Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P.
1. Những ước mơ ảo vọng
Con người vốn có thật nhiều ước mơ, con người muốn mình vươn thật tốt, muốn ngươi thân của mình hạnh phúc trọn vẹn, muốn thế giới được hoà bình, an vui… Nhưng trong thế giới con người, những mơ ước, thật ra, chỉ là một thứ “mồi nhử” giả tạo, không có không được, nhưng có đó mà không bao giờ có thể đạt được.
1.1. Trong mức độ bản thân mỗi người
Con người đi vào tuổi trưởng thành, đụng vào những gai góc đau thương trong cuộc đời, hiểu rằng ngay cả những thần tượng lý tưởng nhất của mình cũng không phải là những người hoàn toàn tốt như mình nghĩ… Thế nhưng, con người không thể cầu toàn, luôn buồn phiền về những khuyết điểm của bản thân mình cũng như người khác; mà cũng không thể vì thế mà buông xuôi, hoặc tử tử, hoặc sống theo kiểu ai sao ta vậy; … Con người trưởng thành là con người vừa hiểu, chấp nhận cuộc đời tương đối, lại vừa phải khát vọng vươn lên hơn, sống tốt hơn và góp phần cho cuộc sống tốt hơn.
1.2. Trong mức độ tương quan với tha nhân
Con người muốn sống liêm chính, đạo đức, quảng đại… nhưng “bài học” của thực tế cuộc sống lại xô đẩy, thúc bách phải giải quyết những vẫn đề cuộc sống, nếu không gian dối thì cũng phải sòng phẳng, vay trả đúng mực…
Mặt khác, giá trị của những đòi hỏi luân lý như: tôn trọng sự sống, luân lý tính dục, công bằng, …phải là những giá trị tuyệt đối, không thể là những giá trị tuỳ thời, tuỳ hoàn cảnh. Điều này dễ bị giảm nhẹ khi ta là kẻ gây tai hoạ cho người khác, nhưng sẽ trở nên thật rõ rệt khi ta là nạn nhân.
1.3. Trong mức độ liên quan đến cả xã hội nhân loại
Đời sống cá nhân cũng như những tương quan bạn bè, anh chị em không phải và không thể là những ốc đảo tách rời khỏi môi trường chung là xã hội, và tương quan rộng lớn của cả nhân loại. Khát vọng “tứ hải giai huynh đệ” chính là một chân trời cho tình nghĩa con người, nhưng trong thực tế khát vọng ấy lại không thể thực hiện được.
Ước mơ thế giới hoà bình, mọi người là anh em, không thể thực hiện được khi người ta chủ trương vô thần, nghĩa là phải chọn thái độ bạn ra bạn, thù ra thù; không thể thực hiện được với chủ trương đa thần; và chỉ có thể thực hiện được khi người ta chấp nhận một Chúa là Cha chung của tất cả mọi người.
Thật ra, hầu như tất cả những giá trị nhân bản như khiêm tốn, mơ ước, hy vọng, đạo đức, tự do, yêu thương…., thật ra, chỉ có thể hoàn tất và hợp lý trong chân trời tâm linh. Đi tới cùng, chan trời tâm linh chỉ có thể trọn vẹn khi mọi người chấp nhận có một Chúa là Cha chung của mọi người.
Cần phải nhắc nhở người tín hữu rằng niềm tin vào một Chúa không phải chỉ là một lập trường của lý trí khiến ta phải loại trừ những ai không chấp nhận; nhưng ngược lại là chân trời của khát vọng yêu thương, và khát vọng yêu thương ấy phải được thể hiện trong thực tế cuộc sống hằng ngày.
2. Những ước mơ được trả lời
Đức tin Kitô giáo nhắc nhở người Kitô hữu ý thức mình sống trong giai đoạn cánh chung, luôn khát vọng ngày Quang Lâm như là cứu cánh của tất cả vũ trụ và nhân loại. Cứu cánh đó được diễn tả như núi thánh của Chúa, như Giêrusalem trên trời, đó là ngày Đức Giêsu Kitô lại đến… Chính niềm mơ ước cách chung ấy là chân trời cuối cùng cho tất cả cuộc sống nhân loại.
2.1. Ướm mọi sự vào viễn cảnh quang lâm
Giống như người ta chỉ có thể hiểu được những đường nẻo “ngoằn ngoèo” của cuộc sống khi nhìn tới mục tiêu phải đạt đến; giống như người ta chỉ có thể hiểu được những nét nguệch ngoạc của bức tranh đang thành hình khi ướm vào hình mẫu; thì cũng thế, người ta chỉ có thể hiểu được những khó nhọc, khổ cực, hoặc đổ vỡ… của cuộc sống khi mọi sự được ướm vào cứu cánh cuối cùng của đời người, của cả nhân loại. Khi đó, mặc dù người ta vẫn luôn còn phải đối diện với những gì còn dở dang, còn khiếm khuyết của cuộc sống, nhưng đồng thời cũng sẽ nhận ra được những “dấu chỉ Nước Trời”.
Nhận ra những dấu chỉ hy vọng, điều đó khiến cho niềm hy vọng Kitô giáo không phải là “mồi nhử” hão huyền, nhưng chính là đức Cậy Kitô giáo; đó là một niềm hy vọng có chân rễ trong dòng sự sống, nhờ ánh sáng của đức Tin soi chiếu.
Nhân bản Kitô giáo không phải là thái độ bi quan, trốn đời, những trước tiên là một cách nhìn lạc quan, có khả năng khám phá những điểm tích cực, nhận ra những đóm lửa nhỏ hơn là nguyền rủa bóng tối…
2.2. Dấn thân vì Nước Trời
Khi nhận ra được những dấu chỉ biểu hiện một tương lai đáng ước mơ, con người cần chọn thái độ dấn thân, phục vụ, gắn với với những nỗ lực làm cho cuộc sống con người được tốt đẹp hơn . Với đức Tin ấy, người Kitô hữu hiểu ra cái nghèo của Tin Mừng, nhận ra thúc bách phải dấn thân, có khả năng khai mở một hành trình mới trong tự do trong yêu thương…. Đức Tin không phải là gìn giữ một báu vật, nhưng chính yếu là động thái quảng đại trao ban bản thân cho chương trình của Chúa và cho cuộc sống thật của thế giới này.
Mơ ước khác với mơ mộng. Mơ mộng là mơ mà không bắt đầu; mơ ước là mơ và bắt đầu bằng một chút “vốn liếng” nhỏ nhoi của mình. Nhân bản Kitô giáo thiết yếu gắn liền với thái độ có trách nhiệm với cuộc đời, có trách nhiệm với anh chị em của mình.
2.3. Buông mình vào dòng sự sống phong phú
Những nỗ lực tốt lành của con người thật sự là nhỏ bé, như chút muối bỏ vào trong đại dương của khổ đau và bất công. Tuy nhiên, con người vẫn cứ ước mơ, ước mơ trọn vẹn, và ước mơ ấy chỉ có ý nghĩa khi người tín hữu hiểu rằng mình được góp phần vào dòng sự sống phong phú vô tận của Chúa.
Mơ ước của con người chỉ có thể “hữu lý” khi đặt mình trong một chương trình rộng lớn hơn, trong một nhiệm cục cứu độ đang được thực hiện từng bước từng bước một.
Do đó, đức tin mời gọi ta buông mình theo sự phong phú của Chúa, đặt mình vào dòng sự sống phong phú vô tận, tuôn đổ hết để có thể lãnh nhận tất cả.
Người Kitô hữu luôn xác tín Nước Trời đang đến trong những hạt cải Tin Mừng nhỏ bé.
3. Cử hành đức tin
Con người là sinh vật có văn hoá, nghĩa là con người có khả năng làm cho cuộc đời của mình được đẹp hơn nhờ những ý nghĩa nhân bản và tâm linh. Đối với con người, ăn không chỉ để sống mà còn là hiệp thông, mặc không chỉ để ấm mà còn là tôn trọng người khác… Ý nghĩa văn hoá được thực hiện bằng những biểu tượng, tức những cử chỉ, những lời nói, những hình ảnh, những đồ vật… Khi một biểu tượng diễn tả đúng nội dung thật, con người được sống phong phú hơn; còn khi biểu tưởng chỉ là sáo rỗng, đó là những nghi lễ đòi buộc một cách giả tạo.
Người Kitô hữu có thể thực hiện được những biểu tượng diễn tả đức Tin trong cuộc sống hằng ngày: làm dấu, cúi chào, bái lạy… Những biểu tượng nghi lễ ấy có tác dụng làm cho những việc đời thường được ướm vào dòng sức sống cứu độ của Chúa. Khi đó, cuộc sống thường ngày được “đóng dấu đức Tin”, cuộc sống được gia tăng sức mạnh siêu nhiên, và đó là một thứ “thiền” của Kitô giáo.