Mục Lục
Lm. Nguyễn Trọng Viễn, O.P.
1. Tầm mức của tự do
Có rất nhiều ý nghĩa của tự do. Ở đây ta chỉ nói tới tự do theo ý nghĩa Kitô giáo. Tự do Kitô giáo chính yếu là việc giải thoát con người khỏi sự trói buộc của tội lỗi:
Vậy, Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội” (Ga 8, 31-34).
Tự do nghĩa là được Thiên Chúa cứu độ và chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa mới có thể cứu con người khỏi sự ràng buộc của tội lỗi:
“Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1).
Được cứu khỏi sự ràng buộc của tội lỗi, con người tìm lại được sự sống thân tình với Thiên Chúa và được đón nhận sức sống của Thiên Chúa, sức sống của Thần Khí Chúa:
“Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do” (2 Cr 3,17).
Người ta chỉ có thể nhận ra mình tự do khi nhận ra mình được giải khỏi cái gì, giải thoát khỏi xiềng xích nào. Theo Kitô giáo, cứu cánh của đời sống con người có tính cách “tối hậu”, tính cách siêu nhiên, nhằm được “sống với Chúa”, nên mức độ của tự do cần thiết trên hành trình đó cũng mang tính cách toàn diện, khởi sự từ bên trong, đạt tới sự tự do toàn diện cả bên trong lẫn bên ngoài. Như thế, sự giải thoát theo quan niệm Kitô giáo không phải chỉ nhằm vào những chuyện bên ngoài, nhưng theo đường lối “cái tâm của giải phóng là giải phóng cái tâm”. Tự do Kitô giáo không phải là tình trạng lâng lâng bay bổng, không phải là “làm điều mình muốn”, nhưng căn bản hơn là “muốn điều mình làm”.
2. Xiềng xích của tội lỗi
2.1. Giới hạn căn bản của cuộc sống: cái chết
Từ khi nguyên tổ loài người bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, con người không còn có thể thực hiện được ước mơ hạnh phúc của mình được nữa. Con người loay hoay để sống, loay hoay để thăng tiến, loay hoay để tìm hạnh phúc…nhưng thật ra, cái chết như là hậu quả chính yếu của tội lỗi đã đón đầu mọi nỗ lực vụn vặt của con người. Con người phải chết, cái chết chấm dứt tất cả, phá huỷ tất cả, nhận chìm tất cả mọi nỗ lực của con người.
2.2. Vòng xích chằng chịt trong tâm hồn con người
Từ khi được hoài thai trong lòng mẹ, con người đã bắt đầu được nối kết vào một mạng lưới chằng chịt của những mối liên hệ sâu xa, một mạng lưới mà người ta không biết đâu để lần ra được đầu mối, và dĩ nhiên cũng không thể tự mình gỡ rối được. Được hoài thai, con người đã mang lấy cả một lịch sử của lâu dài từ đời ông cố, ông tổ nào đó của mình; đã mang lấy một bản thân đầy những vết tích tinh thần, dấu vết tốt xấu của dân tộc và xã hội, của họ hàng và cha mẹ…
Ai đó trong chúng ta đều kinh nghiệm về một sự khó khăn khi phải thay đổi lối sống, thay đổi lối suy nghĩ, thay đổi tình cảm với ai đó… Tất cả mọi sự gắn liền với nhau; mọi sự ta muốn đều là “bứt giây động rừng”.
2.3. Quy luật nghiệt ngã của xã hội
Rồi khi bước vào đời, con người lại bước chân vào một mạng lưới chằng chịt những tương quan trong cuộc sống. Nếp sống, nếp nghĩ, những thứ đòi buộc vay trả, những thúc bách của tình nghĩa, của công bằng, của trách nhiệm…tất cả xô đẩy con người, trói buộc con người vào những mối tương quan nghiệt ngã. Trong sự liên lụy với thế giới, với cộng đồng nhân loại và với lịch sử, con người có nguy cơ bị chi phối, bị ràng buộc như một vòng xích nặng nề.
Nói chung, cuộc sống con người bị trói buộc do thần chết đón chờ ở cuối đường, do bị đưa đẩy của những thói quen trong chính bản thân, do bị quy định của những tương tác của cuộc sống bên ngoài. Đó là những điều rằng buộc mà con người không có khả năng tự cởi trói cho mình.
3. Sự giải thoát mang tính cứu độ
3.1 Tự do là khả năng bắt đầu một tiến trình mới
Con người không thể chối từ tất cả những mối liên hệ chằng chịt như thế. Tuy nhiên, con người có tự do, nghĩa là con người có khả năng cắt đứt sự ràng buộc tất yếu để có thể thể hiện bản thân mình một cách tự do. Sự tự do chân chính không phải là một trạng thái thênh thang đột xuất, mà là khả năng khởi phát một quá trình mới, một quá trình sáng tạo bản thân mình. Tự do chân chính là hình thành được một tiến trình có tính mới mẻ.
Giống như khi bắt đầu một ngày mới, hoặc một năm mới, con người có thể cuộn lại quá khứ, vác quá khứ trên vai chứ không bị quá khứ bao chụp, và bắt đầu một hành trình mới, hành trình tự do trong sự liên luỵ có trách nhiệm với quá khứ.
3.2. Tự do là khả năng khai mở con đường mơ ước
Mặc dù bị trói buộc, con người vẫn luôn khát vọng một cuộc sống trường tồn, khát vọng một sự thanh thoát của tâm hồn, khát vọng một thế giới “tứ hải giai huynh đệ”.
Niềm hy vọng Kitô giáo là một chân trời ước mơ. Nhưng ước mơ ở đây không phải là một biện pháp tâm lý giả tạo như kiểu những ước mơ đời thường. Ước mơ Kitô giáo gắn liền với đức Cậy, nghĩa là dựa vào một sức mạnh khác, một sức mạnh cứu độ của Chúa. Chính vì thế, lý tưởng Kitô giáo không bao giờ được dừng lại ở một thái độ “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, nhưng là mơ ước được nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành.
4. Nguồn sức mạnh của tự do Kitô giáo
4.1. Sự giải thoát nhờ tương quan nhân thân chân chính
Nguồn sức mạnh có tính chất giải thoát của Kitô giáo là tình yêu. Tình yêu thương là mối liên hệ sống-với mà tình tự Kitô giáo luôn cổ võ. Sống với là bắt đầu nhận ra cuộc sống của mình không nhằm vun quén cho bản thân mình, mà luôn luôn nằm trong chiều hướng: vì ai, với ai, cho ai…
Chính thái độ tin, gắn bó với Chúa một cách trọn vẹn, làm cho tất cả cuộc đời con người được chìm ngập trong tình nghĩa sống với. Chính điều đó là nguồn sức mạnh chính yếu.
4.2. Khả năng buông bỏ những chuyện lẩm cẩm
Con người thường bị rơi vào tình trạng “bỏ mồi bắt bóng”, chỉ lo giải quyết những chuyện vụn vặt mà quên đi mục tiêu chính yếu của đời sống con người. Đó cũng là một xiềng xích trói buộc khiến con người không thể đi xa trên hành trình được cứu độ. Ý thức được cứu cánh cuối cùng, con người có khả năng buông bỏ những chuyện lẩm cẩm, tự do tâm hồn, và tỉnh thức chờ đợi ngày được cứu độ.
4.3. Dấn thân trong yêu thương
Yêu thương Kitô giáo là dấn thân vào những ràng buộc, chứ không phải trốn đời. Tự do Kitô giáo không phải là sự đào thoát, mà là đảm nhận trách nhiệm, theo kiểu “vào hàng hùm để bắt được cọp”. Yêu thương cụ thể, tìm thấy những đòi hỏi cụ thể của tình yêu nhiều hơn, và nhờ tình yêu lớn lao của Chúa để thoát khỏi quy luật nghiệt ngã của thế gian.
Kết :
Cái chết vẫn còn đó. Những đối với người Kitô giáo, hành trình đi đến cái chết không phải là hành trình vô vọng mà là hành trình hoàn tất. Với niềm tin Kitô giáo, không phải cái chết phá huỷ mọi sự của con người nữa, mà chính con người tự nguyện yêu thương, vét trọn vẹn đời sống của mình để dâng tặng, nghĩa là chấp nhận cái chết trong tình yêu. Đó chính là ngõ thoát khỏi bóng ma sự chết rình rập con người.