Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,15-21
Hôm nay, Giáo hội mừng lễ Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, đồng thời cũng dành ngày đầu năm dương lịch để cầu nguyện cho hoà bình thế giới.
Bài Tin Mừng Luca hôm nay là phần tiếp nối câu chuyện chúng ta đã nghe vào Lễ Đêm Giáng Sinh. Khi được các thiên sứ loan báo tin vui, các mục đồng thức đêm canh giữ đàn vật, đã hối hả lên đường đến Bêlem. Những con người đơn sơ, khiêm tốn ấy đã gặp thấy gì? Thánh Luca cho biết họ đã “gặp bà Maria, ông Giuse và Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16).Hài Nhi Giêsu sinh hạ trong một hoàn cảnh đơn sơ nghèo hèn, lặng lẽ âm thầm, không hoa đèn sáng rực, không lung linh sắc màu, không những tràng vỗ tay, không quà cáp chúc mừng, không hàng xóm chung vui, v.v.., chỉ có Đức Maria, thánh Giuse và các mục đồng âm thầm hiện diện.
Đọc những câu chuyện về cuộc đời của các vĩ nhân, hồi ký của các nhân vật nổi tiếng và cả tiểu sử của các vị thánh nữa, có lẽ người ta cũng chưa bắt gặp cuộc đời của ai đó được sinh ra trong một hoàn cảnh như Hài Nhi Giêsu.
Người ta có thể tự hỏi rằng, một Hài Nhi sinh ra nhỏ bé, âm thầm, không một chút sức mạnh, không quyền lực, không vị thế xã hội thì làm sao có thể mang hoà bình đến cho nhân loại! Khi Hài Nhi Giêsu giáng sinh, đạo binh các thiên thần đồng tiếng tung hô: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2,14) Liệu lời loan báo tin vui này có hiện thực không? Một hài nhi nhỏ bé sẽ trở nên Đấng Cứu Thế của muôn dân hay sao?
Quả thật, nếu cứ dùng tiêu chuẩn thế gian, con mắt người đời để đánh giá biến cố Giáng Sinh này, thì người ta không thể hiểu được đường lối của Thiên Chúa, không thể nhận ra đâu là quyền năng của Người xuyên qua những dấu chỉ nhỏ bé, khiêm tốn.
– Khi con người thích tìm kiếm địa vị và danh giá, thì Thiên Chúa cao sang lại chọn trở nên yếu đuối dưới hình hài của một trẻ thơ sinh hạ nơi máng cỏ.
– Khi con người đòi phải có sự công bình “mắt đền mắt, răng đền răng”, đối xử với nhau theo cách “ăn miếng trả miếng”, thì Thiên Chúa lại không chấp cứ sự phản bội của nhân loại. Người có thể tha thứ vô điều kiện, miễn là con người biết mở lòng đón nhận nhận tình yêu.
– Khi con người chỉ muốn dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn và khuất phục đối phương bằng sức mạnh vũ khí, thì Thiên Chúa chấp nhận chịu sỉ nhục và chết trên thập giá hầu mang lại sự hoà giải và bình an cho nhân loại.
Lần giở những trang Tin Mừng về cuộc đời của Đức Giêsu, người ta có thể thấy quyền năng và vinh quang Thiên Chúa lại luôn được biểu lộ xuyên qua những gì dưới mắt thế gian là hèn kém và yếu đuối.
– Một Trẻ thơ khiêm hạ sinh ra trong máng cỏ, nhưng lại có sức mạnh làm rúng động tâm trí bạo chúa Hêrôđê. Lo sợ mất ngai vàng, ông vua đầy quyền lực ấy đã ra lệnh sát hại bao hài nhi vô tội (x. Mt 2,13-18). Sự thánh thiện của một trẻ thơ đã làm cho lương tâm của kẻ làm điều ác run sợ và bất an.
– Một Đấng Mêsia không quyền lực và vũ khí để khôi phục vương quốc Israel như nhiều người mong đợi, lại có thể làm cho “người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5).
– Một vị Ráp-bi “không có chỗ tựa đầu”, lại có sức cuốn hút nhiều người đi theo làm môn đệ và còn nói với họ rằng: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi… Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 29-30).
– Một vị Ngôn Sứ không xuất thân từ hàng ngũ Kinh sư, không thuộc hàng Tư tế, nhưng lại có thể “giảng dạy như Đấng có thẩm quyền” (Mc 1,22), huấn dụ kẻ tội lỗi với lòng từ tâm: “Chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11), và ban ơn tha thứ bằng thẩm quyền của Thiên Chúa: “Này anh, anh đã được tha tội rồi” (Lc 5,20).
– Một Đức Giêsu bị điệu đến trước toà án Rôma như một phạm nhân, nhưng lạ lùng thay, con người xem ra yếu đuối ấy, đã khiến cho tổng trấn Philatô đứng ngồi không yên khi xử án. Lương tâm của Philatô bị đánh động và cắn rứt khôn nguôi, vì sự dữ ông sắp làm là kết án một con người vô tội.
– Một Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, xem ra hoàn toàn bất lực trước sự dữ đang thống trị, một người tỏ ra như “không cứu nổi mình,” lại có thể nói những lời đầy hy vọng với tên gian phi ở bên hữu rằng: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).
– Và nhất là, Đấng là Thiên Chúa thật và là người người thật, bằng dấu chỉ hữu hình rất khiêm tốn – hình bánh và hình rượu, vẫn không ngừng hoạt động trong Hội thánh, để ơn cứu độ phát xuất từ Thập giá tiếp tục được trao ban cho nhân loại.
Đấng Cứu Thế xuất hiện trong hình hài và tư thế của một trẻ thơ trong ngày Giáng sinh, là khởi đầu cho cuộc chiến thắng của Thiên Chúa trước quyền lực của tội lỗi và sự chết. Cuộc chiến thắng biểu dương uy quyền của Thiên Chúa được thực hiện bằng sức mạnh của sự khiêm hạ, tha thứ, trao ban và phục vụ của Đức Kitô, từ khi Ngôi Lời nhập thể và tiếp tục cho đến hôm nay trong bí tích Thánh Thể.
Giáo hội được Đức Kitô trao cho sứ mạng tiếp tục sứ mạng của Người, là làm cho cuộc chiến thắng của Thiên Chúa được lan toả cũng bằng chính cách thế Đức Kitô đã thực hiện. Chỉ khi Giáo hội thực sự hiện diện một cách khiêm tốn, thì lời rao giảng của Giáo hội về Đức Kitô mới có sức thuyết phục và làm hoán cải tâm hồn con người.
Chỉ khi trở nên đơn sơ như các mục đồng, người ta mới có thể nhận ra sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa xuyên qua những dấu chỉ nhỏ bé nhất – một trẻ thơ chào đời. Bình an chỉ đến với những ai thiện tâm, tức trở nên khiêm tốn trong tâm hồn để nhận biết thánh ý Thiên Chúa.
– Đức Maria và cả thánh Giuse đã ghi nhớ và suy nhiệm mầu nhiệm Con Chúa giáng sinh trong thinh lặng. Đó là con đường đưa các ngài gặp gỡ sự bình an đích thực dù phải đối diện với bao bất trắc và sóng gió trong cuộc sống.
– Cụ già Simêon và cụ già Anna suốt cuộc đời khiêm tốn phục vụ trong Đền thờ, các ngài đã mãn nguyện vì được thấy Đấng Cứu Thế, nguồn bình an đích thực của đời mình.
– Các tông đồ trong sự khiêm tốn, đã đáp lại tiếng gọi của Đức Giêsu, trở nên môn đệ của Người, để rồi các ngài được Chúa biến đổi trở nên những nhân chứng loan báo Tin Mừng bình an của Chúa cho mọi người.
– Tên trộm lành khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình: “chúng ta chịu thế này là đích đáng.” Vào thời khắc bi đát nhất của cuộc đời, với một lời khiêm tốn nài xin ơn giải thoát, anh đã đạt được ước nguyện: ra đi trong bình an, để ở trên thiên đàng.
* * *
Lạy Ngôi Lời Nhập Thể, chính vì sự sống của con người mà Chúa đã đến thế gian này. Xưa kia Chúa đã sinh trong máng cỏ đơn sơ nghèo hèn, để hôm nay chúng con được sinh ra trong ơn cứu độ, được giàu sang trong ơn thánh. Xin làm cho cuộc đời của chúng con được bừng sáng lên trong niềm hân hoan giáng sinh và trong muôn ơn lành của Chúa.
“Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.” Xin hoán cải tâm hồn chúng con, để chúng con có thể khiêm tốn, nhận biết và đi theo đường lối giáo huấn của Ngài, bằng cách đó chúng con gặp được bình an trong tâm hồn.
Lay Ngôi Lời Nhập Thể, xin làm cho chúng con nên những chứng nhân loan báo và kiến tạo bình an bằng chính đời sống khiêm tốn, phục vụ trong đức ái. Amen.