THỨ BA TUẦN VII THƯỜNG NIÊN
(Năm lẻ: Hc 2,1-11; Năm chẵn: Gc 4,1-4; Mc 9, 30-37)
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – NĂM B
(Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37)
Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu với phần trình thuật Đức Giêsu loan báo lần thứ hai về cuộc khổ nạn và phục sinh sắp diễn ra của Người.
Theo Tin Mừng nhất lãm, có ba lần Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn. Lần loan báo thứ nhất xảy ra sau khi ông Phêrô tuyên xưng Đức Tin. Lần loan báo thứ ba gắn với câu chuyện của hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan xin được ngồi chỗ nhất trong Nước trời. Riêng, Tin Mừng Máccô, cũng như Luca gắn lần loan báo thứ hai với giáo huấn của Đức Giêsu dành cho nhóm Mười Hai về sự phục vụ, khi các ông tranh luận với nhau ai là người lớn nhất. Cả ba lần loan báo về cuộc khổ nạn và phục sinh, Đức Giêsu chủ yếu nhắm đến các môn đệ thân tín, cách riêng là nhóm Mười Hai. Tính chất của giáo huấn này rất quan trọng, nhằm giúp các môn đệ hiểu đúng tư cách Mêsisa của Người. Mặc dầu vậy, xem ra cả ba lần các môn đệ không hiểu con đường cứu độ bằng thập giá Đức Giêsu sẽ thực hiện. Các ông vẫn mơ tưởng về một triều đại huy hoàng, Thầy Giêsu sẽ làm vua Ítraen theo kiểu thế gian. Vì với cái nhìn đó mà các môn đệ vẫn mải tranh luận về địa vị cao thấp xem ai là người lớn nhất, thậm chí đã xảy ra cả sự ghen tức, khó chịu lẫn nhau giữa các ông.
Tranh dành địa vị, quyền lợi là chuyện xảy ra thường xuyên trong xã hội. Điều khiến chúng ta ngạc nhiên là chuyện đã xảy ra ngay giữa các môn đệ của Đức Giêsu, thậm chí ngay sau khi Người nói về sự hy sinh, con đường thập giá đưa đến ơn cứu độ. Nhưng, điều có lẽ làm chúng ta ngạc nhiên và cũng đáng quan tâm cho chúng ta hơn, đó là sự kiên trì của cả hai phía, của Đức Giêsu và của các môn đệ:
– Đức Giêsu tuyển chọn Nhóm Mười Hai và người đã phải rất kiên trì, nhẫn nại từng bước từng bước huấn luyện các ông. Có lẽ trong Tin Mừng Máccô, các môn đệ của Đức Giêsu bị khiển trách nhiều nhất, vì ngu muội, chậm tin, tham lam chức quyền, địa vị. Nhưng trong mọi tình huống, Đức Giêsu đều để cho các môn đệ tự do chọn lựa và quyết định đi theo Người hoặc rút lui. Ngay cả Giuda Ítcariốt phản bội, Đức Giêsu cũng để cho ông tự do hành động theo ý muốn.
– Về phía các môn đệ, theo Đức Giêsu, các ông mang trong mình tất cả những giới hạn và tính toán theo kiểu con người: tranh dành địa vị, ham hố quyền lực, địa vị, đố kỵ ghen tương. Nhiều lần các môn đệ đã không hiểu hoặc không sẵn sàng đón nhận giáo huấn của Đức Giêsu và bị Người khiển trách nặng lời, nhưng các môn đệ, đặc biệt là Nhóm Mười Hai vẫn kiên trì đi theo Đức Kitô. Các ông cũng tỏ ra có một lương tâm nhậy bén về sự sai trái của mình và xấu hổ không dám trả lời Đức Giêsu khi Người hỏi các ông đã tranh luận điều gì trong lúc đi đường.
Rõ ràng Đức Giêsu đã không hứa bất cứ điều gì cho các môn đệ khi các ông đi theo Người, ngoài thập giá, sự hy sinh, đó là con đường duy nhất, nếu các môn đệ muốn được chia sẻ vinh quang với Thầy. Thậm chí, Người còn đòi các ông phải trở nên rốt hết trong sự phục vụ, có như thế các ông mới được coi là lớn trong Nước của Người. Sự kiên trì ở với Đức Giêsu giúp các ông dần dần được khai mở lòng trí. Nhất là sau khi Đức Giêsu sống lại, cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh giúp các môn đệ thấu hiểu những giáo huấn của Đức Giêsu về con đường thập giá và sự phục vụ. Từ những con người hèn kém, ngu muội, chậm tin, các môn đệ, cách riêng các Tông đồ, đã mạnh dạn tuyên xưng và rao giảng về Đấng chịu đóng đinh. Đức tin và nền tảng đạo lý cho Giáo hội đến hôm nay bắt nguồn từ Nhóm Mười Hai. Các ông đã bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá và đã làm chứng cho đức tin bằng sự hy sinh, kể cả cái chết để phục vụ cho ơn cứu độ.
Câu chuyện của Nhóm Mười Hai của trình thuật Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta tin tưởng hơn trên hành trình theo Đức Kitô. Mặc dù, chúng ta bước vào nhà Dòng với nhiều khiếm khuyết, kể cả những tính toán hơn thiệt và tìm kiếm cơ hội cho một sự thăng tiến tương lai, nhưng nếu chúng ta vẫn kiên trì bước đi và nhất là để Chúa Thánh Thần thanh luyện, để cho Lời Chúa soi dẫn sửa bảo hằng ngày, thì cuộc đời theo Chúa của chúng ta sẽ thực sự thăng tiến. Đức Giêsu mời chúng ta bước đi theo Người, nhưng Người lại cho mỗi người hoàn toàn tự do đáp trả và sống ơn gọi ấy theo sự phán đoán khôn ngoan và ý chí quyết định dấn thân. Với nhiều người, sự chọn lựa của chúng ta có thể là thiếu khôn ngoan, thua thiệt. Quả thật, mọi sự dấn thân, hy sinh của chúng ta sẽ chẳng có ý nghĩa gì, trừ phi là để cộng tác với Đức Kitô, nhằm phục vụ ơn cứu độ con người. Khi Đức Giêsu đón nhận cái chết thập giá, thì người cũng chia sẻ hoàn toàn nhân tính của con người. Và vì thế bất kỳ sự phục vụ nào cho con người, kể cả cho một người bé mọn hay một em nhỏ, cũng là phục vụ chính Đức Kitô và cũng là phục vụ chính Thiên Chúa. Phục vụ Đức Kitô nơi con người, đó chính là phần thưởng cao quý nhất, đồng thời cũng làm cho người môn đệ trở nên lớn nhất. Amen.