Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2, 1-12
Bài Tin Mừng của thánh Mátthêu kể lại cho chúng ta câu truyện các nhà chiêm tinh đi tìm vị Vua Do Thái mới sinh. Từ nơi xa xôi, các ông tìm đến Giêrusalem để hỏi han tin tức:
“Đức Vua dân Do thái mới sinh hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông nên chúng tôi đến bái lạy người.”
Câu chuyện dường như không mang tính lịch sử. Làm sao thánh Mátthêu biết được câu chuyện này? Phải chăng thánh Giuse kể lại? Chắc là không, vì trong Tin Mừng, thánh Giuse chẳng bao giờ lên tiếng. Hay Mátthêu nghe được câu chuyện từ Đức Mẹ? Nếu Đức Mẹ kể lại, thì tại sao thánh Gioan, là môn đề gần gũi với Đức Mẹ hơn hết lại không biết để thuật lại trong Tin Mừng của Ngài?
Thêm nữa, tại sao các nhà chiêm tinh lại phải đến bái lạy Vua dân Do Thái mới sinh? Dân Do Thái lúc bấy giờ chỉ là một dân tộc nhỏ bé, nằm dưới sự cai trị của đế quốc Rôma. Một dân tộc mất độc lập, thì làm gì có một vị vua đúng nghĩa.
Vậy thì, ta phải đặt câu hỏi theo hướng khác: Tác giả Tin Mừng Mátthêu muốn truyền đạt sứ điệp gì qua câu chuyện Các nhà chiêm tinh tìm đến Bêlem?
Cần phải trở lại với bài đọc thứ nhất, ta mới có thể nắm bắt được ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay. Dân Israel trở về sau cuộc lưu đày ở Babylon và chứng kiến khung cảnh hoàng tàn của Giêrusalem. Ngôn sứ Isaia củng cố niềm hy vọng cho dân bằng những lời sấm về một tương lai huy hoàng của Israel.
“Kìa bóng tối bao trùm mặt đất và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Đức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi.”
Suốt nhiều thế kỷ người Do Thái mong chờ lời sấm của vị ngôn sứ được ứng nghiệm, nhất là khi Israel đang phải chịu sự đô hộ của đế quốc Rôma.
Thật ra, những lời của ngôn sứ Isaia không nhằm vào một cuộc giải phóng chính trị cho Israel, nhưng là loan báo về thời cứu thế khi vị vua của toàn thể vũ trụ xuất hiện. Chúa cứu thế giáng sinh, kỷ nguyên cứu độ được mở ra không chỉ cho Israel mà cho muôn dân tộc. Với câu chuyện các nhà chiêm tinh tìm đến Bêlem, thánh Mátthêu chỉ cho ta thấy lời của ngôn sứ Isaia giờ đây đã ứng nghiệm.
Ta nhận thấy các nhân vật trong câu chuyện – các nhà chiêm tinh, vua Hêrôđê, các thượng tế và luật sĩ – có những phản ứng khác nhau trước tin vị Vua sinh ra.
1. Trước hết, các nhà chiêm tinh. Họ không thuộc về Dân Chúa, họ không được biết Thiên Chúa nhờ mạc khải. Nhưng qua dấu chỉ “một vì sao xuất hiện,” họ cùng nhau can đảm lên đường tiến về nơi họ hy vọng sẽ gặp được Ánh Sáng. Lên đường cho cuộc hành trình có nghĩa là phải từ bỏ một cuộc sống quen thuộc, chia tay gia đình, người thân và bước vào chuỗi ngày đầy gian nan thử thách. Lòng khát khao đi tìm Ánh Sáng đã dẫn đưa các nhà chiêm tinh đến nơi Hài Nhi giáng sinh.
Các nhà chiêm tinh còn được gọi là các hiền sĩ, tức là những người khôn ngoan. Vì sao họ được coi là khôn ngoan ? Vì họ là những người biết đặt những câu hỏi quan trọng cho cuộc sống, họ băn khoăn tìm kiếm những giá trị đích thực cho cuộc đời. Họ được gọi là khôn ngoan, vì họ dám dấn thân bỏ hết mọi sự để mạo hiểm lên đường đi tìm câu trả lời, đúng hơn đi tìm Đấng có thể soi sáng và ban tặng cho họ ý nghĩa cuộc đời. Các nhà chiêm tinh đã gặp thấy Hài Nhi Giêsu, vị Vua có khả năng làm thoả mãn khát vọng của họ.
2. Kế đến, vua Hêrôđê cũng có một vị trí đáng kể trong câu chuyện. Vì tính đa nghi và lo sợ bị mất ngai vàng, ông xem Vua Do Thái mới sinh như một sự đe dọa cần phải diệt trừ. Có thể ta phải tự thú rằng, trong cuộc sống nhiều khi ta cũng hành động tựa như vua Hêrôđê, tức là tìm cách loại bỏ Chúa sang một bên hoặc nhắm mắt làm ngơ, bởi vì giáo huấn của Người chất vấn và làm cho lương tâm của ta bất an. Người đòi ta làm nhiều điều ta không muốn.
3. Cuối cùng, các thượng tế và luật sĩ cũng có mặt trong câu chuyện. Họ là những bậc vị vọng trong dân. Họ nắm giữ Lề luật và hiểu biết Sách Thánh, nhưng lại không dấn thân thực hành. Khi được hỏi, họ biết rõ nơi vị Vua sinh ra, nhưng bàng quan với việc đến Belem thờ lạy. Rất có thể môi trường đời tu cũng tạo cho ta một cung cách sống tượng tự như thế. Hằng ngày ta tiếp xúc với Lời Chúa, giải thích Lời Chúa rất hay, nói Lời Chúa rất giỏi, nhưng ta lại giữ một khoảng cách rất xa với việc thực hành.
* * *
Như các hiền sĩ phương Đông, ta cũng hãy là những người khôn ngoan, luôn biết đặt những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời, rồi can đảm từ bỏ quá khứ để lên đường đi tìm Đấng có thể ban cho cuộc đời chúng ta một ý nghĩa đích thực. Các nhà hiền sĩ sau khi đã gặp gỡ và bái lạy vị Vua mới sinh, họ đã đi qua đường khác mà trở về xứ sở của mình. Nhờ cuộc gặp gỡ Đấng Khôn Ngoan, họ không trở về con đường xưa cũ nữa, cuộc đời họ đã rẽ sang một ngã khác.
Hy vọng lễ Hiển Linh hôm nay giúp mỗi người chúng ta lên đường. Hy vọng anh em sẽ xác định cho mình một ngã rẻ cuộc đời, và can đảm dấn thân theo đuổi con đường của Đức Kitô bằng tất cả nghị lực và nhiệt thành của tuổi trẻ.