Mừng Lễ Bổn Mạng Thỉnh Viện Thánh Gioan Tông Đồ – 27/12/2021

28-12-2021
Bởi: Jos Nguyen OP Có: 0 bình luận 2374 lượt xem

THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ – NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐƯỢC CHÚA YÊU

Phêrô Nguyễn Quốc Quỳnh

Niềm vui Giáng Sinh hẳn là sâu đậm và kéo dài: Lễ mừng trong suốt Tuần Bát Nhật, mừng trong từng sự kiện liên quan đến biến cố Ngôi Lời Nhập Thể; và với Thỉnh viện Đa Minh Việt Nam, niềm vui sâu lắng này được ghi dấu bằng dịp mừng Bổn Mạng: Lễ Thánh Gio-an Tông Đồ.

Rạng sáng ngày 27 tháng 12 năm 2021, Thỉnh viện cử hành thánh lễ mừng kính Thánh Gio-an Tông Đồ, trong bầu khí ấm cúng của Gia đình Thỉnh viện, chỉ có Ban Giám đốc và các anh em Thỉnh sinh tham dự. Điều này khác với truyền thống của Thỉnh viện, cũng chỉ vì ảnh hưởng của đại dịch Covid. Tuy nhiên, thánh Lễ được cử hành trong bầu khí giản đơn, thân tình lại không kém phần trang nghiêm, sốt sắng. Nhìn từ một góc độ tích cực, đây lại là dịp để anh em Thỉnh sinh sống chậm lại, có thời gian suy ngẫm hơn về lời mời gọi yêu thương của Chúa Giê-su, và chiêm ngắm chân dung vị Thánh bổn mạng.

Pictured above is “St. John the Evangelist” painted by Vladimir Borovikovsky (1757-1825)
  1. Chung lời tạ ơn  

Mở đầu cho Thánh Lễ mừng kính Thánh Gioan Tông Đồ, Cha Giám đốc mời gọi anh em cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa vì tất cả những ơn lành Người đã tuôn đổ xuống trên Thỉnh viện, dưới sự bảo trợ của Thánh Gio-an, và chắc chắn là với Mẹ Maria và Thánh Cả Giu-se nữa; mỗi anh em Thỉnh sinh được mời gọi bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Chúa, với Tỉnh Dòng, với quý vị ân nhân, thân nhân; và cách đặc biệt là với Quý Cha Anh trong cộng đoàn Tu viện Thánh Vinh-sơn Liêm, nơi cưu mang Gia đình Thỉnh viện từ nhiều năm qua. Thánh Gio-an, vị Tông Đồ được Chúa yêu thương, đã diễn tả tình yêu cảm nhận của mình bằng chính cuộc đời chứng tá của thánh nhân. Những trang viết về chứng từ tình yêu này là bằng chứng sống động cho một cuộc đời gắn bó kết hiệp với Đức Giê-su Ki-tô, Đấng mà thánh nhân đã trọn tình yêu mến.

Bài Tin Mừng được chọn cho ngày Lễ kính thánh Gio-an Tông Đồ được trích trong chương thứ XX của Tin Mừng Thứ Tư, kể về biến cố Ngôi Mộ Trống. Anh em Thỉnh sinh được mời gọi hồi tưởng lại bối cảnh của buổi sáng ngày Thứ Nhất trong Tuần Phục Sinh, khi thánh Phê-rô và Người Môn Đệ được Chúa yêu thương đối diện với ngôi mộ trống. Bối cảnh Tin Mừng cho thấy nơi đó có hai thái độ dường như đối nhau: một hoảng hốt, lo sợ buồn rầu, một bình tĩnh và tin tưởng, như trong tâm trạng chiêm ngắm. Vị Tông đồ trẻ đến mộ trước nhưng không vào, như thể để nhường chỗ cho vị Tông Đồ cao niên hơn, thánh Phê-rô đến sau, bước vào ngôi mộ trống trước tiên. Nhưng khi vị Tông đồ trẻ này bước vào, “ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Chính đời sống gắn bó mật thiết với Chúa đã làm cho Thánh nhân hoàn toàn tin tưởng vào sự phục sinh của Thầy mình. Có thể thấy rằng, Gio-an là một trong số những tông đồ có tương quan mật thiết với Đức Giêsu: gắn bó với Đức Giê-su trong suốt ba năm Chúa loan báo Tin Mừng cứu độ, từ biển hồ Ga-li-lê nơi ông và ba môn đệ khác được Chúa Giê-su gọi (x. Mc 1,19-20), cho tới đồi Can-vê, dưới chân Thập Giá nơi ông nhận những lời trăn trối của Thầy mình (x. Ga 19,25-27). Chính sự gắn kết mật thiết ấy đã đem đến cho ông nhiều cảm nghiệm thâm sâu và cá vị về Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Tin Mừng Gio-an thường được biết đến là Tin Mừng của cảm nghiệm.

Painting by Dom Prosper Guéranger OSB (1805-1875)

  1. Gẫm suy về ơn gọi chiêm niệm

Từ những chứng từ sống động về cuộc đời của Thánh nhân, Tin Mừng của ngày Lễ mời gọi anh em Thỉnh sinh suy ngẫm về đời sống cầu nguyện, cùng tương quan cá vị của mỗi người với Chúa trong hành trình theo ơn gọi tu trì Đa Minh. Nét Linh Đạo Đa Minh mang đậm chất chiêm niệm, một yếu tố quan trọng làm nên chất sống nơi mỗi tu sĩ Đa Minh, tìm được cội nguồn nơi Tin Mừng, cách riêng là từ chứng tá của vị Tông Đồ được Chúa Giê-su yêu mến. Chính khi tập sống trung thành với tinh thần và đoàn sủng Đa Minh, được diễn tả cụ thể qua bốn nét chính trong nếp sống tu trì: đời sống cộng đoàn, phụng vụ cầu nguyện chung, học tập và trung thành giữ kỷ luật tu trì, anh em có thể hiện thực hóa chiều kích chiêm niệm, trước khi có thể lên đường loan báo Tin Mừng cứu độ.

Thánh lễ được tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể, và kết thúc bằng bài ca “Tiếng hát Thiên Thần”, khi toàn thể cộng đoàn cùng hướng về hang đá để chiêm ngắm mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể. Cảm tạ Thiên Chúa đã thương quy tụ anh em chúng con dưới mái nhà Thỉnh viện để được cùng chung chia nếp sống tu trì, cùng chia sẻ và xây dựng cộng đoàn nên trường học yêu thương, tập tôn trọng và quý mến nhau trong tình huynh đệ. Cảm tạ Chúa đã thương gìn giữ và bảo vệ Tu viện và Thỉnh viện được bình an trong những ngày thế giới đang phải đối diện với những tác động nặng nề từ cơn đại dịch. Và cách đặc biệt, cảm tạ Chúa đã luôn yêu thương và gìn giữ chúng con cách riêng trong trái tim của Ngài.

  1. Hình ảnh “Người Môn đệ được Đức Giê-su thương mến”

a. Cận thân với Thầy Giê-su

Trong tinh thần của ngày Lễ kính Thánh Gio-an Tông Đồ, xin được dừng lại đôi phút chiêm ngắm hình ảnh của vị Thánh Bổn Mạng Thỉnh viện. Thánh Gio-an thường được nhắc đến như một con người của tình yêu. Như đã đề cập trên đây, thánh nhân đã yêu mến Đức Giê-su từ cái nhìn đầu tiên, trung thành cho tới giờ phút cuối cùng của Thầy Giê-su trên Thập Giá. Thánh nhân cũng là người được diễm phúc hiện diện bên Chúa trong các biến cố quan trọng của Thầy Giê-su (xc. Mc 5,37: Chúa đến chữa con gái ông Gia-ia, Mc 9,2: Biến cố Chúa Hiển Dung, Mc 14,33: Chúa cầu nguyện trong vườn Ghết-si-ma-ni), và thánh nhân cũng chứng kiến những việc Chúa làm, gần Chúa trong bữa tiệc ly… Hơn ai hết, có lẽ Gio-an là người cảm nhận được tình yêu mà Chúa dành cho mình một cách rõ nét. Có thể nói cách thức tự nhận là “Người môn đệ Đức Giêsu thương mến” (Ga 21,20) vừa diễn tả nét ẩn danh, ẩn dật của một người môn đệ, vừa diễn tả chiều hướng nội tâm trong cảm nghiệm về Thầy của mình.

Như thánh Gio-an Tông Đồ, mỗi anh em Thỉnh sinh cũng là những người được Chúa yêu thương cách đặc biệt. Mỗi ngày, Đức Giê-su vẫn đang hiện diện cùng anh em trong từng biến cố của cuộc sống, Người “thì thầm” với anh em những tâm tình thương mến, Người mời gọi anh em bước vào đời sống cộng đoàn với “một trái tim và một tâm hồn trong Chúa”, mời gọi anh em sống kết hiệp với Ngài mỗi ngày một thâm sâu hơn, cá vị hơn trong cầu nguyện và suy gẫm. Ngay cả khi anh em dấn thân trong sứ vụ học hành, được coi là một nét “khổ chế của Đa Minh”, thì việc học hành nghiên cứu có khả năng dẫn đưa anh em tới việc hiểu biết Chúa cách xâu xa hơn. Nhìn xa hơn một chút, thì giai đoạn tiên khởi của đời tu Đa Minh mà anh em đang cảm nhận nơi đây như một lời mời gọi của Thầy Giê-su hướng anh em chuẩn bị để sẵn sàng bước vào hành trình giảng thuyết, mang Lời Cứu Độ của Người đến với những người nghèo khổ, mà chất sống bén rễ từ chiêm niệm Ngôi Lời Nhập Thể, như câu châm ngôn của Dòng đã được các cha anh đúc kết qua bao tháng năm của lịch sử Dòng: “Chiêm niệm và trao cho người khác hoa trái của chiêm niệm”.

b. Một con người với những cá tính

Có thể nói, Gio-an là một con người bất toàn. Thánh sử Lu-ca thuật lại câu chuyện Gio-an và anh là Giacôbê muốn xin lửa từ trời thiêu hủy những người không đón tiếp Thầy mình (x. Lc 9,51-62). Hành động của Gioan phần nào đó cho thấy về con người và tính cách của ông, Gioan có lẽ không phải là người ôn nhu, nhưng có phần nóng nảy, chắc cũng vì thế mà Đức Giêsu đã đặt cho ông biệt danh là “con của thiên lôi” (x. Mc 3,17). Một chi tiết khác mà Tin Mừng Mát-thêu thuật lại liên quan đến Gio-an và Gia-cô-bê, đó là khi hai ông được người  mẹ đến xin Chúa cho được ngồi bên hữu và bên tả trong Nước Trời, một điều đã gây bực tức trong đoàn môn đệ (x. Mt 20,22-23). Tuy nhiên, dù những bất toàn nơi con người như vậy, ta có thể thấy rằng Thiên Chúa không chỉ yêu thương những người hoàn hảo, thánh thiện, mà Người còn đặc biệt yêu thương những con người yếu đuối, bất toàn, nhưng họ biết cậy trông và tin tưởng nơi Chúa. Gio-an là một điển hình.

Câu chuyện riêng về những bất toàn của Gio-an dường như cũng là câu chuyện chung của anh em Thỉnh sinh. Mỗi anh em Thỉnh sinh là những con người chưa hoàn hảo, còn nhiều thiếu sót và bất toàn. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn yêu thương, kiên nhẫn và chờ đợi anh em thay đổi từng ngày, ngang qua đời sống cộng đoàn và dưới sự hướng dẫn của Dòng. Qua các trung gian, Chúa từng bước uốn nắn và mài dũa, để anh em có thể trở nên giống Ngài hơn.

c. Con người khiêm tốn

Thánh Gio-an Tông Đồ còn được biết đến là con người của khiêm tốn, lắng nghe bằng sự nhạy bén tinh tế. Đức Giê-su có cách yêu thương hết sức đặc biệt; Người nhìn thấu tâm hồn của người đang đối thoại với Người. Tin Mừng cho thấy Chúa rất thẳng thắn sửa dạy các môn đệ, và Gioan cũng không ngoại lệ. Ngay sau lời đề nghị vội vã của Gio-an, “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống tiêu hủy chúng nó không” (Lc 9,54-55), Đức Giê-su đã trách mắng ông ngay lập tức. Ắt hẳn bằng tình yêu mến Thầy, Gio-an đã khiêm tốn đón nhận những lời sửa dạy, nhờ đó mà ông có cơ hội để hiểu rõ bản thân và Thầy Giê-su nhiều hơn.

Tương tự như cách thức Gio-an được Đức Giêsu yêu thương và sửa dạy, mỗi anh em Thỉnh Sinh mong cảm nhận được tình Chúa yêu thương hướng dẫn và chỉ dạy mỗi ngày qua Ban Huấn Luyện, và qua từng anh em trong cộng đoàn. Người luôn chờ đợi nơi anh em tinh thần khiêm tốn lắng nghe và thái độ quảng đại đáp lại bằng những việc làm và hành động cụ thể.

d. Ý thức vị trí của mình

Sự khiêm tốn của Gioan còn được thể hiện qua thái độ biết mình và trọng huynh trưởng, nếu ta có thể nói như vậy. Chính thánh Gio-an đã thuật lại: “Người môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống nhìn băng vải còn ở đó nhưng ông không vào.” (Ga 20,4-5). Gio-an đã ý thức được rất rõ về vị trí và vai trò của mình. Lối văn trong Tin Mừng thứ Tư diễn tả đầy ẩn ý, có thể là đã phản ánh sâu sắc và tinh tế mối tương quan giữa anh em đồng môn. Mặt khác, sống gần Thầy Giê-su ngần ấy năm, chắc hẳn Gio-an sớm nghe được những lời dạy của Thầy, và khi nhìn thấy những dấu chỉ nơi ngôi mộ trống ­ cách xếp băng vải, khăn niệm – ông nhớ lại những lời Thầy đã nói trước kia, và ông tin. Những cử chỉ ấy dù rất nhỏ, nhưng cũng đủ cho thấy Gioan là một con người rất tinh tế và nhạy bén. Quả thật, việc chiêm ngắm và suy niệm về Chúa Giê-su nơi  thánh Gio-an được xem là mẫu gương giúp anh em Thỉnh sinh suy nghĩ về đời sống của mình trong tương quan với Chúa, và với anh em đồng môn.

  1. “Thiên Chúa là tình yêu”

Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu.” (1Ga 4,7). Thánh Gio-an đã trở nên mẫu gương sống động cho ta về một đời sống cảm nghiệm về tình Chúa yêu thương. Suy ngẫm về cuộc đời và những chặng đường mà Thánh Gio-an đã trải qua, mỗi anh em Thỉnh sinh cũng được mời gọi trở nên những chứng tá của tình yêu ngang qua đời sống cộng đoàn qua việc sống giới luật yêu thương, đón nhận những khác biệt trong đời sống chung.

Có thể nói rằng, cộng đoàn chính là trường học yêu thương, là “địa hạt” tông đồ đầu tiên mà anh em được gửi đến. Nơi đây, có những nét đa dạng về văn hóa vùng miền, có những điều khác biệt trong tính cách và nếp nghĩ; Đó vừa là những nhân tố họa nên bức tranh sống động của một đời sống cộng đoàn, vừa là thách đố để mỗi người kiến thiết một cộng đoàn đồng tâm nhất trí. “Sở dĩ anh em đoàn tụ làm một trước hết là để anh em sống đồng tâm nhất trí trong một nhà để anh em chỉ có một lòng một ý trong Thiên Chúa.” (x. Sách SHC, số 2).

Yêu những gì Đức Giêsu đã yêu còn được diễn tả qua việc chấp nhận đời sống nghèo khó, tuân giữ những kỷ luật tu trì mà anh em được Dòng hướng dẫn, trong tuân phục và tình yêu mến. Ngay cả với việc tuân giữ kỷ luật tu trì, theo góc nhìn tích cực, đó cũng là để thể hiện phong cách sống nếp tu trì trong tự do và trách nhiệm. Thật vậy, chính Đức Giêsu cũng đã nêu gương cho chúng ta về việc tuân giữ các giới răn và thi hành ý muốn của Thiên Chúa, mà đỉnh cao của tuân phục là việc Đức Giê-su tự nguyện đón nhận cuộc Khổ Hình Thập Giá để chuộc tội cho nhân loại. Yêu mến những gì Đức Giêsu đã yêu còn được diễn tả qua lối “từ bỏ chính mình, vác Thập Giá mình hàng ngày mà theo” (Lc 9,23). Con đường “hẹp” mà Đức Giêsu đã đi qua là con đường mà anh em được mời gọi dấn thân trong hiện tại và tương lai, như hạt lúa được gieo vào lòng đất phải chết đi mới sinh hoa kết trái, chết đi cho những đam mê, cho những thói xấu và cả tội lỗi nơi bản thân. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12,24).

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com