Mục Lục
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P.
Đối diện với Chúa, con người chỉ có một thái độ duy nhất, đó là thái độ chấp nhận sự nghèo khó của mình.
1. Bản chất nghèo của con người
– Trong thực tế sinh học, con người sinh ra là con vật yếu đuối nhất, “trần trụi” nhất. Con người khi sinh ra, thể xác yếu đuối và cần được cha mẹ chăm sóc thật lâu mới có thể sống tự lập được. Bộ não con người, khi sinh ra, không có được sự hỗ trợ của những bản năng tự nhiên như con vật. Sự gì đối với con người cũng phải học mà biết, và học một cách khó nhọc.
– Trong thực tế của phái tính, mỗi người chỉ có thể là nam hoặc là nữ, nên mỗi người không bao giờ có thể sống mà không cần đến người khác. Dĩ nhiên, con vật không lưỡng tính thì cũng cần tới phái tính khác. Nhưng nơi con vật, sinh lý phái tính là một tiến trình tự nhiên, không phải con đực hay con cái được bên kia trao tặng hoặc lãnh nhận cái gì cả. Ngược lại, nơi con người, sự khác biệt phái tính và nhu cầu phái tính chỉ có thể giải quyết trong sự chờ đợi trao tặng và lãnh nhận trong lòng tri ân của bên nay và bên kia.
– Trong hành trình cuộc đời, con người luôn luôn cần có người đồng hành, có người trợ giúp, có người thông cảm, có người ủi an, có người cùng liên luỵ trong khổ đau… Bản thân con người vốn bao hàm một sự cô đơn sâu thẳm, mong được trao ban bản thân của mình cho người khác và khao khát được một sự chấp nhập bản thân của người khác. Bản thân là “cái” không thể chiếm hữu, không thể mua bán đổi chác. Bản thân chỉ có thể được trao tặng và lãnh nhận trong lòng tri ân.
– Thực sự, tất cả những gì con người “là” và con người “có” trong cuộc đời này đều là những điều tương đối. Tôi có thể không có mặt trong trần gian này, nếu như bố mẹ tôi không gặp nhau; tôi có thể không là nam/nữ như tôi hiện nay, nếu như bố mẹ tôi quen ăn mặn hay ăn nhạt; tôi có thể không có người vợ/chồng và những đứa con như hiện nay, nếu như sự tình cờ run rủi của cuộc đời quay sang hướng khác; tôi có thể không có kiến thức, địa vị, hoặc không ngồi trong lớp học này đây, nếu như…. Tất cả mọi sự của con người đều có thể khác đi hoàn toàn vì những cái “nếu như” luôn có thể xẩy ra. Đó là bản chất tương đối của con người, và đó là cái “nghèo” sâu xa của con người.
– Tóm lại, với đức Tin Kitô giáo, con người được Thiên Chúa sáng tạo từ hư vô, đó là cái “nghèo căn nguyên” của con người.
2. Khuynh hướng giải quyết quen thuộc
Có hai khuynh hướng căn bản:
– Cách thứ nhất: trong tình trạng “nghèo”, khuynh hướng quen thuộc của con người là tìm cách giải quyết bằng sự chiếm hữu những “sự vật” để tạm bù đắp. (Sự vật ở đây hiểu là tất cả những gì không phải là “bản thân”, bên ngoài bản thân của một ai đó). Đây là cách thức lấy một thứ tương đối nào đó – hoặc đồng tiền, hoặc danh vọng, hoặc một chủ nghĩa chính trị…- và tấn phong cho cái tương đối đó một vương quyền tuyệt đối, nghĩa là tìm lấy đầy cái nghèo của mình bằng một cái “giầu” giả tạo.
– Cách thứ hai: con người cũng thường tìm cách giải quyết cách tự bằng lòng với những gì có được trong cuộc sống cụ thể hằng ngày. Một cách nào đó, con người muốn giải quyết cuộc đời mình bằng lựa chọn “khéo co thì ấm”. Đây là cách chấp nhận cái “nghèo” bằng một thứ cam chịu; đành chịu vậy và an vui với cái tương đối của mình, nghĩa là tự tìm cách xoá đi cái hố thẳm “nghèo” của mình. Nói chung, những chủ thuyết triết học và tôn giáo ngoài truyền thống Kitô giáo đều có khuynh hướng giải quyết vận mạng con người bằng một thứ cam chịu, cam chịu “mệnh trời”, cam chịu “nghiệp chướng”, cam chịu “trò đời”… Chúng ta thấy điều đó trong kinh nghiệm của thánh Âu tinh khi chọn sống theo học thuyết nhị nguyên Manichéisme.
Nói chung, người ta không muốn khổ, không muốn xáo động, nên chỉ mong xuê xoa làm sao đó để cuộc đời con người trở nên an bình như một “mặt nước hồ thu”.
3. Sống thái độ nghèo chân chính
– Trong con người vốn tương đối tự bản chất, lại có một hố thẳm bao la vô cùng, đó là “ý muốn”. Ước muốn của con người là “hố thẳm không đáy”, mà gần như không có điều gì có thể lấp đầy được. Con người khao khát tiền bạc, khao khát danh vọng, khao khát quyền lực… nhưng rồi tất cả đều sẽ đến lúc làm cho con người bị chán.
– Thật sự ra, trong cái hố thẳm của ý muốn, con người cũng có một chút kinh nghiệm về sự “thoả mãn” của ý muốn, đó là khi được sống trong một “cuộc chơi”, một cuộc chơi đầy tính phiêu lưu để rồi cảm nhận được niềm vui oà vỡ trong một sự hiệp nhất tìm lại được. Cuộc chơi đó giống như hai người yêu nhau khao khát muốn được người yêu của mình nhận lời mời đi ăn kem, viết một mảnh giấy mời, gởi đi rồi hồi hộp chờ câu trả lời…rồi cuối cùng thì nhận được một sự chấp nhận cách tự nguyện và thích thú của người yêu. Khi đó, niềm vui oà vỡ. Kitô giáo đề cao hôn nhân, vì hôn nhân diễn tả tình yêu thực sự trong sự liên luỵ khổ cực với nhau chứ không phải đầu môi chót lưỡi, nhưng điều đó không có nghĩa là biến hôn nhân thành một sự chiếm hữu nhau, đòi buộc nhau, không còn chỗ cho tính tự nguyện và tính phiêu lưu trong đời sống hôn nhân.
– Kitô giáo vừa khẳng định bản chất “nghèo” của con người, nhưng lại mở ra một chân trời “giầu sang” vô biên cho vận mạng con người. Con người được Chúa dựng nên từ hư vô, nhưng lại được dựng nên “giống hình ảnh Thiên Chúa”, nghĩa là để con người có thể sống với Chúa. Sống với Chúa, đó là chân trời bao lao, siêu việt và phong phú vô cùng vô tận.
– Thánh Âu tinh kinh nghiệm và sống sự “nghèo khó” của kiếp người một cách chân chính khi thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con vì Chúa, nên hồn con xao xuyến mãi cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa.” Cái nghèo của con người, trong tinh thần Kitô giáo, chính là khả năng vô biên để lãnh nhận Đấng Vô Biên. Đó là cái nghèo của sự khao khát vô biên đích thực, và đó là cái nghèo rộng mở cho sự sống năng động, phiêu lưu, mới mẻ…
Tóm lại, Kitô giáo không muốn biến cuộc sống con người thành “mặt nước hồ thu”, nhưng muốn con người sống cuộc đời mình như một ngọn thác. Cần phải dựng đứng cuộc đời mình, dựng đứng để trút hết những cái chiếm hữu vơ vẩn, vụt vặt, và dựng đứng để bắc cầu cuộc đời mình vào nguồn mạch của sự sống vô cùng phong phú của Chúa.
Thái độ “nghèo khó” Kitô giáo cũng chính là thái độ sống-với, nhưng ở đây là sống với Chúa, và sống với Chúa trong một sự phiêu lưu vô tận giống như một cuộc chơi. Thái độ nghèo khó Kitô giáo là thái độ khao khát, khao khát đúng đắn và trọn vẹn, để đừng bao giờ lấp đầy hố thẳm khao khát bằng bất cứ điều gì. Thái độ nghèo khó đích thực đó được “bảo đảm” trong thái độ tin – cậy ở trần gian này và trong thái độ mến, nghĩa là có được sự “ngọt ngào” trong sự tin-cậy ấy khi bước vào cuộc sống mai sau.
Tạm Kết
Đối diện với Chúa, con người chỉ có một thái độ duy nhất, đó là thái độ chấp nhận sự nghèo khó của mình. Nhưng để hiểu được điều căn bản này, con người cần được tác động hoán cải của Chúa Thánh Thần.
Lời cầu nguyện chân chính nhất của con người là: Xin Chúa thương xót chúng con.
Tuy nhiên, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, nhận ra mình nghèo chính con đường mở ra một chân trời bao la nhất, chân trời đạt đến Thiên Chúa.