Giuse Trương Văn Tân
Khi được mời gọi viết bài cho cuốn nội san này với chủ đề “Theo dấu chân Người”, tôi bất giác nhớ ngay tới Vị Thánh Bảo Trợ của mình – có lẽ là do chính thánh Cả thúc đẩy, tôi tin vậy. Tôi quyết định đọc lại Tin Mừng và tìm hiểu “dấu chân Thánh Giuse” với mục đích tái khám phá “hồng ân được đặt tên thánh là Giuse”, rồi nhờ đó mà có thêm tâm tình kính mến và noi gương vị Thánh Bảo Trợ của mình.
Như ai cũng biết, thánh Cả Giuse được nhận làm Đấng Bảo Trợ của Hội Thánh. Điều này cũng dễ hiểu! Thánh Cả Giuse được Thiên Chúa trao phó cho sứ mạng làm cha nuôi, là người coi sóc Đức Giêsu ở nơi dương thế; Trong khi về phương diện thần học, Hội thánh là Thân thể mầu nhiệm Đức Kitô, qua Hội thánh, Đức Giêsu tiếp tục sự hiện diện của Người nơi trần gian. Như thế, dù đã về trời, thánh Cả Giuse vẫn tiếp tục sứ mạng của mình là coi sóc Hội thánh. Chúng ta là con cái của Hội Thánh chắc chắn thánh Cả cũng đang bảo vệ, cầu bầu cho chúng ta.
Thánh Giuse có tên tiếng Anh là Joseph. Cha Isiđôrô Isôlani sống ở cuối thế kỉ XV đầu thế kỉ XVI đã liệt kê sáu nhân đức Thánh nhân dựa theo danh của Ngài trong cuốn Tổng luận về Thánh Giuse (Summa de donis S. Joseph), đó là: justice ( công chính), obedient (vâng lời), sapient (khôn ngoan), experient (kinh nghiệm), patient (nhẫn nhục) và humility (khiêm nhường). Với góc nhìn là một người thỉnh sinh, hai đức tính mà tôi cảm nhận được và cho là cần thiết nhất cho giai đoạn đầu đời ơn gọi của mình – làm quen đời sống tu trì, đời sống cộng đoàn – đó là nhạy bén và kiên định.
Trước hết, Kinh Thánh nói về Thánh Giuse với bốn bước ngoặc lạ lùng trong cuộc đời của Ngài. Đầu tiên, khi biết bà Maria, vợ Ông có thai không phải huyết nhục của mình, nhưng Ông vẫn đón Maria về nhà. Tiếp đến, sau khi bà Maria hạ sinh con trẻ ở miền quê Bêlem thì lập tức thánh Cả đưa hai mẹ con sang Ai Cập – nơi xa xôi, đường đi khó khăn nhiều rủi ro. Thứ ba, một thời gian sau Thánh Giuse lại thay đổi nơi sinh sống, đem vợ con trở về quê hương. Cuối cùng, Thánh nhân đưa vợ con về định cư ở Nadarét, miền Galilê ở miền Bắc thay vì trở về quê cũ ở Giuđê, miền Nam – nơi mà gia đình Ông từ đó sang Ai Cập. Như Tin Mừng thuật lại, trong bốn sự kiện đó Thánh nhân đều được thiên sứ của Thiên Chúa hiện ra báo mộng chỉ dẫn. Kinh Thánh diễn tả khá đơn sơ nhưng tôi cho là không đơn giản như vậy. Các tác giả Tin Mừng còn ngụ ý thánh Cả phải là người có tâm hồn mở ra để nghe và hiểu được tiếng gọi của Chúa, là người rất nhạy bén với tiếng Chúa, nhạy bén với tình hình thực tế để đưa ra quyết định chính xác, kịp thời. Sau khi Đức Maria hạ sinh hài nhi Giêsu, vua Hêrôđê ra lệnh “giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống” (Mt 2,16-17), Thánh Giuse nhận thấy vợ và con mình bị đe dọa nên Ngài quyết định đưa cả nhà đi lánh nạn. Khi gia đình Thánh bên Ai Cập, Kinh Thánh tường thuật là Thánh nhân nhận được “chỉ thị” của Chúa qua giấc mộng “liền trỗi dạy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen”. Tôi cho rằng không đơn giản như vậy! Chắc hẳn từ ngày sang Ai Cập Giuse luôn thăm dò tình hình tại quê hương, lúc đó Ông biết được vua Hêrôđê băng hà và nhận thấy thời điểm quay về đã đến. Việc sứ thần hiện ra báo mộng như để xác nhận sự nhạy bén của thánh Cả là chính xác và cho thấy Thánh nhân là người công chính khi tuân theo những điều Chúa muốn để hoàn tất công trình cứu độ của Người. Đáng lẽ ra khi tính chuyện hồi hương thì đương nhiên Ông phải trở về quê cũ ở miền Giuđê – nơi mà gia đình đã từ đó lánh sang Ai Cập. Nhưng không, Thánh nhân nhạy bén nhận ra rằng tiểu vương Áckhêlao – người kế vị Hêrôđê là tên tàn ác đang cai trị vùng này, điều đó có thể gây hại cho gia đình đặc biệt là Hài Nhi khi về đây sống, nên Ông quyết định lui về miền Galilê. Đó cũng là ý định của Thiên Chúa, Thánh Giuse đã khôn ngoan và nhạy bén nhận ra điều đó.
Trong cuộc sống thường nhật, khi rơi vào những tình huống khó khăn, những lúc ngán ngẩm với nội quy, khi thì va chạm với anh em, v.v., chúng ta được thiên thần báo mộng hướng dẫn cách giải quyết thì hay biết mấy. Nhưng kì thực, Chúa luôn ở bên và “nói” với ta, nhưng chẳng mấy khi ta nhạy bén mà nhận ra, cũng như chưa có đủ tha thiết đón nhận như thánh Cả. Tương quan với anh em trong cộng đoàn cũng vậy, nhạy bén trong phán đoán là đức tính rất quan trọng. Bởi khi nhạy bén, ta thấy mọi chuyện thường đơn giản chứ không phức tạp và nặng nề như ta tưởng. Thiếu nhạy bén nên ta cứ mau nói, mau giải thích làm cho mọi chuyện càng rối ren, và thường chẳng dẫn tới đâu. Trên bàn cơm, ta cứ hay thao thao bất tuyệt mà không nhạy bén nhận ra mọi người đang nhàm chán, ngơ đi. Có khi ta cứ vui vẻ trêu chọc lẫn nhau mà không nhạy bén nhận ra bạn ta đang ngượng cười, khó chịu. Anh em thỉnh sinh đang miệt mài từng ngày trau dồi kiến thức, chuẩn bị hành trang cho tương lai để có thể trở thành một tu sĩ uyên bác. Nhưng tôi thiết nghĩ một người giảng thuyết hiểu biết khi loan truyền chân lý đâu phải lúc nào cũng cần nói nhiều. Hằng ngày, có thể do “bệnh nghề nghiệp” nên thỉnh sinh ta thường ham “giảng” trong những cuộc tranh luận với anh em mà mất đi sự nhạy bén, tỉnh táo để nhận ra rằng đôi khi khiêm nhường lại một điều cao đẹp nhất, khôn ngoan nhất. Đôi khi trong nhiều tình huống, chúng ta thường có xu hướng muốn làm hạt nhân chi phối người khác nên không đủ nhạy bén quan tâm tới đối phương ra sao. Và theo tôi, một trong những nguyên nhân gây cho anh em thỉnh sinh thiếu sự nhạy bén là do chúng ta có quá nhiều bận rộn, quá nhiều lo toan – những thứ có khi do mỗi người tự tạo ra cho mình. Quá nhiều điều phân tâm làm cho chúng ta không đủ nhạy bén để nhận ra tiếng nói của lương tâm, những lời nhắc nhở của anh em, những nhu cầu của anh em mình. Nhạy bén là nhân đức đầu tiên tôi nhận ra và cần noi gương nơi Thánh Nhân.
Thứ đến, thánh Cả là tấm gương ngời sáng về đức tính kiên định. Thật vậy, sau khi Đức Maria sinh hạ Hài nhi Giêsu, để tránh sự truy sát của Hêrôđê, Thánh Giuse quyết định phải tức tốc đưa cả gia đình rời sang Ai Cập. Quãng đường dài từ Bêlem sang Ai Cập khi đó rất nguy hiểm, núi đồi hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, cướp bóc, phương tiện khó khăn, điều kiện vật chất hạn hẹp, v.v., biết bao khó khăn đón chờ phía trước. Nhưng thánh Cả không vì thế mà nao núng, Ngài rất can đảm và kiên quyết thực hiện nhiệm vụ này cho đến cùng vì đó là thánh ý Chúa. Tôi nhận thấy rằng đôi khi bản thân mình là người khá nhạy bén trong việc nhận thức được bản chất của vấn đề nhưng lại thiếu tính kiên định trong hành động. Trong đời sống ơn gọi thánh hiến có nhiều điều ta cần tập luyện, cần vươn tới. Và khó khăn, thử thách là thực tại không thể tránh khỏi. Điều cần thiết để đạt được ước nguyện là có ý chí kiên định, không được từ bỏ. Khi ta cương quyết không đầu hàng thì những thử thách, khó khăn sẽ dần bị khuất phục, nhường lối cho ta. Thật sáo ngữ khi nghe điều đó, bởi ai mà không biết như vậy, nói thì dễ làm mới khó – có thể bạn sẽ nghĩ vậy! Bạn nghĩ đúng lắm! Bởi con người thường có xu hướng dễ dãi với bản thân mình, không muốn bị gò ép trong khuôn khổ, cũng chẳng thích bị áp lực nhưng chính mong muốn này sẽ khiến mỗi người dậm chân tại chỗ mà không tiến lên được.
Có quãng thời gian tôi mong muốn tập cho được tính hiền lành (kìm hãm nóng giận). Tôi đã cố gắng giữ thái độ ôn hòa trong mọi tình huống nhưng dường như mọi nỗ lực đều không hiệu quả. Khi đó, tôi thấy nản chí và cho rằng “bản tính khó đổi” nên đành chấp nhận. Nhưng mặt khác nghĩ tới những Giakêu vì lòng mến mà đã thay đổi hoàn toàn con người của mình nên tôi tự khích lệ bản thân phải cố gắng kiên trì. Và cứ thế, tính nóng nảy của tôi dần được kiểm soát. Nhưng với bản thân, tôi thấy kiên định trong cầu nguyện mới là điều khó khăn nhất. Dù vẫn biết cầu nguyện là “ngọn lửa” sưởi ấm tâm hồn, là “vũ khí” giúp vượt thắng mọi gian nan mà nhiều lúc tôi lại viện cớ này, lý do kia để thoái thác. Điều này nguy hiểm bởi tôi nghĩ rằng: “uốn cây từ thuở còn non”, khi đang giai đoạn đầu đời ơn gọi mà không chú trọng tập thói quen cầu nguyện, sau này rất khó để hình thành một nhân đức. Sau nữa là kiên định trong học tập và kiên định với mục tiêu. Với vấn đề học tập, tôi thấy không quá khó. Nhưng với mục tiêu, có thể hiểu là lý tưởng sống, tôi vẫn lo lắng cho chính mình. Bởi tôi được nghe nhiều lần rằng: khi còn ở giai đoạn đầu, anh em nào cũng đầy nhiệt huyết dấn thân, phục vụ nhưng thời gian sau đó không còn giữ vững được nhiệt huyết của mình. Tôi cũng ấp ủ trong mình một lý tưởng, một mục tiêu để dấn thân theo con đường Cha Đa Minh nhưng liệu tôi có trung kiên được tới cùng.
Đến đây, chắc bạn sẽ khuyên tôi rằng cứ kiên tâm cầu nguyện, “ngày mai cứ để ngày mai lo”, đừng có nghĩ ngợi nhiều. Tôi nghĩ điều này đúng nhưng chưa đủ. Ngoài đời sống thiêng liêng, kiến thức học hành, mỗi anh em chúng ta cần từng ngày vun đắp cho tinh thần dấn thân thêm mạnh mẽ. Nghe có vẻ lớn lao lắm nhưng theo tôi tinh thần dấn thân đơn giản là chu toàn những công việc của mình bằng cả con tim, là không trốn tránh, không ngại ngùng làm bất cứ điều gì được giao, v.v., điều quan trọng nữa là hãy giữ lấy tinh thần khó nghèo – gia sản mà cha Đa Minh trối lại cho anh em. Tinh thần này đôi khi được thể hiện qua việc hạn chế những phụ thuộc không cần thiết trong từng giai đoạn đời tu. Trong giai đoạn Thỉnh sinh, anh em nghĩ rằng việc sử dụng điện thoại, máy tính nối mạng thường xuyên là thực sự cần thiết?
Trên hành trình theo Chúa, không biết thánh Cả có lúc nào đó mệt mỏi, yếu lòng để rồi hồ nghi với những vấn nạn như: Con Thiên Chúa sao lại chẳng có lấy một nơi tử tế để chào đời? Thiên Chúa quyền năng sao lại để Con của Ngài phải trốn chạy như kẻ cướp? Tôi nghĩ ít nhiều cũng có. Nhưng với một tấm lòng sắc son và một trái tim kiên định Ngài không để cho những giây phút yếu lòng đánh gục. Thánh Nhân đã trở thành Người cộng tác đắc lực vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.
Trong nghi thức làm phép tượng ảnh có lời nguyện: “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa không chê bác việc tạc vẽ tượng ảnh các thánh, để mỗi lần con mắt thể xác chiêm ngưỡng ảnh tượng đó, thì chúng con cũng dùng con mắt ký ức để suy niệm các hành vi và đời sống thánh thiện của các ngài mà bắt chước. Chúng con nài xin…”. Ước mong rằng mỗi anh em chúng ta khi nhìn lên thánh bổn mạng của mình đều biết sống theo gương các ngài. Cầu xin thánh Cả dạy cho chúng con luôn biết nhạy bén nhận ra ý Chúa qua các dấu chỉ và kiên định với những điều mà Chúa muốn chúng con thực hiện.
[kkstarratings]