Mục Lục
HOÀN CẢNH ĐƯA ĐẨY
Sài Gòn vào một buổi chiều nhẹ, tôi cùng mấy anh bạn đang trò chuyện vui vẻ ở một chốn nọ. Không khí rôm rả ấy bỗng nhiên bị gián đoạn bởi cuộc tranh cãi ở bàn bên. Số là một ông bố trông còn khá trẻ đang cãi nhau với cô nhân viên về việc con anh ta (đang ở độ tuổi thích gì làm nấy) nghịch ngợm chạy nhảy rồi va phải cô ấy. Chuyện chẳng có gì đáng nói khi anh ta vừa dỗ dành con, chẳng bảo con xin lỗi mà quay lại quát mắng cô gái đó. Nhưng khi cô gái phân trần thì anh ta lại giở ra bài cũ mà các phụ huynh vẫn hay dùng để “biện hộ” cho con của mình: “Trẻ con thì biết gì đâu mà”. Thế là tôi và chúng bạn quay ra nhìn nhau và lắc đầu ngao ngán. Câu chuyện ấy thoáng qua có vẻ chỉ là “chuyện thường ở huyện”, nhưng suy xét một cách sâu xa hơn lại dấy lên một vấn đề về giáo dục nhân bản của người Việt. Vậy là tôi lại có dịp nghĩ về những người anh em của mình và môi trường hiện tại mà mình đang được thụ huấn. Xa hơn, phải chăng tính đồng trách nhiệm nên được đề cao trong một môi trường đào tạo đa dạng như hiện nay?
Thoạt tiên, khi nghe đến mục đề trên, người ta sẽ nghĩ đến hai khía cạnh về mặt ngữ nghĩa: Một là liên tưởng đến thái độ khinh thường của một người lớn dành cho đứa trẻ, hai là biện luận cho một việc làm sai trái của đứa trẻ nhằm giảm thiểu trách nhiệm. Điều ấy còn tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể và giọng điệu mà người nói đưa ra.
TỪ TƯ TƯỞNG “COI DÂN NHƯ CON”…
Yêu dân như con…
Như chúng ta đã biết, tư tưởng “dân bản” hay “lấy dân làm gốc” luôn được đề cao trong các thiết chế xã hội, đặc biệt là ở Á Đông, nơi vốn chịu ảnh hưởng của Nho Gia từ lâu đời. Mạnh Tử khi bàn về thuật trị quốc thường quan niệm dân là gốc rễ, là căn cơ để quốc gia có thể thái bình thịnh vượng: “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”[1] (dân quan trọng hơn hết, kế đến là quốc gia, vua thì nhẹ). Lòng dân vốn quan trọng, bởi dân được ví như nước, “nước có thể nâng thuyền cũng có thể dìm thuyền”[2]. Bên Phương Tây, cho dù là cộng hòa hay quân chủ lập hiến thì đều chú trọng đến nền dân chủ, tức dân có quyền thay đổi và quyết định chính phủ mà họ muốn, miễn sao chính phủ đó hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích cho toàn thể dân nước. Bên cạnh đó, dân chủ cũng đề cao tinh thần pháp luật, mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ bình đẳng trước pháp luật. Nghĩa là, họ được tôn trọng các quyền cơ bản của một con người như quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền hạnh phúc, …, trong khi cũng phải chịu trách nhiệm cho các hành vi của mình.
Hay coi dân như con
Lý thuyết dông dài là vậy, nhưng đời thì không như mơ. Các quan nhà mình xưa nay có lẽ đã thấm nhuần được tư tưởng đó nên họ rất trọng dân, đến nỗi “coi dân như con”. Câu nói này có thể hiểu theo hai nghĩa: yêu thương chăm lo đời sống cho dân hoặc xem dân như những đứa con cần được giáo dục. Thực ra chủ trương này không phải tự nhiên mà có, mà xuất phát từ đạo lý trị quốc của Lê Thánh Tông (1442-1497) thời Lê Sơ: “thương dân như con”. Tư tưởng ấy đề cao lòng nhân nghĩa của tầng lớp cai trị trong cách đối xử với nhân dân vốn mang nặng tính đẳng cấp. Xét theo tính dân chủ hiện nay, điều này thể hiện sự không coi trọng quyền làm chủ của người dân và chỉ chú trọng nhiều hơn vào cách đối nhân xử thế trong mối quan hệ vua chúa quan quyền với dân đen. Do đó, sự biến tướng là không thể tránh khỏi.
Xem thêm: Chuyện học: Phải chăng chỉ là khổ chế?
Ta có thể hiểu rằng, nếu nhà nước là chủ thể thì đối tượng là nhân dân. Mối quan hệ này nếu xét theo tư tưởng “con dân” thì chỉ có thể thay đổi cách “đối xử” hay “cai trị” của chủ thể với đối tượng, trong khi về mặt bản chất thì đối tượng không thể biến thành chủ thể, nhân dân không trở thành nhà nước. Điều này dẫn đến hệ quả dân nước có tốt đẹp hay không lại phụ thuộc vào cảm xúc của tầng lớp cai trị. Ấy vậy cho nên, trong dân gian vẫn luôn lưu truyền câu vè “quan dần dân”, nghĩa là quan thì mặc sức hành dân. Quan coi dân là con nên được quyền “dạy dỗ” tùy ý, nếu “đi lệch tư tưởng” thì dùng quyền lực để uốn nắn, làm cho dân khiếp sợ để làm sao đó khiến “đứa con” phải phục tùng. Như vậy, ta có thể rút ra kết luận rằng tư tưởng “coi dân như con” đối lập với khái niệm “dân chủ” cả về bản chất lẫn cách hành xử.
ĐẾN TỰ TRƯỞNG THÀNH NHÂN BẢN
Có lẽ việc ăn cơm cà bàn chuyện trị quốc bình thiên hạ là chuyện quá rộng lớn, nên tôi đành thoát vai để trở về với vai trò của mình ở thực tại để xem những điều đã bàn luận ở trên có liên quan gì đến chuyện một Thỉnh sinh thì biết gì? Thực ra, nếu làm phép tính quy đồng để tối giản các phân số về một mẫu số chung thì ta có thể tìm thấy điểm tương đồng giữa một công dân mang trong mình tinh thần dân chủ và một Thỉnh sinh, tóm gọn lại trong một điểm duy nhất: tâm thế chủ động hay đơn giản hơn là vai trò làm chủ.
Đối xử bình đẳng
Một công dân tốt thì ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình trong tương quan với đất nước. Trong một so sánh nhất định, vai trò của người Thỉnh sinh cũng đều như vậy. Tuy nhiên, không phải lúc nào người thụ huấn (Thỉnh sinh) cũng ý thức được điều đó khi tư tưởng “con dân” vẫn còn chi phối mạnh không chỉ đối với họ mà còn đối với những người đóng vai trò đào tạo. Ở đó, ta tìm thấy sự liên kết trong tương quan của “kẻ cai trị” lẫn “người bị trị”. Điều đó có nghĩa là người đào tạo do nắm quyền bính thi hành nên cảm thấy có trách nhiệm với người thụ huấn, sinh ra cảm giác cần phải yêu thương, bảo bọc và dạy dỗ. Như đã đề cập ở trên, đây có thể ví như một ông vua cai trị tốt nhưng mối tương quan trong huấn luyện thì vẫn đang còn mang tính “trên – dưới”, nghĩa là chưa đặt người thụ huấn vào một tâm thế phù hợp. Kết quả là, người thụ huấn ở trong trạng thái bị động và không hiểu được vai trò của mình trong hệ thống đào tạo, dẫn đến điều mà người ta hay quan niệm là giống như một cỗ máy được lập trình sẵn, sai gì làm nấy, hoàn toàn không có ý thức chủ động trong đó.
Do vậy, điều quan trọng có lẽ trước hết nằm ở người lãnh trách nhiệm đào tạo. Tư tưởng “yêu dân như con” nên được thay bằng một giải pháp mang tính dân chủ hơn, đó là đối xử bình đẳng với người thụ huấn và coi họ như những công dân trưởng thành có thể nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình. Như vậy, điều ấy đồng nghĩa với việc mối quan hệ chiều dọc nay sẽ chuyển thành chiều ngang. Tuy nhiên, điều đó không phải là người thụ huấn có quyền “gần chùa gọi bụt bằng anh”, nhưng nhấn mạnh việc trao cho người thụ huấn chìa khóa của chiếc hộp Pandora để khai mở nhận thức của họ về vai trò đích thực của mình trong việc tu tập, tức chủ động nắm lấy vận mệnh của chính bản thân. Bằng sự chuyển đổi ấy, “thiên tử” bây giờ không còn là Trời, là Chúa mà trở thành một người đứng đầu mang tâm thế đồng hành và hướng dẫn, sử dụng những kinh nghiệm của mình trong việc truyền tải tinh thần đã lĩnh ngộ được cho thế hệ sau. Nói là vậy, nhưng thách thức không chỉ nằm ở chỗ chuyển dịch tư tưởng của người đào tạo, mà còn ở tư duy tiếp nhận của kẻ được thụ huấn – vốn bấy lâu nay trong trạng thái u mê sợ hãi khi đối diện với “thiên tử”.
Tiếp nhận đào tạo chủ động
Vậy tại sao lại sợ hãi với người hướng dẫn mình? Có lẽ sẽ dễ hiểu hơn phần nào nếu ta nếu đặt nó trong bối cảnh của một đất nước được cai trị bởi độc tài. Theo lẽ thường, người bị trị lúc nào cũng ở trong trạng thái lo âu, sợ sệt khi sống trong bầu khí độc tài, bởi lẽ nó mang đến sự không chắc chắn khi những quyết định có thể ập đến bất chấp luật lệ hay phụ thuộc vào cảm xúc của kẻ cai trị. Tâm lý nặng nề này có thể dẫn đến sự cực đoan trong suy nghĩ và triệt tiêu đi tinh thần phản biện mang tính chủ động trong tư tưởng lẫn hành vi của kẻ bị trị. Kết quả thì ai cũng thấy rõ: sự khuất phục chứ không phải sự khâm phục bao trùm lên đời sống và theo cách mà người ta vẫn gọi vui là “nín thở qua sông”, chứ về mặt bản chất vẫn không thay đổi được điều gì. Tất nhiên, không thể đánh đồng một đất nước như thế với môi trường tu trì được, đơn giản bởi vì môi trường này hướng đến lãnh vực đào tạo tâm linh và cũng cởi mở hơn hẳn; nhưng về cơ bản, thái độ của những người thụ huấn nhiều lúc cũng không thể tránh khỏi sự bị động như một công dân sống trong môi trường như vậy.
Do đó, sự chủ động là điều cần thiết khi sống trong bất kỳ thiết chế nào, đặc biệt trong môi trường huấn luyện. Đây là mối liên hệ có tính hai chiều, tương tác hỗ trợ lẫn nhau. Một mặt, người thụ huấn cần một môi trường dân chủ, lấy người học làm trung tâm – tức tạo điều kiện để bày tỏ và phát huy tối đa ý kiến của mình nhằm thúc đẩy sự thăng tiến rèn luyện. Mặt khác – quan trọng hơn – đòi hỏi cách tiếp cận chủ động để ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong khi huấn luyện. Việc này có lẽ cần nhiều hơn ở sự biết mình và biết người, biết môi trường mà mình đang sống ở và sống cho. Biết như thế là nhận thức được trách nhiệm và tự cân nhắc các hành vi của mình cho hợp lẽ, thay vì nằm trong sự bảo bọc, chở che, “phủi tay để nói lên lòng vô tội”. Có như vậy, sự sợ hãi mới tiêu biến để nhường chỗ cho một lối sống trưởng thành và bản lĩnh khi đối mặt với thực tại.
Tựu trung lại, để xây dựng một môi trường giáo dục mang tính dân chủ thì trước hết cần sự nhận thức đúng đắn, vốn đến từ cả hai phía. Sự đối xử bình đẳng và sự chủ động trong cách tiếp cận là yếu tố cốt lõi của sự nhận thức này. Như vậy, câu hỏi “Thỉnh sinh thì biết gì?” sẽ không còn là sự mỉa mai hay là mệnh đề để bào chữa cho sự non nớt nữa, nhưng là khẳng định cho lối giáo dục sáng tạo và dân chủ hơn.
[1] Tứ Thư Mạnh Tử (Đoàn Trung Còn, dịch; Quyển Bảy). (2017). Nhà xuất bản Thuận Hóa. tr. 262
[2] Câu nói này được cho là của Đường Thái Tông (598-649) khi bàn về đạo trị quốc. Sau này, vào thời Lê Sơ, Nguyễn Trãi cũng có ý kiến tương tự.
Mạc Nhân