GÓP NHẶT YÊU THƯƠNG
Đa Minh Vũ Trần Dương
Dừng lại một khoảnh khắc bên đời, tôi bỗng thấy có những sự tốt lành được dệt nên từ bao điều bé nhỏ. Đại dương mênh mông kết tụ từ muôn giọt nước li ti. Muôn triệu hạt cát nhỏ mịn làm nên sa mạc bao la. Biết bao viên đá kết thành ngọn núi lớn. Bông hoa xinh đẹp dưới ánh nắng vàng buổi sớm mai là hội tụ của từng cánh hoa nho nhỏ. Bức tranh đẹp tuyệt vời là sự kết hợp của mỗi nét chấm phá đầy sắc màu. Bài hát hay là sự hòa điệu của từng nốt nhạc, phím đàn, v.v.. Lặng một chút, ngẫm về lòng nhân ái trong đời: lòng nhân ái được kết tinh từ muôn mảnh yêu thương.
Một chút nhân ái trong đời
Vào tháng 10/2020, trên mạng xã hội Facebook, nhiều người chia sẻ một câu chuyện cảm động: một người đàn ông mặc áo mưa, đi chân đất đã xé thùng mì gói được cứu trợ sau cơn bão lũ để chia cho sáu hộ gia đình khác. Người đàn ông đó đã chia sớt một chút cái ăn, cũng là san sẻ một chút yêu thương để cùng nhau vượt qua cảnh ngặt nghèo. Một chút yêu thương thật ấm lòng biết bao! Trong cảnh huống bão lũ nhấn chìm mọi thứ, tình người vẫn nổi lên và đứng vững.
Một câu chuyện khác “nhỏ xinh” không kém, đó là câu chuyện “Xôi lan tỏa”: Chương trình bán xôi gây quỹ ủng hộ người miền Trung sau cơn bão số 9. Có rất nhiều người tạm gọi là “nghèo” cũng muốn góp chút gì đó giúp đỡ người miền Trung. Họ đơn giản chỉ là những người bán vé số, những người lao công, v.v.. Số lợi nhuận thu được qua chương trình bán xôi được gửi đi cứu trợ, nói thật ra, chẳng thấm vào đâu so với nỗi mất mát to lớn mà người miền Trung phải gánh chịu. Nhưng cái đáng quý ở đây chính là ân tình tín nghĩa. Giá trị của món quà hệ tại tấm lòng nhân.
Gần hơn, đời sống gia đình hẳn nhiên luôn là cộng thể của nhiều yêu thương bé nhỏ. Cha mẹ chăm sóc con cái từ những điều nho nhỏ: quần áo, bữa ăn, giấc ngủ. Người chồng ân cần với vợ mình, bớt đi một điếu thuốc, ly rượu thì đời gia đình thêm hạnh phúc. Người vợ hiền vun vén cho gia đình nhỏ bằng những bữa cơm đậm đà yêu thương. Vợ, chồng, con cái hy sinh một chút, yêu thương thêm một chút, góp nhặt lại trong tình yêu gia đình. Đời sống cộng đoàn Thỉnh viện cũng là nơi dệt nên từ bao yêu thương nho nhỏ. Anh em ân cần hỏi han nhau những khi sức khỏe gặp trái gió trở trời, giúp đỡ nhau trong công việc chung, gửi tặng nhau món quà nhỏ những dịp kỷ niệm sinh nhật hay mừng bổn mạng, v.v..
Nhìn đời, tôi thấy yêu thương tràn ngập. Và tôi chợt nhớ đến những chứng nhân góp nhặt yêu thương trong đời mà tôi biết từ khi còn thơ bé.
2. Chứng nhân góp nhặt yêu thương
Mẹ Têrêsa Calcutta đã dấn thân phục vụ những người nghèo trong khu ổ chuột ở Calcutta, Ấn Độ. Mẹ đã làm điều gì lớn lao? Không. Mẹ chỉ làm những công việc phục vụ bình thường nhất. Mẹ quy tụ một số em nhỏ và dạy học cho chúng. Những người đau bệnh, nhất là những người bị bỏ lại bên đường, mẹ săn sóc một cách tận tình. Những người hấp hối, mẹ giúp họ dọn mình chết lành trong nhân phẩm.
Một chứng nhân thời danh khác là thánh Martinô, vị Tông Đồ Bác Ái. Noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu, thánh Martinô đã dành cả cuộc đời góp nhặt từng chút bác ái và hy sinh. Nhiều kẻ túng thiếu, nghèo đói chạy đến với thầy, thầy ân cần tiếp đón tất cả và quảng đại giúp đỡ họ. Là một thầy thuốc, thầy Martinô tận tình chăm sóc các bệnh nhân, thầy không nề hà hay tỏ dấu mệt mỏi khi gặp gỡ và phục vụ những người đau yếu nào. Nhờ ơn Chúa, nhiều lần thầy đã chữa lành bệnh cho họ cách nhiệm màu.
Noi theo gương Chúa Giêsu, mẹ Têrêsa Calcutta và thánh Martinô đã góp nhặt từng chút yêu thương trong đời mình qua việc phục vụ tha nhân.
3. Giá trị của “chút lòng nhân ái” trước mặt Chúa
Lần giở những trang Kinh Thánh, tôi bắt gặp những tâm hồn quảng đại qua những hành vi bé nhỏ được Thiên Chúa yêu thương, ân thưởng.
Bà góa thành Xarépta đã sẵn lòng trao cho tiên tri Êlia tất cả những gì bà có giữa cơn đại hạn. Bà chỉ còn một nắm bột duy nhất trong hũ để có thể nuôi sống bà và đứa con trai trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, theo bà nghĩ. Câu nói của bà với vị ngôn sứ nói lên tấm lòng chân thành, giản đơn: “Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi.” (1V 17,12). Bà có tấm lòng quảng đại bao la. Bà quảng đại với vị ngôn sứ, người của Thiên Chúa; thì cách nào đó, bà đang quảng đại với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nhìn đến bà và ban cho bà nhiều gấp bội những gì bà đã dâng tặng: “Từ ngày đó hũ bột không cạn và bình dầu không vơi như lời Đức Chúa đã dùng Ê-li-a mà phán” (1V 17,16).
Tin Mừng Máccô kể lại câu chuyện một bà góa đã bỏ hai đồng tiền kẽm vào thùng dâng cúng trong Đền Thờ. Hai đồng tiền này chẳng đáng gì so với phần dâng cúng của những người lắm bạc nhiều tiền. Nhưng dưới cái nhìn của Chúa: không phải là số lượng, mà là ở tấm lòng. Với Chúa, bà góa nghèo đã cho đi nhiều hơn cả: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12,43).
Tôi còn nhớ cậu bé được thánh sử Gioan kể lại trong phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều (x. Ga 6,1-15). Cậu cho đi những gì cậu có, nhỏ thôi, chỉ 5 chiếc bánh và 2 con cá. Người thì đông, lương thực lại quá ít. Tông đồ Anrê đã phải thốt lên: “Bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người” (Ga 6,9). Vậy mà, với Chúa, lòng quảng đại của cậu bé được Người biến thành phép lạ nhiệm màu. Điều kỳ diệu đã xảy ra bởi chính tình thương của Thiên Chúa Toàn Năng và sự cộng tác nhỏ bé, một chút lòng thành của con người.
Trước mặt Chúa, một chút lòng nhân ái cũng có giá trị lớn lao. Giá trị của bác ái hệ tại ở tấm lòng, vì Chúa nói: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 12,7). Thiên Chúa sẽ đáp lại cách bội hậu cho lòng quảng đại của con người, như chính Chúa Giêsu đã nói: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa” (Mc 4,24).
4. “Hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34)
Nhân loại thời nay đang cần lắm những phép màu, bởi lẽ cuộc sống đầy những bất an, trắc trở. Đây đó vẫn còn những cuộc xung đột đẫm máu, đây đó vẫn còn những thái độ phân biệt đối xử giữa người với người, đây đó vẫn còn những phận đời trẻ em mồ côi hay người già bị xã hội quên lãng, v.v.. Gần đây nhất, dịch bệnh COVID-19 làm thế giới chao đảo.
Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là “Chúng ta có thể làm gì cho tha nhân?”. Chúng ta mong chờ điều kỳ diệu, chính chúng ta hãy là điều kỳ diệu. Nhìn lại những câu chuyện lòng nhân ái và những chứng nhân trong đời, thiết nghĩ chúng ta chẳng cần làm ngay một điều gì lớn lao, mà chỉ cần góp nhặt yêu thương từ những hy sinh, bác ái nho nhỏ. Đừng chờ cho đến khi chúng ta có gì để cho đi, bởi lẽ chúng ta luôn có thứ để cho đi, như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Christus Vivit (Đức Kitô Hằng Sống), số 286: “Thiên Chúa đã quyết định rằng các con phải sống cho tha nhân, và Ngài đã ban cho các con nhiều phẩm chất, khuynh hướng, ân ban và đặc sủng không phải cho các con, nhưng để chia sẻ cho anh chị em xung quanh các con”.
Khi chúng ta trao ban cách chân thành bằng cả tấm lòng, cử chỉ yêu thương đó tuy nhỏ nhưng có sức lan tỏa thật mạnh mẽ. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có cảm nhận và viết lên những ca từ trong bài “Để gió cuốn đi”: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi!”
Vâng, một hành động nhân ái nhỏ bé xuất phát từ tâm thành ý thiện sẽ có sức mạnh lan tỏa đến mọi nơi, chiếu sáng vào bóng đêm sự dữ và đem đến niềm hy vọng cho con người.
“Một chút những viên đá nhỏ
hợp thành ngọn núi lớn,
Một chút những bước chân
đi xa về muôn lối,
Một chút những phút ủi an
dịu xoa ngàn nỗi sầu,
Chỉ một chút khởi đầu
tương lai sẽ đẹp màu.”
(Lời bài hát “Một chút” – Sáng tác: Thông Vi Vu)
Ngay lúc này, lời mời gọi của Đức Giêsu đang vang vọng trong hồn tôi: “Anh em hãy yêu thương nhau…” (Ga 13,34).
1 xc. Vũ Phượng (2020). Cảm động chuyện nhận thùng mì cứu trợ, người miền Trung xé ngay chia 6 gia đình, <https://thanhnien.vn/doi-song/cam-dong-chuyen-nhan-thung-mi-cuu-tro-nguoi-mien-trung-xe-ngay-chia-6-gia-dinh-1292068.html>, xem 15/10/2020.
2 xc. Nhật Thịnh – Thanh Chiêu (2020). ‘Xôi lan toả’ hướng về miền Trung, <https://tuoitre.vn/xoi-lan-toa-huong-ve-mien-trung-2020110314045806.htm>, xem 03/11/2020.