Fr. Timothy Radcliffe, O.P.
Đêm nay chúng ta cử hành cuộc chiến thắng sự chết. Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Rôma: “Cũng như Đức Kitô đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha thế nào, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới ” (Rm 6, 4b). Sự chết không còn thống trị chúng ta nữa.
Nghe thì có vẻ tuyệt vời, nhưng nó có nghĩa là gì? Điều mà ai cũng biết chắc, đó là tất cả chúng ta sẽ phải chết. Nhưng chúng ta lại hoàn toàn không biết sẽ chết khi nào và chết cách nào. Vậy, cử hành sự Phục sinh đối với chúng ta có ý nghĩa gì? Có phải là một khi chấm dứt cuộc đời này, chúng ta sẽ đạt đến một cuộc sống khác, giống như là một cuộc đời nghỉ hưu, chấm dứt công việc và tận hưởng sự thoải mái, an nhàn? Có phải sự sống vĩnh cửu là bắt đầu sau khi chết không?
Đó không phải là cách tốt để hiểu cuộc chiến thắng sự chết của Đức Giêsu. Sự Phục Sinh không được mô tả trong Tin Mừng vì lẽ không thể mô tả. Nhưng các phụ nữ thì đã gặp Chúa Phục sinh, họ được nói cho biết lời hứa của Người trước khi chịu chết, giờ đây đã hoàn tất. Người sẽ đến Galilê trước họ và sẽ gặp các môn đệ ở đó. Mối tương quan giữa Đức Giêsu và các môn đệ được làm mới lại, đó là dấu chỉ cho sự phục sinh của Người. Thinh lặng của nấm mồ bị phá vỡ. Tình yêu trở nên sắt son gắn kết họ với Người.
Sự sống vĩnh cửu không phải là một sự sống khác sẽ bắt đầu sau khi chúng ta chết. Sự sống vĩnh cửu là tình yêu chúng ta dành cho Chúa, đã khởi đầu ngay từ bây giờ và sự chết không thể huỷ diệt. Đức Giêsu nói với cô Mácta trước khi gọi anh Ladarô ra khỏi mồ: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.” (Ga 11,25). Sự chết không thống trị chúng ta được bởi vì sự sống của chúng ta chính là mối tương quan của chúng ta với Đấng đã đánh bại sự chết.
Chết vẫn luôn là nỗi kinh hoàng, một sự biến mất mãi mãi. Hồng y Newman, trong thi phẩm The Dream of Gerontinus, mô tả chết là “sự phủ nhận phũ phàng và sự sụp đổ tất cả những gì làm cho tôi thành người.” Sự kiện đáng chú ý nhất gần đây là sự ra đi của Đức thánh cha Gioan Phaolô II. Ngài đã làm chứng cho niềm hy vọng khi đối diện với bệnh tật và cái chết, và rồi ngài cũng nhìn nhận rằng, chết là điều gì đó đáng sợ: “Chết trước hết là tan biến toàn bộ nhân cách con người về mặt tâm lý… sự dữ con người phải kinh qua trong cái chết có đặc tính toàn thể và dứt khoát.” Tuy nhiên, sự chết không phá vỡ được tương quan tình yêu của chúng ta với Đấng mang danh “Ta là Đấng Ta Là”.
Niềm tin Phục Sinh được chúng ta sống thế nào vào lúc này? Trước hết bởi vì chúng ta là những bạn hữu của Thiên Chúa, theo Tin Mừng Mátthêu, niềm tin Phục sinh của chúng ta được biểu lộ tiên vàn qua việc sống các Mối Phúc: Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì nước trời là của họ; Phúc cho ai hiền lành…; Phúc cho ai khao khát sự công chính…; Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch…; Phúc cho ai xây dựng hòa bình… Chúng ta không cố gắng sống các mối phúc để có được sự sống đời sau như một phần thưởng. Ngay bây giờ, các mối phúc ấy đang là sự khởi đầu của cuộc sống vĩnh cửu, tình bằng hữu vĩnh cửu rồi.
Thứ hai, chúng ta có thể đối diện với cái chết mà không khiếp đảm, sợ hãi. Saul Bellow, một tiểu thuyết gia người Mỹ nói rằng “phớt lờ cái chết là đang tự huỷ diệt mình”. Nó là mặt tối phía sau chiếc gương để phía trước vật gì cũng có thể nhìn thấy. Chúng ta giống như người đang rơi xuống từ tầng 50 của tòa nhà chọc trời. Khi anh ta rơi ngang qua tầng 15, một vài người bạn la lên, “Anh có ổn không? Anh ta đáp: “Đến giờ, mọi thứ đều ổn!”
Một cách nghịch lý, chúng ta cho thấy niềm tin của mình vào sự sống đời sau bằng cách sống tràn đầy giây phút hiện tại với niềm vui và sự quảng đại. Sự sống hiện tại phải được trân trọng và nâng niu bởi nó là quà tặng từ Đấng đang trao ban cho chúng ta tất cả mọi sự. Đối diện với cái chết, chúng ta được tự do để yêu thương, để cho đi sự sống của mình, tự do làm những điều đúng đắn. Trong bộ phim có tựa đề Of Gods and Men, kể về vụ sát hại cộng đoàn các thầy Xitô ở Algeria, một thầy lớn tuổi tên là Luke nói với vị tu viện trưởng rằng: “Con không sợ chết. Con là một người tự do.”
Mừng Chúa Phục sinh!
[Bài giảng Lễ Phục Sinh 2011 được đăng trên http://torch.op.org/torch/enduring-love. Đức Minh chuyễn ngữ ]