Phân biệt Dòng Hoạt động và Dòng Chiêm niệm – Dòng Kín

29-04-2024
Bởi: Thỉnh Viện Đa Minh Có: 0 bình luận 240 lượt xem

Ngày nay, khi nhắc đến đời sống tu trì, chúng ta thường nghĩ ngay tới hai trường phái tu trì đó là Tu Triều và Tu Dòng. Hình thức tu triều được biết đến là các linh mục thuộc các giáo phận. Các ngài phục vụ trong một địa hạt nhất định (thông thường là tại các giáo phận). Tu dòng thì đa dạng hơn về các hình thức tu trì, cũng như hoạt động mục vụ. Các dòng tu thường được biết đến với hai hướng linh đạo: Dòng Hoạt Động hoặc Dòng Chiêm Niệm (một số dòng được gọi là Dòng Kín bởi nếp sống trong một đan viện). Các văn kiện Tòa thánh sau Công Đồng Vatican II nhấn mạnh rằng, tất cả các Dòng tu đều mang chiều kích chiêm niệm và chiều kích tông đồ, với những cấp độ khác nhau. Dù sao, không nên đồng hóa Dòng “chiêm niệm” với Dòng “kín”.  Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về hai hình thức tu dòng đó.

Tầm nguyên hạn từ

Bộ giáo luật 1917 phân chia các dòng tu thanh hai loại chính: ordo và congregatio (Canon 488). Ordo thì có lời “khấn trọng” (vota solemnia), còn congregatio chỉ có lời “khấn đơn” (vota simplicia). Đó là nền tảng cho sự phân biệt giữa “Dòng” và “Hội dòng” khi dịch sang tiếng Việt. Tuy nhiên trong lịch sử, danh từ Ordo không chỉ có nghĩa là “dòng tu” mà thôi. Vào các thế kỷ đầu trong lịch sử Giáo hội, Ordo có nghĩa là một đoàn ngũ, chẳng hạn như ordo virginum, ordo viduarum ordo monachorum, cũng tương tự như ngày nay trong dân luật, các bác sĩ, luật sư, ký giả cũng hợp thành ordo (Pháp: ordre; Anh: order).[1]

Dòng chiêm niệm – dòng kín

Nguồn gốc

Vào khoảng thế kỷ thứ IV, trong Giáo hội xuất hiện những vị ẩn sĩ, khởi từ ước vọng sống hoàn thiện, đã rút lui vào những nơi cô tịch để sống đời sống cầu nguyện và làm việc trong nếp sống ẩn dật. Đây có thể coi như một cuộc mạo hiểm trong hành trình đức tin, vì vị ẩn sĩ này lên đường mà không đoán được tương lai sẽ thế nào. Nhưng thực tế theo năm tháng, số lượng ẩn sĩ gia tăng, và nhu cầu trao đổi chia sẻ kinh nghiệm đời tu cũng như kinh nghiệm đức tin đã kết nối các ngài thành những nhóm ẩn sĩ, thông thường là quy tụ quanh một vị ẩn sĩ nổi tiếng. Không lâu sau đó, khoảng thế kỷ thứ V, cả bên Tây phương lẫn Đông phương xuất hiện các cộng đoàn đan sĩ, mà nếp sống của họ được chỉ dẫn bởi Luật sống đời đan tu; chúng ta có thể kể đến hai Luật Dòng bên Đông phương: bộ luật Dòng đan tu của thánh Pacômio và bộ luật đan tu của thánh Basiliô. Bên Tây phương, được biết đến nhiều là hai bộ luật Dòng đan tu của thánh Biển Đức và thánh Augustinô.

Với thánh Biển Đức, đời tu chuyển sang một giai đoạn mới. Các đan viện Biển Đức được coi là một nếp sống huynh đệ tuyệt vời, với nền tảng căn bản là sống tinh thần của Đức Ái theo Tin Mừng. Bằng lời khấn “vĩnh cư”, người đan sĩ chọn đan viện làm quê hương, trong đó mỗi đan sĩ gắn bó với nhau và với cộng đoàn đan viện suốt đời. Trong lịch sử Linh Đạo thánh Biển Đức, hai cuộc cải tổ, Cluny (910) và Xitô (1098), tạo nên những nếp sống đan tu với những hình thức phong phú, trong đó diễn tả thao thức canh tân của các đan sĩ theo dòng chảy của thời gian và xã hội cùng thế giới xung quanh.

Ngoài linh đạo theo thánh Biển Đức như được đề cập đến trên đây, chúng ta cũng có thể kể thêm một số linh đạo đan tu khác: Cát-minh, prê-mon-trê, nữ đan sĩ Dòng thánh Đa Minh (trước đây còn được gọi là dòng Nhì của Dòng Đaminh).

Nếp sống đan tu

Các dòng hoàn toàn sống đời chiêm niệm, gồm cả nam và nữ đan sĩ, vừa là dấu chỉ về một nếp sống cầu nguyện chiêm niệm, vừa là nơi kín múc đời sống ân sủng của Thiên Chúa cho Giáo hội. Nhờ nếp sống và ơn gọi đan tu, các đan sĩ bắt chước Đức Ki-tô trong đời sống cầu nguyện; các đan sĩ làm chứng về sức mạnh của ơn thiêng trong nếp sống ẩn dật, đối lại với sự ồn ào của một thế giới vốn hướng ngoại và ồn ào.

Trong cô tịch và thinh lặng, bằng việc lắng nghe Lời Thiên Chúa, cử hành phụng vụ, khổ chế cá nhân, kinh nguyện, hãm mình và hiệp thông vào tình huynh đệ, các đan sĩ hướng toàn thể đời sống và sinh hoạt của đời đan tu vào chiêm ngắm các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Các ngài cống hiến cho Giáo chứng tá độc đáo về tình yêu dành cho Chúa, góp phần vào sứ vụ tông đồ và sự tăng trưởng của Dân Thiên Chúa. (Tông huấn Đời sống thánh hiến, số 8).

Dòng hoạt động

Nguồn gốc

Vào khoảng thế kỷ XII, xã hội Châu Âu có những biến động mạnh với sự xuất hiện của những thành thị phồn thịnh và các trường đại học. Giáo hội thời bấy giờ cần những người dấn thân vào xã hội để rao giảng Tin Mừng. Cũng chính trong bối cảnh phát triển của xã hội, Giáo hội cũng có những biến chuyển đáng kể, một số dòng tu theo hướng linh đạo canh tân xuất hiện. Thực tế cho thấy, một số dòng xuất hiện vào thời này đáp ứng được nhu cầu của Giáo hội là canh tân nếp sống và trở về nguồn mạch của Tin Mừng: Một số dòng hành khất đã xuất hiện: Dòng Phanxicô (1209), Dòng Đaminh (1216), Dòng Cát Minh và Ẩn sĩ Augustino.

Bước vào thời Phục Hưng, Giáo hội phải đối diện với nhiều vấn đề mới và đa dạng hơn; đồng thời cánh đồng truyền giáo cũng được mở rộng. Một số dòng khác xuất hiện: Dòng Tên Chúa Giê-su (1534), Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa (1572), Dòng Sư Huynh Lasan (1680), Dòng Chúa Cứu Thể (1732), Dòng thánh Vinh Sơn (1833), Dòng Thánh Thể (1856), Dòng Don Bosco (1869), Dòng Nữ Salêdiêng (1872) … xuất hiện, đáp ứng nhu cầu của Giáo hội trong thế giới. Các dòng tu mới này hướng đến việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân qua hoạt động tông đồ của mình; và như vậy, luật Dòng cũng được thay đổi cho phù hợp với nếp sống tông đồ: bác ái, giáo dục. [2]

Nếp sống tu trì

Vô số người đã từ bỏ thế gian, hiến mình cho Thiên Chúa bằng việc công khai tuyên khấn các lời khuyên Tin Mừng theo một đoàn sủng chuyên biệt và một hình thức sống chung bền vững, nhằm thực hiện những hoạt động tông đồ khác nhau phục vụ Dân Thiên Chúa. Đây là một chứng tá đa dạng tuyệt diệu, phản ánh các ân sủng khác nhau được Thiên Chúa ban cho các đấng sáng lập. Do biết mở lòng đón tác động của Chúa Thánh Thần, các vị đã biết minh giải các “dấu chỉ của thời đại” và đáp trả sáng suốt những đòi hỏi của thời đại. (Tông huấn Vita Consecrata, số 9) [3].

Tổng quan

Đôi nét phác hoạ trên đây chỉ với một ý tưởng khiêm tốn là giới thiệu và phân biệt hai dạng thức sống tu trì trong Giáo hội: đời đan tu chiêm niệm và đời tu hoạt động. Dù đặt nặng chiều kích nào trong nếp sống và linh đạo đời tu, thì hai yếu tố chiêm niệm cầu nguyện và hoạt động tông đồ đều được Giáo hội nhấn mạnh cho cả hai cách sống. Điều quan tâm chính là đặt nặng yếu tố nào trong linh đạo của dòng. Lý do chính yếu và nền tảng của linh đạo Ki-tô giáo chính là: cầu nguyện là hồn và sức sống của mọi hoạt động tông đồ.

Cách riêng, Linh Đạo Đaminh mang cả hai chiều kích này: chiêm niệm và giảng thuyết. Mà theo cách nhìn của thánh Đa Minh, Tổ Phụ của Dòng, thì cả hai yếu tố này cân bằng nhau: Chiêm niệm mang lại nguồn mạch và sức sống cho giảng thuyết, bằng chính nếp sống trong cộng đoàn Đa Minh (phụng vụ, cung nguyện, cầu nguyện và chiêm niệm, học hỏi nghiên cứu thánh khoa, nếp sống huynh đệ trong cộng đoàn, và kể cả đời sống kỷ luật tu trì cũng giúp người tu sĩ sống Tin Mừng ngay trong đời sống cộng đoàn); chính nếp sống chiêm niệm này sẽ tạo sức mạnh cho việc giảng thuyết. Cũng vì lẽ đó mà thánh Tôma Aquinô đã từng nói: người tu sĩ Đaminh lên đường giảng thuyết vì nhu cầu ơn cứu độ của tha nhân, khi sứ vụ này hoàn tất, họ trở lại với cộng đoàn nơi đó họ tiếp tục kín múc nguồn mạch cho sứ vụ giảng thuyết tiếp theo. Đó cũng chính là tinh thần chiêm niệm và trao cho người khác hoa trái của chiêm niệm.

Tài liệu tham khảo

[1] Lm. Phan Tấn Thành, O.Phttps://catechesis.net/lich-su-cac-hinh-thuc-tu-tri-chuong-muoi/

[2] Lm. Phanxico Đào Trung Hiệu, O.P. Đôi nét giới thiệu các dòng tu: https://tgpsaigon.net/bai-viet/doi-net-gioi-thieu-cac-dong-tu-43155

[3] Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến) của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1996).Phêrô Lê Văn Cao

Phêrô Lê Văn Cao

Từ khóa: , , , , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com