[Thánh Giaxintô: Bước Chân Tin Mừng] Chương 8: Hai Lời Hứa

20-10-2017
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1871 lượt xem

Không chút hồ nghi, bà Falislava thực sự tin nhà giảng thuyết lừng danh đến từ Cracow này có thể làm được phép lạ. Quỳ dưới chân cha với vẻ mệt mỏi và kiệt sức sau một đêm thức trắng, bà tiếp tục cầu xin tha thiết:

“Cha Giaxintô ơi! Con là kẻ goá bụa. Peter là đứa con duy nhất của con. Ôi, vì Chúa, xin cha hãy cứu lấy nó!”

Đây thật sự là một bi kịch. Cha Giaxintô đưa tay chúc lành cho người mẹ đang đau khổ. Sau đó, cha quỳ xuống bên thi hài vừa được đưa đến. Cha nhẹ nhàng chạm vào cậu Peter, một thanh niên điển trai, vạm vỡ đang độ sung sức.

Đang khi cầu nguyện cho chàng thanh niên đã chết, cha Giaxintô nhớ lại cũng vào ngày này gần hai năm trước, cha Đa Minh đã làm phép lạ cứu sống cháu trai của Đức Hồng y Orsini. Thoạt đầu, khi mọi người nài xin cha Đa Minh cầu nguyện hy vọng thắng được số trời, cha còn do dự, nhưng sau khi đã dâng Thánh lễ, ngài nhân danh Chúa Giêsu Kitô truyền cho Napoleon trỗi dậy.

“Ôi, thưa cha… thưa cha…,” bà Falislava nức nở, lầm tưởng sự trầm tư của vị tu sĩ này là để ý đến nỗi đau của bà.

Cha Giaxintô an ủi bà, rồi thở dài và quay mặt đi. Than ôi! Cha Giaxintô có thể làm được gì, bởi vì cha chỉ là một môn đệ bất xứng của cha Đa Minh? Thế nhưng nếu đây là một dịp may để tôn vinh Thiên Chúa và củng cố niềm tin của dân chúng… Ý nghĩ này khiến cho tim cha Giaxintô hầu như ngừng đập. Đột nhiên, cha cúi xuống và cầm lấy bàn tay cứng đờ của cậu thanh niên và nói: “Này Peter, nguyện xin Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng tôi hằng rao giảng về vinh quang Người, cho anh được sống lại nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria!”

Những lời của cha Giaxintô vang lên rõ mồn một trong không khí tĩnh lặng của tháng mười hai. Khi còn chưa kịp hiểu được những lời đó, thì họ đã kêu ầm lên. Con trai của bà Falislava đã chết cứng gần hai mươi bốn giờ, bây giờ bỗng cử động và trỗi dậy. Ngay lúc ấy, người mẹ vui mừng ôm chầm lấy đứa con trai của mình. Lập tức, người ta quên đi thánh Stanislao và cuộc hành hương dự kiến đến Skalka. Ai nấy đều vui sướng tột cùng, chạy đến hôn tay cha Giaxintô, đụng đến áo dòng của cha, xin cha chúc lành cho họ và gia đình. Chưa bao giờ họ được tận mắt chứng kiến một điều kỳ diệu như thế. Ngay cả các đồ đệ trẻ tuổi của cha cũng được mọi người trầm trồ khen ngợi. Phải chăng những chàng trai đang mặc tu phục đen trắng của Dòng Anh em Giảng thuyết kia chẳng bao lâu nữa chính họ cũng trở thành những vị thánh đó hay sao? Hơn nữa chẳng phải họ cũng được sống chung với cha, và đã được cha dạy dỗ đó sao? Sự xôn xao vui mừng bao trùm bờ sông Vistula trong gần một giờ, nhưng sau cùng cha Giaxintô cũng vãn hồi được trật tự. Bằng giọng nói đầy xúc động, cha xin đoàn hành hương đừng biểu lộ lòng tôn kính cha theo cảm tính như thế. Phép lạ vừa rồi đúng ra phải tin là nhờ lời chuyển cầu của thánh Stanislao, hơn là do công trạng của vị tu sĩ Giảng thuyết tầm thường này.

Đôi mắt ngấn lệ, cha kêu lên: “Hỡi các bạn! Chỉ có một lời giải thích cho điều kỳ diệu xảy ra sáng hôm nay mà thôi. Thiên Chúa muốn chúng ta nhận ra uy quyền của Người và vinh quang các thánh. Thiên Chúa muốn chúng ta hiến dâng trọn vẹn đời sống chúng ta cho Người, để rồi Người đáp trả hy lễ nghèo hèn của chúng ta bằng hồng ân cao cả là chính Người. Rồi một khi Người đã hiện diện trong tâm hồn chúng ta, thì chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được ý nghĩa đích thật của tình yêu!”

Khi đám đông còn đang say sưa theo dõi bài giảng và vui mừng cực độ vì được tận mắt chứng kiến vị tu sĩ có thể làm được phép lạ, thì bất chợt cha Giaxintô ra hiệu cho các anh em tu sĩ di chuyển sang bên kia sông. Thánh Stanislao, có lẽ mọi người có thể quên, còn cha Giaxintô thì không. Vào lúc ấy, hàng trăm người đang chờ đợi trước nhà thờ Chính toà Cracow để đón thánh tích; do đó, khách hành hương đến Skalka cũng hoà chung vào đoàn người này. Đương nhiên, nhờ phép lạ hồi sinh chàng trai Peter mà danh tiếng của nhà giảng thuyết thánh thiện này nổi lên như cồn.

Chưa đầy một năm sau, cha còn làm những điều kỳ diệu khác nữa. Vào ngày 30 tháng 5 năm 1222, một người phụ nữ bị tàn phế và bị cấm khẩu trong suốt sáu tuần được cha Giaxintô chữa lành. Cũng trong năm ấy, vào ngày 30 tháng 9, cha đã cầu nguyện để chữa lành một phụ nữ mắc chứng đau đầu đến mức điên loạn. Bên cạnh đó, cha còn xin ơn chữa lành cho nhiều người khác nữa, dù ít diệu kỳ hơn, nhưng cũng rất xác thực. Chỉ mới rao giảng ở Cracow này có ba năm, cha Giaxintô đã được nhiều người yêu mến và kính trọng. Nhờ ơn Chúa mà ngài không phải đối đầu với bất kỳ một thù nghịch nào trong toàn thành phố này.

Vào đầu năm 1223, việc tu bổ sửa chữa Tu viện và Thánh đường Chúa Ba Ngôi cuối cùng cũng được hoàn thành. Vào ngày Lễ Truyền Tin, 25 tháng 3, Dòng Anh em Giảng thuyết sẽ tiếp quản tài sản mới này như đã được thông báo. Sẽ có nghi thức thánh hiến long trọng diễn ra, và tiếp đó tất cả các toà nhà trong Tu viện sẽ mở cửa cho công chúng tham quan. Vì đây là một dịp miễn chuẩn đặc biệt, nên ngay cả các phụ nữ cũng được phép vào nội vi Tu viện.

Một trong những nhân vật danh tiếng hiện diện trong Thánh đường Chúa Ba Ngôi vào sáng ngày trọng đại ấy là Hồng y Gregory Crescentius người Ý, được gởi đến Balan làm Sứ thần Toà thánh thay mặt Đức Giáo hoàng Honorius III. Cùng đi với ngài có cha Giacôbê là cháu trai, cũng là thư ký của ngài. Cha Giacôbê được thụ phong linh mục tại Rôma khi còn rất trẻ nhờ có một quá trình học tập xuất sắc. Lúc ấy cha chỉ mới 25 tuổi, và những ai biết đến trí tuệ phi thường của cha đều tiên đoán rằng một ngày nào đó cha sẽ trở thành Giám mục, thậm chí có thể là Hồng y nữa!

Mọi người kháo nhau: “Vị linh mục trẻ tuổi này là một trong những người uyên bác nhất ở Rôma. Và Hồng y Gregory hẳn là rất tự hào về người cháu của mình.”

Mặc dù rất quan tâm đến ơn cứu độ các linh hồn, nhưng cha Giacôbê không phải không màng đến quyền cao chức trọng trong phẩm trật Giáo hội. Tất nhiên, cha biết rằng bạn bè của mình có thể sai lầm. Biết đâu sẽ có những tình huống xảy ra khiến ngài không thể làm Giám mục, thí dụ như: mắc những căn bệnh hiểm nghèo, hay những tai nạn nào đó, và thế là bao mộng ước sẽ tan biến. Dù vậy, vẫn còn có cơ hội khác nữa nếu cha làm việc tốt ở Balan trong vai trò thư ký cho Đức Hồng y, chú của cha. Vào dịp thuận tiện, cha sẽ được gọi về Rôma. Sau đó, nếu Chúa muốn, Đức Thánh Cha sẽ trọng dụng cha… chúc mừng cha đã làm tròn trọng trách … hết lời khen ngợi và cất nhắc cha lên những vai trò quan trọng hơn trong Giáo hội…

Khi cùng sánh bước với Đức Hồng y vào Thánh đường Chúa Ba Ngôi, những ý nghĩ ấy cứ lởn vởn trong tâm trí của cha Giacôbê. Hôm ấy ở Cracow là một ngày rét buốt và lộng gió, tuyết phủ đầy mặt đất. Thật thế, để đi lại trong phạm vi thành phố người ta vẫn phải dùng đến xe trượt tuyết, vì vậy phải vượt qua hàng nghìn cây số về phía Tây Nam là cả một vấn đề. Vào khoảng thời gian này, ở nước Ý chắc là mùa xuân rồi. Cây cối dọc các giao lộ chính có lẽ đã đâm chồi nẩy lộc, và khu vườn bao quanh ngôi nhà của thân phụ ngài lúc này cũng rực rỡ muôn sắc hoa. Ôi, giá mà được trở lại Rôma thì thật tuyệt diệu biết bao! Để được nghe lại cung điệu du dương của tiếng mẹ đẻ, để viếng thăm những giáo đường và đền thánh nguy nga của thành phố vĩ đại nhất thế giới này.

Bất chợt, có những tiếng xì xào sôi nổi ở phía sau ngôi thánh đường, và mọi người nhận ra cha Giaxintô đang cùng với anh em của ngài tiến vào nhà thờ. Đoàn rước tiến vào trên lối đi chính dẫn đến cung thánh, nơi Đức Giám mục Ivo, với các kinh sĩ của nhà thờ Chính toà đứng hai bên, đang chờ đợi ngài. Sau nghi thức bàn giao Thánh đường và Tu viện, cha Giaxintô cử hành thánh lễ, tiếp đó qua một bài giảng đặc biệt cha đã bày tỏ lòng tri ân đối với giáo quyền ở Cracow. Cuối cùng, các giáo sĩ và giáo dân chung tiếng trong bài Te Deum rồi cùng nhau đi thăm Tu viện.

Khi đoàn rước tiến vào nhà thờ, cha Giacôbê cùng mọi người đứng lên. Như thường lệ cha sẵn sàng cùng mọi người hát Kinh Cầu Các Thánh quen thuộc. Nhưng khi thấy hai hàng tu sĩ trong bộ tu phục trắng đen tiến vào cung thánh, dẫn đầu là các tập sinh trẻ nhất, tim cha bắt đầu đập rộn ràng. Khẽ quay sang một bên, cha Giacôbê thấy cha Giaxintô đang bước đi cuối đoàn rước trên môi nở một nụ cười bình an và trong đôi mắt ánh lên một tia sáng linh thánh. Vừa bắt gặp đôi mắt ấy, cha Giacôbê cảm thấy một điều kỳ lạ xảy ra. Dường như nhà giảng thuyết thánh thiện của Cracow là một thỏi nam châm, còn mình thì chỉ là một miếng sắt bị hút vào không cưỡng lại được.

Có vẻ như người tu sĩ ấy muốn nói: “Con ơi, hãy đến đây. Hãy đến mà phụng sự Thiên Chúa như Thánh ý Người đã muốn.”

Những giờ phút cuối cùng của buổi sáng hôm ấy trôi qua như một giấc mơ. Cha Giacôbê đã tham dự thánh lễ sốt sắng và lắng nghe những lời giảng đầy nhiệt huyết của cha Giaxintô. Lúc đó tâm hồn cha lâng lâng. Bất chợt khi vị Hồng y hỏi xem liệu cha có khoẻ không, thì cha Giacôbê mới chợt hoàn hồn. Vâng, vâng. Tất nhiên cha vẫn khoẻ. Tại sao lại không chứ? Thế nhưng những lời nói khác thường sau đây vẫn cứ vang vọng trong đầu của cha, những lời trước giờ cha chưa bao giờ được nghe.

“Con sẽ trở thành một tu sĩ Dòng Anh em Giảng thuyết. Ngay hôm nay, con phải xin cha Giaxintô trao cho con bộ tu phục của Dòng.”

Cha Giacôbê khó có thể tin vào điều này, tuy nhiên cha biết đây là sự thật. Bất chợt, ân sủng của Thiên Chúa tuôn tràn trên cha nhiều đến nỗi cha không thể cưỡng lại nổi. Dù đã là một linh mục, nhưng từ nay cha sẽ dâng hiến đời mình một cách triệt để hơn khi trở thành một tu sĩ. Vâng, cha sẽ phải từ bỏ quyền sở hữu cá nhân, từ bỏ sự kính trọng và vinh quang ở đời này. Thậm chí cha còn phải tuyên khấn vâng phục một người phàm tục như mình, và do đó việc tận hiến cho Thiên Chúa trở nên hoàn hảo.

Khi nghe tin này, mọi người đều sửng sốt. Quả vậy, từ công tước Leszek, các vị quý tộc, hàng giáo sĩ triều, cho đến Đức Giám mục Ivo, không ai tin quyết định của cha Giacôbê là hợp lý. Còn về phần Đức Khâm sứ Gregory Crescentius, cũng là chú của vị linh mục trẻ này, ngài hoàn toàn tin chắc rằng tất cả những sự việc này là một sai lầm khủng khiếp.

Ngài chất vấn thẳng thừng: “Tại sao vậy? Sức khoẻ của con không cho phép con sống đời sống của một tu sĩ đâu! Con hãy nghĩ về những ngày tháng ăn chay. Rồi chuyện phải thức dậy giữa đêm khuya để hát kinh nhật tụng! Ôi, Giacôbê ạ! Con không thể chịu nổi những gian khổ như thế đâu!”

Vị linh mục trẻ đồng ý. Thế nhưng tại sao cha lại không thể khắc phục những trở ngại đó như những người khác đã làm? Còn như nói không đủ sức khoẻ để theo đuổi đời sống mới ư? Có gì đâu, cứ để Thiên Chúa quyết định thôi!

Ngài kết luận nhẹ nhàng: “Tranh luận chẳng ích chi, chú ạ. Con đã quyết định rồi. Nếu cha Giaxintô đón nhận con, thì con sẽ trở thành một tu sĩ.”

Tất nhiên cha Giaxintô sẵn sàng đồng ý. Trong tuần đó, cha Giaxintô đã đón nhận cha Giacôbê vào cộng đoàn. Và đây quả là một biến cố vui mừng, vì ơn trên đã soi sáng cho cha biết về tương lai của vị linh mục người Ý trẻ tuổi này. Bấy giờ, cha biết rằng một ngày nào đó vị tu sĩ mới này sẽ đem lại nhiều lợi ích lớn lao cho các linh hồn. Ngài sẽ đến Constantinople để thiết lập một Tu viện Anh em Giảng thuyết ở đó. Cuối cùng ngài trở thành Giám tỉnh của Tỉnh dòng Balan, kế vị cha Giêrado và cha Ceslao ở cương vị hết sức quan trọng này.

Thời gian qua đi, những anh em trẻ khác cũng đã được cha Giaxintô đón nhận vào Tu viện mới. Thật vậy, vào năm 1224, cha đã có thể thành lập cơ sở thứ hai của Dòng ở Balan, tại San Domierz, cách Cracow khoảng 200 cây số về phía Đông Bắc. Cùng lúc ấy, kế hoạch thành lập Tu viện thứ ba đã hoàn tất. Tu viện này ở Troppau, cũng cách thành phố khoảng 200 cây số nhưng về phía Tây.

Nhà giảng thuyết thánh thiện này rất hạnh phúc khi thấy rằng rốt cuộc ngài cũng được truyền bá đức tin nơi quê hương Balan. Mặc dù lòng rạo rực vui mừng, cha Giaxintô cũng biết rằng còn rất nhiều cánh đồng truyền giáo khác đầy khó khăn đang chờ đợi các thợ gặt. Chẳng hạn, phải tính sao đây cho nước Phổ, một xứ sở hoang sơ và đầy nguy hiểm trên bờ biển Baltic? Rồi hẳn là còn nhiều chương trình khác có thể thực hiện ở Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy…

Cha thường cầu nguyện: “Lạy Mẹ kính yêu, xin hãy giúp con truyền giáo cho những vùng đất này. Xin phù hộ con để giúp cho các dân tộc ấy nhận biết Thánh Tử của Mẹ, để họ yêu mến và thi hành thánh ý Người!”

Vào ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời, 15 tháng 8 năm 1224, cha Giaxintô đang ở trong Thánh đường Chúa Ba Ngôi tại Cracow. Lúc đó khoảng 2 giờ sáng, các anh em vừa đọc xong giờ Kinh Sách và Kinh Sáng. Trong lúc mọi người trở về phòng của mình để tiếp tục giấc ngủ, cha Giaxintô vẫn nán lại để suy niệm về ý nghĩa của ngày lễ Mông Triệu.

“Ôi, lạy Mẹ đầy ơn phúc, Mẹ đã sống trên trần gian này được khoảng sáu mươi năm. Rồi Thiên Chúa đã gọi Mẹ về với Người. Không để cho thân xác của Mẹ phải trở về với tro bụi, Người đã gởi các thiên thần đến để đưa Mẹ về trời. Ôi, lạy Mẹ, thật tuyệt vời dường bao! Giờ đây thân xác Mẹ đang được vinh quang. Mẹ đã không phải chờ cho đến ngày tận thế như chúng con là những kẻ tội lỗi vẫn phải mong chờ ngày ấy…”

Vì vẫn nhắm nghiền mắt trong khi cầu nguyện, cha Giaxintô không nhận ra luồng ánh sáng kỳ diệu đang bao bọc bức tượng Đức Mẹ Diễm Phúc đặt bên cạnh bàn thờ chính. Nhưng khi chợt nhìn lên, tim cha như ngừng đập, vì nhìn thấy Nữ Vương Thiên Đàng đang đứng ngay phía trước! Tại chính nơi vẫn đặt pho tượng, Mẹ đang đứng đó với dáng vẻ một người nữ trẻ trong trang phục trắng toát, lấp lánh ánh vàng, và dịu dàng mỉm cười.

Với giọng như khúc nhạc ngọt ngào, Mẹ nói: “Mừng vui lên, hỡi Giaxintô! Lời cầu nguyện của con đẹp lòng Thánh Tử của Mẹ. Từ nay tất cả những gì con cầu xin Người nhân danh Mẹ thì sẽ được chấp nhận.”

Cha không dám cử động. Ôi, Nữ Trinh Diễm Phúc, Mẹ đẹp biết bao! Ôi tình mẫu tử! Mẹ tốt lành dường nào! Và đột nhiên cha biết rằng mình cũng phải lên tiếng. Cha phải cầu xin một ơn đặc biệt mà bấy lâu nay cha vẫn dấu kín trong lòng.

Cha thì thầm: “Lạy Mẹ kính yêu, xin đoái nghe tiếng con. Con tha thiết khẩn cầu một ân huệ… một đặc ân…”

Đức Mẹ đưa mắt nhìn và mỉm cười khích lệ: “Được, con xin gì?”

Sấp mình xuống, cha Giaxintô giơ tay hướng về phía Nữ Vương Thiên Đàng và nói: “Ôi, lạy Mẹ, con muốn đem Đức Tin Chân Thật đến cho tất cả mọi người ở vùng Bắc Âu, và cả nước Nga nữa! Mẹ sẽ chúc phúc cho những nỗ lực của con và sẽ ban cho con sức mạnh cần thiết chứ?”

Trong phút chốc, mọi thứ trong ngôi thánh đường bỗng trở nên lặng lẽ. Mẹ Diễm Phúc mỉm cười, chỉ vào Nhà Tạm, và nói: “Thánh Tử của Mẹ đã chấp thuận đặc ân con xin rồi đó. Này, Giaxintô ơi, bởi vì con yêu Mẹ và xin Mẹ giúp đỡ, nên con sẽ phục vụ các linh hồn đắc lực hơn con mong đợi! Nhưng bù lại, Mẹ cũng xin con một đặc ân.”

Vị tu sĩ nhìn Mẹ chăm chú. Đức Mẹ mà cũng xin đặc ân ư? Chắc chắn không phải thế đâu! Vậy mà… Cha vội vã trả lời: “Mẹ biết là con sẽ làm bất cứ điều gì Mẹ yêu cầu. Chỉ cần Mẹ cho con biết Mẹ muốn con làm gì.”

Đức Mẹ mỉm cười: “Hỡi Giaxintô, đây là điều Mẹ muốn con làm: Hãy đưa các linh hồn đến với Mẹ! Hãy dạy cho họ biết trông lên Mẹ như là một người Mẹ thật sự! Hãy bày tỏ cho họ biết những ân huệ vĩ đại Thiên Chúa muốn Mẹ ban cho tất cả những ai chạy đến kêu cầu Mẹ giúp đỡ!”

Vị tu sĩ khẽ gật đầu. Tất nhiên là cha hứa làm theo lời Đức Mẹ. Từ nay trở đi, cha sẽ không bao giờ bỏ qua bất kỳ một cơ hội nào để truyền bá lòng sùng kính Thánh Mẫu Thiên Chúa. Dù giảng thuyết ở đâu, cha cũng sẽ rao truyền về lòng nhân hậu của Đức Mẹ, và tình yêu của Người dành cho các linh hồn. Nghĩa cử đó thật không đáng là gì so với lời hứa tuyệt vời của Mẹ là sẽ giúp cha trở thành nhà truyền giáo của cả Bắc Âu và thậm chí cả nước Nga nữa!

PETER ĐÃ SỐNG LẠI THẬT RỒI

 

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com