__Cai Tả Vũ Văn Tính__
“Biến cố cha Đa Minh sai mười sáu anh em tiên khởi ra đi “học tập, giảng thuyết và lập tu viện” đã đánh dấu khởi đầu cho sự phát triển rực rỡ của Dòng. Nhờ những bước chân can đảm lên đường, không quản ngại đương đầu với những thách đố, các anh em tiên khởi đã góp phần làm cho sự hiện diện của Dòng được củng cố và lan rộng.”
Chính Đức Kitô là một nhà giảng thuyết rao giảng Nước Thiên Chúa. Và để sứ mạng của Người được tiếp tục cho đến “tận cùng thế giới”, Đức Kitô đã kêu gọi các Tông đồ và sai các ông ra đi rao giảng Nước Thiên Chúa. Giáo hội được rộng lan khắp bờ cõi chính là nhờ những vị giảng thuyết đã rao giảng Tin Mừng không biết mệt mỏi. Cha Thánh Đa Minh đã nhận ra và thi hành sứ mạng đời mình là trở nên một nhà giảng thuyết. Ước nguyện sục sôi của cha thánh là đem chân lý đức tin đến cho mọi người và cha hằng mong mỏi được tận hiến cả cuộc đời để phục vụ Tin Mừng như Đức Kitô đã hiến thân trọn vẹn cho đến chết để cứu độ trần gian. Sứ mạng của cha Đa Minh ngày nay vẫn được các tu sĩ Dòng Anh Em giảng thuyết thi hành và làm phát triển. Biến cố cha Đa Minh sai 16 anh em tiên khởi đến các thành phố lớn như Paris, Madrid, Bologna để “học hành, giảng thuyết và lập tu viện” đã trở nên kim chỉ nam và có giá trị to lớn đối với sự phát triển của Dòng đến ngày nay.
Cha Đa Minh không là một nhà truyền giáo danh tiếng như thánh Phanxicô Xaviê, không được người biết đến và yêu mến nhiều như thánh Phanxicô Átxidi. Cha được đánh giá là người có lối sống khiêm tốn, thật âm thầm và lặng lẽ, thế nhưng cuộc đời cha vẫn để lại những thành quả với những giá trị, những lý tưởng cao đẹp đã làm bao con tim rung động dõi bước noi theo. Lý tưởng đó đã được thể hiện qua “Ân sủng giảng thuyết” giống như nhựa sống làm cho thân cây được sống và chính cha đã trở nên nhựa sống để làm mới và làm sống Giáo hội của Đức Kitô qua sứ vụ tông đồ. Năm 1203, Giám mục Diego (người đã kêu mời cha Đa Minh gia nhập kinh sĩ đoàn giáo phận Osma và vốn cũng rất yêu quý cha) đã cùng với cha Đa Minh đến Đan Mạch, trên đường đi các ngài đã nghỉ chân tại một quán trọ ở Toulouse. Tại đây, cha Đa Minh đã gặp người chủ quán, là một người theo giáo phái Cathar (một giáo phái gây rối ren cho Giáo hội với những học thuyết sai lạc về đức tin) và cha đã thức suốt đêm để tranh luận với ông. Điều này cho thấy niềm đam mê của cha đối với chân lý Tin Mừng và lời mời gọi trao tặng hoa trái của sự chiêm niệm. Cuộc tranh luận này đã thôi thúc thánh nhân đến với sứ mạng giảng thuyết. Mong ước cho sứ vụ tông đồ của cha Đa Minh đã thành sự thật và được Đức Hônôriô III châu phê thành lập Dòng Anh Em giảng Thuyết (quen gọi là Dòng Đa Minh) vào ngày 22/12/1216. Kể từ đây, Dòng Đa Minh chính thức hiện diện trong Giáo hội và đã trở nên khí cụ tuyệt hảo kế thừa sứ mạng các Tông đồ.
Hơn 800 năm hiện diện trong Giáo hội, Dòng Đa Minh đã thực sự trở nên nhựa sống góp phần nuôi dưỡng và làm phát triển Giáo hội qua sứ vụ tông đồ, giảng dạy Lời Chúa và sống chân lý. Hơn 800 năm lịch sử trôi qua, nhưng thuở ban đầu đầy tràn sức sống vẫn luôn được gợi nhớ trong mỗi tu sĩ Đa Minh. Thuở ban đầu ấy chính là biến cố ngày 15/8/1217, cha Đa Minh đã sai 16 anh em tiên khởi đến các thành phố lớn để “học tập, giảng thuyết và lập tu viện.” Đây được coi là “Lễ hiện xuống mới” của Dòng, là giây phút phân tán thực sự khi các anh em tiên khởi đã được sai đi như các môn đệ xưa kia được Đức Giêsu sai đi. Thị kiến năm nào cha Đa Minh thấy các anh em được sai đi từng hai người một đi rao giảng Tin Mừng khắp thế giới nay đã thành sự thật. Và theo gương cha Đa Minh tay cầm gậy, bị trên vai, hăng say dấn thân cho sứ vụ cùng với lời căn dặn khi phân tán, 16 anh em đã ra đi với ý thức: “Đẹp thay bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an” (Is 52,7, x. Rm 10,15).
Mệnh lệnh được gửi gắm cho anh em là học hành, là giảng thuyết và lập tu viện. Cho đến ngày nay, các tu sĩ Đa Minh vẫn luôn sống hết mình và dấn thân cho một sứ vụ hướng đến một ân sủng giảng thuyết. Ý thức được việc loan báo Tin Mừng vẫn luôn là điều cần thiết để Giáo hội phục vụ thế giới, các tu sĩ Đa Minh luôn chuyên chăm trong cầu nguyện và khao khát tri thức để trau dồi, để tìm kiếm chân lý và sống chân lý. Có thể thấy, cha Đa Minh rất nhấn mạnh đến việc học, “học hỏi luôn luôn” là điều mà ngài luôn nhắn nhủ và không ngừng nhắc đi nhắc lại trong các tâm thư của cha. Bởi chính cha đã yêu mến, say mê và ý thức được việc học tập trở thành một trong những yếu tố căn bản của kỷ luật tu trì, cha đã từng nhấn mạnh “một tu sĩ thuyết giáo không phải là một tu sĩ tốt lành, nếu không phải là một con người chuyên cần học tập”. Nhưng dù vậy, cha Đa Minh không bao giờ có ý định biến các tu sĩ của ngài thành những học giả thuần túy, và nhiệm vụ hàng đầu vẫn là giảng thuyết. Nhưng để thi hành sứ vụ này, các anh em cần được giáo dục và đào tạo, nhưng trên hết phải có một đức tin sâu sắc và sống động nơi Chúa và luôn sẵn sàng để Chúa Thánh Thần soi sáng và linh hướng. Việc học đối với cha mang tính chất tông đồ, cha đã yêu mến và khao khát được dấn thân cho Tin Mừng, cho chân lý và cha cũng muốn các anh em trong Dòng cũng luôn biết khao khát và yêu mến đời sống đó.
Cha Đa Minh đã nhận ra ân sủng giảng thuyết và cha đã hiến trọn đời mình cho sứ vụ tông đồ. Là một nhà giảng thuyết khiêm nhường nhưng khao khát phi thường, cha Đa Minh thường giảng thuyết tại các thánh đường trong các cuộc hành trình, giảng cho những kẻ bỏ đạo, những kẻ lạc giáo, ngài huấn đức cho các nữ đan sĩ, thăm viếng bệnh nhân, an ủi, lắng nghe, giải tội, tha thứ, hơn thế nữa, ngài còn muốn đi thật xa, đến tận chân trời, để loan báo Lời Chúa cho những người chưa biết Chúa. Giảng thuyết là một sứ vụ, sứ vụ đó là sống và làm chứng cho Tin Mừng. Như Chúa Giêsu đã sai các Tông đồ đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loại thụ tạo” (Mc 16, 15), 16 anh em tiên khởi cũng được cha Đa Minh sai đi kèm theo sứ vụ giảng thuyết, sống Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng. Đối với cha Đa Minh, chỉ có thể giảng thuyết trong giáo hội, và để phục vụ giáo hội. Giảng thuyết chính là nền tảng và cốt lõi trong đời sống sứ vụ của Dòng, không chỉ bởi Dòng mang tên Dòng Anh Em Giảng Thuyết mà sâu sa hơn đó là một đặc sủng Thiên Chúa ban. “Nói với Chúa và nói về Chúa” cho mình hoặc với tha nhân, hay “Chiêm niệm và trao cho người khác điều mình chiêm niệm” là châm ngôn và là cách thức được áp dụng trong sứ vụ giảng thuyết.
Với tâm hồn chiêm niệm, lòng yêu mến tri thức và nhiệt thành trong sứ vụ giảng thuyết, tinh thần và sứ vụ của cha Đa Minh được các tu sĩ Đa Minh kế thừa. Ngoài những yếu tố cần thiết cho đời sống giảng thuyết, ngài còn nhắn gửi những anh em tiên khởi là hãy lập tu viện, kết quả là chỉ trong vòng bốn năm kể từ ngày được sai đi đến khi thánh nhân qua đời, Dòng đã có 5 tỉnh Dòng và 20 tu viện hiện diện. Có thể thấy cha Đa Minh đã tin tưởng nơi những anh em được sai đi và nhắn nhủ anh em lập tu viện như là hoa trái của sứ vụ giảng thuyết. Việc lập tu viện là dấu chỉ của đời sống cộng đoàn, theo linh đạo Đa Minh, đời sống cộng đoàn là trụ cột quan trọng nhất, các tu sĩ Đa Minh cùng nhau xây dựng một cộng đoàn và rồi cùng nhau thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Với mục đích là “ơn cứu rỗi các linh hồn” nên đời cộng đoàn là dấu chỉ thể hiện một nếp sống gắn bó và hiệp nhất để “một lòng một ý” thi hành sứ vụ. Cha Đa Minh sai những anh tiên khởi ra đi học tập và lập tu viện, tu viện là dấu chỉ của đời sống cộng đoàn. Cộng đoàn không đơn thuần chỉ là một tổ chức mà hơn hết đó phải là một cộng đoàn tu trì, một cộng đoàn hiệp nhất và nâng đỡ nhau thi hành sứ vụ giảng thuyết.
Biến cố cha Đa Minh sai mười sáu anh em tiên khởi ra đi “học tập, giảng thuyết và lập tu viện” đã đánh dấu khởi đầu cho sự phát triển rực rỡ của Dòng. Nhờ những bước chân can đảm lên đường, không quản ngại đương đầu với những thách đố, các anh em tiên khởi đã góp phần làm cho sự hiện diện của Dòng được củng cố và lan rộng. Tinh thần đầy tràn sức sống thuở ban đầu đã trở thành di sản quý báu cho Dòng, hun đúc và làm nên những nhà giảng thuyết Đa Minh qua nhiều thế hệ, hăng say ra đi loan báo Tin Mừng, sống và làm chứng cho chân lý với một tâm hồn sốt mến, phục vụ ơn cứu độ tha nhân với bàn tiệc Lời Chúa và các bí tích. Ngày nay, trên khắp thế giới, màu áo của Anh Em Đa Minh luôn bay phấp phới trong lòng Hội thánh. Có thể nói, các tu sĩ Đa Minh nhờ Ân sủng giảng thuyết đã góp phần làm cho Thân Thể Đức Kitô luôn được sống động với muôn màu muôn vẻ như ngày nay.