Tam Nhật Thánh 2023 – “Ngài đã yêu họ đến cùng”
Giuse Nguyễn Hoàng Nhật
Lời dẫn
Tam Nhật Phục Sinh (hay Tam Nhật Thánh) là ba ngày mà Giáo Hội kính trọng thể Mầu Nhiệm Vượt Qua gồm: Cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô – vừa là sự giao thoa của Mùa Chay với Mùa Phục Sinh, vừa là dịp nhắc nhớ Mầu Nhiệm vĩ đại nhất trong công trình cứu chuộc nhân loại của Đức Kitô. Cùng Chúa Giêsu tại bữa tiệc sau cùng đến ngôi mộ trống, các Thỉnh Sinh Đa Minh cũng được mời gọi chuẩn bị tâm hồn sốt sắng nhất để cùng “vượt qua” với Ngài trước những thử thách của đời Dâng Hiến.
Khởi đi từ bữa tiệc ly – “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau”
Nếu trong sứ điệp Truyền Tin, Đức Mẹ đã tuyên xưng với Sứ Thần Gabriel rằng Mẹ là nữ tỳ của Chúa và sẵn lòng làm mọi việc theo lời Sứ thần truyền; thì Chúa Giêsu -Con Mẹ cũng sở hữu đức tính khiêm nhường ấy khi Ngài cúi xuống rửa chân cho các Tông Đồ, một việc vốn thuộc về những người đầy tớ, người bề dưới. Có lẽ Mẹ Maria là một hình mẫu giáo dục chuẩn mực, vì Mẹ không chỉ thực hành đức vâng phục và khiêm nhu đơn sơ ấy nơi bản thân, nhưng còn hướng dẫn cho Người Con Chí Thánh của Mẹ. Để hôm nay, nhân loại được chiêm ngưỡng một hình ảnh vô cùng “lạ lẫm” nhưng lại cao cả như vậy nơi Chúa Giêsu. Nhìn về Mẹ, ta thấy sự tinh tuyền nơi các thụ tạo của Thiên Chúa; nhìn lên Đức Giêsu, ta thấy sự vâng phục trọn hảo của Đức Mẹ.
Trong bài giảng lễ chiều của Cha Bề Trên tu viện, Chúa Giêsu đã để lại 3 “di sản” trong bữa tiệc sau cùng ấy: thiên chức Linh mục thừa tác, giới luật yêu thương và Bí tích Thánh Thể để ở lại mãi với thế nhân. Tuy có 3 ý tưởng nhưng vẫn chỉ là 1 thực tại-thực tại mà Chúa Giêsu hiện diện và được diễn tả qua 3 phương diện khác nhau. Diễn giải sâu hơn, Cha nhấn mạnh về sự khiêm nhường nơi Ngôi Hai Thiên Chúa dù rằng không có từ “khiêm nhường” nào xuất hiện trong bài Tin Mừng. Người phục vụ với sự khiêm tốn của mình vui lòng đón nhận tất cả, hy sinh tất cả
Một thử thách cũng như ý nghĩa cao cả hơn của sự khiêm tốn đó chính là can đảm chấp nhận sự phản nghịch. Theo Cha Bề Trên: bao lau chúng ta chưa thể chấp nhận những người xung quanh có thể chống đối, bài xích, chê bai hoặc thậm chí kết án ta; thì bấy lâu ta chưa thể sống khiêm tốn được. Vậy nên, Chúa Giêsu chính là mẫu gương hoàn hảo của sự khiêm tốn khi Ngài biết rõ rằng Giu-đa Ít-ca-ri-ốt sẽ nộp Ngài, còn mười một Tông Đồ kia thì bỏ rơi Ngài trong giây phút cô đơn nhất; nhưng Ngài vẫn sẵn lòng đón nhận và can đảm chịu đựng tất cả. Vì thế, bằng nghĩa cử cúi xuống rửa chân cho các Tông Đồ, Người đã dạy chúng ta phải biết khiêm nhu phục vụ anh em mình, phục vụ với cả sự dịu dàng chân thành.
“Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”(Ga 13,15)
Kết thúc bài giảng, Cha chủ tế đã cử hành nghi thức rửa chân cho 12 anh em Thỉnh Sinh để diễn tả lại hình ảnh Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly. Anh em vui mừng vì được đón nhận vinh dự cao cả ấy, đồng thời, có lẽ trong mỗi người cũng cùng cảm nhận với Thánh Phê-rô về sự bất xứng của phận người: “Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. (Ga 13,6)
Chầu Thánh Thể – “Anh không thức nổi với Thầy một giờ sao?”
Sau Thánh lễ tiệc ly, các Cha cùng anh em Thỉnh Sinh cử hành nghi thức kiệu Mình Thánh Chúa sang Nhà tạm phụ để Chầu Thánh Thể. Có thể nói, đây là dịp thuận tiện để các anh em dành những giây phút quý báu thinh lặng bên Chúa sau những ngày bận rộn. Ở bên Chúa, các Cha cùng anh em ca nguyện trong giờ Chầu đầu tiên và phân chia nhau canh đêm cùng Chúa những giờ tiếp theo. Quả thật, những giây phút thinh lặng ấy được ở cùng Chúa như những khoảnh khắc quý giá mà mỗi người có được. Mỗi anh em cảm nhận Chúa đang hiện diện ngay bên, được nghe Chúa thủ thỉ và “chạm” vào tâm hồn đang còn nhiều lo âu lẫn mệt mỏi. Ở đó, khi đắm chìm vào lời cầu nguyện, mỗi người như được sống cùng Chúa trong Vườn Cây Dầu ngày xưa khi anh em thấy Chúa đang xao xuyến thế nào, buồn tủi thế nào và đơn côi thế nào khi con người ngày nay vẫn đang vô tình đóng đinh Chúa bằng sự bê tha, sự thờ ơ và cả sự lạnh nhạt của mình.
Tuy nhiên, vì mang trong mình sự yếu đuối của con người, gần một giờ với Chúa trong khung cảnh tĩnh lặng của trời đêm ấy cũng khiến đôi mắt của anh em trĩu nặng và chìm vào cơn ngủ. Mỗi giây phút trôi qua tưởng chừng như dài đằng đẵng không thấy hồi kết. Từ đó, ta cảm nhận sâu sắc hơn sự yếu đuối của con người nơi các Tông Đồ xưa tại khu vườn này. Chắc hẳn các ông đã yêu Chúa nhiều, song “tinh thần thì hăng hái”, còn “thể xác thì lại yếu đuối”.
Đến ngày Chúa Con chịu khổ hình
Qua Mầu Nhiệm Tử Nạn của Đức Ki-tô trên thập giá, chúng ta được chiêm ngắm tình yêu thiêng liêng vĩnh cửu bao trùm toàn bộ nhân loại của Ngài và lời mời gọi yêu thương nhau dưới quyền năng của Chúa Thánh Thần. Quả vậy, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” và Người Con ấy với tất cả sự vâng phục của mình đã để cho nhân loại treo mình lên thập giá cách nhục nhã và đớn đau làm giá chuộc muôn người.
Là Thiên Chúa, nhưng khi mang thân phận con người thì Chúa Giêsu vẫn cảm thấy sợ hãi khi đứng trước cái chết. Vậy nên, nhìn lên Thánh giá Chúa, chúng ta cũng được mời gọi kết hiệp với Ngài khi gặp những thách thức chông gai của cuộc đời. Khi cô đơn cùng cực ta chiêm nghiệm sự buồn tủi của Chúa, khi vấp ngã ta cảm nhận được nỗi đau khi Chúa vác Thánh giá, và khi bị người đời lên án chống đối ta lại cảm thấy Chúa đã phải chịu đau thương thế nào khi những người vừa cầm nhành lá tung hô Chúa ngày hôm qua nhưng nay đã quay sang tố cáo Ngài.
Ta thấy trong những sự kiện trong đại của Chúa Giêsu đều có sự xuất hiện của Chúa Cha (biến cố chịu phép rửa, biến cố biến hình), nhưng lần này khi con Chúa chịu đau khổ và cô đơn nhất thì lại không thấy Chúa Cha đâu. Phải chăng Ngài lãng quên Chúa Giêsu như chính lời Chúa Con thốt lên trong giây phút hấp hối ấy: ”Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sai Ngài bỏ rơi con?” (Mc 14,34). Nếu hình ảnh người mẹ thường được khắc họa luôn bên cạnh vỗ về ủi an con thì người cha thường ngược lại. Người đàn ông ấy quan sát con mình từ xa, để con mình tự tương tác với thế giới bên ngoài và sẽ biết thời điểm phù hợp để đến bên cạnh con mình. Có lẽ Chúa Cha cũng thế, Ngài không trực tiếp xuất hiện trong giây phút Chúa Giêsu hấp hối, nhưng lặng lẽ quan sát, đón nhận nỗi đau cùng Người Con Chí Thánh và cùng chung nỗi đau ấy với Người.
Hiệp cùng Hội Thánh toàn cầu trong ngày Chay Thánh, Thỉnh viện Đa Minh giữ cho mình những khoảng lặng trong ngày để mọi người có thêm không khí lẫn thời gian để chiêm nghiệm Mầu Nhiệm Thương Khó. Mỗi anh em cũng tranh thủ thời gian để chầu Chúa nơi bàn thờ phụ hầu kín múc cho mình những cảm nghiệm thiêng liêng nhất nơi bước đầu của đời tu.
Chiều cùng ngày, các Cha và anh em cử hành nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó Đức Giêsu với sự chủ trì của Cha Gioan Baotixita. Trong bầu khí linh thiêng của ngày Chay Thánh, từng anh em lại cóp nhặt thêm cho mình những tâm tình riêng mà có thể chỉ đến một lần trong đời. Đó có thể là sự cảm mến sâu sắc nơi lòng thương xót Chúa, đó là sự ăn năn hối lỗi vì những thiếu sót đã từng mắc phải trong quá khứ, đó là sự tự vấn lương tâm rằng tại sao Chúa chọn cách cứu chuộc đau đớn như thế trong khi Ngài hoàn toàn có thể làm đơn giản nhẹ nhàng hơn, và đó còn là sự cảm thông với các anh em khác vì thấy được lòng Chúa bao dung thế nào.
“Thế là đã hoàn tất”
Trước 15h của ngày thứ bảy, sự tĩnh lặng bao trùm không gian của cả vũ hoàn. Không gian ấy vừa có chút bi thương ảm đạm của một tổ chức tôn giáo khi mất đi người lãnh tụ; nhưng cũng cho các tín đồ hiểu ra rằng Thiên Chúa tối cao của họ không phải là một vị Thần Thánh nào xa vời. Ngài mặc lấy thân phận con người, xuống thế sống cùng con người, rao truyền lời cho con người, và rồi chịu chết bởi tay những người đã được Ngài truyền giảng. Vậy, Chúa đã nên gương hy sinh cao cả, thì ta cũng được mời gọi để dám đón nhận những thiệt thòi hầu sinh lợi cho muôn người.
Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngày thứ bảy tuần Thánh là “ngày thinh lặng bên mồ Chúa – kêu gọi chúng ta không chỉ hiệp nhất với tất cả những ai đang cô đơn và bị bỏ rơi, mà còn nhắc nhớ mỗi người biết tin tưởng vào tình yêu kiên trung của Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết.”
Và – “Người đã trỗi dậy như Người đã nói”
Tối cùng ngày, khi màn đêm đã rũ xuống trên địa cầu, các Cha cùng anh em Thỉnh Sinh cử hành Thánh lễ vọng Phục Sinh-mừng ngày con Chúa trỗi dậy từ cõi chết. Qua nghi thức làm phép nến, mỗi anh em được “truyền lửa” từ cây nến ấy tới từng cây nến nhỏ trên tay. Ngọn lửa từ nến Phục Sinh có lẽ không chỉ lan tới những cây nến nhỏ hơn hầu xua đi màn đêm u tối, mà còn thắp lên trong lòng mỗi anh em một tinh thần mới sau những ngày Chay Thánh nhiều thử thách.
Quả thật, khi Đức Giêsu chưa Phục Sinh thì sự ác vẫn còn thống trị, và nhân loại chìm ngập trong sự chết. Nhưng khi Ngài đã trỗi dậy thì bóng tối sự dữ bị đẩy lui và nhân loại chia sẻ cùng nhau sức sống đầy tràn của Chúa Phục Sinh. Sự chết có thể sẽ chiến thăng trong những giây phút đầu tiên, nhưng tới sau cùng, sự sống sẽ luôn chiến thắng và chiến thắng rực rỡ. Nhờ đó ta vững lòng tin rằng trước những cám dỗ của cuộc đời, đôi khi ta thấy chùn bước và kém lòng tin nơi Chúa, nhưng khi đã phó dâng mọi sự cho Ngài thì chắc chắn sẽ Ngài dìu dắt ta qua những chông gai ấy. Bởi lẽ như Thánh Phao-lô Tông Đồ đã viết: ”Nếu Đức Ki-tô đã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và Đức Tin của anh em cũng trống rỗng.”
Sau Thánh lễ vọng Phục Sinh, quý Cha, quý Thầy và toàn thể anh em cùng chúc mừng nhau với những cái bắt tay, cái ôm và chụp hình lưu niệm. Niềm vui giản dị nhưng để lại trong lòng anh em sự hân hoan khó tả khi 2 năm trước đó là 2 dịp lễ không được đủ đầy do dịch bệnh. Hôm nay khi mọi sự đã bình ổn trở lại, Thánh lễ trở nên sốt sắng hơn và mọi người cũng hòa chung niềm vui với Hội Thánh toàn cầu trọn vẹn hơn.
Tạm kết
“Tam Nhật Vượt Qua là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho chúng ta thấy được tình yêu và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa” (Đức Thánh Cha Phanxicô). Thật vậy, Tam Nhật Thánh là 3 ngày diễn tả đầy đủ tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa và sự hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa trên trần gian. Chính Chúa Giêsu đã sống kiếp con người, chịu khổ hình, đã chết đi và sống lại để mời gọi mỗi anh em Thỉnh sinh nói riêng và người sống Ơn gọi nói chung biết hiến mình cách triệt để vì tha nhân. Bởi chưng, “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt khác” (Ga 12,24).
Chúa Phục Sinh đem lại ánh sáng huy hoàng, đẩy lui bóng tối của sự dữ. Ánh sáng ấy đem lại niềm vui đích thực từ cõi lòng mỗi người, vui mừng vì Chúa đã sống lại như chính lời Ngài nói, và mừng vui vì Chúa hứa sẽ trở lại trong vinh quang. Ước mong mỗi người cũng sống trọn niềm vui Phục Sinh như chị Maria Mác-đa-la vì đã được gặp Chúa khi Ngài sống lại, được Ngài ủi ai khích lệ và rồi hân hoan ra đi rao truyền niềm vui ấy đến cho mọi người.