Is 62:11-12 ; Tt 3:4-7 ; Lc 2:15-20
Không biết từ khi nào, con người đã biết mừng sinh nhật của mình. Đối với nhiều người, sinh nhật là một ngày quan trọng và nhiều niềm vui. Trong ngày đó, chúng ta được những người thân trong gia đình nhớ đến, được cộng đoàn cầu nguyện, được bạn bè gửi thiệp, gửi quà với những lời chúc sinh nhật nồng ấm và ý nghĩa.
Thế nhưng, niềm vui sinh nhật dù rộn rã đến mấy, vẫn luôn phảng phất một nỗi âu lo, nhất là đối với những người đã bắt đầu có hai thứ tóc, âu lo vì “cái già sồng sộc nó thì theo sau.” Vì, mừng sinh nhật có nghĩa là đã già thêm một tuổi và như thế ta tiến gần thêm đến cái chết. Văn hào Anh – William Shakespeare nói: “chúng ta sinh ra để chết.” Đó là một thực tế không ai có thể phủ nhận hoặc trốn chạy. Quả thật, niềm vui sinh nhật dù có ánh đèn rực sáng, dù có mân cao cỗ đầy, dù có muôn vàn lời chúc tụng, thì cũng sẽ không bao giờ trọn vẹn, khi cái chết luôn là một sự đe doạ.
Hôm nay, các Kitô hữu khắp nơi, và cả những người không cùng niềm tin với chúng ta, hân hoan mừng sinh nhật của Đấng Cứu Thế. Là Ngôi Hai Thiên Chúa, Người được Chúa Cha sinh ra từ trước muôn đời, trước khi có thời gian, và tồn tại muôn đời. Trong bản tính Thiên Chúa, Ngôi Lời không có ngày sinh và cũng chẳng có ngày chết.
Thế nhưng khi hạ sinh làm người, Ngôi Lời Thiên Chúa, đã để cho sự hiện hữu vô biên, hằng hữu của mình bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Trong bản tính nhân loại, Hài Nhi Giêsu đã được sinh hạ bởi Đức Trinh Nữ Maria, tại Bêlem, thành của vua Đavít, vào thời vua Hêrôđê. Rồi 33 năm sau, người thanh niên Giêsu cũng đã chết, đã kết thúc cuộc đời trần thế trên đồi Canvê thời Phongxiô Philatô.
Ngôi Lời Thiên Chúa sinh ra làm người, rồi Người cũng đã chết như một con người. Ai đã chết rồi, thì đâu còn mừng sinh nhật làm gì nữa! Thế nhưng, gần 2000 năm Giáo hội mừng Lễ Sinh Nhật của Con Chúa. Vậy, việc mừng Lễ Giáng Sinh quan trọng gì đối với chúng ta?
Việc sinh hạ của Ngôi Lời vào trần gian sẽ không ý nghĩa gì với nhân loại, trừ phi việc sinh hạ ấy cho ta một sự sinh hạ khác. Mỗi Kitô hữu, như mọi người đều có ngày sinh nhật của mình, được cha mẹ sinh ra; sự sinh ra ấy sẽ đưa chúng ta đến cái chết. Nhưng khi được “sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,6), thì sự sinh ra lần thứ hai này lại dẫn chúng ta đến đời sống vĩnh cửu. Thánh Phaolô nói với chúng ta về ý nghĩa của cuộc sinh ra lần thứ hai này trong thư gửi cho ông Titô:
“Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Kitô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời như chúng ta vẫn hy vọng” (Tt 3,6-7).
Như thế, người Kitô hữu có cuộc sinh hạ thứ hai này là do cuộc sinh hạ của Ngôi Lời vĩnh cửu. Người là Đấng Cứu độ cho trần gian, như lời thần sứ loan báo tin vui cho các mục đồng: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đạfi, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc 2,10-11).
Hôm nay, chúng ta mừng sinh nhật Đấng Cứu Thế, “Người vốn được sinh ra trước mọi thời gian, nay bắt đầu hiện hữu trong thời gian.”1 Đấng hằng sống đã mặc lấy thân phận phải chết. Đấng quyền năng vô biên đã xuất hiện dưới hình hài một trẻ thơ yếu đuối, mỏng giòn.
– Hôm nay, chúng ta mừng sinh nhật của Đấng làm người để phục hồi phẩm giá con người, như thánh giáo phụ Irênê đã nói: “Người đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở thành như Người.”
– Hôm nay, chúng ta mừng Sinh nhật của Đấng đã đến cứu chuộc chúng ta “nhờ phép rửa ban ơn tái sinh” và đổi mới chúng ta bằng Thánh Thần. Thánh Phaolô đã nói như thế với chúng ta trong bài đọc thứ hai.
Như thế, mừng sinh nhật Chúa Cứu Thế cũng chính là mừng sinh nhật của toàn thể nhân loại, sinh nhật của mỗi chúng ta.
– Hôm nay, ngày Con Thiên Chúa chào đời, cũng chính là ngày toàn thể nhân loại được sinh ra trong hồng ân cứu độ, được đón nhận một sự sống khác, được ban tặng sự sống viên mãn, nhờ tình thương cứu độ nhưng không của Thiên Chúa, như lời của thánh Phaolô nói: “Không phải vì chúng ta đã làm những việc công chính, mà là vì Người thương xót” (Tt 3,5)
– Hôm nay, Sinh nhật Chúa Cứu Thế đã mang lại cho chúng ta một lễ sinh nhật khác, chúng ta được sinh ra trong Chúa. Lễ mừng sinh nhật này không còn lệ thuộc vào nhịp điệu của thời gian, của chu kỳ mỗi năm; nhưng là từng thời khắc, từng phút giây, từng ngày, chúng ta cử hành lễ mừng sinh nhật cứu độ của cuộc đời mình. Một lát nữa đây chúng ta sẽ cùng với Hội thánh cất lời reo vui tạ ơn trong Kinh Tiền Tụng:
Nhờ Người mà hôm nay đã bừng sáng lên cuộc trao đổi làm cho chúng con được đổi mới. Vì khi Ngôi Lời của Chúa mặc lấy thân phận mỏng dòn của chúng con, thì loài người phải chết, không những được hưởng vinh dự vĩnh cửu, mà nhờ việc tham dự kỳ diệu ấy, Chúa còn cho chúng con được sống muôn đời.2
Mỗi năm khi mừng lễ Sinh Nhật của Đấng Cứu Thế, chúng ta lại càng có lý do để mừng sinh nhật của đời mình. Chúng ta được sinh ra không để chết, nhưng để được sống trong Chúa ở đời này. Và mỗi năm khi mừng sinh nhật của đời mình, chúng ta đã thêm một tuổi và dần tiến đến cái chết ở trần gian này, nhưng ngày sinh nhật của cuộc sống vĩnh cửu trên trời lại càng gần hơn.
* * *
Lạy Chúa, chính vì sự sống của con người mà Chúa đã đến thế gian này. Xưa kia Chúa đã sinh ra. trong máng cỏ, để ngày nay chúng con được sinh ra trong ơn cứu độ. Xin Chúa làm cho cuộc đời của chúng con được bừng sáng lên trong hân hoan. Và mỗi ngày khi sống cuộc đời có Chúa, chúng con hân hoan bước đi trong cuộc đời này vì hy vọng sẽ được Chúa đưa dẫn vào cuộc sống đời đời mai sau. Amen.