Lời Ngỏ
Hơn bốn nghìn năm văn hiến, trải qua biết bao nền văn minh, dải đất hình chữ S của Việt Nam hôm nay thấm đậm biết bao dấu vết của văn hóa và văn minh, triết lý và phong cách sống. Những điều này ít nhiều tác động đến nếp sống và cách suy tư của người dân Việt yêu thương: nào là bản sắc văn hóa và văn minh lúa nước, nào là bản sắc văn hóa Á Đông, nào là triết lý Á Đông đậm tư tưởng của Nho gia, Lão Tử, tư tưởng Phật giáo, đức tin Kitô giáo, … Do đó, cũng không có gì khó hiểu khi thấy người Việt thân thương có cách tư duy và nếp sống mang đậm bản sắc dân tộc.
Và dù cho có sự giao thoa giữa hai nền văn hóa văn minh Đông – Tây, nếp sống văn minh và sức mạnh tinh thần của dân tộc Việt Nam còn ít nhiều in dấu tư tưởng Nho giáo. Ai còn nhớ lời dạy của Đức Khổng hẳn sẽ hiểu rằng nền tảng của mọi nền văn hóa phải là điều xuất phát từ bản chất của con người, của nền giáo dục và bề dày lịch sử của nó:
“Viết nhân nghĩa, lễ trí tín
Thử ngũ thường, bất dung vặn.”
(Rằng nhân nghĩa, lễ trí tín, Ngũ thường đó, chớ rối loạn)1
Đạo lý ngũ thường mấy ai còn nhớ. Nhưng có thể chắc chắn rằng cách sống của người Việt còn mang âm hưởng sắc thái của lẽ sống theo triết lý này. Hôm nay, Thỉnh viện Đa Minh khơi lại lẽ ngũ thường, gói gọn suy tư trong hai điều “Lễ” và “Nghĩa”, mong tìm hiểu, so sánh và đào sâu nét đẹp trong nếp sống của dân tộc mình. Có thể đó là nét đẹp thuần Á, cũng có thể là nét đẹp của một sự giao thoa văn hóa Đông và Tây, tân và cổ. Đặc biệt hơn nữa, những nét chấm phá suy tư này được nhìn dưới góc độ của một niềm tin Công giáo, đặt nền trên Nhân & Nghĩa theo Tin Mừng mà Thầy Giêsu đã dạy.
Trong khuôn khổ ngắn gọn của tập Nội san này, gia đình Thỉnh viện mong muốn gợi lên những suy tư về “Lễ” và “Nghĩa”, được xem như một hành trình tìm cội nguồn văn hóa dân tộc, trong mối liên hệ với đời sống tu trì, đặc biệt là đời tu Đa Minh. Trên hành trình này, ta có thể tìm thấy “Lễ” và “Nghĩa” qua tấm gương của Đức Maria và các thánh: thánh Giuse, thánh nữ Ma- ria Mađalêna, thánh Vinh Sơn Phêriê, Đa Minh Saviô và Carlo Acutis; qua các nhân đức nhân bản Kitô giáo như đức Công bằng và Tiết độ; qua những đặc tính của Dòng như đời sống cộng đoàn (hay nghĩa huynh đệ), lễ nghi phụng tự, việc học hành, đức vâng phục, kỷ luật tu trì, cũng như Kinh Mân Côi,… Để rồi, chúng ta có thể mang “Lễ” và “Nghĩa” vào đời sống thường nhật, qua những việc nhỏ như cẩn ngôn trong đàm thoại, biết lắng nghe và thấu hiểu, nhất là trong xã hội đầy biến chuyển như hiện nay.
Ước mong sao, nhờ ôn cố tri tân, gạn đục khơi trong, chúng ta có thể tìm lại những tinh hoa của lẽ sống Á Đông, đặc biệt là theo góc nhìn của Kitô giáo. Và từ đó, ta có thể hội nhập và khai triển những nét đẹp thuần Việt để tiếp tục hành trình sống tràn đầy và phục vụ tha nhân cách hữu hiệu.
Thỉnh Viện Thánh Gioan Tông Đồ
Ban Biên Tập lưu bút