[Lễ Chúa Ba Ngôi] Mầu Nhiệm Ba Ngôi Trao Ban Tình Yêu

09-06-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2614 lượt xem

Xh 34,4b-6.8-9; 2Cr 13-11-13; Ga 3,16-18

Tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi là đạo lý quan trọng nhất của Kitô giáo. Thoạt đầu, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi được các giáo phụ suy tư và gồm tóm lại trong Kinh Tin Kính, nhằm chống lại các lạc giáo vào các thế kỷ thứ IV và V. Phụng vụ mừng kính Chúa Ba Ngôi trễ hơn, mãi đến thế kỷ thứ X, người ta mới thấy một số nơi mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Các linh mục có thể tự do chọn bất kỳ Chúa Nhật nào để cử hành lễ này. Đến thế kỷ XIV, vào năm 1334, Đức giáo hoàng Gioan XXII ấn định chính thức trong Lịch phụng vụ của Giáo hội mừng trọng thể Lễ Chúa Ba Ngôi vào Chúa Nhật ngay sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Hằng ngày, người tín hữu tuyên xưng niềm tin Thiên Chúa Ba Ngôi qua dấu thánh giá “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Thế nhưng chúng ta lại không thể dùng lý trí để lĩnh hội và tin nhận mầu nhiệm cao cả này trừ phi có sự trợ giúp và soi sáng của ân sủng. Chuyện kể rằng: Thánh Âu Tinh một hôm đi bách bộ dọc bờ biển, vừa đi vừa suy nghĩ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Tình cờ ngài gặp một em bé đang lấy vỏ sò múc nước đổ vào những cái lỗ do dã tràng đục xuống nền cát. Thắc mắc về điều em bé đang làm, thánh nhân nhận được lời giải thích từ em bé rằng, em muốn tát cạn đại dương bằng cách ấy. Thánh Âu Tinh chợt hiểu ra những gì ngài đang cố gắng dùng lý trí để suy nghĩ về Thiên Chúa Ba Ngôi thì cũng giống như việc đứa trẻ đang làm. Lý trí con người quá nhỏ bé, giới hạn để có thể nắm bắt Thực Tại Siêu Việt là Thiên Chúa.

Trong khung cảnh của cử hành phụng vụ, có lẽ chúng ta nên chiêm niệm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi theo một cách khác, hơn là cố gắng dùng lý trí để hiểu chân lý cao siêu này. Khi trình bày về mầu nhiệm Thiên Chúa trong sách Tin Mừng cũng như trong các lá thư, thánh Gioan gọi “Thiên Chúa là Tình Yêu.” Theo tác giả Tin Mừng thứ tư, nơi Thiên Chúa, chân lý và tình yêu chỉ là một. Do đó, khi chiêm ngắm và cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, người ta cũng tiến gần hơn đến chân lý về Thiên Chúa. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm Tình yêu trao ban giữa các Ngôi Vị, đồng thời tuôn trào trong hành động sáng tạo của cả Ba Ngôi khiến các thụ tạo được hiện hữu. Cách riêng với thụ tạo là con người, Thiên Chúa còn tặng ban lý trí để họ nhận biết Người, và ý chí để họ đón nhận tình yêu của Người trong sự tự do.

Có thể nói rằng cả ba bài đọc Lời Chúa hôm nay tập trung giới thiệu cho chúng ta khuôn mặt Thiên Chúa – Đấng là tình yêu và đầy lòng xót thương, Người dấn bước vào lịch sử con người và ở với con người trong xác phàm nhân loại.

Bài đọc thứ nhất trích sách Xuất Hành mô tả cuộc diện kiến nhan Đức Chúa của ông Môsê. Trên đỉnh núi Sinai, giữa đám mây bao phủ, Đức Chúa mạc khải cho Môsê biết Người là “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Sự khai sinh của dân riêng đặt nền tảng trên mạc khải này. Trong suốt dòng lịch sử của mình, dân Israel đã có thể vượt qua nhiều thử thách, nhờ đặt trọn niềm xác tín vào sự quan phòng, chăm sóc của Đấng đã yêu thương chọn họ “làm cơ nghiệp”. Cho dù dân riêng ấy đã “cứng đầu cứng cổ” xem thường mệnh lệnh của Đức Chúa, đã thất trung với Giao ước, đã nhiêu lần phản bội khi chạy theo các thần ngoại, thì Người vẫn không nỡ ra tay giáng phạt và bỏ mặc họ. Một khi đã lập giao ước với Israel, Thiên Chúa đồng hành với họ; và nói cách mạnh mẽ hơn, Người chấp nhận phải bị ‘liên luỵ’ bởi những những lầm lỗi, yếu đuối của họ.

Bài Tin Mừng theo thánh Gioan là một mạc khải xa hơn về mầu nhiệm Thiên Chúa Tình yêu. Thánh Gioan cho thấy Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến nỗi chấp nhận ‘đồng phận’ với thụ tạo do chính Người dựng nên, bằng cách để cho Con Một nhập thể làm người. Thiên Chúa trao ban Người Con cho thế gian là để chúng ta – một khi “tin vào Con của Người, thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời.” Nhờ mầu nhiệm chết và phục sinh của Đức Kitô, con người được nâng lên khỏi thân phận nô lệ tội lỗi, để đón nhận một phẩm giá mới, được “đồng thừa kế với Đức Kitô” (Rm 8,17). Thiên Chúa khơi nguồn sự sống mới bằng cách trao ban Thần Khí cho những người tin.

Thánh Phaolô trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô (bài đọc II) mô tả đời sống mới của con cái Thiên Chúa “tràn đầy ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn thông hiệp của Thánh Thần.” (2Cr 13,13). Những lời này của vị Tông Đồ sau này được dùng làm lời chào trong phụng vụ mỗi khi cử hành Thánh lễ. Một cuộc sống mới tràn đầy ân sủng, tình yêuhiệp thông diễn ra trong cộng đoàn của các môn đệ Đức Kitô thì mang lại niềm vui và bình an. Cuộc sống mới cũng là cuộc sống đời đời dành cho những người tin, thì đã khởi đầu ngay tại trần gian này nhờ ơn phục sinh của Đức Kitô. Và vì thế, thánh Tông đồ khuyên nhủ các tín hữu hãy “gắng nên hoàn thiện,… đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà”, sao cho xứng với ơn huệ cao quý và nhưng không mà họ đã lãnh nhận.

Đón nhận sự sống mới từ nơi Thiên Chúa, người tín hữu sống hiệp thông với Thiên Chúa trong tình yêu, đồng thời được thôi thúc lên đường chia sẻ niềm vui của một cuộc sống mới với anh chị em đồng loại. Một khi được tình yêu của Thiên Chúa dụng chạm đến và được biến đổi, người Kitô hữu không thể giữ riêng kinh nghiệm ấy cho mình, nhưng như Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” rằng: Niềm vui của Tin Mừng vốn đổ đầy cuộc sống của cộng đoàn các môn đệ là một niềm vui truyền giáo(số 21).

Kinh nghiệm được giải thoát khỏi tội lỗi và đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa giúp cho người tín hữu có khả năng chia sẻ và liên đới với anh chị em mình, nhất là khi họ đang phải đối diện với những khủng khoảng, mất niềm tin và hy vọng. Một khi Thiên Chúa qua Ngôi Lời nhập thể đã ‘đồng phận’ với con người, thì những ai tin Đức Kitô và sống hiệp thông với Người, cũng có khả năng ‘đồng phận’ với anh chị em mình trong mọi giới hạn yếu đuối của kiếp người.

“Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã sai Con Một là Lời Chân Lý và sai Thánh Thần, Đấng thánh hoá muôn loài đến trần gian mặc khải cho chúng con biết mầu nhiệm cao vời của Chúa, xin cho chúng con hằng tuyên xưng đức tin chân thật là nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển.” Amen.

AP, 9.6.2017


GLHTCG, số 249: “Ngay từ buổi đầu, chân lý được mạc khải về Ba Ngôi Chí Thánh đã có trong những điều căn bản của đức tin sống động của Hội Thánh, chủ yếu qua bí tích Rửa Tội. Chân lý đó được diễn tả trong quy luật đức tin về phép Rửa, được công thức hoá trong việc rao giảng, trong việc dạy giáo lý và trong kinh nguyện của Hội Thánh. Người ta đã gặp những công thức như vậy trong các tác phẩm của các Tông Đồ, như lời chào sau đây làm chứng, lời chào này đã được sử dụng lại trong Thánh lễ: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em” (2 Cr 13,13).”

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com