Mục Lục
Edward Sri, Aiming High: How to Grow in Virtue – Chuyển ngữ: Thành Trí
Tôi sợ bắn súng và chưa bao giờ sử dụng nó. Một người bạn đưa cho tôi khẩu súng để nhắm bắn những mục tiêu di động là những cái đĩa đất sét được ném lên trời. Bạn tôi là một tay thiện xạ. Anh ta bắn trước vài phát, rồi hỏi tôi có muốn thử không. Đoàng! Ngay phát đầu tiên tôi đã bắn trúng mục tiêu. Ai nhìn thấy tôi bắn trúng lúc ấy chắc hẳn sẽ rất ấn tượng. “Ồ, ngay lần đầu mà anh đã bắn trúng mục tiêu rồi! Anh này hẳn là phải giỏi hơn người kia.” Thật ra, bắn một phát trúng ngay chả chắc đã là một tay súng chuyên nghiệp. Một tay thiện xạ phải là người có khả năng sử dụng súng tốt, dễ dàng và thường xuyên bắn trúng mục tiêu. Còn tôi thậm chí chẳng biết mình đã làm gì sau phát trúng đầu tiên. 25 phát bắn tiếp theo của tôi đều trật.
Nếu chúng ta muốn sống một đời sống có nhân đức, trong hôn nhân, gia đình và trong tương quan bạn bè, chúng ta phải nỗ lực rất nhiều, chứ không phải chỉ thỉnh thoảng hay tình cờ làm vài việc tốt theo cảm xúc. Sau đây, chúng ta sẽ xét đến ba đặc tính quan trọng của nhân đức. Nhờ các nhân đức, chúng ta sống các mối tương quan tốt đẹp theo thánh ý Thiên Chúa. Theo Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, người có nhân đức thì thường xuyên, dễ dàng và vui vẻ làm điều thiện.
Ba đặc tính của nhân đức
Đầu tiên, Sách Giáo lý định nghĩa nhân đức là “một xu hướng thường xuyên và kiên trì để làm điều thiện” (số 1803). Theo định nghĩa này, nhân đức đòi hỏi chúng ta nhiều hơn là chỉ thỉnh thoảng làm đôi ba việc tốt. Thật ra, khi mọi thứ trong cuộc sống đang diễn ra tốt đẹp, nghĩa là chúng ta cảm thấy thoải mái và vui vẻ với những người xung quanh thì chúng ta sẽ dễ dàng rộng lượng, kiên nhẫn và tử tế với người khác. Nhưng liệu chúng ta có còn rộng lượng, kiên nhẫn và tử tế với những người vô tình làm chúng ta thất vọng không? Hay khi đang phải đương đầu với những căng thẳng, và mệt mỏi với công việc và cuộc sống, thì liệu chúng ta còn cư xử tốt với người bạn đời, với con cái của mình không? Một người có nhân đức là người sẽ luôn cố gắng hết sức, bất kể hoàn cảnh như thế nào.
Nhân đức giúp con người có thể làm điều thiện cách dễ dàng (x. GLHTCG, số 1804). Họ sẵn lòng làm điều tốt như một phản xạ tự nhiên. Một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp dắt bóng và ném bóng vào rổ nhuần nhuyễn mà không cần phải suy nghĩ. Cũng thế, một người có nhân đức dễ dàng làm điều thiện mà chẳng cần suy nghĩ, cân nhắc hay nỗ lực gì nhiều. Ý thức “phải làm điều tốt” đã ăn sâu vào tâm trí đến mức họ làm những việc thiện theo quán tính. Ngược lại, một người lúc nào cũng cố tỏ ra vui vẻ, khiêm tốn hay chính trực, thì người đó chưa đạt đến nhân đức.
Cuối cùng, người có nhân đức không chỉ làm những việc chính nghĩa mà còn làm với niềm vui (x. GLHTCG, số 1804). Họ cảm nhận được niềm vui với những điều tốt, ngay cả khi rất khó để đạt được hoặc phải chịu nhiều đau khổ. Người có nhân đức không phàn nàn hay cảm thấy hối tiếc và hổ thẹn với lương tâm khi họ làm điều thiện. Họ tìm thấy niềm vui sâu xa hơn, khi sống theo đường lối Thiên Chúa vạch ra cho mình, nghĩa là luôn làm điều thiện dù có phải trả giá.
Cú bạt bóng
Chúng ta hãy xét đến một trường hợp tương tự trong thể thao. Chẳng hạn như, Tiger Woods trở thành một gôn thủ chuyên nghiệp và xuất sắc nhờ sở hữu kĩ năng đánh bóng tốt. Anh có những kỹ năng điêu luyện, như biết chọn và dùng loại gậy thích hợp, vạt bóng tốt, phán đoán chính xác để thực hiện những cú đánh. Vì thế, anh ta có thể dễ dàng đánh bóng thẳng theo đường lăn, đưa bóng đến đúng nơi theo ý muốn, và anh tìm thấy niềm vui khi trong khi chơi.
Tôi không phải là một tay gôn giỏi. Tôi ít khi chơi và cũng không có kỹ thuật đánh bóng. Với tôi, chơi được môn này quả là không dễ dàng chút nào. Đôi khi tôi đánh được quả bóng đến nơi theo ý mình, nhưng không phải lúc nào cũng làm được như vậy. Và bởi vì chơi kém, nên tôi không chẳng cảm thấy hào hứng với môn thể thao này.
Đánh giá nhân đức bản thân
Từ những gì đã bàn trên đây, chúng ta sẵn sàng tự vấn xem: “Tôi đang thực sự sống các nhân đức tới mức độ nào?” Chẳng hạn, tôi có nhân đức rộng lượng không? Một người bỏ vào thùng tiền nhà thờ Chúa Nhật tấm ngân phiếu 1,000 đô-la, có thể anh ta đang làm một việc tốt và đáng quý. Nhưng chỉ một việc này thôi thì chưa đủ cho thấy anh ta có nhân đức rộng lượng. Một số người có thể góp tiền cho các tổ chức từ thiện, nhưng lại không thể dành thời gian, sự quan tâm, chăm sóc cho những người ngay bên cạnh mình. Người thực sự rộng lượng thì sẵn sàng hy sinh trong mọi hoàn cảnh, một cách nhanh chóng, dễ dàng, vui vẻ, không tính toán thiệt hơn hay phải đấu tranh với sự ích kỷ của mình. Người rộng lượng sẵn sàng hy sinh bản thân như là một bản tính thứ hai.
Tương tự, tôi có nhân đức kiên nhẫn hay không? Một người mẹ kiên nhẫn thì luôn điềm tĩnh với con cái của mình, không chỉ khi chúng ngoan ngoãn và cuộc sống êm ả, mà cả khi chúng hư hỏng và ngày sống rối tung lên. Mặc dù người mẹ có thể bị căng thẳng và buồn phiền về cách mọi thứ đang diễn ra (điều này tự nhiên thôi), nhưng bà sẽ không để sự buồn phiền đó chi phối cuộc sống của mình. Sự kiên nhẫn giúp bà duy trì một sự bình yên nội tâm nhất định và chu toàn tốt trách nhiệm làm mẹ, bất chấp những xáo trộn xung quanh.
Tiêu chuẩn của nhân đức rất cao. Càng tìm hiểu về các nhân đức, chúng ta sẽ càng nhận ra bản thân đang sống thiếu nhân đức đến mức nào. Nhưng chúng ta không nên nản lòng. Giáo hội cung cấp nhiều phương thế hữu hiệu và thiết thực giúp chúng ta có thể phát triển nhân đức, gia tăng nội lực để làm những việc tốt một cách kiên trì, dễ dàng và vui vẻ.
Làm thế nào để thăng tiến đời sống nhân đức?
Trước tiên, chúng ta phải nhìn lại đời sống của mình và phân định đâu là những khuyết điểm chính khiến chúng ta không thể sống các mối tương quan của mình một cách tốt đẹp. Những điểm yếu này được gọi là thói xấu – hình thành do lặp đi lặp lại những sai lỗi.
Một sự thực hành hữu ích là xem xét các mối tương quan thân thiết nhất của ta và tự hỏi: Những thói xấu nào cản trở tôi không thể yêu thương những người này hơn? Tôi có sống ích kỷ với người bạn đời của mình? Tôi có thường hay chỉ cho nghĩ bản thân, hơn là phục vụ người bạn đời của mình? Tôi có hay mất kiên nhẫn với con cái của mình không? Tôi có bận rộn đến mức không còn thời gian cầu nguyện với Chúa mỗi ngày không?
Cách tốt nhất để chế ngự thói xấu không chỉ là cố gắng tránh tội, mà còn thực hành các nhân đức đối lại với các thói xấu đó. Ví dụ, nếu tôi thường phê bình người khác, tôi nên tập thói quen nói những điều tốt đẹp về họ. Nếu tôi hay có tính do dự, tôi nên bắt tay ngay vào những kế hoạch để kéo mình ra khỏi sự chần chừ.
Trong gia đình, nếu tôi có xu hướng hay cho mình là trung tâm, muốn gì là phải được, hoặc làm theo ý riêng, tôi nên thật tâm tìm hiểu những nhu cần và sở thích của người bạn đời và con cái, và cùng chia sẻ những điều đó với họ thay vì chỉ nghĩ đến bản thân. Tôi có thể khắc phục những điểm yếu cản trở tôi hy sinh vì người khác, bằng cách tích cực thực hành những nhân đức đối lại thói xấu ấy.
Việc tập luyện có giúp hoàn hảo hơn?
Một chương trình rèn luyện nhân đức như vậy sẽ không dễ dàng. Sách Giáo lý giải thích: “Việc loại bỏ khuynh hướng về tội […] đòi hỏi nhiều nỗ lực, và hy sinh cho đến khi đạt được nhân đức đối nghịch với nó.” Vì vậy, chúng ta không nên nản lòng khi không thấy được kết quả ngay. Thăng tiến nhân đức giống như tăng cường phát triển cơ bắp của chúng ta. Một người đã ngoại tứ tuần bắt đầu chạy bộ, anh ta sẽ khó mà chạy được ba dặm mỗi ngày. Ban đầu, sẽ khá vất vả và mệt mỏi. Nhưng nếu chịu khó luyện tập đều đặn mỗi tuần, theo thời gian cơ bắp và sức chịu đựng sẽ được tăng cường. Cuối cùng, việc chạy ba dặm sẽ trở nên dễ dàng hơn với anh ta4.
Tương tự như vậy, việc tăng cường “cơ bắp” luân lý, tức là các nhân đức, cũng cần thời gian và sự nỗ lực. Chúng ta có thể gặp nhiều khó khăn và thất bại khi bắt đầu chiến đấu với những thói xấu của mình. Một người ham mê sắc dục sẽ phải chiến đấu với thói ham mê của mình một thời gian dài. Nhưng nếu cứ kiên trì chiến đấu, thì “cơ bắp” luân lý sẽ khỏe hơn và việc sống trong sạch sẽ trở nên dễ dàng hơn với anh. Một người quyết định bắt đầu cầu nguyện mỗi ngày, sẽ cảm thấy không dễ dàng chút nào. Nhưng nếu cứ kiên trì cầu nguyện hằng ngày trong nhiều tuần và nhiều tháng, thì việc cầu nguyện sẽ dần trở nên tự nhiên, bình thường hơn đối với anh ta.
Bí quyết ở đây chính là sự kiên trì. Nếu mới bắt đầu chạy bộ, chỉ sau hai tuần thấy khó đã bỏ cuộc, thì anh ta sẽ không bao giờ có thể dễ dàng chạy được ba dặm. Cũng vậy, nếu chúng ta từ bỏ cuộc chiến để đạt được nhân đức chỉ vì quá khó, thì chúng ta sẽ mãi làm nô lệ của các thói xấu và không bao giờ có thể trao tặng những điều tốt đẹp nhất của bản thân cho Chúa, cho người bạn đời, con cái và bạn bè của mình được.
Ân sủng tuyệt vời
Tuy nhiên, dù cố gắng theo đuổi nhân đức thế nào đi nữa, chúng ta vẫn sẽ phải đối diện với những hạn chế của bản thân. Hầu hết chúng ta đều có những khuyết điểm cố hữu cho dù có cố sức khắc phục. Với bản chất con người yếu đuối, chúng ta sẽ luôn phải chiến đấu với sự hướng chiều về tội. Đây là lý do tại sao chúng ta cần đến sự sức mạnh từ bên ngoài, giúp chúng ta sống nhân đức mà theo tự sức mình ta không thể làm được. Chúng ta tìm được sức mạnh ấy từ nơi Đức Giêsu Kitô. Sách Giáo lý viết: “Ơn cứu độ của Đức Kitô đem lại cho chúng ta ân sủng cần thiết để kiên trì trong việc tìm kiếm các nhân đức.” (số 1811).
Ân sủng thánh hóa là sự sống thần linh của Đức Kitô ở trong chúng ta. Tình yêu siêu nhiên của chính Người biến đổi trái tim ích kỷ của chúng ta. Càng lớn lên trong ân sủng của Đức Kitô, chúng ta càng có thể yêu thương với tình yêu của Người – vượt trên và vượt xa hơn những gì bản tính nhân loại yếu đuối của chúng ta có thể tự làm.
Như vậy, việc cầu nguyện và các bí tích là rất cần thiết để chúng ta lãnh nhận ân sủng. Chính nhờ sự sống thần linh của Đức Kitô ở trong chúng ta, mà những nhân đức tự nhiên của chúng ta được nâng lên, tham dự vào sự sống của Người. Nhờ ân sủng, chúng ta có thể bắt đầu kiên nhẫn bằng sự kiên nhẫn của Đức Kitô. Chúng ta có thể bắt đầu khiêm tốn với sự khiêm hạ của Người. Và chúng ta có thể bắt đầu yêu thương bằng tình yêu thần linh của Người đang ở trong ta. Khi ân sủng bắt đầu biến đổi cuộc sống này, chúng ta có thể nói như thánh Phaolô rằng: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Ga 2,20).