốc “mời” đến đã gây bất ngờ cũng như sự thích thú cho anh em. Người phụ trách giới thiệu chuyên đề chính là một thành viên của Thỉnh viện, anh Martin Quách Đình Quốc Trọng. Chuyên ngành Cử nhân của anh là Văn học và anh cũng từng có thời gian ngắn giảng dạy bộ môn này ở trường phổ thông. Với anh, như anh chia sẻ từ đầu buổi chuyên đề, Văn luôn ở cạnh mỗi anh em; bây giờ và cho đến sau này, anh em luôn phải làm việc với Văn. Do đó, thật cần thiết để mỗi anh em hiểu rõ thực chất Văn là gì, và có thể làm việc với Văn cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Tên chuyên đề “LÀM QUEN VỚI VĂN” dường như đã thể hiện được mục đích đó.
Trong phần đầu, anh Martin đã giải thích nội hàm từ “Văn” trong tiếng Việt, cũng như phân biệt hai phạm trù “Văn chương” và “Văn học”. Sang phần hai, vì đây là chuyên đề về việc làm quen với Văn, nên anh chỉ tập trung giới thiệu truyện ngắn và các đặc trưng của thể loại này. Theo anh, đây là thể loại dễ tiếp cận hơn cả trong các thể loại văn chương. Anh cũng chia sẻ rằng, đôi khi nội dung truyện ngắn chỉ là một lát cắt của cuộc sống, nhưng nếu tác phẩm được khai thác cách hiệu quả thì chính lát cắt đó sẽ gợi nhiều suy tư nơi người đọc. Qua một số truyện ngắn nổi tiếng, anh đã giúp anh em hiểu thêm được phần nào cũng như biết được nhiều điều thú vị về truyện ngắn. Tâm điểm của buổi chia sẻ chính là những kinh nghiệm về việc làm quen với Văn thông qua Đọc. Đây là một kỹ năng vô cùng quan trọng và quyết định sự hiệu quả của cả một quá trình học hành và nghiên cứu. Với kinh nghiệm riêng, anh gợi mở cho anh em cách đọc theo hai cấp độ: Từ và Văn bản. Sau khi lý giải từng cấp độ, anh chỉ ra rằng, thực chất của việc đọc là nằm ở hành vi đọc liên văn bản, tức không thể đọc và hiểu được một từ hay một văn bản mà không liên kết đến những văn bản khác. Từ hai cấp độ của việc “đọc cái gì”, anh giới thiệu anh em việc “đọc ở đâu”, theo nghĩa làm sao có thể tiến hành việc đọc liên văn bản. Trong phần này, anh nhấn mạnh đến mối quan tâm của người đọc với văn bản đang tiếp cận. Mối quan tâm này sẽ giúp người đọc nhận ra vấn đề nào cần đọc, và những tài liệu nào cần cho việc hiểu đúng và hiểu sâu vấn đề đó. Thế rồi, mỗi người lại có những mối quan tâm khác nhau và rất đa dạng. Để đáp ứng được nhu cầu đó, anh giới thiệu cuốn “Đọc sách như một nghệ thuật” của tác giả Mortimer J. Adler, vì cuốn này sẽ đề nghị những cách đọc cụ thể ứng với từng loại sách.
Với những chia sẻ trên, anh em có cơ hội đánh giá lại việc đọc của bản thân để có thể đọc một cách hiệu quả nhất. Trong phần giải đáp thắc mắc sau đó, anh em đã cùng nhau bàn luận sôi nổi xung quanh chữ “Đọc” và vấn đề “Đọc như thế nào?”. Cha Giám đốc cũng góp thêm đôi điều chia sẻ về việc đọc sao cho hiệu quả, cũng như giới thiệu với anh em nhiều đầu sách hay mà thư viện của Thỉnh viện đã cập nhật.
Buổi chuyên đề đã để lại nơi anh em nhiều thao thức, vì chủ đề lần này giúp anh em nhận ra được nhiều thuận lợi, cũng như nhiều thách thức của việc đọc trong đời sống tri thức của anh em. Ước chi những trao đổi trong buổi sinh hoạt này sẽ trở nên hữu ích hơn cho cuộc đời dâng hiến của từng anh em Thỉnh sinh.