MỪNG LỄ THÁNH VINH SƠN LIÊM – BỔN MẠNG TU VIỆN (07/11/2022)

17-11-2022
Bởi: Jos Nguyen OP Có: 0 bình luận 1085 lượt xem

MỪNG LỄ THÁNH VINH SƠN LIÊM – BỔN MẠNG TU VIỆN

Giuse Đặng Văn Quang

  1. Thánh lễ mừng bổn mạng tu viện

Trong niềm hân hoan kính nhớ các Thánh trong Dòng, vào ngày 7/11/2022, Tu viện Thánh Vinh Sơn Liêm đã long trọng mừng kính thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm, OP, bổn mạng Tu viện. Thánh lễ do cha Phêrô Nguyễn Bá Ân chủ tế cùng sự tham dự của quý cha, quý thầy và anh em thỉnh sinh.

Mở đầu, quý cha, quý thầy cùng quy tụ dưới tượng đài, thắp lên nén hương tưởng nhớ công đức ngời sáng của Thánh Nhân khi còn tại thế. Dưới làn khói hương trầm nghi ngút, anh em có dịp được nghe lại tiểu sử của vị tiền bối đáng kính, mà qua đó làm nổi bật lên tấm gương nhân đức vị tử đạo, làm tiền đề cho các anh em noi theo trong sứ vụ loan báo Tin Mừng ngày hôm nay.

  1. Tiểu sử thánh Vinh Sơn Liêm[1] 

a. Thời niên thiếu

Thánh Vinh-sơn Phạm Hiếu Liêm quê Thôn Đông, làng Trà Lũ, Phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ. Thân phụ là ông Antôn Doãn, một thân hào trong thôn và làm trùm họ; thân mẫu là bà Maria Doãn, một người mẹ đạo đức đứng đầu hội Mân Côi trong xứ, hết mình với việc giáo dục con cái.

Năm 12 tuổi, cậu Liêm vào tu trong nhà Đức Chúa Trời ở Lục Thủy. Qua sáu năm học tập, cậu tỏ ra thông minh đạo đức nên được các cha dòng Đa Minh thời đó đang phụ trách giáo phận Đông Đàng Ngoài để ý. Cha chính Espinoza Huy đã chọn cậu vào số các thanh niên hưởng học bổng của Tây Ban Nha, gởi đi du học tại Manila, Philipinnes, tại trường Juan de Letran, năm 1750.

b. Gia nhập Dòng Đa Minh

Sau ba năm học với kết quả xuất sắc, thầy Liêm gia nhập dòng Đa Minh, lãnh tu phục ngày 9/9/1753. Năm sau, thầy tuyên khấn trọng thể cùng với ba tu sĩ đồng hương và lấy biệt hiệu là Vinh-sơn Hòa Bình (Vincente de la Paz). Tiếp đó, thầy học thêm bốn năm thần học tại đại học Santo Tomás, thụ phong linh mục năm 1758. Sau đó,cha Liêm chuẩn bị trở về phục vụ quê hương. Ngày 3/10/1758, cha xuống tàu cùng với cha Domingo Pujol và cha Phaolo Huyên de Santa Trinidad, về đến Trung Linh ngày 20/1/1759.

c. Giáo sư Chủng viện

Về Việt Nam, cha Vinh-sơn được bổ nhiệm làm giáo sư chủng viện Trung Linh. Cha đã đem hết tài trí và nhiệt thành truyền đạt cho các chủng sinh những kiến thức cha đã học. Nhưng nguyện vọng của cha là loan báo Tin Mừng bình an cho anh em, nên chẳng bao lâu, cha rời chủng viện dấn thân vào cánh đồng truyền giáo. Cha lần lượt đảm nhiệm các xứ Quất Lâm, Lục Thủy, Trung Lễ, Trung Linh, Trung Lao; và từ khi cha Jacinto Gia bị bắt, cha kiêm luôn cả vùng Lai Ổn.

d. Trở thành nhà truyền giáo

Hoạt động tông đồ của cha không chỉ hạn hẹp trong các giáo xứ, nhưng còn mở rộng đến các làng ngoại giáo, bất chấp những khó khăn nguy hiểm trong thời cấm đạo. Tại bất cứ nơi nào, cha cũng luôn nhiệt tình yêu thương, giúp đỡ mọi người, nên ai cũng hết lòng thương mến. Cha khích lệ mọi người can đảm, an ủi những người buồn sầu, và không nề hà bất cứ điều gì vì lợi ích thiêng liêng của họ.

Công việc tông đồ của cha nói được là rất thành công; nhưng bao giờ cha cũng khiêm tốn, coi những thành quả đó là do Chúa và của Chúa mà thôi. Cha thường nói với bạn hữu “mình chỉ là dụng cụ của Chúa dùng mà thôi, làm được gì tốt đều là Chúa làm. Không có Chúa, mình làm được gì?” Trong các thư cha gửi cho Đức Cha và các Bề trên, ngày nay ta còn đọc được những dòng chữ cha viết như sau: “Xin Đức Cha và các Bề trên cầu nguyện cùng Chúa cho con, khi dâng lễ và trong kinh nguyện, để mỗi ngày con được hoàn thiện hơn, biết vui lòng đón nhận những khốn khó theo ý Chúa”.

Một ông hoàng em thứ sáu của chúa Trịnh Doanh trước khi từ trần đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội nhờ công của các vị Thừa Sai và lời cầu nguyện của cha Vinh-sơn Liêm. Cha đón nhận tin đó như niềm vui của Giáo Hội Việt Nam, và ngày 17/6/1764 cha viết thư loan báo tin vui mừng này cho cha Pedro Yre Bề trên Giám tỉnh ở Manila và Đức Cha Bernado Vetaria.

e. Những biến cố lịch sử và hành trình tử đạo

Những biến cố của cuộc đời cha Vinh-sơn Liêm diễn ra dưới thời vua Lê Hiển Tông (tức Cảnh Hưng: 1740-1786), Chúa Trịnh Doanh (Minh Đô Vương: 1740-1767) và Trịnh Sâm (Tĩnh Đô Vương: 1767-1782). Quan phủ Thần Khê, trong nỗ lực lập công và lãnh thưởng từ triều đình, cũng như làm giàu bất chính từ tiền bạc của những người theo đạo Thiên Chúa, không chỉ sai thuộc hạ là Lê Văn Đô đi lùng bắt những người mà người ta gọi là các Hoa Lang đạo trưởng, mà còn treo thưởng cho những ai tố giác giúp bắt được các đạo trưởng ấy. Trong số những người đã cộng tác với viên quan phủ làm những điều xấu ấy, ngoài chánh tổng Trần Văn Hiến, đứng đầu tổng Xích Bích, còn có một thầy lang tên là Cẩn. Tên này cũng chính là kẻ đã muốn bắt giữ cha Castañeda khi cha đang di chuyển trên sông, nhưng cha đã thoát nạn nhờ trốn dưới hầm của chiếc ghe ấy. Việc thất bại trong cuộc truy bắt cha Castañeda đã làm ông tức điên, nên ông tìm cách bắt được một thừa sai khác. Lúc đầu ông nhắm đến các thừa sai Âu châu, bởi các vị này có trình độ hơn và là đối tượng chịu án tử hình trong các sắc chỉ cấm đạo; nhưng nỗ lực của ông ta không đạt được, nên ông ta quay ra bắt bất kỳ thừa sai nào ông tìm được, kể cả thừa sai người bản xứ.

Ngày 1/10/1773, dịp lễ Đức Mẹ Mân Côi, cha Liêm được các giáo dân họ Lương Đống đến xin cử hành lễ trong nhà thờ của họ. Cha đồng ý, và cũng muốn nhân dịp này cử hành các bí tích cho giáo dân ở đây, vì cha Castañeda Gia chưa kịp thực hiện điều ấy trước khi bị giam giữ ở huyện đường. Một người bên lương, chắc chắn là đã có được mật chỉ, trông thấy cha Vinh-sơn và những người theo cha đi về họ Lương Đống, nên báo cho ông lang Cẩn. Ông không có binh lính trong tay, nên đã tập hợp những gia nhân của mình, cùng với một số lương dân khác trong làng, ngay trong đêm kéo đến Lương Đống. Trước lúc mặt trời mọc hôm sau, ông lang Cẩn và người của ông đã bao vây nhà ông nhiêu Nhuệ, nơi cha Vinh-sơn trú ngụ. Ông Cẩn đột nhập vào nhà như một con mãnh thú, nhảy bổ vào vị thừa sai hiền lành không tự vệ cũng chẳng cố gắng trốn chạy. Thêm nữa, kẻ hung hãn này, như đang đối xử với một kẻ thù không đội trời chung, liên tục nắm tóc, xô cha Vinh-sơn ngã xuống đất, kéo lê cha rồi đấm đá liên hồi khiến cha đổ máu ướt cả áo. Cuối cùng, như vẫn còn sợ cha trốn thoát, hắn sai người trói chặt cha lại, đồng thời trói cả hai thầy giảng đi cùng với cha, thầy Matthêu Vũ và thầy Giuse Bính.  Sau đó, cả ba bị điệu đi nộp cho quan phủ Thần Khê. Và như thể chưa thỏa mãn với những đòn ác độc mà hắn đã làm với cha Vinh-sơn và các thầy giảng, tên lang Cẩn còn lôi ba vị đi diễn hành qua các ngả đường lớn của làng, nơi hàng ngày người dân vẫn họp chợ. Những ai am tường văn hóa Việt Nam hẳn đã hiểu việc tên Cẩn đưa các tù nhân đi qua các làng ngoại giáo ấy là có ý gì. Trước khi các tù nhân đến được huyện phủ, họ sẽ bị người đứng đầu tổng đó, chánh tổng, kết tội. Viên chánh tổng Xích Bích là Trần Văn Hiến, người đầu tiên, nếu không muốn nói là người duy nhất tham gia “cách tích cực” vào vụ án này. Hắn giam giữ ba vị trong nhà hắn suốt 12 ngày, chờ xem giáo dân có đem tiền đến chuộc các ngài hay không, mà theo ý đồ riêng, hắn nghĩ rằng “con mồi sẽ sập bẫy”. Thế nhưng, chờ mòn mỏi không thấy ai đến chuộc khiến những tù nhân vô tội phải chịu nhiều khổ sở, hắn mới báo sự vụ lên quan phủ Thần Khê.

Viên quan phủ này đã có tin tức về những gì tên chánh tổng Xích Bích đã làm vài ngày trước, nhưng phần vì mưu đồ chính trị, phần do sự xảo quyệt, viên quan này không can thiệp gì, để dò la xem tên chánh tổng to gan kia làm thế nào thoát khỏi mớ hỗn độn do chính hắn gây ra. Khi thấy chánh tổng Xích Bích tỏ lòng hết sức tùng phục mình và trao nộp những gì thuộc quyền của mình, quan phủ không tỏ ra tức giận. Hắn lập tức cho làm một cái cũi nhốt cha Vinh-sơn và hai cái gông để cùm hai thầy giảng trẻ tuổi. Những dụng cụ tra tấn đã chuẩn bị xong, một toán lính được cử đến tổng Xích Bích. Ở đó, họ nhốt cha Vinh-sơn Liêm trong cũi và đeo gông vào cổ hai thầy giảng.

Khi ấy, cha Castañeda Gia đang bị nhốt cũi ở sân huyện phủ, thấy một đám đông quân lính và dân chúng tiến vào sân, dẫn theo một tù nhân bị đóng cũi như ngài. Ngài rất đỗi vui mừng nhận ra người anh em của mình, cha Vinh-sơn Liêm de la Paz. Thật không thể mường tượng được tình cảm của hai vị tu sĩ thánh thiện khi họ gặp nhau trong tình cảnh cả hai đều bị giam cầm, như hình ảnh của Đức Kitô chịu khổ hình, sau khi cả hai đã hiến dâng chính cuộc sống của mình để rao giảng về Người. Kể từ đó, số phận hai vị thừa sai này gắn liền với nhau. Trước đó, quan phủ Thần Khê rất đỗi thất vọng khi không lấy được đồng cắc mua chuộc nào từ phía các tín hữu Công Giáo để chuộc cha Castañeda, nay ông tin rằng mình sẽ được nhiều hơn nếu giáo dân chịu chuộc cả hai vị thừa sai, hoặc không thì cũng được một phần thưởng lớn từ thượng cấp vì có công bắt được hai vị đạo trưởng chiếu theo sắc chỉ cấm đạo của triều đình. Với ý tưởng ấy, một ngày sau khi cha Vinh-sơn Liêm bị nộp cho quan phủ Thần Khê, ông này áp giải cả hai cha thừa sai và hai thầy giảng trẻ tuổi đến thủ phủ của tỉnh nộp cho Quan Án. Hai cha, mỗi cha bị nhốt trong một cũi riêng, còn hai thầy giảng đeo gông nặng nề, bị giải đến Hưng Yên ngày 16/10/1773. Khác xa những gì tên quan phủ tham lam ở Thần Khê mong đợi, tại Hưng Yên, hắn ta không những không được Quan Án khen thưởng, mà suýt nữa còn bị phạt vì những hành vi ấy. Quan Án không muốn những tù nhân này bị nhốt trong ngục thất, nên đã ra lệnh cho quan phủ đưa các tù nhân này về nhà riêng của mình để giam giữ. Ông không những không gây phiền nhiễu gì cho các ngài, mà còn để người dân, cả lương lẫn giáo, tự do vào thăm viếng. Ông cũng ra lệnh đưa các thừa sai ra khỏi cũi, tháo gông cùm cho hai thầy giảng, và để các ngài tự do đi lại, thậm chí là ra phố nếu các ngài muốn. Bởi theo ông, “không thể phá hủy đạo này, mà hành hạ hay giết hại những người lương thiện này cũng chẳng được lợi gì”. Với sự ưu ái mà Quan Án dành cho các thừa sai, không ai còn dám làm phiền các ngài nữa. Nhân vậy, các ngài dùng sự tự do ấy rao giảng, dạy dỗ và khuyến khích những người đến với các ngài. Nhiều người thích thú lắng nghe và bỡ ngỡ vì thấy cha Castañeda nói tiếng Việt rất rành rẽ. Với cha Vinh-sơn, thì việc này rất đỗi bình thường vì là người Việt Nam, am hiểu kỹ chữ Hán vốn tạo nên sự tao nhã cho tiếng Việt, còn cha Castañeda thì từng truyền giáo bên Trung Hoa mấy năm, nên cũng am tường ngôn ngữ của vương quốc này. Quan phủ Thần Khê rất tức giận khi thấy những kẻ tù tội này giờ đây lại được kính trọng và được nhiều người lắng nghe. Cầm mình không nổi, hắn la lên rằng: “Các người đừng để ý đến lời những kẻ lừa bịp này nói. Các người không biết đạo này là đạo đã bị nhà vua lên án và cấm đoán sao? Hãy xem những đạo trưởng này đi, nếu các người theo đạo đó, các người hãy chuẩn bị tinh thần mà chịu phạt như họ”. Nhưng một trong những thính giả ở đó đã can đảm đáp lại rằng: “Năm nay trời phạt chúng ta, vì các quan bách hại đạo Chúa và những người theo đạo. Nhiều lần chúng ta thấy mỗi khi các đạo trưởng đó bị bắt, thì chúng ta thường bị trừng phạt bằng nạn đói và nhiều tai họa, rồi sau đó là các ôn dịch và tai ương khác nếu các cuộc đàn áp những người theo đạo ấy không sớm chấm dứt”. Những lời của người này đã bịt miệng tên quan phủ độc ác, nhưng lòng kiêu hãnh của y bị tổn thương, y thề sẽ thực hiện mục đích xấu xa là giết hại tất cả những ai dám tuyên xưng niềm tin vào đạo Chúa.

Quá tức giận vì thấy thanh danh của mình bị sỉ nhục ngay tại thủ phủ của tỉnh, viên quan phủ Thần Khê đệ đơn khiếu nại lên tòa án triều đình ở Thăng Long, và triều đình đã lệnh cho y áp giải phạm nhân về kinh đô. Y nghĩ rằng đây là cơ hội để trả thù, cả với Quan Án cấp trên của y ở Hưng Yên, nên y vội cho làm hai cái cũi ghi bốn chữ “Hoa Lang Đạo Sư” (thầy dạy đạo Bồ Đào Nha, hoặc đạo Kitô). Thế là hai cha đáng kính lại bị đóng cũi, hai thầy giảng Vũ và Bính lại bị đeo gông vào cổ, cả bốn vị bị quan phủ áp giải về tòa án của triều đình ở Kẻ Chợ, tức là thành Thăng Long, ngày nay là thủ đô Hà Nội. Việc áp giải này được thực hiện với rất nhiều lính tráng và quân bảo vệ, vì chủ ý của tên quan phủ muốn gây chú ý của quần chúng. Bởi thế, dẫu đoạn đường từ Hưng Yên về Thăng Long không xa, nhưng bọn chúng phải đi mất hai ngày mới tới nơi. Sau đó, bọn chúng đưa các tù nhân đi diễn hành qua các con phố ở Kẻ Chợ. Hôm đó là ngày 20/10/1773. Tại quảng trường trước cung điện của chúa, viên quan phủ ra lệnh cho đoàn diễn hành dừng lại để lôi kéo sự chú ý của mọi người. Khi Chúa Trịnh Sâm biết về cuộc diễn hành đó, ông ra lệnh giam các tù nhân vào ngục tù để chờ ngày xét xử.

Cuộc xét xử sớm được thực hiện, các tù nhân đáng kính này bị đưa ra tòa nhiều lần. Tiếng đồn về những phiên tòa này nhanh chóng lan khắp kinh thành, người ta đồn rằng hai nhà truyền giáo đó là những người tài trí, nói năng lưu loát, trong đó lại có một người Âu châu da trắng mũi cao, nói tiếng Việt, thông thạo tiếng Hán, dung mạo lại đẹp trai. Tất cả những lời đồn này đều đúng và thu hút nhiều người hiếu kỳ đến xem phiên tòa, nhiều nho sĩ vào tù để xác minh thực hư của lời đồn. Thậm chí, chính Chúa Trịnh cũng đã nhiều lần triệu các tù nhân này đến trình diện để kiểm chứng.

Các quan xử án, muốn chiều lòng Chúa Trịnh và thái hậu, đã nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chỉ sau bốn ngày, họ đã trình bản án tử hình đối với hai đạo trưởng, và án chăn voi hoặc nộp phạt 100 quan tiền đối với hai thầy giảng trẻ tuổi Matthêu Vũ và Giuse Bính. Các bản án được châu phê, và việc thi hành án đối với hai thầy giảng được thực hiện ngay hôm ấy, còn án trảm quyết hai cha thừa sai bị hoãn lại cho đến ngày 7/11/1773. Đến ngày xử án, hai tù nhân vẫn bị nhốt trong cũi, được quan quân khiêng ra pháp trường, theo sau là đám đông dân chúng đủ mọi thành phần. Khi đi qua hoàng cung, theo thông lệ, tù nhân sẽ được giữ lại xem Chúa có ân xá hay ra lệnh y án. Một viên quan lớn tiếng đọc bản cáo trạng, rằng cha Jacinto Castañeda, còn gọi là Cụ Gia, và cha Vinh-sơn Liêm de la Paz, bị kết án vì tội làm đạo trưởng Hoa Lang đạo, một đạo đã bị nghiêm cấm trên đất nước này.

f. Pháp trường, tình huynh đệ và tuyên xưng Đức tin

Sau đó, một viên quan khác đứng lên và nói: “Mặc dù đúng là Hoa Lang đạo đã bị cấm từ lâu, nhưng cho đến nay, chưa một người bản xứ nào trên đất nước chúng ta bị kết án tử hình vì đã theo đạo này. Thế nên, không kết án tử hình đối với Cụ Liêm thì hợp lý hơn”. Lập luận của viên quan này có vẻ thuyết phục với tất cả mọi người, trừ cha Vinh-sơn, người phản đối rằng: “Lý do để kết án Cụ Gia cũng là lý do để kết án tôi, và thậm chí tôi còn đáng bị kết án theo luật pháp Nước Trời hơn, vì tôi chưa tuân giữ luật ấy được như cụ Gia. Nếu luật pháp nước ta có thể cho phép tha tội chết cho tôi, thì cũng phải tha tội chết cho cụ ấy, vì Cụ Gia là đạo trưởng, tôi cũng là đạo trưởng. Nếu chỉ giết Cụ Gia, còn tôi thì tha, án của vua không công minh. Tại sao cùng một việc mà vua lại tuyên án khác nhau. Điều hợp lý là tha thì tha cả hai, còn giết thì giết cả hai, bởi tôi là bạn đồng hành cùng cụ ấy.”

Nghe những lời hào hiệp và cao thượng này, lẽ ra các quan lại phải cúi mình thán phục tinh thần của hai cha, nhưng nỗi sợ bị vua và thái hậu trách phạt đã khiến các quan lại ấy nhìn nhận sự việc cách khác đi, và do đó họ trở lại y án, là xử trảm cả hai thừa sai. Chính lúc ấy, khi đám mây u buồn vì sợ mất đi phúc tử đạo đã tan biến trên khuôn mặt cha Vinh-sơn, cha đã vui vẻ trở lại và hạnh phúc vì đã có niềm vui được hiến dâng mạng sống để làm chứng cho đức tin.

Từ đó, hai người bạn đồng hành này được đưa ra pháp trường Đồng Mơ ở ngoài thành, có rất nhiều binh lính áp giải và đám đông hiếu kỳ đi theo để xem cuộc hành quyết. Các cha đáng kính đang bị nhốt trong cũi, tập trung cầu nguyện, và đọc lớn tiếng các kinh Sám Hối, kinh Tin Kính, và hát vang lời kinh Salve Regina (Kính Lạy Đức Nữ Vương) cho tới khi ra đến pháp trường. Xế trưa, đoàn áp giải đưa hai tử tù đến pháp trường Đồng Mơ, họ đưa hai ngài ra khỏi cũi, tháo gông cùm khỏi chân tay và để các ngài ngồi ngoài trời, đang khi quân lính đóng cọc xuống đất. Rồi, hai chứng nhân tử đạo trao cho nhau nụ hôn bình an vĩnh cửu sau khi đã giao hòa với Chúa qua bí tích Sám Hối với lòng sùng kính mà mỗi người có thể hiểu rõ. Sau đó, các ngài tự cởi áo ngoài mình đang mặc mà trao tặng lại cho các quân lính. Tiếp đến, các ngài được yêu cầu ngồi xuống, rồi bị buộc chân vào cái cọc vừa được đóng xuống đất để giữ người tù khỏi chạy, còn tay thì bị trói quặt lại sau lưng, buộc vào một cái cọc khác.

g. Cuộc tử đạo của hai vị thánh

Các đao phủ đã được chỉ định đứng cạnh các tù nhân, đợi chờ tín hiệu được các quan xử án. Chiêng trống đổ hồi lên hiệu, đầu của cha Vinh-sơn Liêm rơi xuống đất chỉ sau một nhát chém, nhưng đầu của cha Jacinto Castañeda Gia bị chém ba nhát mới lìa thân. Cuộc tử đạo hoàn tất. Đó là ngày 7/11/1773, lúc đó cha Liêm ở tuổi 42, còn cha Gia được 30 xuân xanh.

Những người ngoại giáo ở Bắc Hà tin vào việc linh hồn di chuyển và nhập vào người khác, khi chứng kiến các cuộc hành quyết tại kinh thành, thường bỏ chạy khi thấy đầu các tử tù lìa khỏi xác; họ sợ rằng hồn người đã khuất sẽ nhập vào mình. Nhưng trong cuộc hành hình của hai cha Jacinto Castañeda Gia và Vinh-sơn Liêm, không ai sợ hãi chạy trốn cả. Ngược lại, họ cùng với các giáo dân ùa đến bên hai thân thể bất động đang nằm đó, tranh nhau thấm máu để tôn kính, hoặc lấy đi một số di vật từ các ngài làm kỷ niệm hoặc để cầu phúc. Những giáo dân đã chứng kiến cuộc hành hình đã bật khóc khi đầu các ngài lìa khỏi cổ. Họ vội vàng thu lấy thi hài các đấng tử đạo, thậm chí cả cát đã thấm máu các vị anh hùng đức tin.

Viên quan thi hành án phẫn nộ khi thấy cảnh lộn xộn ấy, bèn lớn tiếng quát nạt: “Các người không coi ta ra gì sao? Sao lại dám lao vào tranh giành xác các tử tù như vậy?” Nhưng đám đông trả lời họ là các giáo dân theo đạo Chúa, trong đó có cả các binh lính, những người giờ đây cũng rời bỏ hàng ngũ, mà lao vào tranh xác hai đấng tử đạo như bao người khác. Viên quan đành bất lực đứng trông, đầy bất mãn, ông quay về triều trình diện và tâu lại với vua, không chỉ những việc đã xảy ra, mà còn nói với vua rằng các giáo dân tôn kính thi hài các đạo trưởng còn hơn cả khi các đạo trưởng ấy còn sống.

Nghe những lời ấy, Chúa Trịnh vô cùng tức giận, ngay hôm ấy, ông liền ban hành một chiếu chỉ cấm đạo gắt gao hơn, và đe dọa bất cứ binh lính nào theo đạo ấy đều phải bị án tử. Nhưng sau đó, do sự can ngăn của một số đại quan, vì e sợ sẽ có cuộc binh biến trong quân ngũ, nên ông đã giảm án tử thành án tù đối với các binh lính theo đạo. Người ta kể rằng, vì sắc lệnh cấm đạo ấy, mà ngày càng có nhiều cuộc đàn áp bắt bớ hơn, hậu quả là các Kitô hữu phải sống trong hoàn cảnh khó khăn hơn qua một thời gian dài. Nhưng các tín hữu cũng cảm thấy vui lòng vì những nỗ lực của họ đã được thành toàn. Thật vậy, khi cuộc hành quyết diễn ra, các giáo dân đã cố gắng để lấy được thi thể hai vị thánh tử đạo, cùng phần lớn lượng máu, xiềng xích, dây trói và tu phục của các ngài, rồi đem cất giấu ở một nơi an toàn.

Vài hôm sau, một số thầy giảng, theo lệnh của cha Chính Dòng, cùng các cha thừa sai Đa Minh trong địa phận Đông, đã đến Thăng Long (Hà Nội) đưa thi hài hai vị tử đạo anh hùng về Trung Linh. Nhánh chính của con sông Hồng nối liền Hà Nội tới cửa sông Ninh Cơ, gần Trung Linh, thuận tiện cho việc đi lại. Do vậy, chỉ trong vòng chưa đầy hai ngày, con thuyền đưa thi hài và các thánh tích của hai vị tử đạo đã về tới Trung Linh. Tại đây, đã có sự hiện diện của các cha: cha Vicente Ausina, bề trên phụ tỉnh; cha Feliciano Alonso Phê, quyền đại diện Tông Tòa khi Đức cha Hernández Tuấn vắng mặt; cha Domingo Pujol; cha Manuel Esteban; cha Ignacio Quý de Santa Anna; cha Tôma Hoàng (Huân) và cha Phêrô de Santa Inés.

h. Hồ sơ và tiến trình phong thánh

Sau khi tất cả những người hiện diện ở đó đã xác nhận đây đúng là thi hài, đầu và thân thể cùng các kỷ vật của hai vị tử đạo, là cha Vinh-sơn Liêm và cha Castañeda Gia, các vị hữu trách liền lập hồ sơ pháp lý cho tiến trình điều tra của Tông Tòa, rồi sau khi hôn kính chân hai đấng tử đạo, các cha hiện diện ở đó đã ký nhận vào biên bản, đặt thi hài hai cha vào hai chiếc quan tài có khắc hai dòng chữ: “Ông cụ Gia” và “Ông cụ Liêm”. Khi đã xong xuôi tất cả các nghi thức trong thánh lễ an táng, thi hài hai đấng đáng kính này được chôn cất ngay trong nền nhà thờ Trung Linh.

Tin tức cuộc tử đạo hiển hách của hai cha lan tới Manila, và Tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi đã tổ chức những thánh lễ trọng thể để tạ ơn Thiên Chúa về chiến thắng oai hùng của hai người con của Tỉnh dòng. Tham dự những thánh lễ ấy, không chỉ có các nhân vật lãnh đạo giáo hội và xã hội, mà còn có cả đại diện hoàng gia Tây Ban Nha tại đảo quốc này, cùng đông đảo dân chúng. Tại bán đảo Iberia (bán đảo Tây – Bồ) và cả ở giáo đô Roma, không khí vui mừng hân hoan cũng không kém so với miền Viễn Đông xa xôi này, ngay khi tin tức về cuộc tử đạo được Đức cha Hernández Tuấn chuyển đến từ Macao. Khi này, Đức cha Hernández đang trên đường đi Batavia để dưỡng bệnh, và có chuyến thăm tới vị Quản lý của Tỉnh dòng tại Macao. Ngay sau khi hoàn tất việc an táng hai vị tử đạo, các cha thừa sai đã gửi cho Đức cha Hernández Tuấn một bản tường trình chi tiết về những gì đã diễn ra trong nhà tù và nguyên do đưa tới cuộc tử hình của hai cha Vinh-sơn và Giacinto. Đức cha Hernández thu thập thêm các tài liệu đáng tin cậy và nhanh chóng gửi tất cả về Thánh Bộ.

Đức Giáo hoàng Piô VI, trong bài diễn văn trước Hồng y đoàn ngày 13/11/1775 vô cùng xúc động nhắc tới cuộc tử đạo vinh quang của hai đấng. Trong đó, Đức Thánh Cha đã không ngần ngại khẳng định rằng cả hai cha đã nắm được trong tay triều thiên phúc tử đạo, và Đức Thánh Cha còn kể thêm rằng: Khi đọc bản tường trình về cuộc tử đạo ấy, mắt ngài đã rưng rưng lệ, nhưng là những giọt lệ vui mừng và hạnh phúc, vì thấy rằng khi người ta càng cố che lấp ánh quang của chân lý đức tin, thì chân lý ấy càng tỏ rạng với những tia sáng rực rỡ chói lòa. Cái chết của hai người con của Giáo hội nhắc chúng ta nhớ lại thời kỳ Giáo hội sơ khai, khi nhờ máu của vô số các chứng nhân tử đạo, đức tin Kitô giáo đã được gieo vãi khắp nơi trên trái đất, và trước cả lạc giáo Nestorio, đức tin đã đến tới đế chế Trung Hoa, nơi mà miền Bắc Việt Nam lúc ấy là một tỉnh; và trong Chúa, chúng ta rất đỗi mừng vui vì ngày nay không thiếu những con người giàu nhân đức, đã can đảm đổ máu mình ra để khôi phục niềm tin đã được gieo nơi miền đất ấy. Vì vậy, để tỏ lòng tri ân và quý mến của chúng tôi dành cho anh em dòng Giảng Thuyết, là Dòng mà hai vị tử đạo ấy thuộc về, chúng tôi quyết định trao tước Hồng y cho cha Juan Tomàs Boxadors, người đã khôn ngoan và chính trực lãnh đạo Dòng Giảng thuyết suốt hai mươi năm qua để bảo vệ chân lý của Giáo hội. Chúng tôi muốn cha gia nhập Hồng y đoàn, theo ý nguyện Hồng y đoàn và của Tông Tòa, như các vị tiền nhiệm của cha là các Hồng y Cayetano, Justiniani, Galamini và Pipía đã từng đảm nhận sau khi rời vai trò Bề trên Cả của Dòng Giảng Thuyết.

Ba mười bảy năm sau ngày an táng hai vị tử đạo anh hùng, vào năm 1818, việc xác nhận thi hài lần đầu tiên được ghi nhận từ các thánh tích, hướng tới tiến trình điều tra Tông Tòa để phong chân phước cho hai tôi tớ Chúa. Việc ghi nhận này được thực hiện bởi Đức cha Ignacio Delgado (tên Việt là Y, sau này cũng trở thành một vị thánh tử đạo), Đại diện Tông Tòa tại miền truyền giáo Đa Minh. Đức cha đã ghi nhận thánh tích là thi hài của hai vị tử đạo ở trong tình trạng hoàn hảo như ban đầu. Ngài đã truyền lệnh làm ba cái hòm bằng gỗ chắc chắn, người Việt gọi là gỗ lim, một cái lớn gấp đôi có thể chứa được hai cái kia. Hai cái hòm nhỏ, Đức cha cho phủ ở bên ngoài một lớp sơn son đỏ tươi, được làm từ nhựa cây sơn ở địa phương, giúp cho gỗ có độ chắc chắn hơn rất nhiều. Trên nắp mỗi chiếc hòm, Đức cha cho khắc tên tương ứng của vị tử đạo có thánh tích chứa bên trong, nội dung đơn giản là: “Cụ Gia” và “Cụ Liêm”. Nhưng không phải các thánh tích được đựng trực tiếp trong hai chiếc hòm này, mà được đặt trong hai chiếc quách bằng đất sét nung, một phương thức được sử dụng rộng rãi ở miền Bắc Việt Nam vào thời đó để bảo quản xương cốt tổ tiên. Hai chiếc quách mang thánh tích được đặt riêng trong hai chiếc hòm tương ứng, trên mặt quách, Đức cha đặt một thẻ bài bằng chì, trên đó khắc dòng chữ bằng cả tiếng Annam và Latin; chiếc quách của cha Jacinto Castañeda được ghi: “Đây là xương của Jacinto Castañeda đấng kính, đấng đã chết vì niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, và tử đạo tại Hà Nội năm 1773, được tôi, với quyền tài phán do Tông Tòa ủy thác, chứng thực trong tiến trình điều tra Tông Tòa.” – Giám mục Ignacio Delgado, Đại diện Tông Tòa.” Thẻ bài trên cái quách của Cha Vinh-sơn Liêm cũng được ghi dòng chữ tương tự, chỉ có điểm khác biệt duy nhất là tên của vị tử đạo, “Vicente Liem de la Paz”.

Việc xác nhận thi hài lần thứ hai được thực hiện thời Đức cha Maximo Fernandez (tên Việt là Định), đề ngày 14/11/1903, theo sự ủy quyền của Roma để tiến hành điều tra phong chân phước. Các thánh tích được khai quật ở độ sâu 3 mét trong nhà thờ Trung Linh đúng như những ghi nhận của Đức cha Delgado Y, theo cách sắp xếp và trật tự đã được mô tả, và được bảo quản trong tình trạng hoàn hảo, mặc dù những hòm gỗ bên ngoài cũng đã hư hỏng khá nhiều do ẩm ướt. Đức cha cho tách biệt những thánh tích phải gửi về Roma, gửi tới Manila và Madrid, những thánh tích nào phải để lại Việt Nam. Những thánh tích còn để lại Việt Nam được đặt trở lại trong chiếc quách cũ, còn những thánh tích phải chuyển đi thì được đặt trong các chiếc quách làm bằng loại gỗ vàng tâm và được niêm phong bằng thẻ bài có khắc chữ tương tự như dòng chữ trên những chiếc quách ban đầu, chỉ thêm vào đó hình cây thánh giá, biểu tượng của đức tin. Sau khi thu thập những miếng ván rời rạc từ các cỗ quan tài đã mang thánh tích trong rất nhiều năm, Đức cha Maximo Fernandez Định đã cho đóng thành một bàn thờ nhỏ, đặt trong nhà nguyện riêng của vị Đại diện Tông Tòa, ở Tòa Giám mục Bùi Chu.

i. Thiên Đàng Vinh Phúc

Sau cùng, ngày 20/5/1906, Đức Giáo hoàng Piô X đã long trọng phong chân phước cho hai vị tử đạo anh hùng Jacinto Castañeda Gia và Vinh-sơn Liêm, cùng với hai vị đã nhận triều thiên tử đạo trước đó 28 năm là các cha Francisco Féderich Tế và Mateo Liciniana Đậu, cùng bốn vị tử đạo sau hai cha Gia và Liêm 88 năm là Jeronimo Hermosilla Vọng (cũng gọi là Liêm), Valentín Berriochoa Vinh, Pedro Almato Bình, và Giuse Khang. Tất cả các chân phước này đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.

  1. Bài chia sẻ Lời Chúa

Trong phần giảng lễ, cha Phêrô Huỳnh Thúc Quán Cầu đặc biệt nhấn mạnh đến tinh thần “tử đạo”. Theo cha, mỗi tôn giáo đều có quan niệm riêng về tử đạo, đồng thời cha phân tích sự khác biệt của tử đạo Kitô Giáo so với các tôn giáo khác. Tử đạo không gì khác chính là hi sinh quên mình vì tình yêu, là một sự tự hiến cho Chúa và tha nhân, thay vì đau khổ, tủi sầu thì lại hân hoan, vui mừng vì “hạt giống có chết đi thì mới sinh hoa trái tốt tươi”. Tiếp đến, cha nêu lên tinh thần tử đạo trong bối cảnh thời hiện đại: không phải là cảnh đầu rơi máu chảy, tan xương nát thịt như các thời kỳ bách hại đạo, nhưng tử đạo hôm nay chính là hy sinh bản thân mình trong công việc hằng ngày, từ những cái đơn sơ nhỏ bé nhất. Ngài cũng nhắn nhủ đến các anh em trong tu viện hãy sống tinh thần tử đạo một cách khiêm cung, hạ mình bằng tất cả tinh thần Kitô giáo.

Kết thúc thánh lễ, Cha cố Phêrô cũng không quên gửi lời chúc mừng ngày lễ bổn mạng tới toàn thể anh em đã hiện diện trong ngày trọng đại này.

  1. Tiệc mừng và hội thao

Sau phần thánh lễ sốt sắng và nghiêm trang, anh em lại cùng quây quần bên nhau trong bữa tiệc Agape thắm tình huynh đệ. Bữa tiệc do đích thân mọi người cùng chuẩn bị, với những món ăn tuy giản đơn nhưng đầy niềm vui, sự ấm áp. Bên cạnh đó, các anh em có thêm thời gian ngồi lại trò chuyện, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm trong cuộc sống và đời tu.

Buổi chiều cùng ngày, quý cha, quý thầy cùng anh em thỉnh sinh giao lưu bóng chuyền để tăng thêm niềm vui trong ngày lễ bổn mạng. Tất cả các đội đã cùng nhau làm nên những trận đấu vô cùng hấp dẫn và kịch tính. Điều đó không chỉ kích thích tinh thần nhưng còn là mang đến cho anh em những khoảnh khắc tràn đầy niềm vui, sảng khoái để tất cả cùng nhau bước tiếp trong con đường ơn gọi và noi theo gương thánh Vinh Sơn Liêm.

  1. Lắng đọng

Thánh Vinh Sơn Liêm đã để lại cho chúng ta một mẫu gương sáng chói về sự hi sinh và hết mình vì đoàn chiên. Ngay cả trong gian lao, Ngài vẫn quyết một lòng theo chân Chúa Kitô, “cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,8). Ước gì mỗi người chúng ta khi nhìn vào cuộc đời của Thánh Nhân, luôn tràn đầy cảm hứng để bước tiếp, sẵn sàng “vì đại nghĩa diệt thân” ngay trong chính cuộc sống bình thường hàng ngày.

[1] Phần tiểu sử của Thánh Vinh-sơn Liêm trích từ nguồn: https://catechesis.net/thanh-vinh-son-liem-nhan-450-nam-tu-vi-dao-7-11-1773/

 

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com