THÁNH MARTIN BÁC ÁI – MẪU GƯƠNG PHỤC VỤ CỦA ANH EM THỈNH SINH ĐA MINH VIỆT NAM

04-01-2024
Bởi: Jos Nguyen OP Có: 0 bình luận 749 lượt xem

THÁNH MARTIN BÁC ÁI – MẪU GƯƠNG PHỤC VỤ CỦA ANH EM THỈNH SINH ĐA MINH VIỆT NAM

Gioan Baotixita Ngô Minh Phụng 

  1. Dẫn nhập

Hòa chung nhịp với toàn thể Giáo hội trong những ngày đầu tháng 11, Phụng vụ diễn tả sự hiệp thông của Giáo hội Lữ hành với Giáo hội Khải hoàn (Lễ Các Thánh Nam Nữ 1/11) và Giáo hội Thanh luyện (Lễ Các đẳng Linh hồn 2/11). Riêng Phụng vụ Dòng Đa Minh còn đặc biệt kính Thánh Martin de Porres vào ngày 3 tháng 11. Đối với riêng anh em Thỉnh sinh Đa Minh, việc mừng kính Thánh nhân được thể hiện cụ thể qua chuến hành hương Đền thánh Martin, Biên Hòa. Chủ đề của ngày hành hương năm nay là “Thánh Martin Bác Ái”.

Cùng với “lớp lớp người hành hương”, anh em Thỉnh sinh Đa Minh được mời gọi cùng nhau tiến lên Đền Thánh để phục vụ ngày lễ. Đây là một dịp để anh em ý thức hơn về đời sống đức tin, trưởng thành hơn trong ơn gọi qua cung cách phục vụ khách hành hương. Nhờ dịp tốt đẹp này, anh em có thể “gạn đục khơi trong”, học cách phục vụ tha nhân trong bối cảnh cuộc sống ngày nay; bởi vì bước theo Thầy Giêsu, người môn đệ “không phải đến để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

  1. Thánh Martin Bác Ái – Một “Tấm lòng vàng”

Thánh Martin sinh năm 1579 ở thánh phố Lima thủ đô Pêru. Ngài được sinh ra trong một gia đình rất đặc biệt, Ngài mang một nửa dòng máu của người da trắng và một nửa dòng máu của người da màu. Tuy nhiên, Ngài lại mang nét giống mẹ hơn. Ngài sở hữu một làn da đen. Thời bấy giờ nạn phân biệt chủng tộc xảy ra rất phổ biến. Thánh Martin không chỉ bị xã hội thời bấy giờ coi thường mà còn bị chính cha đẻ mình bỏ rơi.

Bà Anna, mẹ của Ngài, đã phải làm việc rất khổ nhọc để nuôi dưỡng những đứa con của mình, gồm chị gái Jane và thánh Martin. Sống trong cảnh cơ hàn là thế ấy, Ngài đã có một tấm lòng bao dung từ khi còn bé. Ngài thường được mẹ giao cho việc đi mua thức ăn. Thay vì mua thêm lương thực cho gia đình mình, vị Thánh ấy lại dành những đồng tiền chất chứa biết bao nhiêu mồ hôi công khó mà mẹ mình làm ra, để cho những người nghèo khổ hơn. Cho nên Ngài bị đánh đòn nhiều lần vì không biết ưu tiên đến những cần thiết của gia đình mình.

Một lần, khi đang trên đường đến công trường Plaza, có một bà già hành khất ăn mặc rách rưởi ngồi bên vệ đường kêu lên rất thảm thương: “Cậu bé ơi, làm phúc cho tôi xin chút gì. Đã ba ngày rồi tôi không có gì để ăn. Tôi nghèo quá em bé ơi, vì danh Chúa, cho tôi xin chút gì để ăn”. Mặc dù vị Thánh của chúng ta biết rằng mẹ có thể phạt rất nặng nếu trở về tay không, nhưng Ngài vẫn mỉm cười, cầm lấy đôi tay xương xẩu của bà lão và nói: “Đây, bà hãy cầm lấy ba đồng bạc, xin Chúa chúc lành cho bà.” Tiếp đó, Thánh Martin không ở lại nghe lời cảm ơn của bà mà chạy một mạch tới nhà thờ thánh Đa Minh. Ngài thưa với Chúa: “Mẹ đã làm việc rất vất vả để kiếm tiền, còn con thì luôn luôn đem tiền đi cho những người hành khất. Lạy Chúa, xin hãy dạy con biết làm điều phải và làm cái phải làm. Xin ban cho con một linh hồn trong trắng, dù rằng bên ngoài con là da đen. Xin Ngài sớm đưa cha con về với chúng con. Hãy cho con can đảm nói với mẹ về ba đồng tiền con đã vừa cho đi. Amen”.

Thật là một tấm gương sáng để cho chúng ta noi theo! Biết chia sẻ cho những người gặp tình cảnh khốn đốn hơn. Có lẽ Thiên Chúa đã nghe thấy lời thỉnh cầu mà đã xóa bỏ khoảng cách của bố con Ngài. Ông quay lại với gia đình, lo cho Thánh Martin được học chữ và tìm đến bác sĩ Marcelo de Rivaro, xin cho Ngài học việc để thành một bác sĩ sau này. Sau khi đã khá thạo việc và cứu chữa nhiều người, Ngài lại chọn phục vụ cho các linh mục và tu sĩ trong tu viện thánh Đa Minh. Công việc của Ngài sẽ chỉ là người giúp việc trong tu viện, làm mọi công việc tầm thường cho bất cứ ai trong tu viện. Sống trong tu viện thánh Đa Minh 45 năm. Không một người nào ở Lima mà lại không biết thầy trợ sĩ. Thầy làm cho trẻ con vui tươi, thầy kiếm chồng cho các cô gái nghèo không có của hồi môn, thầy giúp cho nhiều trẻ trở thành linh mục và nữ tu, thầy giải hòa các cuộc cãi vã, thầy nuôi người đói khát và chữa hàng ngàn bệnh nhân. Khi thầy chăm sóc nhu cầu thể xác, thầy nghĩ đến việc cứu  giúp họ về phần hồn. Đối với thầy, điều quan trọng nhất là mội người phải có một linh hồn trong sạch với ơn thánh sủng.

  1. Anh em Thỉnh sinh Đa Minh và hành trình phục vụ

Chiều thứ năm ngày 11/04/2023, khi đồng hồ điểm 13g, chuyến xe đưa gia đình Thỉnh viện lên Đền Thánh Martin bắt đầu lăn bánh. Sau khi nhận phòng và ổn định tại địa điểm hành hương, anh em Thỉnh sinh đã đến trình diện Cha Phanxicô Xaviê Bùi Quang Thảnh, Bề trên Tu viện, để chào thăm và chúc mừng lễ Bổn mạng của Tu viện.

Kế đến, anh em được dẫn đi viếng Đất Thánh Tỉnh dòng, phần đất nơi các cha anh trong Dòng gửi mình trong lòng Đất Mẹ. Anh em có dịp thinh lặng cầu nguyện cho các bậc tiền nhân. Chắc có lẽ khi còn sống, các ngài đã luôn cố gắng trở thành những “tấm khiên” bảo vệ đức tin của Giáo hội và là cây cao bóng cả của Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam.

Tiếp đó là cuộc hội ngộ tay bắt mặt mừng cùng các anh Tập sinh, những người đã từng sống dưới mái nhà Thỉnh Viện Thánh Gioan Tông Đồ, trải qua biết bao kỉ niệm tươi đẹp của thời Thỉnh sinh. Nay các anh đã được chuyển tiếp đến một giai đoạn mới. Chỉ mới vài tháng không gặp nhau, các anh đã cho thấy những sự thay đổi rõ rệt trong tiến trình trở thành một Tu sĩ Giảng thuyết. Hiệp hành trong sứ vụ của Tỉnh Dòng, anh em Thỉnh sinh chung tay phục vụ trong ba công việc chính: Phụng vụ, ghi ý khấn và bán trong nhà sách.

Khung cảnh của Đền Thánh Martin trong ngày lễ rất nhộn nhịp tựa như dòng người tiến lên đền thánh Giêrusalem. Khách hành hương đến từ mọi miền của đất nước để tụ họp lại nơi đây. Xin mượn Thánh Vịnh 122 để diễn tả những suy tư trong lòng khách hành hương:

“Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi :“Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA !”

Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân.

Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị được xây nên một khối vẹn toàn.

Từng chi tộc, chi tộc của CHÚA, trẩy hội lên đền ở nơi đây,

để danh CHÚA, họ cùng xưng tụng, như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en.

Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử, ngai vàng của vương triều Đa-vít.”

 Người Thỉnh sinh Đa Minh có cơ hội kín múc những kinh nghiệm sống. Thực vậy, mọi người từ khắp nơi vào Đền thánh âm thầm cầu nguyện, kính cẩn hôn xương Thánh Martin, tham dự các Thánh lễ cách sốt sắng hoặc xếp hàng lãnh nhận bí tích Giao hòa. Ta có thể thấy đời sống tâm linh vẫn luôn là một nỗi niềm khao khát trong thâm tâm mỗi người. Nhìn cách người giáo dân sống đức tin ấy, anh em Thỉnh sinh càng xác tín vào ơn gọi của mình.

Bên lề của các công việc phục vụ là những câu chuyện của khách hành hương. Có người phải đi máy bay từ miền Bắc, Hà Nội, để đến tham dự lễ 5:00 sáng rồi lại trở về với công việc, với bao lo toan vất vả của cuộc sống. Đặc biệt hơn là sự có mặt của những người ngoại đạo. Họ đến đây vì tin, họ tin rằng vị Thánh của chúng ta có thể cầu bầu cùng Chúa và giải gỡ một phần nào đó trong cuộc sống của họ.

Những lúc phục vụ thế này là cơ hội để nếm trải, tận mắt nhìn thấy nhiều cảnh đời khác nhau. Người giàu lên đền, người nghèo cũng đến Đền Ông Thánh Da Đen, và ngay cả những người hành khất nữa. Mỗi người lên đền với những mục đích khác nhau. Họ cần những phương cách mục vụ khác nhau. Từ đó, anh em Thỉnh sinh có thể phần nào mường tượng ra hình ảnh của mình trong tương lai, mình phải là một Tu sĩ như thế nào để phục vụ họ. Những cảm nghiệm thực tế này đã đặt ra thêm nhiều câu hỏi để các Thỉnh sinh tự vấn với lòng mình: Liệu đời sống thiêng liêng của tôi đã đủ sâu sắc hay chưa? Trong đời tu, tôi nghe về lòng bác ái và các bài giảng về đức bái ái nhiều nhưng tôi đã đủ quảng đại và thực lòng thực thi bác ái như thánh Martin chưa?

  1. Tạm kết

Trong xã hội ngày nay, người ta thường đề cao sự thành công, tự khẳng định mình để tìm một vị trí vững chắc, danh vọng lớn lao. Người ta cho rằng việc nên thánh là một việc khó, nếu muốn nên thánh thì ta phải làm những chuyện lớn lao hoặc những người giàu thì mới làm việc bác ái được. Vậy mà Thánh Martin nên Thánh bằng những công việc tầm thường như: cắt tóc, chăm sóc thú vật, chăm sóc người nghèo,… Thánh Martin sống nghèo mà vẫn nổi danh với các việc bác ái. Ngài nên thánh bởi vì Ngài khiêm nhường. Lạy Chúa xin Chúa soi sáng cho chúng con trong mọi lời nói và hành động để chúng con học hỏi được những nhân đức của Chúa và thánh nhân.

Xin mượn lời của bài hát “Xin Giữ Con” để nói lên tâm tình của một Thỉnh sinh, mầm non chớm nở của Dòng, trong hành trình trở thành Tu sĩ Đa Minh:

“Xin giữ con để con phụng sự Chúa,

con phụng sự Chúa trong suốt đời con.

Dù khi mỏi mệt, dù khi chán chường.

Xin giữ con luôn luôn phụng sự Ngài.”

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com