Mục Lục
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P.
1. Con người có ngôi vị
Con người được Chúa sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ ngữ “giống như” trong Kinh Thánh không chỉ có ý nghĩa là một sự so sánh, nhưng còn có ý nghĩa sâu xa: Thiên Chúa là cội nguồn tất cả cuộc sống con người, nghĩa là con người được dựng nên để sống với Chúa.
Con người được mời gọi để sống với Chúa trong tình yêu. Tình yêu Kitô giáo bao gồm những tính chất của sự tự do, của tính tự chủ, tính tự hiến… Do đó, Thiên Chúa ban cho con người được có một ngôi vị để có thể yêu mến Chúa và yêu thương nhau như những chủ thể. Tình yêu Kitô giáo được mô phỏng từ mầu nhiệm hiệp nhất của Một Thiên Chúa Ba Ngôi Vị, nên mỗi con người cũng có một ngôi vị, có linh hồn riêng để suy tư và ước muốn, để tự do lựa chọn đi vào tình yêu thương.
Nền tảng này cũng cho thấy con người cần được tôn trọng và mỗi người cần thể hiện được thái độ tự chủ chủ mình. Trong mọi giải pháp của đời người, yếu tố cần thiết hàng đầu là trao trả lại những điều kiện cần thiết để con người thể hiện quyền tự chủ của chính mình. Ưu tiên của giải pháp Kitô giáo là giúp con người tìm được thái độ làm chủ chứ không phải là tìm cách xỏ mũi, trấn áp, đe dọa hoặc một sự mê hoặc nào đó.
“Thiên Chúa đã tạo dựng con người có lý trí, khi ban cho họ phẩm giá của một ngôi vị, có khả năng khởi xướng và điều khiển các hành vi của mình. ‘Thiên Chúa đã muốn con người ‘tự quyết định lấy’ (Hc 15,14), để chính họ tự nguyện tìm kiếm Đấng Tạo Hoá của mình và tự do đạt tới sự hoàn hảo sung mãn và hạnh phúc bằng việc kết hợp với Ngài’ (GS 17).” 1
2. Bản thân con người
Con người theo Kinh Thánh có ba khía cạnh : thân xác, linh hồn và thần trí. Đây không phải là ba yếu tố trong con người, vì người Do Thái luôn có một cái nhìn mang tính toàn diện, nhưng đây là ba khía cạnh trong đời sống con người.
– Thân xác : tức con người toàn thể trong khía cạnh mỏng dòn, bộc lộ trong mối tương quan với người khác và tương quan với vũ trụ.
– Linh hồn : tức con người toàn thể trong khía cạnh sự sống nội tại của mình, đó là sự sống, là ý thức, và suy nghĩ bên trong con người.
– Thần trí : tức con người toàn thể trong khía cạnh tương quan với Thiên Chúa.
Như thế, con người được đặt ở vị thế đứng giữa thế giới tự nhiên và thế giới siêu nhiên. Những khía cạnh của thân xác là cuộc sống hằng ngày của con người, trong đó, “linh hồn” bị chi phối do những tương quan của thế giới “có thời gian” và có nguy cơ bị xô đẩy theo những áp lực xô bồ của cuộc sống. Kinh Thánh nói cho chúng ta thấy để có thể sống và sống trọn vẹn cuộc đời của mình, con người nội tại (linh hồn) cần được hướng dẫn bằng mối tương quan siêu nhiên, nhờ được Chúa đặt khía cạnh thần trí trong con người, nhờ sống với Chúa.
Như thế, theo Kinh Thánh, con người đứng trong thế “tay ba”; phần năng lực nội tại của con người cần được củng cố do mối tương quan siêu nhiên với Chúa để có thể sống cuộc đời thật hằng ngày của mình qua mối tương quan thân xác. Trong bối cảnh ý nghĩa như thế, ta hiểu rằng, đối với Kitô giáo, con người thiết yếu cần được cứu, cần được dính dáng toàn vẹn cuộc đời mình vào Chúa qua khía cạnh thần trí trong con người.
3. Hành trình đời người
Mặt khác, con người được sáng tạo trong khung cảnh thời gian có khởi đầu và có kết thúc chứ không phải thời gian đi vòng tròn. Trong hành trình đó, con người dấn bước vào đời, mang lấy lịch sử đời mình, hình thành bản thân mình một cách đặc biệt, độc đáo qua quá trình lịch sử. Lịch sử cấu tạo nên bản thân của mỗi con người và làm cho mỗi người trở thành “độc đáo”. Mỗi con người được là mình trong lịch sử đời mình và mong ước được chấp nhận bản thân như mình là.
Hành trình đời người trong thời gian, có khởi đầu và có thời gian kết thúc cuộc đời trần thế. Tuy nhiên, vận mạng con người không kết thúc với cái chết, con người còn có đời sống sau cái chết. Điều đó cho thấy con người không có bản chất vĩnh cửu, nhưng lại chính là hành trình hướng về vĩnh cửu. Không nhận ra khao khát vĩnh cửu nơi con người thì không hiểu bản chất đích thực của con người. Trong khía cạnh này, con người khao khát được đồng hành trong suốt lịch sử đời mình, đặc biệt là trong hành trình đạt tới cứu cánh siêu nhiên của vận mạng con người.
4. Hoạt động con người
Trong tình trạng con người hiện nay, nghĩa là con người được sáng tạo nên giống hình ảnh Chúa, nhưng lại sống trong vòng liên lụy của tội tổ tông, hành trình của đời sống con người được hình thành nên qua hai khía cạnh chính :
4.1 Nỗ lực
Cuộc sống con người ở trần gian này là một cuộc chiến. Con người giống như người bơi trong dòng nước ngược, không tiến thì sẽ bị cuốn trôi ngược lại. Thật ra ngày khi người ta chọn một nghề nghiệp, chọn một ơn gọi, thì đó đã là chọn lựa một phương cách làm người, và đã là một cách chọn “đối thủ” cho cuộc đời mình.
Điều quan trọng là phải biết chọn đúng đối thủ và đó phải là đối thủ xứng tầm với vận mạng làm người. Do đó, mặc dù là chọn ơn gọi hay nghề nghiệp nào, vấn đề chính yếu của đời người là phải nhìn ra ý nghĩa sâu xa của đời người để biết phải sống thế nào. Nói chung, đối thủ xứng tầm của đời người là chính satan, là chính sự ích kỷ, ghen ghét, gian dối trong ơn gọi và nghề nghiệp của mình. Nếu không nhận ra đúng đối thủ xứng tầm, đời sống con người có nguy cơ tản mạn, đánh vào không khí, và loay hoay giải quyết đời mình một cách vụn vặt.
4.2 Hiệp thông
Một hoạt động khác thể hiện nhu cầu sâu xa hơn của con người, đó là hiệp thông. Hiệp thông là gặp gỡ, là thông hiệp, là yêu thương, …đây mới chính là mục tiêu chính đáng nhất của đời người. Sống là chiến đấu, nhưng chiến đấu là để tìm được sự hiệp thông chân chính.
Một cách tổng quát, nếu ai đó chiến đấu vì “cái gì” thì rất dễ chống lại ai khác, đó là dấn thân vì sự vật. Ngược lại, nếu ai đó chiến đấu chống lại “cái gì”, nghĩa là chiến đấu để loại trừ đối thủ đích thực là hận thù, ghen ghét, …thì sẽ có cơ may dần dần đi vào cuộc chiến “vì ai”. Đây là thái độ dấn thân vì ai khác, và người nào dấn thân như vậy sẽ có cơ may tìm được sự hiệp thông chân chính.
5. Cứu cánh con người
Cuối cùng điều có tầm quan trọng thiết yếu là con người được Thiên Chúa dựng nên vì chính mình.
“Con người, thụ tạo duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, và họ chỉ có thể gặp lại bản thân khi chân thành trao ban chính mình.” 2
Nói theo triết học, con người có cứu cánh tại thân. Con người được sáng tạo để sống trọn cuộc đời mình. Dứt khoát không bao giờ được coi con người, dù là một người nào, như một phương tiện, sử dụng con người như “con dê tế thần”. Con người, mỗi người được sáng tạo để được sống hạnh phúc trọn vẹn cho bản thân mình.
Tuy nhiên, con người để tìm thấy chính bản thân mình, con đường để có được hạnh phúc trọn vẹn lại không thể là con đường nào khác hơn việc tự nguyện hiến dâng chính bản thân và cuộc đời mình cho ai khác, hiến dâng tự nguyện vì yêu thương.
Tạm kết
Vì con người có một vị thế đặt biệt như thế trong nền tảng đạo lý Kitô giáo, nên những giá trị nhân bản Kitô giáo cũng có nhiều điều khác biệt với những giá trị nhân bản ngoài Kitô giáo. Người Kitô hữu cần đón nhận giá trị nhân bản trong các nền văn hóa và tôn giáo khác, nhưng không thể vì thế mà đánh mất những nền tảng sâu xa của chính niềm tin.
Ngược lại, khi trở về với niềm tin, người Kitô hữu có thể tìm thấy những giá trị nhân bản sâu xa, khám phá vận mệnh đời người với đầy đủ những nét cao đẹp tuyệt vời.