Tại sao Thánh Thể lại dưới hình dạng bánh và rượu? Lẽ dĩ nhiên, Thánh Thể không phải là bánh và rượu mà chính là Mình và Máu Đức Giêsu. Không phải chỉ nhằm cho người nhát gan khỏi thấy sợ, Đức Giêsu muốn Mình và Máu Người ở dưới hình dạng bánh và rượu, là để dạy cho chúng ta ý nghĩa đích thực của bí tích này. Cả bánh và rượu đều biểu thị cho sự nên một. Sự biểu thị này soi sáng cho chúng ta hiểu rằng, bằng cách nào khi lãnh nhận thân thể Đức Kitô, chúng ta lại trở nên thân thể của Người.
Khi nói về “thân thể Đức Kitô”, chúng ta gặp một chút bối rối, bởi cụm từ này mang một vài ý nghĩa khác nhau. Trước hết, thân thể Đức Kitô là xác thịt và máu huyết Người đã đón nhận trong bụng dạ Đức Maria, thân thể Người đã chịu treo trên thập giá và máu huyết đã tuôn chảy từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người. Thứ đến, cũng một thân mình và máu huyết ấy giờ đây hiện diện trên bàn thờ khi vị linh mục đọc những lời của Người: “Này là Mình Thầy… Này là Chén Máu Thầy”. Sự hiện diện trong hiện tại này mang tính bí tích, được biểu thị dưới hình bánh và rượu.
Thêm một cách hiểu thứ ba, thân thể Đức Kitô là Hội thánh, như thánh Phaolô nói: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận…thì Đức Kitô cũng vậy. Bởi vì chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể.” (1Cr 12,12). Tiên vàn, Bí tích Thánh Tẩy làm cho chúng ta trở nên thân thể của Đức Kitô, nhưng thánh Phaolô tập trung vào một cách thức khác làm cho chúng ta trở nên thân thể của Người: “Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17). Qua việc lãnh nhận Thánh Thể, qua việc đón nhận thân thể Đức Kitô, chúng ta cũng trở nên thân thể của Người (x. Bài giảng 272 của thánh Augustino).Tính biểu tượng ở đây là rất quan trọng. Bạn hãy nghĩ xem, bánh và rượu từ đâu mà có. Một tấm bánh ra lò là sự kết tinh của cả hàng ngàn hạt lúa mì. Rượu cũng cùng một cách thức như vậy, được ép từ hàng trăm trái nho. Do đó, bánh và rượu trở thành biểu tượng của sự hiệp nhất. Cả hai đòi hỏi sự hợp chung nhiều cá thể với nhau và được làm cho trở thành duy nhất hài hoà.
Thánh Thể là dấu chỉ của sự hiệp nhất. Nhưng còn hơn thế nữa, bí tích này mang lại sự hiệp nhất đích thực mà bí tích này biểu thị.1 Tuy nhiều người, nhưng khi cùng đón nhận một thân thể duy nhất của Đức Kitô đang hiện diện đích thực trên bàn thờ, cùng uống chung Bửu Huyết của Người, chúng ta được hiệp nhất thành một dân, giống như bao hạt lúa trở thành một tấm bánh, bao trái nho trở nên một chén rượu. Nguồn mạch làm cho chúng ta nên hiệp nhất chính là Đức Giêsu, như Người đã nói: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi sẽ ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Nếu mỗi người trong chúng ta ở lại trong Đức Giêsu, chúng ta được trở nên một trong Người.
* Tựa đề tiếng Việt do Ban Biên Tập đặt.
* Nguồn : Br. Ambrose Arralde, O.P., As Grain Once Scattered