Một Suy Tư Về Truyền Giáo

29-10-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1504 lượt xem

__Giuse Đinh Quang Nghĩa__

Việc truyền giáo ở mọi thời luôn là một vấn đề cấp thiết của Giáo Hội. Ngày nay số lượng tín hữu trên toàn thế giới chỉ chiếm khoảng 17,7% dân số thế giới[1], còn tại Việt Nam là khoảng 8% dân số cả nước. Số liệu này cho thấy những người chưa biết Đức Kitô còn quá nhiều. Vì thế, khi kỷ niệm 100 năm ngày Đức Thánh Cha Bênêđictô XV ban hành Tông thư Maximum Illud, Hội thánh dành Ngày thế giới truyền giáo lần thứ 93 để cầu nguyện cách đặc biệt cho công cuộc truyền giáo. Trong bối cảnh này, ĐTC Phanxicô kêu gọi sự cộng tác của mọi Kitô hữu cùng góp sức vào sứ mạng Đức Kitô ủy thác cho toàn thể Hội Thánh. ĐTC đặc biệt hướng đến việc kêu gọi giới trẻ. Trong sứ điệp Ngày thế giới truyền giáo năm 2018, ĐTC đã gửi đến các bạn trẻ trên toàn thế giới thông điệp:

“Các bạn trẻ thân mến, nhờ Phép rửa, các con đã trở thành những thành viên sống động của Hội thánh: chúng ta cùng nhau nhận lãnh sứ mạng đem Tin Mừng cho hết mọi người”.

Một cách nào đó, lời nhắn gửi trên cũng có ý nghĩa đối với anh em Thỉnh sinh Đa Minh, vì anh em đều là người trẻ. Anh em Thỉnh sinh chúng ta, những người đang theo đuổi ơn gọi thuyết giáo của Dòng Đa Minh, những thừa sai trong tương lai, luôn phải cố gắng sống và rèn luyện bản thân sao cho xứng hợp với lý tưởng cao đẹp mình đang theo đuổi. Hãy nhìn vào những thành quả mà các bậc cha anh đã để lại mà lấy đó làm động lực cho bản thân. Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại và thử khám phá xem yếu tố nào đã mang lại thành công cho các bậc tiền bối ngày xưa trong sứ vụ giảng thuyết của mình.

Cha Đa Minh đã luôn mong ước được đi giảng đạo cho dân Cuman ở miền bắc của Biển Đen. Tổng hội năm 1221 đã phái anh Paulo Hungaria cùng với 4 anh em khác sang Hungari để rao giảng cho dân Cuman. Từ sau lần sai phái ấy những biên cương mới đã được mở ra cho ước vọng truyền giáo của cha Đa Minh. Anh Salomon Aarhus được cử đi Đan Mạch cùng với vài anh em người Đức, đến năm 1228 một tỉnh dòng đã được thành lập tại đó. Anh Hyacintô Odrowaz cùng với Henri Moravia được phái đi Ba Lan để giảng đạo cho dân ngoại. Việc truyền giáo sang Phi Châu cho những vùng Hồi giáo cũng được để ý ngay từ đầu. Năm 1225, vị giám mục Đa Minh đầu tiên tại Maroc đã được bổ nhiệm[2]. Việc các cha anh đã ra đi và để lại dấu ấn là các tu viện ở những nơi họ đặt chân đến là dấu chứng cho sự thành công của họ, dù rằng ở đây không nói đến số lượng người đã gia nhập đạo là bao nhiêu. Nhưng đó không phải là điều chúng ta cần quan tâm nhiều mà điều thực sự cần quan tâm là cái gì đã đưa đến thành công cho các ngài trong sứ vụ rao giảng của mình.

Có lẽ, Cha Đa Minh đã nhận thấy để thành công trong một sứ vụ khó khăn như vậy thì một người khó lòng làm được, cho nên cha đã phái nhiều anh em đi cùng với nhau. Vì ngay từ đầu cha Đa Minh đã chủ trương cho các anh em của mình phải sống theo gương các tông đồ ngày xưa. Khởi đầu sách Công vụ Tông đồ thánh Luca có thuật lại các sự kiện về hoạt động của các tông đồ, sau khi Đức Kitô lên trời các tồng đồ đã trở về nhà. Tất cả cùng đồng tâm nhất trí với nhau và chuyên cần cầu nguyện với nhau, cùng với Đức Maria để (Cv 1,12-14). Một lần khác vào ngày lễ ngũ tuần, trong lúc các tông đồ cùng tề tựu ở một nơi thì Chúa Thánh Thần hiện xuống, ngay lúc ấy các tông đồ được đầy tràn ơn Thánh Thần (Cv 2,1-11). Sau đó là một loạt các sự kiện các tông đồ ra đi loan báo Tin Mừng về Đức Kitô. Qua những sự kiện chúng ta có thể nhìn thấy một điểm chung rất đáng chú ý đó là các tông đồ luôn ở cùng với nhau để cầu nguyện trước khi được lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Còn Hiến pháp dòng Đa Minh ngay từ đầu đã mô tả nếp sống của mình là nếp sống của các Tông đồ, với những yếu tố nền tảng là: chung sống đồng tâm nhất trí, trung thành tuân giữ các lời khuyên Tin Mừng, sốt sắng cử hành chung phụng vụ, chuyên cần học hỏi, kiên tâm tuân giữ nếp sống tu trì, và thi hành sứ vụ giảng thuyết[3]. Đời sống của các tông đồ và nếp sống của Dòng Đa Minh có chung một yếu tố là sống đồng tâm nhất trí với nhau. Đây cũng là yếu tố nền tảng đầu tiên của nếp sống Đa Minh, điều này cho chúng ta thấy cha Đa Minh đã rất chú trọng đến yếu tố hiệp nhất trong cộng đoàn. Hiệp nhất trong đời sống và trong sứ vụ để đem về những hoa trái cho bản thân, cho Dòng và cho Giáo Hội.

Tính hiệp nhất trong nếp sống và sứ vụ của Dòng Đa Minh luôn rất được ưu tiên. Từ những năm đầu sau khi Dòng được thành lập, anh em Đa Minh đã muốn dùng sự hiệp nhất trong nếp sống của mình để cổ võ đại kết và giúp tái tạo sự hiệp nhất trong Giáo hội. Lịch sử còn cho thấy, dù hoàn cảnh rao giảng Tin Mừng có gian nguy thế nào, anh em vẫn ở bên nhau, và cùng nhau giảng thuyết, như trường hợp năm 1511, anh Antonio Motesinos cùng nhiều anh em khác đã dám đứng lên tố cáo sự bóc lột của đoàn quân viễn chinh đối với thổ dân da đỏ ở Châu Mỹ[4]. Việc cổ võ sự hiệp nhất các nhóm ly giáo tại Giáo hội Đông Phương là hoạt động chính yếu của hai tỉnh Dòng Hy Lạp và Thánh Địa. Ngày 21/1/1323 cha Giorđanô Catalani Severae đã viết một bức thư để kêu gọi các anh em Dòng Phanxicô và Đa Minh sang Ấn Độ giúp đỡ vì hơn hai năm đã qua cha chỉ làm việc một mình. Để đáp lại lời mời gọi đó, 5 anh em Đa Minh đã qua tiếp sức và được phân tán qua 5 địa điểm khác nhau[5]. Ngoài ra, vài anh em còn được Tòa Thánh Gửi đi xa hơn đến tận Ba Tư và Armenia để thuyết phục các giáo đoàn Giacôbiti hợp nhất với Giáo hội Rôma. Tại Armenia, cha Bartolomêô del Poggio đã thuyết phục được đan sĩ Gioan Kerna trở về hiệp nhất với Giáo hội Công giáo năm 1330[6].

Đọc lại lịch sử của Dòng, chúng ta có thể thấy rằng tính hiệp nhất là cần thiết thế nào trong sứ vụ của anh em Đa Minh. Dòng chúng ta không chỉ hợp nhất với nhau mà còn hướng đến sự hợp nhất với mọi thành phần trong Hội Thánh. Bởi chúng ta đang sống trong Hội Thánh, một Hội Thánh duy nhất[7]. Sự hiệp nhất trong Giáo hội không phải đến từ phía con người mà đó là ân ban của Chúa Thánh Thần. ĐTC Gioan Phaolô II nói rằng: “Sự hiệp nhất này được Thánh Thần ban tặng không chỉ là việc tập hợp các cá nhân bên cạnh nhau, mà còn là sự hiệp nhất được tạo nên bởi những mối liên kết của việc tuyên xưng đức tin, của các bí tích và sự hiệp thông phẩm trật. Các tín hữu là một bởi vì, trong Thần Khí, họ thông hiệp với Chúa Con và trong Chúa Con họ thông hiệp với Chúa Cha”[8].

 Nhờ vào mối dây liên kết của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể san lấp mọi hố sâu của sự khác biệt và được nên một với nhau trong Đức Kitô và Hội Thánh của Người. Từ đó chúng ta có thể cùng nhau đi đến một tiếng nói chung trong các cuộc họp, trong các hoạt động thường nhật. Nhờ vào tiếng nói chung ấy, chúng ta có thể dễ dàng chu toàn bổn phận hơn, khi mọi người luôn biết chia sẻ trách nhiệm, cùng nhau giải quyết khó khăn và cùng nhau tiến bước trên con đường ơn gọi đang theo đuổi. Sau hết nhờ vào sức mạnh liên kết của Chúa Thánh Thần, chúng ta tuy mới chỉ là một Thỉnh sinh vẫn có thể chung tay cộng tác vào sứ vụ truyền giáo của Dòng. Thánh Phaolô đã từng nói: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho nó lớn lên” (1 Cr 3,6). Áp dụng câu nói của thánh Phaolô vào đời sống hằng ngày, chúng ta có thể tin rằng, hằng ngày các cha anh ra đi gieo trồng hạt giống Lời Chúa cho mọi người bằng lời rao giảng của họ, còn chúng ta có thể tưới bằng chính đời sống cầu nguyện hằng ngày của mình và cuối cùng hạt có nảy mầm, cây có lớn lên hay không tất cả tùy thuộc vào Thiên Chúa.

Đức Giêsu từng nhắc nhở: “Nước nào gây chia rẽ, nước ấy sẽ tiêu vong; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững” (Mc 3,24-25). Hiện nay, công cuộc truyền giáo chưa đạt được những thành quả như lòng Chúa mong muốn là vì chúng ta vẫn còn thiếu đi sự hiệp nhất. Chúng ta cần đề cao cảnh giác trước những cạm bẫy của ma quỷ. Chúng rất khôn khéo trong việc này, bởi chúng biết rằng chỉ có gây chia rẽ chúng mới có thể ngăn chặn được công cuộc truyền giáo của Hội Thánh. Nhưng chúng ta phải vững tin rằng, chúng chỉ có thể tạm thời làm được chuyện này chứ Giáo Hội không thể nào bị phá hủy vì Giáo Hội đã được chính Đức Giêsu đảm bảo rằng: “Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được” (Mt 16,18). Do đó, là một Thỉnh sinh, chúng ta phải luôn ý thức rằng, tất cả chúng ta phải luôn hiệp nhất với nhau trong mọi hoàn cảnh, trước là để vững bước trên hành trình ơn gọi và sau là ra đi loan báo Tin Mừng. Lời khuyên của Đức Gioan Phaolô II vẫn còn hữu ích với mỗi người chúng ta ngày nay:

“Các tín hữu hãy nhớ rằng, khi họ càng cố gắng sống trong sáng hơn theo Tin Mừng, họ càng giúp cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu tiến triển. Thực vậy, họ càng thông hiệp mật thiết với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thì càng có thể làm phát huy tình huynh đệ cách thân mật và dễ dàng”[9].

[1] Hồng Hoang, Thống kê năm 2019 của Giáo hội.

[2] Xt. Phan Tấn Thành, Tìm hiểu Dòng Đa Minh, Học viện Đa Minh, 2016, tr. 427- 428

[3] X. Hiến pháp nền tảng §IV.

[4] Xt. Phan Tấn Thành,…, tr. 434.

[5] Xt. Phan Tấn Thành, , tr. 430.

[6] Xt. Phan Tấn Thành,, tr. 431-432.

[7] X. GLHTCG, số 813.

[8] X. Thông điệp Để họ nên một, số 9.

[9] X. Thông điệp Để họ nên một, số 20.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com