Thế là một tay cha Giaxintô cung nghinh Mình Thánh Chúa, còn tay kia thì ôm chặt lấy pho tượng nặng những 25 kg, nhẹ nhàng như thể nâng chiếc gối bông, và bước ra cửa. Chỉ với đức tin, mọi sự đều có thể.
Cha nói: “Giờ thì chúng ta có thể an toàn tiến bước.”
Từ trong Tu viện, tất cả anh em cùng tiến ra các đường phố. Không một ai lên tiếng, và từ lâu, thành phố Kiev dường như bị bỏ hoang. Từ lâu, đàn ông, đàn bà và cả trẻ em đều đã trốn trong các công sự phía trên thành phố. Thình lình, bầu khí lặng im hoàn toàn bị phá tan. Bỗng nhiên xuất hiện khoảng chục tên lính Mông Cổ tay cầm đuốc và lăm lăm gươm giáo. Một cách hung hãn chúng đồng loạt tấn công các tu sĩ.
Chúng gào thét: “Những tên Kitô hữu kìa! Thiêu chúng đi! Giết chúng đi!”
Dù với dáng vẻ mập lùn, nhưng những tên lính da vàng này không cậy dựa vào một thế lực nào hơn ngoài sức mạnh của chính chúng. Đột nhiên, chúng không còn chút sức lực nào và buộc phải khiêm tốn quỳ xuống trước mặt hai hàng tu sĩ ấy. Gươm giáo tự va vào nhau và rơi xuống đất, còn đuốc thì bỗng tắt ngúm. Trên từng khuôn mặt của chúng tỏ rõ sự sợ hãi. Chưa bao giờ những cặp mắt xếch của bọn người phương đông ấy lại nhìn thấy cảnh tượng: một nhóm tu sĩ Kitô giáo đi qua giữa bọn chúng một cách vô hại, dẫn đầu là một người to khoẻ, tay trái giữ một bức tượng lớn, còn tay phải thì giữ Mặt Nhật bằng vàng sáng như mặt trời.
Chúng nói với nhau: “Đó là vị thần của bọn Kitô hữu đấy! Ông ấy sẽ tiêu diệt chúng ta!”
Nhưng cha Giaxintô không có ý làm hại đội quân tiền trạm này, là những kẻ phải theo lệnh vượt con sông đã đóng băng đến tàn phá mọi thứ ở Kiev. Cứ nhìn thẳng về phía trước, cha dẫn anh em qua các đường phố vắng hướng về phía sông Dnieper. Rồi cha nhìn các bạn đồng hành của mình và mỉm cười.
“Này các con! Bọn lính Mông Cổ vẫn còn đóng quân ở đó. Cha nghĩ bọn chúng đang tự hỏi tại sao đồng bọn của chúng lại để chúng ta bình an vô sự.” Mọi cặp mắt đều nhìn sang bên kia sông. Có những ngọn lửa thắp sáng phía trước những căn lều kế tiếp nhau đến hàng cây số dọc theo bờ sông bên kia. Thoạt nhìn thấy các tu sĩ, bọn lính Mông Cổ không chần chừ ra tay sát hại các Kitô hữu. Hàng trăm mũi tên bắn ra tua tủa khắp cả bầu trời. Tuy nhiên vì khoảng cách còn quá xa đối với tầm sát thương của cung thủ, nên tất cả các mũi tên đều rơi thỏm xuống nước.
Bỗng nhiên nét mặt của cha Giaxintô trở nên nghiêm nghị. Cha nói: “Đối phương đã động thổ trước. Bây giờ đến lượt chúng ta ra tay. Nào, cùng tiến xuống sông!”
Không chút do dự, các tu sĩ lao theo cha Giaxintô xuống bờ sông. Ngày hôm đó, họ đã được chứng kiến tận mắt hai phép lạ: Bức tượng Đức Mẹ trở nên nhẹ đến nỗi một cánh tay có thể mang được cách dễ dàng và cuộc trốn thoát kì diệu khỏi nhóm người Mông Cổ hung dữ. Giờ đây, dường như sắp có một phép lạ thứ ba. Nhưng đó là phép lạ gì? Và ở đâu?
Chỉ trong vài phút, những thắc mắc đó đã được giải đáp. Cha Giaxintô bước tới bờ sông và chỉ xuống dòng nước. Cha nói: “Đến đây, chúng ta phải cho kẻ thù thấy chúng ta đúng là con cái của Thiên Chúa chân thật.”
Mọi người biết có điều gì đó sắp xảy ra. Với những lời cầu nguyện của cha Giaxintô, Thiên Chúa đã tạm thời ngưng hiệu lực của luật tự nhiên, để từng anh em bước đi trên mặt nước một cách an toàn. Họ không đi qua bờ bên kia, vì bọn Mông Cổ đang đóng quân ở đó, nhưng họ đi giữa dòng sông để ra khỏi vùng Kiev – và đấy quả là dấu chỉ trời cao đang che chở họ.
Khi chứng kiến cảnh tượng kỳ diệu đó, bọn người Mông Cổ la hét vang dội. Dù vậy cha Giaxintô không mảy may bận tâm. Do thánh ý của Cha Trên Trời, các tu sĩ đang thoát thân an toàn khỏi Kiev một cách lạ lùng. Nhưng thật đau đớn cho những ai còn phải ở lại! Duy chỉ có một vài người đã thoát cảnh chết chóc và bắt bớ, trong đó có gia đình của một tập sinh trẻ, người đã tỏ ra hoảng sợ vào buổi sáng hôm đó. Còn cha Albert và cha Dominic, là hai người con của cha Giaxintô, cũng sớm phải chịu cảnh tra tấn và sát hại. Mới đây, khi đi rao giảng ở Chernigof, họ không ngờ rằng trong thời gian họ đi vắng, quân Mông Cổ đã tấn công và khi trở về Kiev họ đã bị sát hại.
Cha Giaxintô cầu nguyện: “Lạy Mẹ yêu dấu, xin cho những đứa con của Mẹ được thẳng về Trời, và xin cho đến lượt chúng con cũng đạt đến quê hương đích thật!”
Cuối cùng, những tu sĩ vừa thoát khỏi Kiev đã tìm được nơi trú ẩn ở Lemberg, một thành phố rộng lớn ở phía đông Galicia. Cách đây vài năm thành phố này đã trao tặng cho cha Giaxintô một mảnh đất cùng với một khoản kinh phí để xây cất Tu viện. Khi pho tượng Đức Mẹ được đặt vào ngôi đền thánh trong Tu viện này, trọng lượng của pho tượng đã trở lại như cũ. Suốt mấy tuần liền cha Giaxintô bận rộn giảng dạy cho đám đông lũ lượt kéo về đền thánh, nhưng rồi ngài thấy cần phải tiếp tục hành trình trở về Balan. Lúc đó là tháng 1 năm 1241, và theo những người đưa tin, cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ đã lan rộng khắp nơi. Nếu như quân đội của đại đế Mangu đã hoàn toàn triệt phá thành phố Kiev, thì những lực lượng quân Mông Cổ khác cũng đang lùng sục khắp nơi ở phía tây. Trong một hoặc hai tuần nữa, Sandomierz sẽ bị vây hãm, và kế đến là giờ cáo chung của thành phố Cracow.
Cha Giaxintô nói với anh em của ngài ở Lemberg: “Ta phải về quê, có thể ở đó ta sẽ giúp được gì chăng.” Cùng đi với ngài có hai anh Godinus và Florian. Với hành trình dài gần 300 cây số về phía tây để đến Cracow, tâm hồn vị giảng thuyết trở nên nặng trĩu. Thời điểm này thật là nghiệt ngã! Và bọn Mông Cổ thật là vô nhân đạo!
Một sáng nọ, anh Godinus và anh Florian cố trấn an Bề trên yêu quý của họ dù biết là vô ích: “Chúng con đã từng nghe rằng chúng chia thành mỗi tiểu đội mười người. Chỉ cần một tên tỏ ra hèn nhát, chín tên còn lại sẽ bị xử tử.”
“Đúng vậy, nếu mười tên tỏ ra yếu kém thì một trăm tên sẽ phải chết. Ôi chẳng trách mà quân Mông Cổ quá tàn ác trong chiến trận! Từ lúc ấu thơ chúng đã được đào luyện như vậy rồi!”
Lúc thơ ấu! Từ ngữ đó đã đánh động cha Giaxintô! Giá như trước đây ai đó đã đến với những người Mông Cổ, thì đã không có những cuộc chiến tranh đẫm máu như vậy. Giá như có ai đó đến với tất cả mọi trẻ thơ trên toàn thế giới, dạy cho chúng biết rằng hạnh phúc thực sự chỉ có nơi việc yêu mến Thiên Chúa và thực thi thánh ý của Người…
Hoảng hốt vì tia sáng phát ra từ đôi mắt của cha Giaxintô, anh Florian liền hỏi: “Cái gì thế, thưa cha? Cha có thấy gì không?”
Cha Giaxintô mỉm cười: “Có, nhưng chẳng có gì mới cả, người anh em ạ. Chỉ khác là lần này cảnh tượng đó rõ rệt hơn trước.”
Thế là cha Giaxintô bắt đầu nói về những đứa trẻ – niềm hy vọng của tương lai. Một khi cuộc xâm lăng tàn khốc của quân Mông Cổ đã chấm dứt, chúng ta cần phải đến với chúng. Phải dạy cho chúng biết Thiên Chúa và yêu mến Người; nếu không thì những cuộc chiến tranh tàn khốc hơn sẽ lại xảy ra trên khắp thế giới. Đúng vậy, các tu sĩ Giảng thuyết cần phải đến tận mọi ngõ ngách của Châu Âu – ngay cả Châu Á, quê hương của bọn người Mông Cổ đáng sợ. Và các tu sĩ cần phải mang cùng một sứ điệp đến cho người giàu lẫn người nghèo, người mạnh lẫn người yếu, đó là: Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người để họ nhận biết Người, yêu mến Người và phụng sự Người ở đời này rồi được hưởng hạnh phúc trường cửu với Người ở đời sau.
“Đúng vậy, người anh em ạ. Nếu chúng ta dạy cho bọn trẻ biết rằng chỉ có một con đường duy nhất để có được hạnh phúc trong cuộc đời này, là phó thác hoàn toàn vào tay Thiên Chúa để thực thi tất cả những gì Chúa đã hoạch định. Ôi, trong tương lai rồi sẽ có biết bao thành quả tốt đẹp!”
Giọng nói cha Giaxintô chứa chan hy vọng, và nhiều tuần sau đó anh Florian và Godinus vẫn còn nhớ như in những lời động viên của cha. Đúng là anh em cần những lời khích lệ đó, vì vào khoảng mùa xuân năm 1241, đạo quân Mông Cổ đã tiến xa về phía tây đến tận Breslau. Sandomierz đã bị đánh chiếm, rồi đến Cracow và bây giờ là hàng ngàn đồng cỏ phì nhiêu cũng bị cướp bóc và đốt phá.
Một ngày nọ anh Florian thổ lộ cùng anh Godinus rằng: “Tất cả những mất mát tài sản vật chất đó thì có đáng là gì so với nỗi đau khổ mà người dân phải gánh chịu. Ôi, người anh em! Đôi khi tôi tự hỏi liệu bọn Mông Cổ có còn là con người hay không!”
Thật khó lòng để tìm thấy một chút nhân tính nào đó trong lũ người man di ấy. Chúng là bậc thầy của việc tra tấn người ta, nên chẳng có gì lạ khi chúng kéo lê các tù binh đến nơi hành hình, phóng một ngọn giáo xuyên qua thân thể nạn nhân, rồi găm hàng trăm mũi tên vào người kẻ xấu số. Tất cả chỉ để làm trò tiêu khiển cho các tướng lãnh của chúng. Nếu một tù nhân còn sống sót, thì anh ta sẽ phải chịu những cực hình khác nữa. Chúng đóng dằm gỗ vào móng tay của nạn nhân rồi châm lửa; hoặc sẽ lột da anh ta. Cuối cùng, chúng cùng nhau hò hét một cách hung tợn. Và rồi chúng nướng các tù nhân cho đến chết trên một lò lửa, và sau đó dùng những cái rìu cùn trơ để chặt tay chân của họ.
Khi về tới quê nhà Balan, một đất nước nay đã điêu tàn, cha Giaxintô nỗ lực hết sức để an ủi đồng bào đau khổ của mình. Với một giọng cương nghị, cha tiên đoán là nỗi u sầu hiện nay rồi sẽ qua đi, sau đó sẽ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp cho đời sống tinh thần.
“Nhưng thưa cha, phải đến lúc nào?” Ai cũng hỏi cha như vậy, vì mọi người đều chán nản và sợ hãi. “Cha không biết bọn Mông Cổ bây giờ đã đến Breslau rồi ư?”
Cha Giaxintô đã biết điều này, nhưng cha vẫn tiếp tục rao giảng về đức tin, lòng tín thác và tuân theo thánh ý Chúa. Cha biết rằng trong những ngày tháng vừa qua đất nước Balan đã phải trải qua những đau đớn kinh hoàng, nhưng cha tiên báo đất nước này sẽ không vì những vết thương ấy mà bị hủy diệt. Trái lại, đất nước sẽ sớm vùng lên và nhờ hành động dũng cảm của người dân Balan chống lại quân man di và Tây Âu Kitô giáo sẽ được cứu thoát. Đạo quân của Đại đế Batu sẽ không bao giờ có thể đặt quyền thống trị hà khắc của mình trên nước Đức, Ý, Pháp, hoặc Tây Ban Nha.
Vào tháng 4 năm 1241, lời tiên báo của cha Giaxintô đã thành sự thật. Tại Liegnitz, cách Breslau khoảng 70 cây số về hướng tây, bọn Mông Cổ giáp chiến với quân đội của công tước Henry Pious, con trai của nữ công tước Hedwig thành Silesia. Như thường lệ, đạo quân man di đã chiến thắng và vị công tước trẻ đã tử trận. Nhưng lần này, thất bại của đạo quân Kitô giáo đã không mở lối cho quân Mông Cổ tiến sâu xuống phía tây. Vì một lý do bí ẩn nào đó mà quân man di có vẻ chẳng thiết tha tận dụng cơ hội chiến thắng nhưng lại bất ngờ rút khỏi Liegnitz ngay trong đêm đó.
Mọi người vui mừng nói với nhau: “Bọn chúng đã triệt thoái về Á châu rồi. Những lời nguyện xin của nữ công tước đã được Chúa đoái nghe!”
Những người khác thêm vào: “Đúng thế, con trai bà ấy quả thực là một vị tử đạo, ông đã hy sinh tính mạng để cứu chúng ta.”
Không có một cách giải thích nào khác về việc quân Mông Cổ rút khỏi Silesia và Balan. Tuy nhiên, chẳng mấy ai dám vội vui mừng trước cuộc triệt thoái của quân Mông Cổ, vì chúng nổi tiếng về khả năng hành quân đông đảo vào ban đêm một cách xuất quỷ nhập thần. Thực vậy, chỉ hôm trước họ xâm chiếm, đốt phá một thành phố, hành hạ tù nhân, bắt bớ phụ nữ và trẻ em, cướp bóc gia súc và hoa màu; hôm sau, dường như cả kẻ xâm lăng và người bị trị đều biến mất khỏi mặt đất này.
Có người cho rằng: “Vì quân Mông Cổ có hàng ngàn chiến mã chạy nhanh nhất thế giới, nên họ di chuyển nhanh như chớp.” Người khác lại cho rằng: “Những kẻ này là những con quỷ dưới địa ngục chui lên. Chính tên quỷ Lu-xi-phe đã đào tạo chúng để chúng biết bay qua bóng tối.”
Nói gì thì nói, cuộc triệt thoái toàn bộ, nhanh chóng và bí mật của quân Mông Cổ khỏi vùng Liegnitz vẫn còn là một điều không thể tin nổi suốt nhiều tháng sau đó, nên ở Balan và Silesia người ta vẫn lo là chúng sẽ quay lại. Nhưng rốt cuộc, những lời tiên báo của cha Giaxintô đã được chứng nghiệm.
Ngài nói một cách xác tín rằng: “Thiên Chúa đã ban cho chúng ta nhiều năm được sống trong hoà bình. Này anh em, chúng ta hãy tận dụng thời gian đó để tái lập những thành phố đổ nát này.”
Nhiều năm trong hoà bình ư! Những con người mặt mày nhăn nhó, chậm rãi và sợ hãi nhắc lại câu nói trên vì họ quá rõ ngay trong câu nói ấy đã có sẵn mầm mống của đau thương sắp xảy ra. Bởi vì làm sao tìm thấy được một điều gì đó trường tồn trong cụm từ “nhiều năm” hoà bình?
“Ôi, thưa cha! Cha muốn nói những đau khổ của chúng con vẫn chưa chấm dứt sao? Bọn Mông Cổ sẽ còn quay trở lại phải không thưa cha?”
Cha Giaxintô gật đầu. “Đúng thế, sau khi cha qua đời được hai năm, nghĩa là năm 1259, chúng sẽ trở lại. Nhưng hãy can đảm lên, vì chúng sẽ chẳng bao giờ đủ sức để tấn công như trong trận đánh chiếm thành phố Liegnitz nữa đâu.”
Thế là, công cuộc tái thiết được bắt đầu ở khắp nơi. Người nông dân trở lại những cánh đồng cỏ đã bị đốt cháy, và dần dần niềm hy vọng đã trở lại với vùng đất phía Bắc. Vào cuối năm 1241, cha Giaxintô vô cùng bận rộn với trăm công ngàn việc, vì hầu như không còn một ngôi thánh đường hoặc Tu viện nào của Dòng thoát được cuộc tàn phá. Cracow, Sandomierz, Troppau đều cùng chung số phận.
Cha Giaxintô tự nhủ: “Hẳn Đức Giám mục Stanislao đã nghênh đón hàng trăm bạn tử đạo về trời kể từ khi quân Mông Cổ đặt chân đến. Mỗi ngày chúng ta lại tìm thấy những thi thể khác trong đống đổ nát.”
Đúng vậy, bọn người Mông Cổ đã luôn coi khinh Kitô giáo và vì thế chúng đã gây ra bao đau thương xúc phạm đến mọi nơi thờ phượng. Dĩ nhiên, nhiều bằng chứng đã bị tiêu hủy khi các ngôi thánh đường và các Tu viện bị đốt phá, nhưng nói chung một vài dấu vết về tội ác của bọn ngoại đạo vẫn còn đó – chẳng hạn, bức tượng chịu nạn bị vỡ hàng trăm mảnh, hoặc những bức tượng bị xô khỏi bệ thờ và ném vào hố phân, và ngay cả các tử thi của linh mục và anh em tu huynh bị siết cổ, bị chặt đứt tứ chi và bị thiêu đốt.
Cha Giaxintô thầm nghĩ: “Ôi, lạy Mẹ diễm phúc, bây giờ chúng con lại phải bắt đầu lần nữa từ con số không! Xin ban cho chúng con sức mạnh để tiếp tục công việc một cách kiên cường mặc cho bao khó khăn gian khổ!”
Những khó khăn gian khổ! Có quá nhiều khó khăn gian khổ, và ngay từ đầu vị giảng thuyết nổi tiếng của Cracow biết rằng tự sức mình ngài không bao giờ có thể chịu đựng nổi dù là một gian khổ nhỏ nhất. Nhưng đúng hơn, ngài phải hành xử như một trẻ thơ, phó thác bản thân và công việc vào bàn tay Cha trên Trời. Ở độ tuổi 56 này liệu ngài phải hành động ra sao? Hẳn là con đường mà ngài chọn phải là con đường an toàn nhất để mọi người có được thành công và được sự an tâm mãi mãi.
Mùa hè năm sau là một cơ may cho cha Giaxintô thử nghiệm độ sâu lắng của sự bình an trong tâm hồn ngài khi có tin từ Breslau là cha Ceslao đã qua đời. Vị tu sĩ này đã được nhận phần phúc vào ngày 16 tháng 7, khi đã sống trên cõi đời này được 58 năm.
Người đưa tin kể rằng: “Những ngày tháng của mùa xuân năm ngoái, khi quân Mông Cổ đến tàn phá thành phố Breslau, quả là khủng khiếp đối với người cha đáng kính của chúng con. Kể từ đó sức khoẻ của ngài đã không thể hồi phục lại được.”
Cha Giaxintô gật đầu và khẽ nói: “Hãy kể cho ta mọi chuyện, nhất là những gì đã xảy đến với anh ấy kể từ Tỉnh hội Sandomierz 4 năm trước. Đấy là lần cuối cùng anh em chúng ta được gặp nhau.”
Cố gắng vâng lời, người đưa tin đã kể lại. Cha Ceslao đã làm việc cật lực trong 4 năm qua. Cha giảng dạy, giải tội và làm linh hướng cho nhiều linh hồn. Cha còn chăm sóc người nghèo – vì những người nghèo ở Breslau rất cần được giúp đỡ. Nhiều khi người ta còn nói đến những phép lạ do ngài thực hiện…
“Nhờ lời cầu nguyện của cha Ceslao mà một bé trai bị chết đuối đã tám ngày dưới lòng sông Oder được hồi sinh. Và dĩ nhiên còn có nhiều câu chuyện diệu kỳ khác nữa.”
Cha Giaxintô lắng nghe tưởng chừng như đang trong một giấc mơ. Cha Ceslao đã qua đời rồi! Mà nói đúng hơn đã là một vị thánh trên Thiên Đàng! Thật tuyệt vời!
Cha thì thầm: “Tiếp tục đi! Hãy kể thêm cho ta.”
Vì thế người đưa tin đã kể lại hành động anh dũng của cha Ceslao trong những ngày đen tối khi quân Mông Cổ vây hãm Breslau. Giữa trận chiến, cha đã leo lên các bức tường thành và đứng trước mặt quân lính, hai cánh tay vươn ra trong tư thế cầu nguyện, bất chấp những mũi tên tẩm thuốc độc lao nhanh về phía ngài.
“Ngài đã hiến dâng chính mình để đền tội cho quân Mông Cổ. Khi ngài cầu nguyện, tất cả chúng con đã thấy một ánh sáng kỳ diệu toả sáng chung quanh ngài. Quân Mông Cổ cũng thấy điều đó, và nhiều tên đã hạ vũ khí, không muốn chém giết thêm nữa. Vài ngày sau, chúng tiếp tục tiến đến Liegnitz. Tất nhiên chúng đã gần như phá hủy thành phố Breslau, nhưng hàng ngàn đồng bào chúng con đã thoát nạn nhờ cha Ceslao đã chuẩn bị một nơi trú ẩn an toàn trên vùng đất cao của thành phố. Chắc chắn nhờ có lời cầu nguyện của cha nên quân Mông Cổ chẳng bao giờ có thể tiến đánh nơi chúng con đang ẩn nấp.” Hẳn là, ngay cả khi còn sống, cha Ceslao đã được xem như một vị thánh rồi. Giờ khi ngài đã ra đi, mọi người dân Breslau càng tin chắc điều đó. Cha Giaxintô cũng tin như vậy. Bởi thế, sau khi người báo tin ra về, cha quỳ xuống và nài xin Chúa sai cha Ceslao trợ giúp mình.
“Lạy Chúa, giờ đây cha Ceslao không còn là một người bất toàn nữa, vì linh hồn anh đã đạt tới mức toàn hảo như Ngài đặt định từ muôn thuở. Ôi lạy Chúa, xin ban cho đất nước Balan nhận được những ân phúc mới nhờ lời chuyển cầu tốt lành của anh Ceslao. Chúa quá biết anh yêu mến quê hương này biết bao, và đây là lúc dân tộc này hết sức cần được các ân nhân trên trời trợ giúp…”
Vài tuần sau, cha Giaxintô tin chắc Chúa đã đoái nghe lời mình cầu xin. Chắc chắn giờ đây cha Ceslao đã trở thành một trong các vị thánh bổn mạng đặc biệt của đất nước Balan. Cùng với Đức Giám mục Stanislao, ngài sẽ tận tâm tận lực phù trợ cho quê hương mến yêu của ngài được ấm no hạnh phúc. Mặc dù vui mừng về điều này, nhưng tâm hồn cha Giaxintô còn nặng trĩu một nỗi niềm khác. Cha Ceslao Odrowatz một khi đã hoàn tất sứ vụ ở trần gian, nay được người dân Balan tôn kính, vì Chúa Quan Phòng ban cho nhiều phép lạ xảy ra tại mộ phần của cha tại Breslau. Nhưng liệu điều này có là lý do để cha Giaxintô cũng được coi như là một vị thánh có ơn làm phép lạ hay không? Liệu mọi người có phải tuôn đến với cha xin cha chữa lành bệnh tật cho họ như thời điểm khi ngài còn đang trông coi việc tái thiết Tu viện Chúa Ba Ngôi tại Cracow?
Ngài khuyên nhủ: “Này các con, hãy dành ra năm phút thôi để cầu nguyện thiết tha trước Thánh Thể, điều đó sẽ giúp ích cho các con hơn nhiều so với những lời cầu nguyện nghèo nàn của cha.”
Người dân Cracow cung kính lắng nghe lời cha Giaxintô khuyên nhủ, nhưng vẫn thiết tha van xin cha cứu giúp khiến ngài động lòng trắc ẩn và đưa tay chạm vào các bệnh nhân để cầu nguyện như ý họ xin. Chẳng bao lâu sau, đức tin của đồng bào ngài đã được ban thưởng: ngày này qua ngày khác trên các đường phố vang lên những tiếng hò reo vui sướng khi kẻ què đi được, người mù thấy được, người điếc nghe được và người câm nói được.
Ở đâu người ta cũng tung hô: “Trên khắp đất nước Balan, cha Giaxintô là người vĩ đại nhất. Thiên Chúa đã ban cho cha ơn làm được bất cứ điều gì người ta kêu cầu ngài!”
Vào ngày 27 tháng 9 năm 1243, một người mẹ trẻ, mặt nhợt nhạt tìm đến Tu viện Chúa Ba Ngôi. Đó là bà Vitoslava đang bồng hai đứa con sinh đôi trên tay. Bà cầu xin thầy giữ cổng: “Làm ơn cho con gặp cha Giaxintô, con… con muốn cầu xin ngài một ơn lành.”
Thầy mỉm cười. “Chị quên mất hôm nay là ngày lễ tôn vinh Đức Giám mục Stanislao tại nhà thờ Chính toà ư? Sáng nay, cha Giaxintô đã tới đó giảng rồi.”
Bà Vitoslava dường như không hiểu những gì thầy giữ cổng vừa nói. Bà vừa vén khăn che mặt hai đứa con vừa khẽ nói: “Này, thầy hãy nhìn hai đứa bé xem!”
Vị tu huynh tiến lại, rồi giật lùi hoảng hốt, và thốt lên: “Ôi, chúng bị mù à! Tội nghiệp cho những đứa nhỏ quá!”
“Bị mù ư? Thầy muốn nói là chúng sinh ra đã không có mắt chứ gì!” Người mẹ đó cố nén cơn giận, run rẩy, bà che tấm khăn lại. “Ôi, con không thể chịu nổi điều này!”
Lòng thầy tu huynh nhói đau. Thật bi thương! Thật đau đớn! Nhưng thầy cố gắng kềm chế cảm xúc của mình, rồi chỉ tay về phía nhà thờ chính toà.
Thầy an ủi bà: “Cha Giaxintô đã làm hàng trăm phép lạ. Nếu giờ chị đến gặp cha, chắc chắn ngài cũng sẽ giúp chị. Chỉ cần chị nhớ một điều.”
Nước mắt dàn dụa trên khuôn mặt bà Vitoslava khi bà bế hai đứa con của mình trên tay. Bà thổn thức: “Thưa thầy, điều gì ạ?”
Giọng thầy tu huynh trở nên nghiêm nghị: “Chị nhớ cậy vào danh của Đức Giám mục Stanislao mà cầu xin điều chị mong muốn, để nhờ đó ngài sớm được tuyên thánh. Và rồi cha Giaxintô sẽ tha thiết khẩn cầu Thiên Chúa chấp nhận điều cha khẩn nài, cho dù điều đó có khó khăn đến đâu chăng nữa!”
***
“GIỮA TRẬN CHIẾN, CHA CESLAO ĐÃ LEO LÊN
CÁC BỨC TƯỜNG THÀNH…”