Mục Lục
Edward Sri, Virtue and The Art of Living – Chuyển ngữ: Quốc Trọng
Tôi không bao giờ quên được những lời cuối cùng của người hướng dẫn hôm đó: “Nếu bất ngờ té khỏi chiếc kayak, anh đừng cố ngoi lên ngay”. Nhiều năm trước, vợ chồng tôi có dịp đi kayak trên dòng sông Arkansas chảy giữa những dãy núi Colorado. Chúng tôi chưa từng đi kayak nên đã chọn ghép đoàn với người khác do một người có kinh nghiệm hướng dẫn. Chúng tôi được chỉ dẫn nhiều điều. Anh nói: “Con sông này tuy không sâu, nhưng lại chảy xiết. Khi rơi xuống sông, đừng cố đứng lên; bằng không nó sẽ quật ngã anh; anh chỉ cần giữ chặt áo phao và cố gắng bơi vào bờ”.
Chúng tôi bắt đầu chuyến phiêu lưu. Dòng nước thật êm ả, yên bình. Tôi ngồi trước còn vợ tôi thì ngồi sau. Mọi thứ đã sẵn sàng cho một khởi đầu tuyệt vời, bầu trời trong xanh, khung cảnh tuyệt đẹp, và những dãy núi tuyết trắng ngọn phía xa xa. Nhưng chúng tôi cũng biết thác ghềnh sẽ xuất hiện, đó là thử thách đối với những người lần đầu đi kayak như chúng tôi.
Đột nhiên chúng tôi nghe thấy tiếng gầm gào của thác ghềnh. Đầy hồi hộp và phấn khích, chúng tôi tiến vào giữa dòng nước chảy xiết. Chiếc xuồng tròng trành, nước tràn vào, khi nghiêng qua trái, khi qua phải, chúng tôi nghiêng người về phía ngược lại, cố giữ thăng bằng. Cuối cùng, chúng tôi vượt qua được dòng thác an toàn và trở lại với dòng nước êm ả, thanh bình. Vậy là bài kiểm tra đầu tiên được hoàn thành!
Tôi quay lại, vui mừng nói với vợ: “Chúng ta đã làm được!” Vẻ mặt Beth trông hốt hoảng, cô ấy chỉ tay về trước và la lên: “Giữ thẳng! Giữ thẳng!” Cô ấy nhận ra rằng khi tôi vội đắc chí quay lại ăn mừng thì chiếc thuyền cũng quay theo. Chỉ trong chớp mắt, chúng tôi đã quay vòng 180 độ và trôi ngược theo dòng nước.
Ngược dòng cuộc sống
Cuối cùng, chúng tôi cũng giữ được chiếc thuyền đi thẳng, nhưng đã quá trễ. Có một khúc cây lớn nằm chắn ngang sông. Trong khi cả nhóm cùng với hướng dẫn viên vòng qua khúc cây, thì chúng tôi lại đâm sầm vào nó. Chiếc kayak đập mạnh vào khúc cây và nhanh chóng bị nhấn chìm trong dòng nước. Chúng tôi bị văng ra khỏi thuyền, vướng vào khúc cây, rồi lại bị dòng nước cuốn đi.
Bị cuốn trôi, ngộp nước, lưng thì đập vào những thứ như đá ngầm, tôi cố đứng dậy, nhưng ngay lập tức, lại bị dòng sông chảy xiết quật xuống. Tôi khiếp hãi, cố ngoi lên lần nữa và rồi lần nữa, nhưng đều bị kéo ngã. Rồi chợt nhớ lời của hướng dẫn viên, “Đừng cố đứng dậy”, tôi giữ chặt áo phao, giữ nổi trên mặt nước, và cuối cùng đã vào bờ an toàn. Còn vợ tôi thì bị cuốn đi xa hơn nửa dặm, nhưng cô ấy cũng bình an vô sự. Từ sau vụ đó, chúng tôi không còn đi kayak nữa.
Thật khó để đứng dậy giữa một dòng sông chảy xiết. Cũng vậy, thật khó để đứng vững trước trào lưu văn hóa ngày nay. Trong một thế giới đang tục hóa và tương đối hóa, chúng ta sẽ không có được nhiều hỗ trợ để sống tốt cuộc đời của một tín hữu Công giáo. Trên các phương tiện truyền thông, hay tại nơi làm việc, và đôi khi trong chính gia đình mình, chúng ta không nhận được nhiều khích lệ để đào sâu đức tin Công giáo của mình, để xây dựng một cuộc hôn nhân vững bền, và nuôi dạy con cái biết kính mến Thiên Chúa. Trái lại, nhiều áp lực đè nặng ta, làm ta không còn nhận ra được đâu là điều quan trọng nhất trong cuộc sống này, và đe dọa quật ngã ta trên con đường theo Đức Kitô.
Nhân đức như những kỹ năng sống
Nếu chúng ta muốn đứng vững giữa trào lưu văn hóa hôm nay, nghĩa là, nếu muốn giữ sự trung tín và yêu thương trong hôn nhân, nếu muốn vun đắp một gia đình vững chắc cho con cái, nếu muốn kết nối tình bạn Kitô hữu thật sự với người khác – tóm lại, nếu chúng ta thực sự ao ước sống đức tin Công giáo một cách sâu sắc, và không bị lối sống của thế gian lôi kéo, thì điều thực sự quan trọng và thiết yếu cần phải có, đó là nhân đức.
Cho dù tôi có chân thành ước muốn sống đức tin Công giáo và lớn lên trong tương quan với Đức Kitô, hay muốn trở nên một người chồng chung thủy, một người cha gương mẫu, một người bạn tín nghĩa thế nào, nhưng không có nhân đức, tôi sẽ không thực hiện được những ước muốn trên. Nếu không cố gắng bơi ngược dòng để vun trồng nhân đức, thì tôi sẽ bị nhấn chìm trong dòng văn hóa thời nay và trong những ước muốn ích kỷ riêng của mình.
Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo định nghĩa nhân đức là “một xu hướng thường xuyên và kiên trì để làm điều thiện” (số 1803). Hãy biết rằng nhân đức là một kỹ năng giúp ta làm điều thiện cách dễ dàng và giúp ta yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như thể đó là bản tính thứ hai của mình vậy. Như các ngành nghề thương mại và thủ công cần kỹ năng thế nào, thì nghệ thuật sống cũng cần đến nhân đức như vậy. Các nhân đức chính là những kỹ năng sống cần thiết, để ta sống tốt mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.
Bay cao lên
Khi giảng dạy về nhân đức, tôi thích dùng hình ảnh chiếc máy bay. Từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã thích được bay. Tôi thích đến phi trường để nhìn ngắm máy bay lên xuống. Và khi đi máy bay, tôi luôn muốn ngồi gần cửa sổ, để có thể ngắm nhìn bầu trời, các đám mây, và những vùng đất xa xa phía dưới. Tuy ngày hôm nay, người ta thích ngồi ở dãy giữa hơn, nhưng tôi vẫn ưu tiên chọn vị trí ngay cửa sổ.
Giờ đây, sau khi đã nghe tôi kể về đam mê bay của mình, bạn có muốn bước vào chiếc máy bay do tôi lái không? Chắc chắn là không! Có thể tôi rất thích bay, nhưng nếu tôi không có kỹ năng điều khiển một chiếc máy bay, chắc chắn bạn không muốn đi chuyến bay do tôi cầm lái.
Cũng thế, bố tôi là một bác sĩ phẫu thuật. Hồi nhỏ, tôi vẫn thỉnh thoảng cùng ông đến bệnh viện, và được xem những cuốn sách, những hình ảnh về kỹ thuật giải phẫu. Tôi nhớ mãi hình ảnh bố tôi, một bác sĩ phẫu thuật và vẫn luôn trân trọng công việc của bố. Tuy nhiên, bạn có muốn tôi thực hiện ca phẫu thuật cho bạn chỉ vì tôi đánh giá cao công việc này không? Khó lắm! Vì tôi chưa bao giờ học nghề y và không có kỹ năng phẫu thuật nên bạn sẽ không muốn để tôi thực hiện ca mổ cho bạn.
Mọi chuyện dễ hiểu thôi! Không ai muốn bước lên chiếc máy bay do một người không có kỹ năng điều khiển; và cũng chẳng ai chịu để cho một người không có kỹ năng y khoa thực hiện cuộc phẫu thuật cho mình. Nhưng trong thời đại này, nhiều người lao đầu vào kinh doanh, hẹn hò, và thậm chí kết hôn khi họ chưa từng đặt ra vấn đề cơ bản này: Liệu họ có các nhân đức cần thiết để sống tốt các mối tương quan trên? Kiên nhẫn, bao dung, khôn ngoan, tự chủ, khiêm tốn, kỷ luật, v.v chính là một số nhân đức ta cần để yêu thương người khác và thực hiện các cam kết của ta với họ.
Nhân đức hay giá trị?
Khi tôi có dịp nói chuyện tại những hội thảo về hôn nhân và gia đình, tôi thường hỏi các cặp vợ chồng hai câu này. Thứ nhất: “Ai trong các bạn tôn trọng và muốn đối xử tốt với bạn đời của mình?” Mọi người đều giơ tay. Thứ hai: “Ai trong các bạn đã từng gây tổn thương cho bạn đời của mình?” Một lần nữa, mọi người đều giơ tay.
Thật dễ để nói rằng, tôi tôn trọng và muốn yêu thương bạn đời, con cái, bạn bè, và Thiên Chúa. Nhưng để thực sự trở thành một người chồng, người bố, người bạn và một Kitô hữu tốt, tôi cần phải cố gắng, phải tập luyện và cần đến ân sủng để thủ đắc các nhân đức. Nhân đức giống như sức mạnh nội tâm giúp ta yêu thương người khác. Thật thế, nhân đức cho ta sự tự do để yêu thương, và không có nhân đức, ta không thể yêu thương người khác theo cách Thiên Chúa muốn.
Điểm sau đây là quan trọng. Lúc còn trẻ, khi nghe mọi người ở nhà thờ nói về các nhân đức, tôi hình thành quan niệm đời sống nhân đức quy về sự hoàn thiện cá nhân. Tôi cảm tưởng sai lạc rằng nhân đức là điều thuần tuý tốt cho linh hồn của tôi: cho sự tăng trưởng của đời sống tâm linh và luân lý. Khiêm nhường, hiếu thảo, lòng trắc ẩn, khôn ngoan, tiết độ và cả những nhân đức khác được xem như là những phẩm chất tốt giả thiết mỗi người Công giáo phải có để là một Kitô hữu tốt. Chúng như những phù hiệu dành cho một hướng đạo sinh tài giỏi của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, nhân đức phải được hiểu trong tương quan với người khác. Chúng không chỉ quan trọng với đời sống riêng của mình, nhưng là những “xu hướng thường xuyên”, những kỹ năng ta cần để mến Chúa và yêu những người Chúa gửi đến cho ta trong cuộc đời này. Tôi thiếu nhân đức về một phương diện nào đó, thì nó không chỉ gây tổn hại cho bản thân tôi mà còn cho những người thân cận nhất của tôi. Họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả do sự thiếu nhân đức của tôi.
Tỉ dụ như khi tôi thiếu rộng lượng, tôi sẽ sống ích kỷ và gây tổn thương vợ mình. Nếu tôi thiếu khôn ngoan, và dành quá nhiều thời gian cho công việc, tôi sẽ không còn thời gian cho con cái và chúng sẽ phải chịu những hậu quả kéo theo từ quyết định khờ dại của tôi. Nếu tôi lúc nào cũng tỏ ra cáu bẳn, tức tối, căng thẳng, mọi người sẽ xa lánh tôi và sẽ rất buồn phiền. Tất cả những điều đó đều do tôi thiếu kiên nhẫn.
Nhưng đây mới là hậu quả lớn nhất: Càng thiếu nhân đức bao nhiêu, tôi càng mất tự do để yêu thương bấy nhiêu. Cho dù tôi có rất ao ước trở nên một người con ngoan của Chúa, một người chồng chung thủy của vợ, một người bố gương mẫu của con cái, mà tôi không có nhân đức, thì tôi cũng sẽ không thể dâng hiến trọn vẹn bản thân cho Chúa, cũng không thể tôn trọng, chăm lo cho vợ mình, và nuôi dạy con cái theo đúng bổn phận phải làm. Tôi thiếu nhân đức thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống của những người khác.
Hồng y Joseph Ratzinger (tức Đức Benedict XVI) đã có lần nói rằng, trong một thế giới đang tục hóa và gạt bỏ các giá trị Kitô như hiện nay, chúng ta đang dần đánh mất “nghệ thuật sống”. Thật thế, trong thời đại mà phải-trái, đúng-sai lẫn lộn này, khi mà giá trị các nhân đức và việc đào luyện nhân cách bị bỏ qua, ta không còn biết làm thế nào để sống cho tốt nữa. Loạt bài mới này nhằm khám phá truyền thống Công giáo về các nhân đức, tập trung vào phương diện thực hành để giúp chúng ta bắt đầu tìm lại “nghệ thuật sống”.