Trích từ : Phan Tấn Thành, Hiểu Để Sống Đức Tin, Tập 1 (Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2009), tr. 378-383, trước đó đã được phát thanh trên Đài Vatican tiếng Việt, ngày 21-6-1998.
Phúc Âm có kể lại việc Chúa Giêsu chữa bệnh cho bà mẹ vợ của ông Phêrô. Nhưng mà sao không thấy nói gì đến vợ con của ông Phêrô. Phải chăng ông đã bỏ vợ khi được Chúa gọi?
Trong Phúc Âm và Tân Ước, chúng ta không hề thấy dấu vết gì về vợ con của ông Phêrô. Nhưng mà các truyền kỳ thì không thiếu. Ngoài các truyền kỳ lại còn có chuyện tiếu lâm nữa! Tôi xin đan cử một thí dụ về chuyện tiếu lâm. Có người hỏi: tại sao ông Phêrô chối Chúa Giêsu ba lần? Trả lời: tại vì ông muốn trả thù Chúa. Hồi bà mẹ vợ đau sắp chết, Chúa đã chữa có bà lành bệnh, tăng thêm nỗi khổ cho ông, bắt ông phải tiếp tục chịu đựng, đang khi mà ông mong muốn thoát ly gánh nặng gia đình cho khỏe! Đó là chuyện tiếu lâm.
Bây giờ bước sang truyền kỳ. Một tác phẩm mang tên là “Công vụ của thánh Phêrô” (viết vào khoảng năm 200) có kể chuyện ông Phêrô chữa lành bệnh con gái của mình. Vào chính ngày lễ Chúa Phục sinh, người ta mang đến cho vị thủ lãnh các tông đồ rất nhiều bệnh nhân, và họ đã được chữa lành hết. Kế đó, họ mang tới chính đứa con gái bị bất toại. Thánh tông đồ đã cho cô bé được lành, nhưng lập tức, ông đã lại làm phép lạ nữa để cho cô bé trở lại tình trạng bất toại, và giải thích đó là ý Chúa muốn. Lý do là vì trước đây cô bé rất xinh đẹp, và đã bị một thanh niên cướp đòi cưới làm vợ. Chúa đã để cho cô ta bị bệnh vì muốn cho cô giữ mình trinh khiết. Tác giả không cho biết tên của cô bé.
Sang thế kỷ IV, người ta tìm thấy tại Rôma một ngôi mộ mang tên là Pêtronilla (Aureae Petronillae filiae dulcissimae), trong hang toại đạo Đomitilla. Họ tán ra Pêtronilla là con gái của thánh Phêrô (Petronilla bởi Petrus), chịu tử đạo dưới thời hoàng đế Đôminixianô. Từ thế kỷ VII, hài cốt của bà được dời về đền thánh Phêrô, để cho hai bố con được ở kề nhau. Tử-đạo-thư ghi lễ kính vào ngày 31 tháng 5. Nên biết là nước Pháp đã nhận bà Pêtrônilla (hay là Phêrônila) làm bổn mạng, và được gọi là trưởng nữ của Hội thánh, bởi vì được con gái của thủ lãnh Hội thánh đỡ đầu.
Tuy nhiên, ngày nay, các sử gia coi đó là truyền kỳ chứ không có căn cứ lịch sử. Cô Phêrônila không những chẳng có liên hệ với thánh Phêrô, mà tiểu sử của cô cũng mập mờ. Người thì cho rằng cô chịu tử đạo; kẻ thì bảo là cô chết cách tự nhiên, tại nhà của ông Flaccô, khi ông này muốn hỏi cô làm vợ. Dĩ nhiên, các chi tiết này đều ảnh hưởng bởi sách Công vụ thánh Phêrô; thế nhưng quyển sách này chỉ là một ngụy thư, chẳng có giá trị lịch sử gì hết.
Đó là các truyền kỳ. Còn các bản văn Tân Ước nói gì về vợ con của ông Phêrô?
Đoạn văn trở thành đầu mối cho cuộc tranh luận về chuyện vợ con của ông Phêrô là phép lạ được tất cả Phúc Âm nhất lãm thuật lại: Mt 8,14-15; Mc 1,29-31; Lc 4,38-39. Chúng ta hãy đọc bản văn của Marcô, vì khá tỉ mỉ hơn cả. “Vừa ra khỏi hội đường Capharnaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài”. Đoạn văn này đã gây ra các cuộc tranh luận chung quanh chuyện vợ con của ông Phêrô. Nếu Tin Mừng nói tới bà mẹ vợ của ông Phêrô thì hẳn là ông đã có vợ rồi chứ gì? Xét vì Tân Ước không đả động gì đến chuyện này, người ta phải thêu dệt các truyền kỳ đã nói trên đây. Tuy nhiên, ngày nay không thiếu các tác giả đã đòi duyệt lại toàn bộ vấn đề.
Duyệt lại như thế nào?
Theo nghĩa là xét lại xem ông Phêrô có bao giờ lấy vợ hay không. Tân Ước không hề nói tới bà vợ của ông Phêrô. Tại sao kỳ vậy? Trong Hội thánh tiên khởi, người ta thấy có đôi vợ chồng hai ông bà Aquila và Prisca cùng tham gia vào công cuộc truyền giáo. Tại sao ông Phêrô không đem theo bà xã đi truyền giáo? Hay là tại vì ông không có vợ, trái với điều xưa nay người ta vẫn hiểu lầm?
Nếu ông Phêrô không lấy vợ thì sao lại có mẹ vợ được?
Đây là điều thú vị. Nếu chị đọc kỹ bản văn của Marcô trích trên đây thì sẽ thấy có mấy chi tiết ngược đời. Thứ nhất, sau khi bà mẹ vợ được chữa lành thì bà ấy phải đứng lên hầu hạ Chúa Giêsu và đoàn tháp tùng. Tại sao kỳ vậy? Bà vợ của ông Phêrô đi đâu rồi? Khi Chúa đến nhà, bà ấy không ra đón; và khi mẹ mình mới được lành bệnh thì bà ta cũng chẳng nấu nướng gì để mà thiết đãi. Chị nghĩ coi trên đời này có bà vợ nào vô phước như vậy không? Thứ hai, tác giả kể lại rằng “Chúa Giêsu đi đến nhà của ông Phêrô và ông Anrê?. Tại sao không nói là đến nhà “ông bà Phêrô”? Ông Phêrô và ông Anrê là hai anh em ruột. Tại sao bà mẹ vợ của ông Phêrô lại ở nhà của hai người anh em này, chứ không ở nhà riêng?
Theo con nghĩ, vấn nạn thứ nhất không có gì khó hiểu. Cha đừng vội trách bà vợ ông Phêrô không biết điều. Có lẽ là bà đi vắng chốc lát. Và Chúa Giêsu đột xuất tới nhà, cho nên không gặp.
Giả thuyết của chị cũng có lý. Nhưng nhiều tác giả đã đưa ra lối giải thích khác xuôi tai hơn, tức là bà vợ đã khuất núi. Thời xưa, không thiếu trường hợp bà vợ chết yểu khi sinh đứa con đầu lòng. Và như vậy là ông Phêrô góa vợ rất sớm. Ông đem bà mẹ vợ về ở với mình.
Nhưng mà nêu lên giả thuyết ông Phêrô góa vợ thì tội nghiệp cho ông quá. Còn trẻ mà đã mất vợ rồi.
Nếu chị muốn bênh giả thuyết bà vợ vắng mặt chốc lát, thay vì cho bà chết sớm thì tôi nghĩ chị chẳng thương gì ông Phêrô mà chỉ làm cho ông ta khổ thêm thôi.
Tại sao mà khổ? Ông chồng nào cũng kêu khổ vì vợ. Nhưng mà thử để bà vợ vắng nhà một ngày thì xem ông sẽ sướng hay khổ hơn?
Tôi không nói là càng sống lâu với vợ thì ông Phêrô sẽ khổ thêm. Tôi muốn nói là nếu mà bà vợ còn sống thì ông Phêrô sẽ bị khổ hơn bởi vì phải bỏ vợ khi được Chúa gọi. Thực ra, chúng ta không biết chắc là ông Phêrô đã phải bỏ cái gì khi được Chúa gọi đi theo Ngài. Chắc hẳn là phải bỏ thuyền bỏ lưới, bỏ nghề thuyền chài. Nhưng có lần ông đã thưa với Chúa: “Lạy Thầy, chúng con đã bỏ tất cả mọi sự để đi theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì”? (Mt 19,27). Phải chăng qua câu nói ấy ông Phêrô đã mặc nhiên cho biết là ông đã phải từ bỏ cả vợ con của mình để đi theo Chúa?
Trước đây người ta thường hiểu như vậy, đặc biệt là khi đối chiếu với những điều kiện mà Chúa Giêsu đã đặt ra cho các môn đệ mà Luca ghi lại: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ vợ con, anh em chị em, và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26). Tuy nhiên, ngày nay nhiều nhà học giả đã xét lại vấn đề. Trong vấn đề vợ con, Chúa Giêsu không đòi hỏi phải từ bỏ vợ con, bởi vì đây là nghĩa vụ tự nhiên. Một người chồng, một người cha có trách nhiệm đối với gia đình con cái, vì thế không thể ngang nhiên cắt đứt được. Lời của Chúa Giêsu cần được hiểu theo nghĩa là: ai đã được Chúa kêu gọi thì phải khước từ việc lập gia đình, khước từ việc kết hôn. Do đó, việc từ bỏ vợ con hướng về tương lai chứ không phải là hướng về hiện tại. Nói cách cụ thể, khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ Phêrô, Anrê, Gioan, Giacôbê, v.v., thì họ chưa có lập gia đình. Họ là những người độc thân, Và nghe theo tiếng Chúa gọi, họ đã quyết định sống độc thân để phục vụ Tin Mừng, hoặc nói theo Matthêu (19,12), họ trở thành hoạn nhân vì Nước Trời.
Những môn đệ kia thì độc thân và quyết định sống độc thân. Còn riêng ông Phêrô thì góa vợ, và quyết định ở vậy chứ không tái giá, có phải thế không?
Đây là một bước tiến nữa của vài nhà chú giải cận đại. Ông Phêrô không hề lập gia đình. Ông là một người độc thân chứ không phải là người góa vợ. Dựa vào đâu mà khẳng định như vậy? Có ba dấu chỉ.
1/ Dấu chỉ thứ nhất, trong tiếng Hy-lạp danh từ “penthera”
xưa nay vốn quen dịch là “bà mẹ vợ”, còn mang nhiều ý nghĩa khác nữa: nó thể hiểu về một phụ nữ được kết nạp vào gia đình, chẳng hạn như chị dâu em dâu, hay là bà mẹ kế. Có lẽ trong trường hợp ở đây, phải hiểu là bà mẹ kế thì đúng hơn là bà mẹ vợ. Giả thuyết này được bổ túc với dấu chỉ thứ hai.
2/ Thánh Marcô nói rằng Chúa Giêsu đến nhà của hai ông Phêrô và Anrê. Trên đây tôi đã nêu ra vấn nạn: tại sao mà bà mẹ vợ của ông Phêrô mà lại trọ ở nhà của hai anh em ông Phêrô và Anrê? Vấn nạn sẽ không còn nữa nếu ta hiểu là bà mẹ kế. Bà là mẹ kế của cả hai anh em, và bà ở tại căn hộ mà chồng đã để lại. Bà là chủ nhà; vì thế sau khi lành bệnh, bà đã đứng lên tiếp đãi các khách đi theo Đức Giêsu.
3/ Một dấu chỉ thứ ba cho thấy rằng ông Phêrô không có vợ là đoạn văn 1Côrintô 9,5. Thánh Phaolô viết như sau: “Phải chăng tôi không có quyền đem theo một người chị em như các tông đồ khác, như ông Kêpha?” Ông Phaolô nói đến tục lệ của vài tông đồ đã đem theo một phụ nữ được coi như em gái để trông coi việc cơm nước, tựa như trước đây vài phụ nữ đã đi theo phục dịch Chúa Giêsu (Lc 8,3). Ông Phêrô (quen được gọi là Kêpha trong các thư của Phaolô) cũng có một bà em như vậy. Chắc hẳn bà này không phải là vợ, mà chỉ là một người tín hữu độc thân được đối xử ngang hàng với em.
Ông Phaolô, cũng là tông đồ, nhưng không muốn sử dụng đặc ân đó. Một cách gián tiếp, ông Phaolô cho biết rằng cả ông lẫn ông Phêrô (và các tông đồ) đều độc thân. Khác một điều là những người khác có phụ nữ phục dịch, còn ông Phaolô thì tự túc. Nhưng ông Phaolô không nhắc tới chuyện ông Phêrô có vợ có con. Chuyện vợ con của ông Phêrô chỉ là truyền kỳ mà thôi.