Ơn Gọi Của Mátthêu

24-02-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 3453 lượt xem

“Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc,
người đau ốm mới cần.
Tôi không đến để kêu gọi người công chính,
mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2,17)

Giuse Nguyễn Thái Hậu

Tôi là Mátthêu, vị Tông đồ của Đức Giêsu. Trong tất cả các môn đệ – đặc biệt mười hai anh em tông đồ chúng tôi – mọi người vẫn gọi em Gioan là người môn đệ đặc biệt, bởi vì em Gioan được Thầy thương mến hơn cả, có lẽ là do em út trong nhóm. Ngoài Gioan, tôi cũng nhận thấy mình cũng là một trong những người môn đệ đặc biệt, tất nhiên điểm đặc biệt của tôi khác với Gioan, đó là ở việc đáp trả lời mời gọi “hãy theo Tôi” của thầy Giêsu và phục vụ Người.

Mọi người thường gọi tôi là Mátthêu, nhưng tôi còn biết đến với tên gọi “Lêvi” “Mátthêu Lêvi” hay “người thu thuế”. Mátthêu trong tiếng Do Thái là “mattai”, nghĩa là “ân huệ của Thiên Chúa”[1]. Khác hoàn toàn với mười một anh em thân tín khác, tôi vốn xuất thân là một người làm nghề thu thuế – một nghề nghiệp không được coi trọng lúc bấy giờ. Người anh em Máccô viết “… Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó” (Mc 2, 14), điều này làm cho nhiều người lầm tưởng tôi là anh của tông đồ Giacôbê hậu, cũng là con ông Anphê (x.Mc 3, 13-19). Tuy nhiên, điều này tôi xin xác thực là không đúng, chỉ là do trùng tên[2]. Như Kinh Thánh có viết, tôi nguyên quán ở Caphácnaum, và gia đình tôi cũng thuộc loại khá giả về của cải lúc bấy giờ. Đó là tất cả những gì về tôi được viết trong Thánh Kinh.

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23). Quả thực, khi nghe lời mời gọi của thầy Giêsu tôi đã bỏ mọi sự từ gia đình, sự nghiệp đến địa vị xã hội mà tôi đang có để theo Người. Việc từ bỏ đó cho thấy tôi đã vâng phục Người như thế nào – triệt để và dứt khoát. Để thấy rõ điều này, mời các bạn hãy quay ngược lại hoàn cảnh của tôi lúc đó. Lúc bấy giờ, như đã nói, tôi làm nghề thu thuế, một công việc ổn định nếu không muốn nói là “cơm dư gạo thừa”. Khác với hầu hết các môn đệ khác trong nhóm mười hai, tôi là người có học thức, giàu có và công việc ổn định hơn cả – so với nghề chài lưới bấp bênh, lênh đênh. Cuộc sống của tôi vốn bình yên và ổn định là thế cho đến một ngày khi tôi đang làm công việc thường nhật của mình thì nghe thấy có tiếng gọi “Anh hãy theo Tôi!”. Không hề có chút lưỡng lự hay băn khoăn, ngay lập tức, tôi bỏ tiền bạc, “đứng dậy mà đi theo Người” (Mt 9,9). Tôi đã dứt khoát khi từ bỏ những thứ hiện tại mà tôi có, những thứ đảm bảo cho cuộc sống của tôi luôn ổn định mà không phải lo nghĩ nhiều. Sau đó, tôi còn mời Đức Giêsu đến dùng bữa tại nhà (x.Mt 9, 10-12; Mc 2, 15-17; Lc 5, 29-32) và cả những người bạn cùng thu thuế cũng như những người thân cận đến chung vui trước khi theo Ngài. Niềm hạnh phúc trong tôi như vỡ òa khi được Người gọi tên vì vậy tôi muốn chia sẻ với mọi người, và tôi cũng không ngần ngại cho mọi người biết tôi sẽ từ bỏ công việc thu thuế mà theo thầy Giêsu.

Hơn thế nữa, trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ, nghề thu thuế là một nghề bị mọi người khinh bỉ và xa lánh vì họ coi những người làm nghề này là những người phản quốc, tiếp tay cho đế quốc để đàn áp dân tộc mình. Thậm chí nghề thu thuế còn bị xếp cùng hạng với các cô gái điếm, là những người tận cùng của xã hội lúc bấy giờ. Trong khi đó, Đức Giêsu được dân chúng coi như một vị ngôn sứ có uy quyền hơn cả những thầy Pharisêu. Tôi đã lấy hết cam đảm và sức mạnh của bản thân để vượt qua những lời nói thị phi và định kiến xã hội. Vì khao khát tìm chân lý, khao khát muốn theo Chúa Giêsu, cho nên tôi đã vượt lên trên tất cả, vượt qua những bàn tán xì xào, vượt qua những lời cay nghiệt và độc địa của dân chúng.

Thầy của chúng tôi có dạy rằng: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy” (Ga 14, 23). Tôi không muốn chỉ giữ cho riêng mình những gì mà Thầy đã dạy mà tôi muốn cho tất cả mọi người đều biết đến. Tôi muốn không chỉ tôi mà cả anh chị em của tôi cũng tuân giữ lời Thầy. Tôi muốn tất cả đều được cứu rỗi. Đây là một trong những lý do mà tôi viết sách Tin Mừng. Hơn thế nữa, trong nhóm mười hai, tôi là người có học thức cao hơn cả vì vậy tôi nghĩ rằng trách nhiệm viết lại cuộc đời của Thầy, lưu truyền gia sản quý báu của Thầy là dành cho tôi. Tôi viết đặc biệt dành cho người Do Thái, vì vậy Tin Mừng của tôi còn được gọi là “Phúc âm Do Thái”. Không chỉ riêng tôi mà ba anh em còn lại (Máccô, Gioan và Luca) cũng viết Sách Thánh dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, những gì được viết ra đều do ý định của Thiên Chúa không phải do ý muốn của người phàm. Tuy nhiên, trong mỗi bản văn thì lại mang đậm văn phong của chính người viết. Tôi mở đầu Tin Mừng của mình bằng bản gia phả của Thầy, cho nên biểu tượng gắn liền với tôi là hình ảnh con người. Ngoài ra, nguồn gốc của hình ảnh này có nguồn gốc từ sách ngôn sứ Êdêkien (x.Ed 1, 5-12) và trong sách Khải Huyền (x.Kh 4, 6-8). Trong sách của tôi, Đức Giêsu được miêu tả rõ ràng, bình dị. Tôi không chú trọng việc miêu tả địa điểm và thời điểm xảy ra mỗi sự kiện. Tôi không viết Tin Mừng ngay sau khi thầy về bên hữu Chúa Cha mà tôi viết vào năm những 70, năm chứng kiến cuộc tàn phá Giêrusalem và sự phân tán của người Do Thái vào thế giới rộng lớn[3]. Bản văn “Phúc âm Do Thái” được viết bằng tiếng Hípri.

Đó mới chỉ là một phần trong sự vâng phục và yêu mến mà tôi dành cho Thầy mình. Giống như các anh em khác, sau khi lãnh nhận Thánh Thần, tôi háo hức và nhiệt thành mang Tin Mừng của Thầy đến với mọi người bằng chính những lời giảng dạy trực tiếp, sinh động và cụ thể. Trong chương cuối cùng, tôi có viết “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19-20). Chính vì vậy mà mỗi người anh em chúng tôi đi loan báo ở các nơi khác nhau và tôi đã chọn cho mình vùng đất Ba Tư, Ả rập, đặc biệt là ở Ethiopie, cùng với anh Batôlômêô. Thật vậy, còn gì hạnh phúc hơn khi được chết như Thầy để làm chứng cho Tin Mừng – tử đạo, tôi đã được hưởng niềm hạnh phúc vô bờ bến đó tại Êthiôpia.

Quả vậy, thông qua câu chuyện cuộc đời của chính tôi, tôi dám quả quyết rằng: Đức Giêsu không xua đuổi bất kỳ ai ra khỏi mối tương quan thân hữu với Người. Ngài luôn đón nhận những ai muốn bước theo và bênh vực những người yếu thế như chính người đã nói “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”[4]. Ân sủng của Thiên Chúa luôn tuôn đổ đến với tội nhân. Ngoài ra, tôi muốn giới thiệu một điều chân thật và đúng đắn nữa nơi bản thân tôi “ngay cả những ai dường như xa rời sự thánh thiện nhất cũng có thể trở nên gương mẫu trong việc mở rộng tâm hồn đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, và những hiệu quả phi thường của ơn Chúa tác động lên đời sống của họ”[5]. Hãy luôn tin tưởng và cậy trông vào Thiên Chúa vì chính Người sẽ ra trợ giúp chúng ta từ bỏ những gì bất xứng trong hành trình theo Chúa.


[1] Đức Giáo Hoàng Bê nê dic tô XVI, Giu-se Phan Tấn Thành, OP.hiệu đính, Martin Nguyễn Huy Phụng, OP-Giuse Nguyễn Trị An, OP.chuyển dịch, Giáo hội các thánh Tông Đồ (Nhà xuất bản văn hóa-văn nghệ, 2018), tr.140.

[2] Otto Hophan, O.F.M.CAP, Chuyển ngữ Ignatius.ANT.M.CMC, Các tông đồ  (Nhà xuất bản tôn giáo, 2014), tr.230.

[3] Otto Hophan, O.F.M.CAP, Chuyển ngữ Ignatius.ANT.M.CMC, Các tông đồ  (Nhà xuất bản tôn giáo, 2014), tr.250.

[4] Mc 2,17

[5] Đức Giáo Hoàng Bê nê dic tô XVI, Giu-se Phan Tấn Thành, OP.hiệu đính, Martin Nguyễn Huy Phụng, OP-Giuse Nguyễn Trị An, OP.chuyển dịch, Giáo hội các thánh Tông Đồ (Nhà xuất bản văn hóa-văn nghệ, 2018), tr.143.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com