Khi các anh em đặt chân đến Friesach, cả thành phố đổ ra chào đón. Dân chúng chưa bao giờ gặp thấy những tu sĩ mà sứ vụ là đi truyền giảng Tin Mừng khắp nơi. Cho đến nay, họ chỉ biết hai hạng giáo sĩ là: các đan sĩ Biển Đức, mà đan viện của họ ở xa mãi nơi vùng quê, và các kinh sĩ triều, họ dâng lễ và đọc kinh thần vụ vào những thời gian ấn định trong ngày. Tuy nhiên, việc có những người dâng hiến bản thân để phục vụ Chúa mà vẫn ở giữa đời thường, hằng ngày đến rao giảng và hướng dẫn dân chúng như những tu sĩ đến từ Rôma, thì quả là một điều gì đó khá mới mẻ. Thực vậy, sự việc mới mẻ đến độ đã thu hút một số thanh niên ở Friesach. Nhiều ngày trước, một số người đã xin được gia nhập Dòng. Đức Tổng Giám mục Salzburg không thể không mỉm cười khi ngài chào đón cha Giaxintô vào một buổi chiều tháng bảy. Khuôn mặt của cha Giaxintô quá trang nghiêm!
Đức Tổng Giám mục nhã nhặn hỏi: “Này con, con không thích ở Friesach này sao? Lẽ nào chúng ta đã không thể khiến con cảm thấy thoái mải trong sáu tuần ở đây?” Cha Giaxintô thở dài: “Thưa Đức Tổng, ngài và tất cả mọi người ở đây đã đối xử với con rất tốt. Nhưng…thưa cha, con vừa trò chuyện với một người có tâm hồn tốt lành nữa, anh ấy muốn trở thành một
tu sĩ.”
“Tuyệt vời! Thế đã có bao nhiêu người rồi?”
“Thưa Đức Tổng, được năm mươi tập sinh, nhưng chắc sẽ còn thêm nữa.”
“Còn nữa à?”
“Dạ, không. Cha thấy đó, chàng trai trẻ đặc biệt này xuất thân từ một gia đình rất giàu có. Có lẽ ngài biết con muốn nói đến ai phải không?
Một lần nữa, đôi mắt Đức Tổng Giám mục chợt long lanh với vẻ thích thú. “Ý con là Helger, con trai bá tước Hochstein sao?”
“Vâng, thưa Đức Tổng.”
“Cậu ta quả thật là một chàng trai tốt lành! Và cậu bạn Ulric của cậu ta cũng vậy. Đúng thế, Ulric đã được Thiên Chúa chúc lành cách đặc biệt. Mỗi khi cậu ta cầu nguyện, những điều tuyệt vời đã xảy ra. Này con, đừng chần chừ nữa. Con sẽ không bao giờ hối tiếc, khi đưa hai chàng trai này vào Dòng đâu.”
Cha Giaxintô lại thở dài: “Thưa Đức Tổng, con không lo lắng về anh Helger hay anh Ulric, nhưng khi con nghĩ về 50 thanh niên… và những công tước và bá tước trong số đó… Ồ, xem ra con sẽ phải hoãn lại việc rời khỏi Friesach! Khi Thiên Chúa gửi đến những người con này, thì hẳn Người muốn rằng họ cần được chăm sóc – ít nhất một thời gian ngắn.”
Đức Tổng Giám mục chậm rãi gật đầu. Trong khi tìm cách để an ủi vị tu sĩ trẻ này trước vấn đề mới mẻ này, ngài thấy rằng cha Giaxintô không quá thất vọng. Thực vậy, trong sâu thẳm tâm hồn mình, cha Giaxintô vẫn có được sự bình an. Hằng ngày cha và cộng đoàn nhỏ bé của cha vẫn luôn kết hợp với thánh ý Thiên Chúa. Và nhờ thế, dưới ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần, họ luôn cảm thấy hạnh phúc tràn trề, ngay cả giữa những thử thách từ bên ngoài. Hình như Thiên Chúa hài lòng với cách thức biểu lộ niềm tin và tình yêu như thế. Bởi lẽ cha Giaxintô dâng trọn đời mình cho Thiên Chúa, nên ngài nhận được muôn vàn ân sủng hết sức đặc biệt.
Đột nhiên vị Bề trên trẻ tuổi hỏi: “Xin Đức cha cho biết con phải ở lại Friesach này bao lâu nữa? Hơn nữa, con cần phải làm gì cho năm mươi tập sinh này?”
Đức Tổng Giám mục nhìn ra cửa sổ. Một đám đông dân chúng tập trung ở quảng trường, và mọi khuôn mặt đều hướng về phía các bậc cấp nhà thờ. Hình như một người anh em của cha Giaxintô đang thuyết giảng, và Đức Tổng vui mừng nhận thấy rằng thính giả đang chăm chú lắng nghe từng lời của nhà giảng thuyết. À, Đức Tổng Giám mục nghĩ, Thiên Chúa tốt lành biết bao khi gửi những tông đồ đích thực này đến nước Áo, nói một cách đúng nghĩa, là để tái thiết thành phố Friesach! Những bài giảng hằng ngày ở quảng trường này chỉ là một phần sứ vụ mà các tu sĩ này đảm nhiệm từ khi họ đặt chân đến đây sáu tuần trước. Sau các bài giảng, lúc nào cũng có từng đoàn người xếp hàng dài để xưng tội. Khắp cả thành phố, các giáo sĩ triều giờ đây bận rộn hơn trước, vì họ phải lo mục vụ các bí tích cho dân chúng, nhờ thế mà các thói hư tật xấu gần như biến mất khỏi Friesach. Đời sống cá nhân và gia đình nhờ đó cũng hạnh phúc hơn nhiều.
“Cha Giaxintô này, có điều này tôi muốn nói thật với cha,” Đức Tổng Giám mục nói cách thận trọng, “Xin cha hãy ở lại với chúng tôi tới tháng mười. Với khoảng thời gian ấy thì đủ để xây một tập viện. Cha sẽ chỉ định một vị làm Tu viện trưởng. Kế đến, chúng ta sẽ khánh thành một Tu viện mới…”
“Vậy con lại phải đến Salzburg sao?”
Đức Tổng Giám mục lắc đầu. “Không, cha sẽ không phải hy sinh nhiều lắm đâu vì đến tháng mười cha sẽ đến Balan mà. Nếu Chúa muốn, thì sớm muộn gì cha cũng sẽ phục vụ cho đồng bào của cha thôi.”
Nhiều tuần trôi qua, Đức Tổng Giám mục trao cho cha Giaxintô một toà nhà lớn gần nhà thờ chính toà. Với một vài thay đổi, toà nhà này được sử dụng làm Tu viện cho các tu sĩ. Quả thực, có rất nhiều điểm giống nhau giữa Tu viện này với Tu viện Santa Sabina ở Rôma, và cha Giaxintô ngạc nhiên trước những đường lối diệu kỳ của Thiên Chúa. Trong một thành phố mà cha Đa Minh chưa bao giờ đặt chân đến, giờ đây đã có một Tu viện dành cho các con cái của ngài, mà chỉ trong vài tháng đã kín chỗ! Và người sáng lập lại là một linh mục Balan chỉ vừa mới gia nhập Dòng chưa được một năm!
Một buổi sáng nọ cha Giaxintô tự nhủ: “Có lẽ bác Ivo sẽ thất vọng khi phải tiếp tục đến Cracow mà không có chúng ta. Thử nghĩ xem! Tại Friesach này, đây là Tu viện của Anh em Giảng thuyết nói tiếng Đức đầu tiên trên thế giới!”
Tuy nhiên, đây là một ý tưởng tuyệt vời, và không ngày nào trôi qua mà nơi cung nguyện của cộng đoàn không dâng lời tạ ơn. Nhưng ngay cả khi cầu nguyện, cha Giaxintô biết rằng hẳn ngài sớm phải đối diện với một vấn đề khác. Tháng chín đang đến gần. Vài ngày nữa ngài sẽ phải rời Friesach để đi Cracow, nơi đó bác của ngài đang nóng lòng chờ đợi. Và trước khi ra đi, ngài phải đặt một Tu viện trưởng thay thế mình tại Tu viện mới này.
“Vậy phải cử ai đây?” ngài thường tự hỏi như vậy, khi quì trước tượng chịu nạn trong phòng mình. “Lạy Chúa, con biết sớm muộn gì con phải gác lại tình bằng hữu với anh Ceslao. Ngài có thực sự muốn con để anh ấy lại Friesach này không? Xin cho con biết!”
Một hôm, khi vừa kết thúc lời cầu nguyện quen thuộc này thì có tiếng gõ cửa. Đứng lên, cha Giaxintô ra mở cửa và anh Herman báo cho biết có hai thanh niên muốn được thưa chuyện với ngài. Nhìn thoáng qua hai chàng trai đang ở phòng khách, người ta có thể nhận ra họ là sinh viên đại học, thuộc gia đình lễ giáo và họ muốn gia nhập Dòng.
“Thưa cha, cha có thể gặp họ ngay bây giờ hay con sẽ nói họ quay lại sau?”
Cha Giaxintô lắc đầu. “Chút nữa tôi sẽ gặp họ. Bây giờ, tôi có việc muốn trao đổi với anh, anh vào đây.”
Anh Herman bước vào phòng cha Bề trên. Đó là một căn phòng rất nhỏ và có lẽ đây phải là căn phòng của thành viên thấp kém nhất cộng đoàn. Một cái giường bằng ván nằm trong góc, gần cửa sổ là một chiếc bàn lớn với cái ghế bên cạnh. Trên những bức tường trát vữa lồi lõm chẳng có tranh ảnh gì cả ngoài một tượng chịu nạn và một bình nước thánh. Nhưng có vài cuốn sách khá cũ, cho thấy đây là chỗ ở của một Tu sĩ Giảng thuyết đích thực – là người phải luôn cầu nguyện và học hành trước khi đi rao giảng và hướng dẫn cho người khác.
“Con ngồi đi,” cha Giaxintô nói nhẹ nhàng. “Và đừng lo lắng về hai thanh niên dưới nhà. Họ sẽ sớm được chăm sóc thôi.”
Khi anh Herman ngồi xuống ghế, lòng anh rạo rực niềm vui. Đã lâu lắm rồi anh mới có dịp hầu chuyện riêng với cha Giaxintô. Những ngày gần đây cha Giaxintô rất bận rộn, nào là những bài giảng ở quảng trường, nào là việc thành lập Tu viện mới, nào là việc tiếp nhận và đào tạo năm mươi tập sinh. Còn ban đêm thì mọi thứ cũng không khác nhiều, vì cha Giaxintô thường chìm sâu trong những giờ cầu nguyện trước Thánh Thể, ngài nhận ra rằng tự sức mình con người chẳng bao giờ hoàn thành được việc gì cả, ngay đến một công việc hết sức tầm thường. Mọi ân sủng và sức mạnh đều đến từ Thiên Chúa một cách dồi dào nếu như chúng ta biết quì gối kêu xin cách liên lỉ và khiêm tốn.
Ngồi quay về phía người anh em trẻ, cha Giaxintô nói: “Anh Herman ạ, anh suy nghĩ thật khôn ngoan. Chắc chắn lời cầu nguyện là liều thuốc hiệu quả nhất trên trần gian này. Và chẳng ai trong chúng ta có đủ sức mạnh để làm được việc gì nếu không có nó.”
Nhiều lần khác, anh Herman không ngờ cha Bề trên lại có khả năng đọc được ý nghĩ của người khác như thế. Anh cúi người về phía trước với sự hăm hở như trẻ thơ.
“Cầu nguyện thật tuyệt vời cha ạ. Cha có biết tuần trước con đã thực hiện một buổi cầu nguyện riêng nho nhỏ và dâng cho Đức Mẹ? Suốt từ đó, tâm hồn con cảm thấy được nguồn an ủi lớn lao.”
“Thật thế sao? Lời cầu nguyện đó là gì thế?”
“Lạy Chúa Giêsu rất ngọt ngào, xin ban ơn để con có thể ngợi khen Mẹ rất yêu dấu của Ngài bằng môi miệng của con, yêu mến Ngài bằng trái tim con và vinh danh Ngài qua những công việc của con.”
Cha Giaxintô im lặng chốc lát, dịu dàng nhìn chàng tu sĩ trẻ hồi lâu. Và khi nhìn anh, bất chợt lòng ngài rộn lên niềm vui: Anh Herman quả là một vị thánh! Trong những tháng qua anh trung thành cầu nguyện với Đức Mẹ, xin Mẹ trợ giúp anh trong công việc. Vì nghĩ rằng mình là người kém thông minh, chẳng đạt được kết quả gì trong việc học hành và rao giảng, nên lời cầu nguyện của anh có một sự khiêm tốn lạ thường. Anh nhìn nhận sự vô dụng của mình, thậm chí anh bằng lòng với tình trạng này nếu đó là thánh ý Thiên Chúa. Tuy vậy, anh luôn cố gắng cầu tiến. Anh luôn ghi nhớ cha Đa Minh đã trao áo dòng cho anh vì một lý do đặc biệt nào đó, vì thế anh phải nỗ lực hết sức để xứng đáng với món quà của ơn gọi vô giá. Đối với anh Herman, việc cầu nguyện đòi anh phải khiêm tốn và kiên nhẫn như thế nào, thì khi làm việc hay hành động cũng cần phải có tâm tình như thế ấy. Do đó, anh đã sớm ý thức được giá trị của hai khí cụ đó đối với bất kỳ ai muốn khám phá ra con đường lên nước Thiên Đàng. Anh đã nhận ra điều đó và khấn xin cùng Đức Mẹ trợ giúp. Và dĩ nhiên Mẹ đã đáp lại lời cầu nguyện của đứa con luôn biết tín thác này. Mỗi ngày, chậm rãi, chắc chắn, anh Herman thăng tiến cả về đời sống tri thức lẫn tâm linh.
Bấy giờ cha Giaxintô đứng dậy và nhẹ nhàng đặt tay trên vai chàng tu sĩ trẻ. “Này con, con có biết rằng khi con đến gặp cha ngay lúc này thì cha đang gặp một vấn đề nghiêm trọng cần giải quyết không? Và thật bất ngờ giờ đây mọi việc đều đã được ổn thoả rồi đấy.”
Anh Herman giữ lại tất cả những câu hỏi. “Con rất vui về điều đó, thưa Cha. Những ngày qua cha đã phải lo nghĩ nhiều.”
“Có thể. Nhưng con có biết đó là vấn đề gì không?” “Dạ không, thưa Cha. Trừ việc hai thanh niên trẻ đang đợi gặp cha dưới nhà. Nhưng, cha không biết họ là ai… và con quên không hỏi tên họ…”
“Này con, vấn đề đang gây phiền cho cha là: Sắp tới cha phải đi Cracow. Và trước khi đi, cha phải bổ nhiệm một vị Bề trên để coi sóc Tu viện đầu tiên của anh em chúng ta ở nước Áo này. Cha đã nghĩ đến người anh ruột của cha, nhưng cha có cảm tưởng rằng cha Ceslao hữu ích cho công việc khác hơn. Giờ đây, con có biết ai sẽ là Bề trên thích hợp cho cộng đoàn ở Friesach này không?”
Anh Herman ngập ngừng. Anh là ai mà dám đưa ra ý kiến về vấn đề này? Tuy nhiên, vì chính cha Giaxintô hỏi, nên…
“Thưa cha, anh Henry là một người tốt. Anh là người Tiệp Khắc nhưng nói tiếng Đức nhuần nhuyễn, và điều đó sẽ rất hữu ích ở đây. Anh lại sắp hoàn thành chương trình học để làm linh mục…” Cha Giaxintô lắc đầu: “Vị Bề trên đầu tiên của chúng ta ở Friesach sẽ không phải là anh Henry. Người đó chính là con, con ạ.”
Anh Herman nhìn chằm chằm và lặng người đi. Anh mà làm Bề trên ư? Anh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn Tu viện mới này, gồm cả việc đào tạo năm mươi tập sinh ư? Chắc hẳn anh không nghe rõ cha Giaxintô nói! Tại sao? Anh còn lâu mới làm linh mục mà! Và còn việc giảng thuyết của anh nữa…
“Đức Mẹ sẽ giúp con trong sứ vụ mới này,” cha Giaxintô điềm tĩnh nói. “Hãy nhớ, khi sứ thần Gabriel đến loan báo Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, thì Mẹ chỉ mười bốn tuổi. Và Mẹ đã trả lời ra sao?”
“Này tôi là nữ tỳ của Chúa. Xin hãy làm cho tôi như điều sứ thần truyền,” anh Herman chậm rãi trả lời.
“Đúng vậy. Này con, những ngày còn lại, hãy thử suy nghĩ về những lời này đi. Và đừng lo lắng về việc bây giờ con là Bề trên của Friesach mà chưa là linh mục. Đức Mẹ sẽ tiếp tục soi lòng mở trí cho con, và việc học hành sẽ dễ dàng hơn cho con. Rồi đến lúc con sẽ được thụ phong và đưa nhiều người đến với Thiên Chúa.”
Anh Herman như người đang mơ. “Vâng, thưa Cha. Cám ơn cha. Nhưng…nhưng bây giờ con phải làm gì?”
Cha Giaxintô nheo mắt hài lòng khi ngài dẫn vị tân Tu viện trưởng ra cửa. “Thế còn về hai thanh niên trẻ dưới nhà thì sao? Bây giờ con là Bề trên, họ đến là tìm hiểu ơn gọi với con, chứ không phải cha. Cố lên con! Để xem Chúa có muốn họ trở thành những anh em thuyết giảng không.” Bất ngờ anh Herman quì xuống và nài xin: “Xin cha chúc lành cho con trước! Con…con thấy mình yếu đuối quá, thưa cha!”
Và rồi cha Giaxintô đưa tay lên chúc lành theo cung cách mà các linh mục thường làm. Ngài thiết tha van nài Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trợ giúp cho vị tân Bề trên Tu viện Friesach vừa được chỉ định. Nếu chỉ xét theo bề ngoài, thì anh Herman có rất ít cơ may thành công, nhưng lâu nay cha Giaxintô đã từng có kinh nghiệm coi nhẹ những chuẩn mực phàm nhân. Không nên chỉ hài lòng với kết quả tối thiểu của đức tin. Đây chính là lúc đòi hỏi hoàn toàn phó thác vào thánh ý Thiên Chúa, hoàn toàn tin tưởng vào sức mạnh ân sủng khi phải đương đầu với những công việc khó khăn nhất, nếu như chúng ta biết cầu xin và tín thác với tinh thần của một trẻ thơ.
Cuối cùng cha Giaxintô nói: “Cố lên con, cha đặt Tu viện này trong tay con, đây chính là những hoa trái đầu tiên của sứ vụ chúng ta ở phương Bắc này. Cầu chúc con có được một mùa gặt bội thu!”